Thử Nghiệm Đức Tin, bài 13

Mathi ơ 5:13–16

Một người biết chắc mình đã nhận được ơn cứu rỗi vì thấy rõ mình đã được tái sinh, thì nghĩ đến tương lai hư vong của những người thân quen với tâm trạng nung nấu. Vì không ai muốn thấy người thân yêu của mình sẽ bị trừng phạt ở hoả ngục, mà muốn tất cả đều được cứu.

Ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời chẳng những tuyệt vời cho tương lai của con cái Ngài, mà còn làm vô số người trở nên ích lợi cho láng giềng và người thân của mình, thay vì là nguồn gốc gây ra nhiều nan đề cho đời.

Nếu mỗi người chúng ta đã nhận biết nhu cầu mình được Chúa ban ơn cứu rỗi là quan trọng nhất, thì lời Đức Chúa Jesus xác định mỗi con cái Ngài phải là muối và sự sáng có nghĩa là mình phải tạo ảnh hưởng trên bất cứ ai tiếp xúc với mình. Nếu việc được cứu rỗi là nhu cầu quan trọng nhất đối với mọi người, thì sự cứu rỗi của người thân phải luôn nung nấu trong chúng ta.

Người ta có thể quan sát và nhận ra sự biến đổi mà Thánh Linh của Đức Chúa Trời tác động trên người họ từng quen biết. Nhưng đa số người thân quen đó không hiểu việc gì đã xảy ra nếu ta không nói cho họ biết nguyên nhân của sự biến đổi, hoặc tiến trình đó diễn ra như thế nào.

Nghĩa là chúng ta phải trình bày cho người thân của mình biết chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thì họ mới biết mà tiếp nhận. Khi Chúa đã làm cho chúng ta trở thành muối và ánh sáng thì Ngài không có ý định để chúng ta ở tình trạng tự cô lập và không ảnh hưởng gì trên người chung quanh, vì:

Không ai thắp đèn mà đặt dưới cái thùng, song đặt trên chân đèn để nó soi sáng mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng các con phải chiếu sáng trước mặt mọi người, để họ thấy những việc làm tốt đẹp của các con và ca ngợi Cha các con ở trên trời” (Mathi ơ 5:15-16).

Tuy nhiên, nếu chúng ta không biết thực hiện đúng cách và khéo léo, thì sẽ không có kết quả gì hết. Vì sự cứu người là một cuộc tranh chấp giữa con cái Chúa với các thế lực tối tăm, nên người muốn truyền giáo phải cầu nguyện chiến đấu, để vừa trói buộc kẻ thù trong linh giới, vừa cầu xin sự chỉ dẫn của Chúa, vừa giải thoát và giúp đỡ đối tượng mình muốn đem sự cứu rỗi đến.

Vậy, cầu nguyện là bí quyết thuận lợi nhất dẫn đến thành công. Chúng ta phải cầu nguyện như thế nào và cầu xin những gì?

Đầu tiên phải định mục tiêu, tức là quyết định chọn đối tượng trong số những người thân quen để giới thiệu ơn cứu rỗi. Nếu biết phân biệt năm loại thái độ đối với Tin Mừng, sự cầu nguyện ở giai đoạn nầy là xin Đức Thánh Linh mở mắt chúng ta chọn đúng người thuận lợi hơn hết.

Bài học kỳ trước đã bàn về vấn đề kết thân để tìm biết thái độ của người thân quen đối với Tin Mừng của Chúa, vì sự thân mật gần gũi giúp ta dễ biết tâm tình của họ.

Ai muốn làm con cái hữu ích của Chúa hãy lập quyết định dồn nỗ lực để giới thiệu phúc âm, thu phục, chỉ dẫn, dắt về Chúa cho bằng được một người trong một năm.

Những ai thấy mình có người thân quen thuộc đối tượng mục tiêu nhiều hơn, thì thay vì chỉ nhắm một người, sẽ nhắm hai hay ba người làm mục tiêu truyền giáo; nhiều hơn thì sẽ không có thì giờ, vì thế chỉ nên giới hạn tối đa là ba người trong một năm, vì sau khi thành công sẽ nhắm tới các mục tiêu khác trong các người thân quen.

Sau khi đã định được mục tiêu rồi thì thường xuyên cầu thay cho họ, mơ tưởng hình ảnh họ sẽ tiếp nhận ơn cứu rỗi. Giống như cha mẹ hình dung đứa con mình sẽ sinh ra trong tương lai vậy.

Cầu thay cho người thân quen, để giới thiệu ơn cứu độ, là hành động mở cửa thiên đàng cho người ấy vào. Cầu thay là đại diện cho người mà đến với Chúa cầu xin Ngài thương xót ban cơ hội; hãy cầu nguyện chiến đấu khi cầu thay để giải thoát thân hữu được tự do chọn sự sống.

Giai đoạn kế tiếp trong kế hoạch dẫn dắt người thân quen đến với Chúa là phải giao thiệp kết thân. Vì là người thân quen, nên sự mở cửa nhà mình tiếp đón họ trong tình thân mật không có gì trở ngại hay bất tiện.

Sự giao thiệp thân thiết sẽ giúp cho người thân quen dễ tiếp nhận Phúc Âm hơn là nói chuyện với một người xa lạ. Trong sự giao thiệp nầy tín hữu sẽ vì Chúa đến với người để trình bày tình yêu vô điều kiện của Đức Chúa Jesus Christ đối với mọi tội nhân.

Giữ tình thân với những người đang là mục tiêu hàng đầu để dẫn họ đến với Chúa cũng phải thận trọng trong mọi cách cư xử, giống như cha mẹ rất thận trọng nuôi đứa trẻ trong bụng chuẩn bị cho ngày sinh tương lai. Thái độ thân thiện sẽ làm gia tăng sự hiểu biết phúc âm trong lòng của người thân quen giống như bào thai lớn dần trong bụng mẹ. Phải để họ có đủ thời gian hiểu biết rõ ơn cứu rỗi.

Mục tiêu quan trọng nhất trong suốt tiến trình nầy là đưa người thân quen của mình đến gặp Chúa. Hãy giúp họ mở cửa lòng bằng cách giải đáp thoả đáng mọi thắc mắc nào vẫn đang cản trở người ấy tiến tới tiếp nhận Đức Chúa Jesus làm Vị Cứu Tinh của đời họ.

Giai đoạn giao thiệp mở cửa nhà là thời kỳ trang bị thuận lợi nhất để tạo mọi sự dễ dàng cho giai đoạn thân hữu lập quyết định. Giống như bào thai được chăm sóc kỹ lưỡng trong thời kỳ thai nghén thì lúc đứa trẻ ra đời sẽ thuận lợi và khoẻ mạnh.

Chúng ta cần nhớ rõ rằng sự tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời để được làm con cái thật của Ngài không phải là lễ nghi để theo một tôn giáo. Bởi vì người muốn theo đạo để có danh nghĩa là tín đồ của một giáo hội, thì không phải là người hiểu biết về ơn cứu độ của Chúa, cũng không biết gì nhiều về sự biến đổi của ơn tái sinh do Chúa ban cho.

Giống như một đứa trẻ ra đời lành lặn, khoẻ mạnh, không tật nguyền, tính tình bình thường, sẽ khiến cho mọi người chung quanh vui mừng. Cũng vậy, một người thật lòng tin Chúa là người không vướng các thứ khuyết tật tâm linh của người chỉ theo đạo mà đời sống chưa được đổi mới.

Vì thế các giai đoạn cầu thay, giao thiệp kết thân, tới lúc quyết định là vô cùng quan trọng để dẫn một linh hồn đến với Chúa.

Để có thể giúp cho người thân quen trở thành môn đồ thật của Chúa, chúng ta hãy tránh não trạng muốn thành tích được khen ngợi, mà chú trọng giới thiệu ơn cứu rỗi một cách kỹ càng cho đối tượng mình theo đuổi, để người đó mở cửa lòng ra tiếp nhận Chúa làm Chủ đời sống mình.

Đừng nghĩ rằng cầu nguyện cho mình và thân hữu là quan trọng chỉ trong ba giai đoạn trước; mà phải hiểu sự cầu nguyện luôn luôn cần thiết trong tất cả các giai đoạn truyền giáo. Bởi vì các thế lực tối tăm sẽ cản trở bằng mọi cách, nhất là giai đoạn quyết định tin Chúa.

Sau khi người, là mục tiêu giới thiệu phúc âm, đã mở lòng tiếp nhận Chúa rồi, thì chưa phải đã xong nhiệm vụ. Giống như một con trẻ sơ sinh cần được cha mẹ nhẫn nại chăm sóc và bảo vệ, thì người mới tiếp nhận Chúa, còn ấu trĩ trong đức tin, cần phải được chăm sóc nuôi dưỡng trong một môi trường thuộc linh lành mạnh của các nhóm nhỏ đã được huấn luyện và tổ chức chu đáo.

Ai dẫn được người thân quen mình đến với Chúa, thì cũng sẽ là người đỡ đầu thuộc linh để chăm sóc bạn mình cho tới khi người đó trưởng thành và có thể chăm sóc người mới. Đức Chúa Jesus từng cho các môn đồ Ngài biết: “Không phải các con đã chọn Ta, nhưng Ta đã chọn và bổ nhiệm các con, để các con đi, được kết quả, và quả của các con cứ còn mãi; để bất cứ điều gì các con nhân danh Ta cầu xin Cha thì Ngài ban cho các con” (Giăng 15:16).

Vì quả của chúng ta phải sinh thêm các thế hệ quả khác để quả của chúng ta cứ còn mãi, nên mọi người đều phải được đào tạo, rồi sẽ tham gia đào tạo người mới; đến lượt họ, các tân tín hữu là những cuộc đời đã được mở ra bước vào tương lai tươi sáng, sẽ tiếp tục cầu thay, mở mắt định mục tiêu truyền giáo, rồi thực hiện lại từng bước mà người đỡ đầu thuộc linh của mình đã hết sức kiên nhẫn thực hiện, để dẫn đưa nhiều người thân quen của mình vào Vương quốc của Đức Chúa Trời.

Còn những người đã làm xong nhiệm vụ sẽ tiếp tục định mục tiêu mới. Công cuộc dẫn đưa người đang bị hư vong đến với Chúa để nhận ơn cứu rỗi sẽ cứ tiếp diễn cho tới ngày Chúa trở lại thế gian để tiếp rước Hội thánh, hoặc khi chúng ta đã chạy xong cuộc đua ở thế gian, được Chúa đem về nhà Ngài, thì lúc đó công việc chúng ta mới được xem là hoàn tất.

Không một việc nào chúng ta có thể làm thuần thục nếu không thường xuyên tập luyện. Vậy hãy chịu khó ôn tập từ bài đầu. Nghiên cứu, nghiền ngẫm những điều mình phải làm, cũng dành thì giờ lập danh sách những người thân quen mà mình muốn dẫn đến sự cứu rỗi.

Các bài học tiếp theo sẽ chỉ dẫn các việc cần phải làm để biết sử dụng “Sách Sự Sống.”

ThuNghiemDucTin12.docx

Rev. Dr. CTB