Các Vấn Đề Căn Bản, bài 32
Ê-sai 58:5–11
Hiệp thông, khôn ngoan và lương tâm do Đức Chúa Trời đặt trong nhân linh khi Ngài dựng nên loài người. Nhưng mọi suy nghĩ và các dự định hành động của người thì diễn ra trong trí óc, cơ quan được điều khiển bởi hồn và linh.
Tâm linh nào đã được Đức Thánh Linh tái sinh và đang vững bước tiến trên con đường thánh hóa, thì phần linh làm chủ phần hồn; cả hai điều khiển hoạt động của trí óc.
Ngược lại, người chưa được tái sinh thì trí óc bị phần hồn đầy các ham muốn xác thịt điều khiển, lương tâm trong linh bị tê liệt vì bị nhào nặn theo trào lưu xã hội do các thế lực gian trá cai trị; lương tâm ấy chiều theo bản năng, không kính sợ Đấng Tạo Hóa, lệ thuộc vào sự điều khiển của hồn, không chống nổi sức lôi kéo của bao ham muốn tội lỗi; tánh tình người đó có khuynh hướng nghịch lại sự công chính của thiên đàng.
Để hiểu rõ điều nầy, chúng ta phải phân tích các diễn biến trong lòng người khi phải lập một quyết định nào có liên quan đến đạo đức.
Những người có nếp sống theo đuổi sự thánh khiết thì lắng nghe tiếng nói của lương tâm, là chức năng phân biệt giữa đúng với sai, thiện với ác, được sự hỗ trợ của chức năng khôn ngoan từ các tri thức vượt trội do Đức Thánh Linh soi sáng, qua khả năng tiếp nhận sự mặc khải của chức năng hiệp thông.
Lúc ấy lương tâm chuyển tín hiệu cho lý trí và ý chí của hồn lập quyết định hành động hoặc không hành động. Vì thế, mối liên hệ phối hợp nhịp nhàng giữa linh và hồn của người có mối tương giao thân mật với Chúa sẽ giúp cho người đó hành động đúng trong các vấn đề liên quan đến đạo đức và sự thanh sạch.
Như có chép: “Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan; từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng…Sự khôn ngoan sẽ khiến con đi trong đường người lương thiện …” (Châm ngôn: 2:6, 20).
Người chưa tin Chúa, hoặc tín hữu chưa được tái sinh bởi quyền phép của Đức Thánh Linh, thì cách lập quyết định của họ không phải là ảnh hưởng của lương tâm tốt trên sự phối hợp thanh khiết giữa linh với hồn của họ, mà dựa trên những sự ham muốn của xác thịt cùng lợi lộc và danh vọng ở trần gian.
Các chức năng hiệp thông, khôn ngoan và lương tâm trong linh của họ bị giam hãm, chưa nhận được ánh sáng sự sống từ trời; vì vậy, “họ suy luận viển vông, lòng dạ ngu muội của họ trở nên tăm tối” (Rôma 1:21b).
Những điều các người nầy nghĩ là đúng theo ý họ là do chịu ảnh hưởng của dư luận xã hội. Thời xưa, khi người Á-đông sống theo khuôn phép của Nho-giáo, hay xã hội Tây-phương cư xử theo ảnh hưởng của Cơ-đốc-giáo, thì tâm lý của trào lưu chung là ít người dám công khai làm điều trái đạo lý mà xã hội đã công nhận.
Chức năng hiệp thông không hoạt động được trong tâm linh người ngoài Chúa, bộ máy khôn ngoan bị ma quỷ làm cho mù tối, do đó lương tâm của các người nầy bị khuôn đúc theo trào lưu xã hội; vấn đề đúng sai do xã hội ấn định, chẳng phải theo bản chất của sự việc.
Linh ở trong họ bị hồn trấn áp, nên hồn làm chủ mọi quyết định của người. Do đó, ý chí tự do của mỗi người là nhân tố điều khiển cách sống của người ấy.
Đức Chúa Trời không can thiệp vào ý chí tự do của loài người, là quyền mà Ngài cho phép nhân loại sử dụng để quản trị thiên nhiên. Các thế lực tối tăm cũng không có quyền hạn gì trên ý chí tự do của người. Cho nên, phía nào làm chủ lý trí và cảm xúc của một người, thì sẽ tạo ảnh hưởng trên ý chí người đó hướng về phía ấy.
Cách hiệu quả nhất để tính gian ác có chỗ trú ẩn an toàn và lâu dài là làm chủ lương tâm. Sứ đồ Phao-lô mô tả tính gian ác là: “Đầy dẫy mọi điều bất chính, gian ác, tham lam, hiểm độc, lòng đầy ganh tị, giết người, gây gổ, dối trá, nham hiểm, nói hành, vu khống, thù ghét Đức Chúa Trời, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, chuyên làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, dại dột, bội tín, không có tình người, không có lòng thương xót” (Rô-ma 1:29–31).
Tính gian ác tạo ra cách thức suy nghĩ dựa trên những tư tưởng sai trật vì bị lừa dối. Tư tưởng của người nào bị nắn đúc bởi khuôn mẫu lý luận của hoàn cảnh xã hội người đó sống, thì lý trí và tình cảm sẽ bị buộc chặt vào khuôn mẫu ấy.
Ý chí tự do của người nào không quan tâm tìm hiểu sự thật, hay luật pháp thiên đàng nói thế nào, thì nó thúc giục người ấy cư xử theo tình cảm và lý trí nó đang có. Lương tâm người ấy đã quyết định tin các hành động như vậy là không có gì sai (Châm ngôn 4:19).
Trong mỗi chúng ta là con cái Chúa, thì ít nhiều gì cũng có gốc gian ác ẩn náu trong tâm linh truyền lại từ nhiều đời tổ phụ. Đa phần là chúng ta không có các hành động gian ác như nói trên, nhưng có nhiều dấu hiệu giúp ta biết gốc gian ác đang ẩn náu trong mình.
Bởi vì gốc gian ác sinh ra nhiều nhược điểm: Tai tâm linh bị điếc không nghe tiếng Chúa, không hiểu nổi Kinh thánh; mắt tâm linh mù lòa không nhận ra các dấu hiệu từ Chúa đến để báo tin hoặc cảnh cáo, qua các sự việc diễn biến quanh mình, giống như mắt bị một cái màn che. Khi ta trở lại với Chúa thì màn ấy được cất đi (2Côrinhtô 3:16).
Gốc gian ác sinh ra bệnh hoạn và đau đớn (Thi-thiên 109:14–18); hồn bị nhốt trong sự bất an, đầy lo lắng (Ê-sai 57:20–21), các hành động gian ác của tập thể thì làm cho sự công chính không thể đến gần, Hội-thánh bị khô hạn và khốn khổ (Ê-sai 59:12–15a).
Gốc gian ác cũng gây ra sự nghèo khổ, túng thiếu. Nó bắt nguồn từ lòng tham muốn tiền bạc của cải vật chất. Nhiều tín hữu chú tâm vào sự kiếm tiền để giàu có; rất ít người tìm kiếm Vương quốc Đức Chúa Trời và sự công nghĩa của Ngài. Phao-lô cho biết rằng, sự tham tiền là cội rễ của mọi điều ác, những người theo đuổi nó thì mất đức tin, chuốc lấy bao đau khổ (1Timôthê 6:10).
Gian ác sinh ra lòng bướng bỉnh và ương ngạnh (1Samuel 15:23). Văn hóa cũng sinh ra gốc gian ác, khiến cho những dân tộc có văn hóa ấy bị hun đúc thành bản chất chung đặc biệt gian manh.
Như khi đề cập tới một dân tộc nào đó, người ta thấy thói ăn cắp vặt, nói dối và gian xảo. Đối với một dân tộc bị hư hỏng từ nhiều thế hệ, thì biện pháp của loài người để thay đổi họ là vô vọng.
Gốc gian ác chẳng những dẫn tới nhiều tội khác mà còn mang sự rủa sả đến; tức là hình phạt từ Đức Chúa Trời giáng trên dòng dõi của người vì gốc gian ác phạm các điều răn của Chúa.
Rủa sả có vô số hình thức, từ tai họa tới tật bệnh, thói hư tật xấu truyền qua nhiều thế hệ không ngừng nghỉ. Là con dân Chúa, chúng ta chỉ có thể được giải thoát khỏi gốc rễ gian ác, nhổ bỏ nó ra khỏi lòng mình bằng sự công chính của Đức Chúa Trời.
Hãy bắt đầu bằng sự nhận biết mình có tội và quyết chí bước theo Đức Chúa Jesus, không dính líu tới những ham muốn trần tục.
Sự hiệp nhất với Đấng Christ là một cuộc hôn nhân đồng thuận (2Côrinhtô 11:2); nên, thương nhớ người tình cũ là tội nặng. Bất cứ hình thức thoả hiệp nào với thế gian tội lỗi đều là ngoại tình. Chúng ta phải tin Chúa bằng trái tim, không phải bằng lý trí. Chưa yêu Ngài thì đừng mong nhổ bỏ gốc gian ác.
Vì vậy, chúng ta hãy quyết tâm từ bỏ nếp sống tội lỗi trước đây, gồm cả cách suy nghĩ và lý luận tự biện hộ; hãy quyết chí làm con cái thật của Chúa (1Giăng 3:7–10).
Có sự khác nhau giữa tín hữu miệt mài trong tội lỗi (1Côrinhtô 5:11), với tín hữu phạm tội vì còn ấu trĩ trong nếp sống thuộc linh (1Giăng 5:16–17); cho nên, chúng ta nhắm tới sự hoàn thiện bằng cách tự tra xét và tự đánh giá đời sống đạo của mình để mỗi ngày sẽ tiến lên trình độ cao hơn (Philíp 3:7–15).
Để đạt tới tầm mức có thể nhổ tiệt gốc gian ác và được Chúa đẹp lòng, chúng ta hãy cùng nhau học biết và quyết tâm làm một thế hệ mới của những người con có tâm linh đã thật được tái sinh.
Vì phần linh là phần mạnh mẽ nhất hoạt động trong linh giới qua sự liên hiệp với Thánh Linh của Đấng Christ, nhân linh ấy là thành phần mà thế giới tối tăm e sợ nhất, vì có uy quyền khiến chúng thất bại.
Chúng ta có thể thành công trong việc nhổ bỏ gốc gian ác bằng cách luyện tập cho lương tâm mình thấm nhuần mọi điều Đức Chúa Trời đẹp lòng, và kiêng kỵ mọi điều gì Ngài gớm ghét; tức là chúng ta luyện tập nếp sống mỗi ngày siêng năng đọc và suy gẫm Lời Chúa trong Kinh-thánh, vì Lời Ngài chỉ dẫn cho con cái Ngài những nẻo đường chính đáng (Ê-sai 30:20-21; 58:5-11).
Lương tâm được trong sáng nhờ phần hiệp thông nhận các sự mặc khải qua nếp sống cầu nguyện tương giao với Chúa, và phần khôn ngoan nhận tri thức về các chân lý của Chúa dồi dào chừng nào, thì gian ác không còn chỗ trú ẩn nữa; sự công chính của Đức Chúa Trời ngự trị trong lòng sẽ nhổ bỏ nó tận gốc.
Vì lương tâm biết phân biệt chính xác giữa thiện với ác theo công lý thiên đàng.
VanDeCanBan32.docx
Rev. Dr. CTB