Truyền Giáo Vững Vàng, bài 03
Châm Ngôn 31:10–31
Vai trò của người phụ nữ trong gia đình, nhất là người mẹ, là vô cùng quan trọng mà ít được quan tâm đúng mức trong các xã hội trọng nam khinh nữ. Xã hội Á-đông đặt nặng trọng trách xây dựng gia đình và dạy dỗ con cái lên vai người chồng, người cha trong nhà.
Nhưng trong thực tế thì khi con cái còn nhỏ, chúng chịu ảnh hưởng của người mẹ nhiều hơn cha; bởi vì vào thời kỳ thơ ấu chúng ở bên cạnh mẹ nhiều hơn nên gần gũi mẹ; tình mẹ lại hiền dịu thương yêu bảo bọc con, nên những đứa con nhỏ có thể chịu rời cha nhưng không thể xa mẹ.
Cũng vì lý do đó mà hễ đứa con nào phá phách, nhõng nhẽo, hay không làm vừa ý láng giềng, thì người mẹ bị lên án: “Con hư tại mẹ.” Ít khi nào người ta nói “Con hư tại cha!” Điều đó có lúc đúng, có lúc sai, tuỳ tính tình đứa trẻ, không phải lúc nào cũng hoàn toàn đúng hoặc sai.
Vì vai trò người mẹ quan trọng như vậy nên khi quan sát vấn đề theo cách nhìn của người tin Chúa, tánh tình riêng của người mẹ ảnh hưởng rất sâu đậm trên con cái. Ví dụ những đứa con lớn lên sẽ hay tranh cạnh nếu có người mẹ hay tranh cạnh, làm khổ tâm người sống chung nhà. (Châm ngôn 21:9) “Thà ở một góc trên mái nhà còn hơn là ở chung nhà với một người đàn bà hay tranh cạnh.”
Láng giềng chỉ cần quan sát cách cư xử và ăn nói của con cái, thì họ biết người mẹ đã dạy chúng cái gì. Tuy nhiên, vào ngày cả nước dành ra để tôn vinh các bà mẹ, chúng ta sẽ bàn về các phụ nữ tài đức qua quan điểm của Kinh Thánh: “Ai có thể tìm được một người nữ tài đức? Giá trị nàng trổi hơn châu ngọc” (10).
Theo quan điểm của người Do-thái về những người nữ tài đức thì mọi điều các bà suy nghĩ, toan tính và thực hiện đều phải làm những việc ích lợi cho gia đình. Một bà mẹ giỏi giang, khôn khéo và biết quán xuyến kinh tế gia đình, dù nhà ấy không được giàu có, vẫn được xem là quý hơn châu ngọc khi so với một gia đình giàu mà nuôi một bà vợ phá của.
Những lời mô tả tiếp theo về người nữ tài đức của gia đình Do-thái nầy cho thấy bà giúp cho nhà mình ngày càng giàu thêm bằng sự quan tâm tới mọi người, bằng tính siêng năng quên mình, bằng sự lo toan chu đáo tới mọi nhu cầu, và bằng tài năng kinh doanh xuất chúng.
Nhưng giá trị quan trọng nhất của người phụ nữ tài đức nầy là: “Miệng nàng nói năng khôn ngoan, lưỡi nàng khuyên dạy điều nhân ái” (26). Giá trị của một người nằm trong nhân cách của người đó. Trái lại, người ta tự huỷ hoại chính mình khi để cho cá tính cai trị mình trong sự đối xử với người khác ở trong chính gia đình mình. Người nữ tài đức thì ăn nói khôn ngoan và khuyên dạy điều nhân ái.
Bây giờ, chúng ta hãy thử đứng ở vị trí của những người đang được đồng ngồi với Đức Chúa Jesus trong linh giới của Ngài để quan sát những người nữ của Hội Thánh xem đã tiến bộ tới đâu trong đời sống đức tin và trong sự vâng lời Chúa của mình.
Có lẽ rất ít người dám hãnh diện thưa với Chúa rằng con đã vâng lời Chúa trong đời sống mỗi ngày; còn nếu được Đức Thánh Linh hỏi về chuyện đã làm được những gì để Phúc âm được loan truyền qua cách cư xử hàng ngày, thì số người vui mừng trình dâng lên Chúa những việc mình làm chắc hiếm hơn nữa.
Sở dĩ anh chị em tín hữu cần suy nghĩ về câu hỏi của Chúa vì chúng ta đang sống trong thời cuối cùng của thế giới và đừng bao giờ quên vấn đề nầy. Quý bà và phụ nữ trong Hội Thánh có thể là những người mẹ tuyệt vời đối với con mình, người nội trợ đảm đang và tài giỏi cho cả nhà, nhưng nếu chẳng có gì trình dâng lên Chúa, không dẫn được một linh hồn nào đến với Chúa thì mọi tài năng đều vô ích.
Những phụ nữ có tài đức như người phụ nữ được sách Châm ngôn tuyên dương, tuy rất hiếm hoi nhưng vẫn có thể tìm ra được; nhưng Đức Chúa Trời sẽ ban ơn khen ngợi các bà biết kính sợ Ngài. Tác giả đoạn Châm ngôn nầy nói rằng “Duyên là giả dối, sắc lại hư không, nhưng người nữ nào kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ được khen ngợi” (30). Nếu ai không biết câu nầy từ Kinh Thánh ra mà tưởng một triết gia nào đó là người nói, chắc quý phụ nữ rất bất mãn người nầy. Sự thật thì sao?
Quý phụ nữ đang ở Mỹ dành rất nhiều thời gian và hao tốn tiền bạc để chăm sóc sắc đẹp và mua sắm quần áo làm đẹp của mình. Đó là việc làm chính đáng, vì chẳng ai muốn hình ảnh mình trong mắt người khác là bù xù xấu xí cả. Thế nhưng để làm một người được Đức Chúa Trời khen ngợi thì sự duyên dáng hay nhan sắc không phải là tiêu chuẩn của Chúa, mà là sự kính sợ Ngài.
Vậy, sự kính sợ Đức Chúa Trời gồm có những gì? Sứ đồ Phierơ đưa ra vài lời khuyên tới các bà vợ (1Phierơ 3:1–5) “… những người làm vợ hãy thuận phục chồng mình, để nếu có người chồng nào dù không vâng giữ đạo, nhưng qua cách cư xử của vợ, họ được cảm hoá mà không phải dùng đến lời nói, vì họ đã thấy sự trong sạch và tin kính trong đời sống của chị em. Đừng chú trọng sự trang điểm bề ngoài như làm tóc cầu kỳ, đeo vàng, mặc áo quần loè loẹt; nhưng hãy trang điểm con người bề trong thầm kín bằng vẻ đẹp không phai tàn của tinh thần dịu dàng, yên lặng; đó là điều quý giá trước mặt Đức Chúa Trời. Vì các thánh nữ thuở xưa, những người hi vọng nơi Đức Chúa Trời và thuận phục chồng mình, cũng đều trang điểm như thế.”
Quý con cái Chúa cần phải biết rõ rằng Đức Chúa Trời không ép buộc chúng ta phải làm các việc mà mình không có khả năng làm. Trước khi Ngài đòi hỏi thì Ngài ban cho năng lực. Như sứ đồ Phierơ đã viết “Quyền năng của Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều liên quan đến sự sống và sự tin kính, qua sự nhận biết Ngài là Đấng kêu gọi chúng ta bằng vinh quang và nhân đức của Ngài. Cũng bởi vinh quang nhân đức ấy, Ngài ban cho chúng ta những lời hứa lớn lao và cao quý, để nhờ đó anh em có thể tránh khỏi sự băng hoại trong thế gian gây nên bởi tham dục, và trở nên người dự phần vào bản tính thiên thượng” (2Phie rơ 1:3–4).
Ai chưa nhận được các lời hứa nầy vì không biết để nhận; không biết vì không chịu đọc Kinh Thánh, cho đó là bổn phận quá nặng nề, mình không có thì giờ. Người ta sẽ dành thì giờ để làm chuyện mà họ ưa thích.
Mọi bà mẹ đều có thể làm gương cho con mình. Bà mẹ nào siêng năng học hỏi thì con cái sẽ bắt chước gương học hỏi của mẹ. Bà mẹ nào siêng coi phim thì con cái cũng bắt chước y như thế chứ không thể khác. Vậy, các bà mẹ phải làm gương ngay trong gia đình mình trước khi ra ngoài làm gương cho người khác.
Vì thế giới đang đi vào giai đoạn cuối cùng của địa cầu, theo lời tiên tri trong Kinh Thánh, tất cả con cái Chúa hãy hết sức cảnh giác chăm sóc đời sống tâm linh mình luôn luôn sẵn sàng; mặc dù nhu cầu cơm áo gạo tiền luôn kêu gào sự chú ý của ta, nhưng nó không phải là ưu tiên hàng đầu.
Khi nghe có hoà bình thì đừng vội mừng, vì Kinh Thánh cho biết “Khi người ta nói ‘hoà bình và an ninh’ thì sự huỷ diệt bất thần ập đến, như cơn đau chuyển dạ xảy tới cho người phụ nữ mang thai, họ không sao tránh khỏi” (1Têsalônica 5:3).
Bất cứ việc thiện nào được tình yêu thương của Chúa thúc đẩy đều là những giọt dầu rất quý mà chúng ta cần trong thời đại đầy khó khăn hiện nay. Hãy nhớ lời Đức Chúa Jesus khen ngợi cử chỉ nhân từ và hành động yêu thương của chúng ta đối với những cảnh đời thất thế (Mathiơ 25:34–40).
Đó là những người đã tích trữ đủ dầu để cùng đi với chàng rể vào dự tiệc cưới Chiên Con sẽ diễn ra trong tương lai (Mathiơ 25:1–13). Thực tế hiện nay cho thấy hầu như mọi con cái Chúa trên thế giới đều ngủ gục vì chàng rể đến chậm.
Chúng ta cũng chẳng hơn gì anh chị em mình ở khắp nơi đều mòn mỏi vì chờ đợi lâu ngày. Tuy nhiên, nếu chúng ta đã để dành đủ dầu, tức là đầy dẫy Đức Thánh Linh, qua đời sống thiện hảo và đầy lòng bác ái, thì Đức Thánh Linh sẽ nhắc nhở quý con cái Chúa tỉnh thức đúng lúc để cùng đi với Ngài về nơi an nghỉ.
Sự kính sợ Đức Chúa Trời phải thể hiện qua nhiều lãnh vực: Đời sống tâm linh thờ phượng Chúa ở chỗ riêng tư, đời sống thờ phượng và phục vụ ở Hội Thánh, đời sống đạo đức làm gương trong gia đình và cư xử với hàng xóm, và cách sống truyền giáo để mọi người chung quanh đều thấy sức sống phục sinh của Đức Chúa Jesus đang ngự trong mỗi con cái Ngài.
Quý phụ nữ con cái Chúa không nên rập khuôn theo phụ nữ thường tình ở thế gian. Quý bà, quý cô phải vượt lên những suy nghĩ, hành động hoặc các sự ham muốn tầm thường của những loại đàn bà đang hăng hái tìm kiếm tiền tài và danh vọng.
Vì chúng ta là con dân của Đức Chúa Trời vinh quang và vĩ đại.
TruyenGiaoVungVang03.docx
Rev. Dr. CTB