Tâm Linh Trưởng Thành, 21

Rôma 10:17

Sau khi học những bài về đức tin năng động, nhiều con cái Chúa đầy lòng tin cậy, hăm hở tập luyện vận dụng đức tin để đối phó với các hoàn cảnh khó khăn. Tín hữu sẽ hết sức hoan hỉ khi lấy đức tin nhân danh Đức Chúa Jesus dùng lời nói công bố, rồi thấy quyền phép Chúa được thể hiện. Nhất là khi thấy bệnh hoạn, tật nguyền được Chúa chữa lành trước mắt mọi người.

Tuy vậy, nhiều lúc họ không hiểu lý do gì khiến lời công bố bằng đức tin vững chắc có hiệu quả trước đó, lại chẳng đem đến kết quả gì trong các hoàn cảnh tương tự. Lúc ấy đức tin bị lung lay, lòng thì hoang mang, bối rối và thất vọng. Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta không tìm được nguyên nhân để giải thích cho loại thắc mắc dễ gây ra sự ngã lòng cho rất nhiều con cái của Chúa.

Những thất bại giống như vậy đã làm nhiều người đang còn non trẻ trong đức tin không theo Chúa nữa. Nhất là những lần có sự kiện bi thảm xảy ra do những anh chị em tín hữu áp dụng các gương đức tin trong Kinh-thánh, mà không biết họ đã ứng dụng một cách sai lầm, do chưa thấu hiểu các nguyên tắc áp dụng lời Kinh-thánh. Các trường hợp như vậy đã khiến thế gian cười nhạo và bêu riếu lòng tin, mà họ cho là mê tín, của nhiều anh chị em chúng ta.

Ví dụ một tín đồ ở Đài Loan sau khi đọc chuyện Daniel bị ném vào hang sư tử mà vẫn sống sót, thì nhảy vào chuồng sư tử ở sở thú, nên bị con thú vồ chết. Hoặc có vị mục sư từng cầu nguyện cho người bệnh được Chúa chữa lành; nhưng thất bại trước mắt đám đông đối với bệnh nhân có bệnh tương tự. Điều đó khiến lòng của những tín hữu tin chắc vào quyền phép Chúa rất trăn trở.

Vậy, vì lý do nào mà các lời công bố bởi đức tin vững chắc của con cái Chúa chẳng có hiệu quả gì hết? – Sau khi được Đức Thánh Linh dạy dỗ, MS Yonggi Cho đã chia sẻ sự hiểu biết cực kỳ quan trọng mà con cái Chúa cần phải hiểu tận tường, để không bị ngã lòng khi đứng trước những lần thất bại trong việc phục vụ Chúa. Sự hiểu biết ấy như thế nào?

Khi đọc Lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, chúng ta phải biết phân biệt sự khác nhau giữa 1. Lời Chúa đem tới sự hiểu biết tổng quát về Đức Chúa Trời, với 2. Lời Chúa dùng để truyền đức tin vào lòng người tin trong cảnh ngộ cụ thể nào đó. Nghĩa là phải biết phân ra hai loại Lời Chúa: Loại thứ nhất đem đến sự hiểu biết; loại thứ nhì đem đức tin chuyển đồi, dời núi tới cho người tin.

Tiếng Hy-lạp trong Kinh-thánh Tân Ước dùng hai từ ngữ khác nhau để diễn đạt hai thứ lời ấy là: Logos (lô-gốt) và Rhema (rê-ma). Chúng có nghĩa như thế nào? Nói vắn tắt, Logos là Lời thành văn, hay Lời Đức Chúa Trời đã phán, tức là Lời chép trong Kinh-thánh. Ví dụ, Đức Chúa Trời tạo dựng thế gian bằng Logos. Còn Rhema là Lời Chúa phán trực tiếp cho một người nào đó, trong một thời điểm cụ thể về một việc cụ thể. Hãy lấy Mathiơ 14:22-29 làm ví dụ giải thích điều nầy.

Trong chuyện nầy, Đức Chúa Jesus là Ngôi Lời từ Đức Chúa Trời, là Tư-tưởng và Lời-phán của Đức Chúa Trời, thì Ngài chính là Logos. Nhưng khi Đức Chúa Jesus phán với Phi-e-rơ “Hãy lại đây,” thì đó là Rhema cho Phi-e-rơ, khiến ông có thể đi trên mặt nước.

Chúng ta có thể lấy ví dụ khác là thì văn phạm của động từ để phân biệt: Logos là ‘lời Đức Chúa Trời đã phán,‘ còn rhema là ‘lời Đức Chúa Trời đang phán.‘ Chỉ có rhema mới đem đức tin đến, còn tự logos không tạo nên đức tin. Hễ khi nào Đức Thánh Linh dùng logos, tức là một câu trong Kinh-thánh để phán với ai, thì câu ấy trở nên sống động thành rhema tạo đức tin cho người đó.

Rôma 10:17 nói rằng “đức tin đến từ những điều người ta nghe, mà người ta nghe là khi lời của Đức Chúa Trời (Đấng Christ) được rao giảng.” Chữ ‘lời‘ trong câu nầy là ‘rhema,’ không phải là ‘logos.’ Có nghĩa là đức tin đến khi chúng ta nghe ‘rhema‘ từ Chúa phán cho riêng mình.

Ví dụ khi chúng ta xem Kinh-thánh hay nghe giảng, hoặc đọc một bài nào đó, nếu mình cảm nhận một cách rõ ràng là lời ấy đang phán cho mình, thì lúc ấy hoặc là Đức Thánh Linh lấy logos làm thành rhema sống động cho ta, hoặc là Ngài đang dùng người, bài văn hay lời giảng nào đó phán với ta, thì đó là rhema đem đức tin đến cho ta. Logos giúp chúng ta biết về Đức Chúa Trời và gia tăng sự hiểu biết thêm về Ngài. Nhưng logos không luôn luôn trở thành rhema.

Trong lúc nghiên cứu, học Kinh-thánh, chỉ khi nào Đức Thánh Linh làm sống động trong lòng ta một hay nhiều câu Kinh-thánh, làm chúng bùng cháy trong tâm linh để chúng ta biết rằng những lời đó áp dụng trực tiếp cho cảnh ngộ của mình, thì lúc đó logos trở thành rhema cho chúng ta vậy.

Vì thế, rất nhiều tín hữu buồn rầu và ngã lòng vì tin các lời chép trong Kinh-thánh rồi hăng hái áp dụng chúng cho cảnh ngộ thực tế nhưng chẳng hiểu rằng họ chỉ áp dụng logos một cách máy móc, trong khi logos ấy chưa thành rhema cho họ. Mà khi logos chưa phải là rhema Chúa phán hứa cho mình, thì điều mình mong ước hoặc tưởng rằng chắc chắn sẽ xảy ra, lại chẳng thấy đâu cả.

Mọi người đều có thể đọc và biết logos; nhưng không phải ai cũng nhận được rhema. Rhema được ban cho người đọc Kinh Thánh trong tinh thần chờ đợi Chúa, tới chừng Đức Thánh Linh làm cho logos sống động trở thành rhema, vì Ngài muốn dùng logos ấy phán với người đang chờ đợi Ngài.

Vì vậy, nếu chúng ta xem Kinh-thánh mà không dành thì giờ chờ đợi Chúa, làm sao Ngài khiến lời Kinh-thánh cần thiết trở thành sống động trong lòng ta được? Chính vì thế nhiều tín hữu cứ áp dụng logos một cách máy móc mà chẳng thấy phép lạ đầy quyền năng của Đức Chúa Trời thi thố, nên nghi ngờ quyền phép của Ngài, rồi kết luận: “Ngày nay Chúa không còn làm phép lạ nữa. Nó chỉ có trong quá khứ và sẽ có khi Chúa trở lại.

Những ai đến Hội-thánh để thờ phượng Chúa như một bổn phận, lơ đãng nghe bài giảng mà chẳng phải nghe trong tinh thần chờ đợi Chúa phán với mình, thì chỉ nghe logos chứ chưa nhận rhema; vì vậy, họ không nhận được đức tin cần thiết để giải quyết những nan đề của mình. Họ có thể hiểu Kinh-thánh nhiều hơn, nhưng các nan đề cũng gia tăng theo. Họ sẽ nản lòng, mất đức tin vì chẳng có gì mới cho tâm linh cả. Hội-thánh thì chẳng có quyền năng gì hết.

Nhà Chúa phải là nơi tín hữu tới thờ phượng và được nghe rhema từ Ngài phán trực tiếp cho mình; Hội Thánh không phải là nơi chỉ để hiểu biết thêm về Đức Chúa Trời; nhưng phải là nơi biết Ngài một cách sâu nhiệm và sống động hơn, sau khi tan buổi nhóm. Chúa vẫn luôn hiện diện giữa Hội-thánh Ngài; khi chúng ta đến thờ phượng với tấm lòng chân thành trông chờ sự thăm viếng của Chúa, thì Ngài sẽ dùng rhema phán với con dân Ngài để đem đức tin mạnh mẽ đến cho họ.

Đức Thánh Linh vẫn trông đợi con cái Chúa chịu tìm kiếm Ngài để Ngài có thể ban rhema khiến đức tin họ sống động mạnh mẽ. Chúa không muốn thấy chúng ta thụ động, nhẫn nại chờ hết buổi nhóm để ra về. Ngài muốn thấy con dân Ngài tiêu hoá logos mà họ nghe, để Ngài có thể ban rhema cho chúng ta.

Vì vậy, hãy thay đổi thái độ thờ phượng hờ hững. Hãy chờ đợi lời phán của Chúa trong tinh thần cầu nguyện. Hãy tích cực cầu xin Chúa ban rhema cho mình qua logos mà mình đã nghe. Hãy đến gần Chúa để Ngài có thể đến gần quý ông bà anh chị em (Gia-cơ 4:8).

Hãy trông chờ rhema Chúa sẽ ban cho mình. Chúa rất muốn phán rhema của Ngài cho chúng ta. Phần chúng ta là hãy sửa soạn lòng lúc nào cũng sẵn sàng đón nhận rhema để có đức tin mạnh mẽ.

TamLinhTruongThanh21.docx

Rev. Dr. CTB