Ngày Chúa Tái Lâm, bài 03

Rôma 11:22–24

Vậy hãy nhìn biết sự nhân từ và sự nghiêm khắc của Đức Chúa Trời: Nghiêm khắc đối với những ai đã ngã, nhưng nhân từ đối với bạn, miễn là bạn tiếp tục giữ mình trong sự nhân từ của Ngài; nếu không, bạn cũng sẽ bị cắt bỏ. Còn với người Do Thái, nếu họ không miệt mài trong sự vô tín thì cũng sẽ được ghép vào, vì Đức Chúa Trời có quyền ghép họ lại. Vì nếu tự bản chất, bạn vốn là cây olive hoang mà được cắt và ghép vào cây olive tốt, trái với tự nhiên, huống chi họ vốn là những cành tự nhiên lại đáng được ghép vào chính cây olive của mình càng hơn.

Mặc dù Đức Chúa Jesus đã nói nhiều lần rằng Ngài sẽ trở lại thế gian vào lúc người ta không ngờ, nhưng Ngài cũng cho biết một số dấu hiệu báo trước lúc thời gian sẽ chấm dứt. Một dấu hiệu được Hội Thánh thời nay lưu ý và tin chắc nó đã xảy ra: Cây vả đâm chồi ra lá là sự phục hồi và tái lập quốc gia Israel. Khi đọc lời Đức Chúa Jesus dạy các môn đồ Ngài được chép ở Mathiơ 24:32–35 Hãy rút ra bài học từ cây vả: Khi cành vừa đâm chồi, ra lá thì các con biết mùa hạ sắp đến. Cũng vậy, khi các con thấy tất cả những điều nầy thì biết rằng Con Người đã đến gần, đang ở ngay trước cửa. Thật, Ta bảo các con, thế hệ nầy sẽ không qua đi cho đến khi mọi điều ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ không bao giờ qua đâu.” Nhiều thế hệ thánh đồ xưa chưa hiểu rõ ẩn dụ nầy. Tới khi Israel tuyên bố tái lập quốc gia của họ vào ngày 14/5/1948, thì nhiều thần học gia bừng tỉnh; vì cây vả là biểu tượng về nước Israel.

Trong năm 1867, kỹ sư Charles Warren tới Jerusalem tìm ra đường hầm David, nên Jerusalem được chứng minh là cố đô Israel theo lời Kinh Thánh. Một trăm năm sau, 1967, quân Israel tiến vào thành cổ Jerusalem và phục hồi nó về cho dân Do-thái. Rồi 50 năm nữa, 2017, Jerusalem được chính thức công nhận là thủ đô hợp pháp của nước Israel độc lập kể từ ngày nó bị xóa bỏ vào năm 586 BC. Ngày 10 tháng Sáu, 1867, đế quốc Ottoman ra sắc luật cho phép người ngoại quốc được mua đất bắt đầu có hiệu lực. 100 năm sau, cũng nhằm ngày 10 tháng Sáu, 1967, Israel đã kết thúc cuộc chiến tranh Sáu Ngày chiếm lại Núi Đền và cao nguyên Golan, tức là Bashan, về cho họ.

Trong thư Rôma, sứ đồ Phao-lô đã ví gia đình của Đức Chúa Trời, tức là Hội Thánh, như một cây olive vườn thuận tánh. Người Do-thái là dân được Ngài tuyển chọn, nên họ được xem như các cành olive nguyên thủy. Nhưng vì họ miệt mài trong sự vô tín nên bị cắt bỏ (Rôma 11:20) “Đúng vậy. Các cành đó đã bị cắt đi vì lòng vô tín của chúng, còn bạn chỉ đứng vững được nhờ đức tin. Đừng kiêu ngạo, nhưng hãy sợ hãi.” Tín hữu thuộc các dân tộc ngoại bang nhờ lòng tin vào Đức Chúa Jesus, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, và ơn cứu rỗi do Ngài thực hiện; cho nên, dù chưa bao giờ được ở trong giao ước thiêng liêng và là nhánh của cây olive hoang nghịch tánh, đã được Chúa đem tháp vào gốc olive thuận tánh của Ngài.

Nhưng Phao-lô cũng viết rằng khi dân Israel từ bỏ lòng vô tín và trở lại với Chúa, thì họ sẽ lại được ghép vào gốc olive nguyên như cũ (Rôma 11:23–24) “Còn với người Do Thái, nếu họ không miệt mài trong sự vô tín thì cũng sẽ được ghép vào, vì Đức Chúa Trời có quyền ghép họ lại. Vì nếu tự bản chất, bạn vốn là cây olive hoang mà được cắt và ghép vào cây olive tốt, trái với tự nhiên, huống chi họ vốn là những cành tự nhiên lại đáng được ghép vào chính cây olive của mình càng hơn.” – Vì bây giờ họ đã trở lại quê xưa, thì hiện tượng ấy phải do đáp ứng một điều kiện đặc biệt trước khi trở về cố quốc để được tháp lại vào gốc cũ, tức là phải có sự phục hồi đức tin vào Đấng Messiah của Đức Chúa Trời, mà họ đã khước từ xưa kia. – Vào thế kỷ AD 1, chỉ một nhúm môn đồ Do-thái của Đức Chúa Jesus, với lòng tin và quyền phép ban cho họ, đã làm thay đổi dòng lịch sử thế giới. Sau đó, người Do-thái đã bị đày khỏi Jerusalem. Để mở đường cho Israel trở về quê cũ, một khuôn mẫu giống như xưa phải xảy ra. Một số dân Do-thái phải tin vào Đức Yeshua ngày xưa, tức là Đấng Messiah đã được hứa phán.

Sách Công vụ tường thuật những người tin Đức Chúa Jesus là Đấng Messiah, từ Jerusalem xứ Do-thái, đã mở cửa cho Tin Mừng được rao truyền đến mọi dân tộc trên thế giới, mở đường cho dân ngoại được vào làm công dân Vương quốc thiên đàng. Gần 2000 năm sau, một buổi họp đầu tiên của nhóm người Do-thái tin Đức Chúa Jesus được tổ chức tại London vào năm 1867. Cuộc hội họp ở một nơi được xem là trung tâm quy tụ nhiều dân tộc thế gian, là nhân tố tạo thành phong trào đem người Do-thái trở lại với Đấng Messiah. Điều gây ngạc nhiên là nó diễn ra vào ngày 14 tháng 5, năm 1867, trùng ngày tháng mà David Ben Gurion tuyên bố tái lập quốc gia Do-thái.

Biến cố tàn phá Jerusalem vào năm AD 70 chẳng những biến đổi lịch sử của người Do-thái, nó biến đổi luôn lịch sử Cơ-đốc-giáo nữa! Từ khi Đức Chúa Jesus về trời cho tới năm ấy, thì đầu não của Cơ-đốc-giáo nằm ở Jerusalem. Khi Jerusalem bị thiêu hủy, sự lãnh đạo của các sứ đồ người Do-thái trên Hội Thánh cũng bị cắt đứt. Nghĩa là sự tận cùng của Jerusalem chấm dứt luôn thời đại tín hữu Do-thái lãnh đạo Hội Thánh, làm biến mất luôn tín hữu người Do-thái ở Xứ Thánh. Nhưng khi thành Jerusalem và Núi Đền phục hồi lại cho người Do-thái, thì cũng khiến cho tín đồ của Đức Chúa Jesus trong người Do-thái tái xuất hiện. Năm 1967 đã đánh dấu thời đại phấn hưng tâm linh cho người Do-thái. Họ tự xưng là người Do-thái tin Đấng Messiah (Messianic Jews).

Sự phục hồi Jerusalem bỗng thúc đẩy số đông người Do-thái trở lại với Đức Chúa Jesus, Đấng Messiah của họ. Số tín hữu Do-thái bỗng thêm đông như thời thế kỷ thứ nhất. Một số đông người Do-thái tiếp nhận Đức Chúa Jesus trong mùa hè năm 1967 ở các nước Tây Phương, lúc phong trào “Hippy” bắt đầu ở Mỹ và phát triển mạnh sau đó, dẫn tới phong trào “Jesus” trong giới trẻ và sinh viên tại Hoa kỳ. Các biến cố ấy dẫn người Do-thái trở lại tìm kiếm Đấng Messiah. Phong trào giới trẻ Do-thái trở lại với Đấng Messiah phát khởi ở Mỹ đồng thời với cuộc chiến “Sáu Ngày” thần tốc 1967 ở Israel. Rồi tín hữu Do-thái từ Âu Mỹ trở về xứ để Hội Thánh giống như thế kỷ AD 1.

Rất ít người nhận ra số phận của Israel và thế giới bị buộc chặt với nhau. Israel là hình trạng nhỏ của thế giới; thế giới là hình trạng lớn của Israel. Nếu thiên mệnh của Israel được xác định bằng huyền nhiệm năm Hân Hỉ, thì thiên mệnh thế giới cũng vậy. 2000 năm trước, trung tâm văn minh và lịch sử thế giới là đế quốc La-mã. Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, tức là Đấng Messiah, bị đóng đinh, chết, chôn, và sống lại tại Jerusalem, sứ điệp Tin Mừng đã vào thế giới qua đế quốc đó, biến đổi tôn giáo, văn hóa, cơ chế nhà nước, giá trị đạo đức, và thế giới quan của nó; đổi dòng lịch sử đế quốc La mã, lịch sử Tây phương và lịch sử thế giới sang một hướng khác. Khiến văn minh Tây phương đặt trên nền tảng niềm tin vào Kinh Thánh, tạo ảnh hưởng trên văn hóa cả thế giới.

Tuy nhiên, khi người Do-thái được trở lại cố đô Jerusalem, thế gian cũng trở lại tình trạng như xã hội của đế quốc La-mã ở thế kỷ thứ nhất: Lúc ấy các giá trị xã hội không đặt trên Kinh Thánh, xa lạ với các giá trị và niềm tin Do-thái-Cơ-đốc-giáo. Điều đó rất rõ ràng trong thời đại hiện nay: Văn hóa Tây phương ngày càng trở nên đối lập với niềm tin Cơ-đốc. Nếu văn minh Tây phương ngày nay đã quyết tâm tách rời khỏi nền tảng mà trước đây nó dựa lên trên, như người Israel đã trở lại xứ sở của họ giống như thời đầu công nguyên, thì thế gian chung quanh họ cũng trở lại tình trạng thời đầu công nguyên do ngoại giáo và các chủ trương vô thần thống lĩnh cách người dân suy nghĩ. Nền văn minh La mã ở thế kỷ AD 1 là thù nghịch Cơ-đốc-giáo; xã hội bây giờ cũng vậy.

2000 năm trước, đạo Chúa, gốc rễ của cây olive từ Jerusalem lan ra thế giới. Các cành olive nguyên, người Do-thái, ngày càng xa lạ với rễ của chúng; rễ cũng xa lạ với nhánh. Khi Jerusalem bị thiêu hủy và tín hữu Do-thái không còn nữa, dù ngày càng thêm nhiều dân ngoại tiếp nhận Tin Mừng, được tháp vào cây, nhưng Hội Thánh không còn dính gì tới nguồn gốc Israel và di sản của tổ tiên đức tin mình. Khi Hội Thánh lìa bỏ nguồn gốc, thì vinh quang và quyền năng của thế hệ tín hữu thứ nhất cũng tàn lụi theo. Lúc Hội Thánh trở thành quốc giáo La mã và tạo ảnh hưởng của mình trên nền văn minh Tây phương, thì Hội Thánh xa lạ với nguồn gốc Do-thái của họ, rồi trở thành đồn lũy thù nghịch dân Israel. Hội Thánh là dân Israel thuộc linh, cả hai được buộc với nhau. Vì Israel được trở về với sản nghiệp mình, Hội Thánh cũng phải trở lại nguồn gốc Israel như xưa.

Vào đầu kỷ nguyên Cơ-đốc, cả hai đều ra đi; vì thế, vào thời cuối cùng cả hai đều phải trở lại. Bây giờ, vì Israel đã được Chúa đem trở lại sản nghiệp của họ rồi, thì Hội Thánh cũng phải được trở lại với hình thức và tính chất ban đầu. Người thế gian và các giáo hội, hệ phái, tuy tự xưng là Cơ-đốc-giáo nhưng không được Đức Thánh Linh ấn chứng, đều rất ngạc nhiên không hiểu tại sao các con cái thật của Chúa ngày nay yêu mến, ủng hộ, và yểm trợ xứ sở và dân tộc Do-thái. Người ta nghe lời tuyên truyền của tả phái thù nghịch với Chúa, lên án và chống nghịch Israel, thì họ càng thù ghét các phái Tin Lành nào bênh vực, mừng rỡ với sự thịnh vượng và thành công của Israel. Họ không biết rằng huyền nhiệm cây Olive phải đem Hội Thánh trở lại Jerusalem.

Với mọi việc trên thế giới đã diễn ra từ ngày Israel tái lập quốc gia cho tới ngày nay, nhất là dấu hiệu các giáo hội và hệ phái Tin Lành ào ạt ủng hộ tuyển dân của Chúa và trở lại với nguồn gốc của mình từ hai ngàn năm trước, con dân của Chúa càng phải tỉnh thức hơn bao giờ hết. Vì Đức Chúa Jesus đã từng cho biết rằng đây là lúc Ngài đang đứng trước cửa (Mathiơ 24:32–34) “Hãy rút ra bài học từ cây vả: Khi cành vừa đâm chồi, ra lá thì các con biết mùa hạ sắp đến. Cũng vậy, khi các con thấy tất cả những điều nầy thì biết rằng Con Người đã đến gần, đang ở ngay trước cửa. Thật, Ta bảo các con, thế hệ nầy sẽ không qua đi cho đến khi mọi điều ấy xảy đến.

NgayChuaTaiLam03

MS CTB