Luyện Tập Nghe Tiếng Chúa, bài 02

Công Vụ 10:1–16

Một trong các nguyên nhân làm cho con cái Chúa ngày nay không nghe được tiếng Chúa, hay có phản ứng tiêu cực mỗi khi bàn tới vấn đề nầy, là hiểu rất sai do bị nghe giảng sai hoặc do bị ảnh hưởng bởi những người có ác cảm với điều mà họ thiếu hiểu biết và chưa bao giờ từng trải, rồi in trí về quan điểm đó; cho nên, bỏ qua và không bao giờ tìm hiểu. Có một số người trong Hội Thánh lẫn người chưa tin Chúa cho rằng Đức Chúa Trời không bao giờ phán trực tiếp với loài người. Lẽ dĩ nhiên người vô thần hoặc ngoại giáo không thể tin rằng Chúa trò chuyện trực tiếp với con dân Ngài. Còn một số khá đông tín hữu chỉ tin rằng họ được cứu qua ơn hi sinh của Đức Chúa Jesus, chứ Chúa không trò chuyện với họ; bởi vì thời đại quyền năng siêu nhiên đã qua rồi!!

Vì Kinh Thánh Cựu Ước tường thuật rất nhiều trường hợp Đức Chúa Trời trò chuyện với một số người thời đó; nên những người có ác cảm ấy không phản đối việc Ngài nói với loài người trong thời cổ xưa; Nhưng họ không tin thời nay vẫn còn các trường hợp đó, vì chưa bao giờ trò chuyện với Chúa. Đây là những sự cản trở lớn khiến nhiều người không có mối tương giao thân mật với Ngài. Hễ có tương giao thì phải có chuyện trò. Nếu Hội Thánh dạy rằng khi người ta nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì được liên hệ gần gũi với Ngài qua Đức Thánh Linh mà Ngài ban vào lòng người tin (Giăng 14:16, 26); nhưng nếu Đức Thánh Linh không nói trực tiếp với chúng ta thì Ngài sẽ khích lệ, chấn chỉnh, khuyên lơn, an ủi, nhắc nhở, dạy dỗ bằng cách nào?

Một số người dạy rằng Kinh Thánh là cách duy nhất mà Đức Thánh Linh dùng để nhắc nhở, khuyên bảo, khích lệ, và an ủi con dân Ngài. Những người đó quên mất rằng trước thế kỷ 16, Kinh Thánh không phải là quyển sách phổ thông như hiện nay mà rất hiếm hoi; vậy, tín hữu trong hơn 15 thế kỷ trước được Chúa dạy bằng cách nào; hay là vì không có Kinh Thánh nên Ngài chẳng dạy dỗ chi được? Thế nhưng lý thuyết Chúa chỉ phán qua Kinh Thánh đã chiếm ưu thế trong nhiều hệ phái, hệ thống thần học, nhà thờ, và do đó cũng là quan điểm của rất nhiều tín hữu nữa. Lý luận ấy đã khiến cho nhiều thế hệ tín đồ chưa bao giờ hưởng hay thấy những việc quyền năng của Đức Chúa Trời trong đời tín đồ của họ. Tuy nhiên lý thuyết đó đúng hay sai?

Không ai dám bảo đảm chỉ nhờ đọc Kinh Thánh người ta sẽ đi đúng con đường chân lý. Nếu chỉ nhờ xem Kinh Thánh sẽ đi đúng đường thì đã không có các tà giáo nổi lên. Sự thật là đọc Kinh Thánh mà không được Lời của Đức Thánh Linh chỉ dẫn thì sẽ hiểu sai và dạy bậy. Dù Kinh Thánh là kim chỉ nam cho đời sống đức tin của chúng ta, nhưng nếu không có Linh Sự Sống soi sáng, chỉ dẫn và dạy dỗ, thì văn tự chỉ làm cho chết, còn Thánh Linh ban sự sống (2Côrinhtô 3:4–6). Những ai chủ trương rằng ngày nay chúng ta chỉ cần Kinh Thánh chứ không cần mối tương giao cá nhân với Chúa, thì ấy là những người chưa bao giờ có Đức Thánh Linh trong lòng họ. Quan điểm ấy đã dẫn tới tình trạng là tín đồ của Chúa mà không dám tin Ngài vẫn thi hành quyền năng ngày nay.

Một quan điểm sai lạc khác nữa cho rằng Chúa chỉ phán với những người lãnh đạo Hội Thánh, chứ Ngài không phán với cá nhân tín đồ. Ý tưởng đó khiến nhiều người không cần để ý nghe tiếng Chúa hướng dẫn mình. Nghĩa là nhiều tín hữu chỉ chăm chú vào các bài giảng của mục sư, tin rằng Chúa phán qua các bài giảng ấy. Đúng là Đức Thánh Linh có phán với con dân Ngài bằng một số điều trong các bài giảng. Nói cách khác, Ngài phán với tín hữu qua một số lời giảng họ nghe ở nhà thờ hoặc qua các phương tiện máy móc hiện đại. Nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài chỉ phán với những người lãnh đạo, vì Ngài có thể dùng một số lời giảng để soi sáng hoặc nhắc nhở tín hữu đang nghe các bài giảng. Hơn nữa, bài giảng là một trong số nhiều cách Chúa phán vào lòng ta.

Có một số đông người dạy rằng: “Khi Chúa phán, Ngài không bao giờ mâu thuẫn với lời được chép trong Kinh Thánh.” Phần Kinh Thánh vừa đọc hồi nãy cho thấy quan điểm ấy có phần sai lạc. Luật pháp thời Cựu Ước được Đức Chúa Trời truyền qua Môise phân biệt thú sạch với thú ô uế. Ông Phierơ tuân thủ luật pháp ấy về đồ ăn uống từ nhỏ đến lớn không dám vi phạm (Công vụ 10:12). Luật pháp đó được chép trong Ngũ Kinh của Môise, bản Kinh Thánh chủ yếu vô cùng quan trọng của người Do-thái. Bây giờ tiếng từ trời bảo ông hãy làm thịt để ăn các loài thú cả sạch lẫn ô uế. Tiếng ấy giải thích: “Vật gì Đức Chúa Trời đã làm cho tinh sạch thì đừng xem là ô uế” (15b). Như vậy, lời Chúa phán lúc đó hoàn toàn mâu thuẫn với Ngũ Kinh Môise thì sao?

Về phương diện nầy chúng ta phải rất cẩn thận. Đúng là Đức Thánh Linh không khi nào mâu thuẫn với chính Lời Ngài dạy, nhưng cách chúng ta hiểu lời Chúa dạy có chính xác hay không mới là điều quan trọng; bởi vì thói suy diễn của loài người vẫn thường xuyên xảy ra. Ai có khả năng thành thạo nghe lời Chúa phán cho riêng cá nhân mình, mà nhận ra có điều gì đó trái ngược với lời Kinh Thánh thì cẩn thận suy xét ý nghĩa và mục đích của sự mặc khải. Như Phierơ bối rối chưa hiểu ý nghĩa của khải tượng, ông đang ngẫm nghĩ thì Đức Thánh Linh phán bảo ông hãy đi theo gia nhân của đội trưởng Cornelius sai đến mời ông. Sau khi vào nhà Cornelius ông hiểu ý nghĩa của điều Chúa muốn dạy ông qua khải tượng là linh hồn mọi người đều bình đẳng (10:28).

Một thứ lý luận khác cũng làm thối chí nhiều người muốn nghe tiếng Chúa. Có người nói rằng chúng ta dễ bị lừa dối bởi những tiếng nói không đến từ Chúa. Đúng là có nhiều thứ tà linh, ác linh lừa gạt để ta tưởng lời chúng là sự mặc khải của Chúa. Cho nên, phải khôn ngoan suy xét các điềm hay thị tượng không bình thường; nếu có cơ hội hãy hỏi ý kiến những người có nhiều kinh nghiệm về linh giới và ơn tiên tri. Tuy nhiên, những người đã quen nghe tiếng Chúa có một điểm an toàn là “Người chăn đi trước, chiên theo sau vì chiên quen tiếng người chăn. Chiên không theo người lạ, trái lại, chúng bỏ chạy vì chiên không quen tiếng người lạ” (Giăng 10:4b–5). Chúa sẽ giúp chúng ta biết đó là tiếng Ngài hoặc sự khải thị đến từ Ngài bằng cách thức chúng ta đã quen nghe rồi.

Chúng ta cũng được tự do nhìn nhận sự sai lầm của mình khi biết mình sai. Sự tự do ấy cất bỏ áp lực của tâm lý không dám nhận mình sai vì sợ bị mất mặt. Chúng ta phải nhìn nhận rằng quan điểm của mình chưa phải là hoàn hảo; vì thế, chúng ta được tự do tìm hiểu thêm về Chúa mà mình thờ kính. Kể cả suy xét những điều tin tưởng của người khác thật hay giả, đúng hay sai. Sự cản trở lớn nhất đối với một số tín đồ Tin Lành là nghi ngờ kinh nghiệm của tín hữu khác giáo phái, vì hệ phái của họ chưa bao giờ thấy. Ví dụ, các sách Phúc Âm trong Tân Ước tường thuật nhiều trường hợp người bị quỷ ám được giải thoát; nhưng thời nay không có bao nhiêu tín đồ Tin Lành tin rằng các hiện tượng quỷ nhập hay quỷ ám vẫn còn. Họ tưởng chuyện đó không còn nữa.

Vậy, để có thể luyện tập khả năng nghe tiếng Chúa, chúng ta phải biết và nhận dạng những sự hiểu sai, những lời giả trá lừa dối, những quan điểm hoặc niềm tin sai trật về các hiện tượng siêu nhiên, lòng nghi ngờ quyền năng tuyệt đối của Chúa, quan điểm bảo thủ khư khư cho rằng thời kỳ quyền phép siêu nhiên đã qua rồi, vv.; ví dụ một số người dựa trên 1Côrinhtô 13:8 để quả quyết rằng: Bây giờ không còn lời tiên tri hay tiếng lạ nữa. Câu nầy nói tới 3 điều sẽ chấm dứt: Lời tiên tri, sự nói tiếng lạ, và sự hiểu biết. Nhưng các phái chống ơn siêu nhiên quả quyết lời tiên tri và sự ban cho nói tiếng lạ sẽ chấm dứt, sự hiểu biết thì vẫn còn. Cách giải nghĩa đó có phần gian xảo vì phải áp dụng cả ba; mà nếu sự hiểu biết vẫn còn thì hai điều kia vẫn chưa chấm dứt.

Con cái Chúa phải cẩn thận về những sự hiểu sai vừa trình bày ở trên. Vì sự hiểu sai và tin sai sẽ cản trở, không khuyến khích chúng ta tương giao với Chúa và nghe tiếng Ngài phán với chúng ta. Muốn có khả năng nghe tiếng Chúa, chúng ta phải hiểu đúng, biết đúng và tin đúng rằng Ngài muốn chuyện trò với con dân Ngài. Hãy tin chắc Đấng yêu thương chúng ta vẫn muốn chỉ dẫn để con dân Ngài không bị lạc lối và tiến bước mạnh mẽ theo Ngài trên mọi nẻo đường đời.

LuyenTapNgheTiengChua02.docx

Rev. Dr. CTB