Theo Dõi Tận Thế, bài 06

A-mốt 9:11–15

Sau khi nước Giu-đa bị Babylon thôn tính, xóa sổ và lưu đày từ hoàng tộc tới thứ dân qua xứ Babylon, tại nơi bị lưu đày, một thi nhân đã làm bài thơ thương nhớ Jerusalem (Thi Thiên 137:1–6). Nỗi ước ao của người Do-thái lưu vong nào còn nhớ tới nguồn gốc, đều hướng lòng về Jerusalem và Núi Đền thân yêu của họ. Vào thế kỷ 11 BC, Philistine, kẻ thù truyền kiếp của dân Do-thái, đã hủy phá Đền Thờ Tạm của Đức Chúa Trời ở Shiloh, Rương Giao Ước của Đức Chúa Trời bị họ cướp. Nhưng Rương ấy gieo rắc rất nhiều tai họa ở bất cứ nơi nào họ dời Rương tới, thì họ vội trả lại cho Israel. Rương được đặt tạm trong nhà của Abinadab ở Kirjath-Jearim vì chưa có Đền Thờ.

Rương Giao Ước đã nằm yên ở đó rất lâu; ít nhất là 40 năm trong thời Samuel làm thẩm phán, cộng thêm 40 năm thời vua Saul, rồi khoảng tám năm thời vua David, trước khi David rước Rương ấy về thành David, tức là thành cổ Jerusalem thời nay, có lúc được gọi là Đông Jerusalem; ông đặt Rương vào một cái lều mà ông đã dựng sẵn. Nơi đó trở thành Đền Thờ tạm để cử hành mọi lễ nghi thờ phượng Đức Chúa Trời. Sau khi David băng hà, thái tử Solomon lên ngôi và khởi sự xây cất Đền Thờ của Đức Chúa Trời. Lễ khánh thành Đền Thờ diễn ra vào khoảng năm 950 BC.

Tới năm 586 BC thì Đền Thờ bị thiêu đốt cùng với Jerusalem. Đối với người Do-thái thì Đền Thờ đồng nghĩa với quê hương Jerusalem của họ. Dù 70 năm sau, Zerubbabel được vua Cyrus cho xây dựng lại Đền Thờ; rồi vào năm 20 BC, Đền Thờ được Herod đại đế trùng tu rất nguy nga rộng lớn. Đền Thờ mà Đức Chúa Jesus ra vào, giảng dạy là vào thời nầy. Nhưng tới năm AD 70 thì nó bị tướng La-mã Titus thiêu hủy và san bằng. Đối với người Do-thái, ước mơ được trở lại Núi Đền, Thánh Địa của Do-thái-giáo, là niềm ao ước không nguôi, vì họ bị rời xa nó từ năm AD 135.

Họ vẫn chờ lời hứa trong Amos 9:11 được thực hiện. Mặc dù đã tái lập quốc gia và dân Do-thái ở khắp nơi trên thế giới đổ dồn về quê cha đất tổ lên con số triệu vào năm 1950 (Amos 9:14–15); tuy vậy, họ vẫn chưa được phép đặt chân tới Núi Đền đang bị quốc tế làm chủ, kể cả xứ Samaria khi xưa, bây giờ gọi là vùng Tây Ngạn. Trong các trận chiến tranh chống lại cuộc tấn công của Ai-cập thập niên 1950, mặc dù họ luôn thắng trận, nhưng họ vẫn giữ lời hứa với Kế Hoạch Phân Chia ranh giới của Liên Hiệp Quốc 1947, là họ không có chủ quyền tại Núi Đền và Jerusalem.

Người Do-thái theo Do-thái-giáo vẫn mong đợi lời hứa tiên tri của Đức Chúa Trời được thành tựu (Giê-rê-mi 31:8–10). Mặc dù họ bị lưu đày xa xứ gần hai ngàn năm, nhưng tâm khảm họ vẫn ghi khắc cái tên cố đô Jerusalem và chiến lũy Masada, bi hùng sử của các dũng sĩ Do-thái chống cự quân La-mã tới giờ cuối cùng; tất cả đã tự sát trước khi chiến lũy thất thủ. Bây giờ, người Do-thái đã trở lại, nhưng Jerusalem vẫn nằm trong tay ngoại bang. Giữa thập niên 1960 các chiến sĩ Do-thái đến thăm chiến lũy hoang phế Masada giữa sa mạc. Tại đây, dưới lớp cát nghìn thu, họ tìm thấy mảnh da sách Ezekiel, ngay chỗ nói về các bộ xương khô được sống lại (Ezekiel 37:11–14).

Chiến lũy Masada bị thất thủ sau khi Jerusalem bị thiêu hủy. Giờ đây, quân Do-thái đã trở lại làm chủ Masada; vậy, bao giờ họ sẽ phục hồi Jerusalem? Bài ca thương nhớ Jerusalem trở lại thôi thúc nước Do-thái trẻ tuổi mới phục hồi (Thi Thiên 137:1–6). Một nữ nhạc sĩ dựa vào cảm xúc của cô về các câu thơ nầy, nên sáng tác một bài ca mới tên là “Jerusalem bằng Vàng,” trình diễn lần đầu vào ngày 15 tháng 5, 1967. Bài hát bỗng nổi tiếng và được ưa chuộng khắp xứ Do-thái. Cùng lúc Israel đang sửa soạn mừng lễ độc lập lần thứ 19, tình báo Liên Bang Soviet xảo quyệt vu khống với tổng thống Ai-cập Gamal Abdel Nasser, rằng quân Israel đang sửa soạn tấn công Ai-cập.

Nasser vội mật đàm với Syria và Jordanie cùng tấn công Israel ba mặt: Bắc, Đông và Nam; Israel chắc chắn sẽ bị chết chìm ở Địa Trung Hải về hướng Tây. Nasser ra lệnh cho quân giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc phải rời khỏi Ai-cập, xé bỏ hiệp ước hoà bình ký năm 1957. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U-Thant, người Miến điện, vội đồng ý và ra lệnh cho quân Liên Hiệp Quốc rút đi. Nasser xua lực lượng hùng hậu vượt kênh Suez, tiến qua bán đảo Sinaii tới thẳng biên giới Israel. Ở mặt bắc, quân của Syria từ trên cao nguyên Golan ầm ầm pháo kích vùng Galilee của Do-thái. Ở mặt đông, quân Jordanie tiến qua chiếm giữ Jerusalem. Người Do-thái ở khắp thế giới khóc than rầu rĩ, tình hình hoàn toàn bi đát, vì cả thế giới đều đứng im không can thiệp.

Nhưng ngày 5 tháng 6, Israel bất ngờ oanh tạc các phi trường quân sự của địch, tất cả máy bay của đối phương đều bị đánh tan nát. Bộ binh Israel nhanh chóng tiến qua bán đảo Sinaii, trong ba ngày, họ nghiền nát quân Ai-cập; Ai-cập vội đầu hàng, quân Israel thần tốc tiến tới bờ kênh Suez. Nội trong một đêm quân nhảy dù Israel đánh chiếm toàn thể pháo đài quanh Jerusalem, quân Jordanie bỏ chạy về nước, quân Israel tiến vào Jerusalem, lần đầu tiên họ chiếm lại khu Đền Thờ cũ mà 1,900 năm trước họ đã từng làm chủ. Tướng độc nhãn Moshe Dayan phát biểu: “Chúng ta đã trở lại nơi chí thánh các nơi thánh của chúng ta, sẽ chẳng bao giờ rời bỏ nơi nầy nữa.

Sau đó quân Israel tấn công phòng tuyến bất khả xâm phạm của Syria là cao nguyên Golan. Họ bẻ gãy sức đề kháng của quân Syria, chọc thủng cả ba tuyến phòng thủ kiên cố của quân địch, tiến chiếm đỉnh núi Hermon, từ đó nhìn xuống thủ đô Damas của Syria chỉ có 20 dặm đường chim bay. Khi chiếm lại toàn cao nguyên Golan, họ đã trở lại vùng đất Galaát của tổ phụ họ đã sinh sống hơn 2,500 năm trước. Israel đang là tiểu nhược quốc đang đứng bên bờ vực bị tiêu diệt, bỗng thành một cường quốc quân sự sau trận chiến tranh sáu ngày ngắn ngủi. Những chiến thắng đó diễn ra trong năm hân hỉ thứ chín, vì tuyên ngôn Balfour công bố năm 1917 tới 1967 đã 50 năm.

Kể từ ngày bài ca Jerusalem bằng Vàng được công diễn tới ngày quân Israel tiến lên Núi Đền thì chưa được một tháng; thế mà quân lính Israel đã cùng nhau đồng ca bài hát họ mới học thuộc lòng. Khi người ta suy nghĩ về chiến thắng thần kỳ của Israel và biến cố họ chiếm lại Núi Đền, nơi bao thế hệ người Israel đều mơ ước được trở lại, thì thấy rằng có bàn tay Đức Chúa Trời can thiệp cách đặc biệt. Bởi vì nếu Jordanie không tham gia vào cuộc chiến tranh nầy, thì Israel chưa có cớ nào để đánh chiếm Jerusalem, đừng nói gì chiếm lại Núi Đền thiêng liêng của họ. Tại sao Jordanie dám đồng minh với Ai-cập và Syria, nhưng mới chạm súng với Israel thì đã vội vàng bỏ chạy?

Năm hân hỉ thứ chín 1967 đã trả lại Jerusalem và đất Galaát cho chủ cũ của nó là dân Israel của Đức Chúa Trời. Nhưng biến cố tiến vào Núi Đền và thành cổ Jerusalem mới đáng nói hơn cả. Theo luật năm hân hỉ thì người Israel phải “thổi tù và vang rền khắp xứ” (Lêviký 25:9). Vào ngày 7 tháng Sáu, 1947, một vị tuyên úy tên là Shlomo Goren tháp tùng quân nhảy dù Do-thái đang tiến đánh quân Jordanie ở Jerusalem. Vì quân Jordanie vội vàng chạy trốn hết về nước, quân nhảy dù Do-thái tiến vào chiếm Jerusalem. Lần đầu tiên sau hơn mười tám thế kỷ, người Do-thái lại đặt chân vào khu vực Núi Đền. Lúc ấy, tuyên úy Goren lấy tù và ra thổi vang rền và cứ tiếp tục thổi.

Hơn hai ngàn năm trôi qua, Jerusalem mới lại được nghe tiếng tù và vang rền vui mừng. Vì là năm thứ 50 kể từ 1917, cho nên, năm 1967 được kể là năm hân hỉ, khi chủ quyền vùng đất cố đô và Núi Đền thiêng liêng của tổ phụ lại trở về tay của người Israel. Tuyên úy Goren sinh năm 1917, ông vui mừng thổi tù và vang lừng khi ông vừa được 50 tuổi. Hai người Israel khác thuộc chi tộc Lêvi, cũng là dòng dõi trực tiếp của thầy tế lễ thượng phẩm Aaron khi xưa, đang cư ngụ ở vùng phụ cận bên ngoài Jerusalem, tên là David HaCohen và Yehuda Kook được xe quân sự nhỏ đến thông báo đã chiếm được Jerusalem và rước đem vào Núi Đền. Họ mừng đến nỗi không dám tin vào tai mình, ông HaCohen vội vã lên xe quên cả mang giày vào chân.

Israel đã chiếm lại Jerusalem và Núi Đền trong năm hân hỉ thứ chín. Họ đã trở lại Masada lấy mảnh da sách Ezekiel chép về đống hài cốt khô được Đức Chúa Trời làm cho sống lại. Ứng nghiệm kỳ diệu của lời tiên tri đã xảy ra (Ezekiel 37:11–13). Vậy, cả thế gian hãy biết và tin Đức Chúa Trời.

TheoDoiTanThe06.docx

Rev. Dr. CTB