Ngày Chúa Tái Lâm, bài 01
Mathiơ 24:28–31

Xác chết ở đâu, kên kên bâu lại đó. Ngay sau những ngày hoạn nạn ấy, mặt trời sẽ tối, mặt trăng sẽ không chiếu sáng, các ngôi sao sẽ từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời sẽ bị rúng động. Khi ấy, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện ở trên trời, mọi dân trên đất sẽ than khóc, và sẽ thấy Con Người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà đến. Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn vang dội để tụ họp những người được chọn ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy đến tận phương trời kia.

Mục đích theo đạo hoặc tin Chúa của mỗi người không hoàn toàn giống nhau. Mục đích chung của nhiều người là được thoát khỏi hỏa ngục và ở với Chúa nơi thiên đàng hạnh phúc. Lẽ dĩ nhiên có người theo đạo để mong được may mắn, sung túc và bình an trong đời sống. Mặc dù điều mong mỏi đó không xấu, nhưng ước muốn ấy sai lầm, như Phaolô viết: “Nếu hi vọng của chúng ta trong Đấng Christ chỉ hướng về cuộc sống nầy mà thôi, thì trong tất cả mọi người, chúng ta là những người thảm hại hơn hết” (1Côrinhtô 15:19). Còn những ai kính thờ Đức Chúa Jesus để được tương giao với Ngài, thì lúc Ngài trở lại trần gian tiếp rước họ, là ngày vui mừng cực độ; niềm vui không thể diễn tả nổi. Có nhiều lý do khiến niềm vui tột đỉnh đến với người trông chờ Chúa tái lâm.

Tất cả tín đồ của Đức Chúa Jesus đều hình dung Ngài theo hình ảnh các họa sĩ vẽ dựa trên trí tưởng tượng của họ; vì tất cả những người từng gặp Đức Chúa Jesus đều đã qua đời hơn mười chín thế kỷ trước. Còn những người dù thường xuyên tương giao với Ngài thì chẳng ai được gặp Ngài mặt đối mặt. Những người đó đều mong có ngày được mặt gặp mặt Chúa yêu thương của mình để được giống như Ngài (1Giăng 3:2) “Thưa anh em yêu dấu, hiện bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời; còn chúng ta sẽ như thế nào thì chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì chúng ta sẽ thấy Ngài như Ngài vốn có vậy.

Trước khi thảo luận về thời điểm Đức Chúa Jesus sẽ tái lâm vào lúc nào, chúng ta hãy cùng nhau xem xét các lý do khiến mọi người trông đợi Ngài được niềm vui không thể diễn tả. Trước hết là họ sẽ gặp mặt Đấng mà họ vô cùng yêu thương kính mến. Thật vậy, vì tình yêu Ngài vẫn nồng nàn trong lòng, họ sẽ vui mừng cực độ khi được cứu rỗi (1Phierơ 1:6–9) “Hãy vui mừng về điều ấy, dù bây giờ anh em còn chịu đau buồn trong ít lâu bởi muôn vàn thử thách; để đức tin của anh em sau khi được thử nghiệm sẽ quý hơn vàng — dù vàng đã được thử lửa, vẫn có thể hư hoại — đem lại sự ca ngợi, vinh quang và tôn trọng khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện đến. Dù chưa thấy Ngài, anh em vẫn yêu mến Ngài, dù chưa gặp Ngài anh em vẫn tin Ngài, và hân hoan trong niềm vui rạng ngời, khôn tả; vì anh em nhận được thành quả của đức tin, là sự cứu rỗi linh hồn mình.

Ngoài niềm vui được thấy mặt Chúa, người tin Ngài sẽ càng vui mừng khi thoát khỏi trần gian hư hoại, nhơ nhớp và chết chóc! Vì người dù có nếp sống tâm linh thiêng liêng đến đâu, kể cả tạo vật cũng đều than thở trong lòng giữa thế gian vô cùng nhơ nhớp hiện nay (Rôma 8:22–23) “Vì chúng ta biết rằng tất cả tạo vật đều than thở và quặn thắt cho đến ngày nay; không những muôn vật mà cả chúng ta là những người có Thánh Linh là trái đầu mùa, cũng than thở trong lòng đang khi mong đợi được làm con nuôi, là sự cứu chuộc thân thể chúng ta.” Điều làm đau lòng những người có tâm hồn thánh thiện là các điều bất công, bạo lực, vô đạo, dối trá, hỗn xược, và lừa bịp, đang diễn ra khắp nơi trên trái đất, không thiếu xã hội nào. Nhưng khi Đức Chúa Jesus trở lại để đoán xét thế gian, sự xét xử công chính sẽ diễn ra, mọi sự uất ức sẽ được minh oan, mọi điều gian xảo, bất công sẽ bị phơi bày, thì những tấm lòng ưa chuộng sự công nghĩa vui mừng biết bao! Người ta luôn luôn vui mừng khi thấy điều họ trông đợi lâu ngày được xảy ra.

Mục đích chính trong việc trở lại thế gian của Đức Chúa Jesus là tiếp rước những người thuộc về Ngài và ban thưởng cho họ (Khải 22:12) “Nầy, Ta đến mau chóng, đem phần thưởng theo với Ta, để thưởng cho mỗi người tùy theo việc họ đã làm,” trước khi báo trả những kẻ thù của Ngài. Phần thưởng mà con cái Chúa sẽ nhận được là cơ nghiệp của họ (Côlôse 3:23–24) “Khi làm bất cứ việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ nhận được cơ nghiệp từ Chúa làm phần thưởng. Anh em đang phục vụ Đấng Christ là Chúa.” Cơ nghiệp ở thiên đàng không phải là tài sản hay của cải như ở trần gian, mà cơ nghiệp là mức độ vinh quang mỗi người sẽ nhận được, như Phaolô cho biết (2Timôthê 4:8) “Từ nay mão triều thiên công chính đã dành sẵn cho ta; Chúa là thẩm phán công minh sẽ ban mão ấy cho ta trong Ngày đó, nhưng không chỉ cho ta mà cũng cho tất cả những ai yêu mến sự hiện đến của Ngài.

Sở dĩ gọi phần thưởng vinh quang ấy là cơ nghiệp vì mỗi người sẽ nhận cho riêng mình. Hơn nữa, những người sẽ bị trừng phạt đều bị “hình phạt hủy diệt đời đời, phân cách khỏi sự hiện diện của Chúa và vinh quang của quyền năng Ngài” (2Têsalônica 1:9). Đức Chúa Jesus phán rằng khi Ngài trở lại Ngài sẽ ban thưởng cho từng người (Mathiơ 16:27) “Vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha mình cùng với các thiên sứ. Lúc ấy, Ngài sẽ ban thưởng cho từng người, tùy việc họ làm.

Được ở vĩnh viễn với Chúa là niềm mong mỏi của mọi con cái thật của Chúa. Sứ đồ Phaolô tiết lộ tương lai hạnh phúc ấy cho tín hữu ngày xưa (1Têsalônica 4:17) “Kế đến, chúng ta là người đang sống mà còn ở lại sẽ cùng được cất lên với những người ấy trong đám mây để gặp Chúa tại không trung, và chúng ta sẽ ở với Chúa mãi mãi.” Vì vậy, ai trông đợi Chúa trở lại đều sẽ vui mừng hớn hở, vì điều họ mong ước đã thành sự thật. Nếu mục đích cao nhất của mỗi người thật lòng kính thờ Chúa là được tương giao mật thiết với Ngài, thì không có sự tương giao nào quý báu và vui mừng hơn niềm hạnh phúc được ở bên Chúa mãi mãi. Như mọi trẻ nhỏ muốn đeo sát cha mẹ, không muốn rời ra, thì những người trông đợi Chúa trở lại sẽ mừng rỡ vô cùng khi được thật sự gần gũi với Chúa của mình. Chắc rằng nỗi vui mừng nầy là niềm vui lớn nhất, hơn cả phần thưởng vinh quang và vinh dự trước mặt các thiên sứ thánh. Vì gần Chúa là điều quý nhất.

Sứ đồ Phaolô cho biết sở dĩ các lời tiên tri hiện nay có giới hạn bởi vì sự hiểu biết về Chúa và sự mầu nhiệm của Ngài bị giới hạn (1Côrinhtô 13:9) “Vì chúng ta hiểu biết có giới hạn, nói tiên tri cũng có giới hạn.” Nhưng khi Chúa, Đấng Toàn Hảo và là sự toàn hảo đến thế gian, thì mọi điều bất toàn sẽ qua đi hết (1Côrinhtô 13:10) “Nhưng khi sự toàn hảo đã đến, thì sự bất toàn sẽ qua đi.” Lý do khiến cho sự hiểu biết của chúng ta có giới hạn, vì: “Hiện nay chúng ta chỉ thấy qua gương một cách mập mờ” (1Côrinhtô 13:12a). Có thể nói rằng sự diễn tả nầy chính xác hơn hết. Bởi vì dù được ơn đến mấy đi nữa, người tin Chúa vẫn đang sống trong cõi vật chất của trần giới. Những lời tiên tri hoặc những sự mặc khải của Chúa được truyền đến từ linh giới; những điều chúng ta nghe, thấy hoặc cảm nhận đều mù mờ như phía bên kia của tấm kính mờ; vì vậy, khi được thấy rõ chúng ta vui mừng tới mức nào!

Tại sao một số lý luận cho rằng khi sự kinh điển, tức là thu thập và sắp xếp các sách lập thành quyển Kinh Thánh hiện nay là sự toàn hảo đã đến thì bị xem là sai trật? Bởi vì phần sau của câu 12b viết rằng: “Đến lúc ấy, chúng ta sẽ thấy mặt đối mặt. Hiện nay tôi biết có giới hạn; đến lúc ấy, tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy.” Có ai ngày nay dám quả quyết rằng mình đã biết (Chúa) như Chúa đã biết chúng ta không? Không một ai dám nói hoặc xác nhận việc đó! Nghĩa là sự toàn hảo chưa đến. Điều gì là sự toàn hảo? Ai mới được xem là Đấng Toàn Hảo? Chỉ có Đức Chúa Jesus là Đấng Toàn Hảo và là sự toàn hảo sẽ trở lại thế gian. Chúng ta sẽ vui mừng vô cùng khi mình nhận được, thấy, và hiểu biết sự sự toàn hảo mà bao đời thánh đồ chỉ biết cách mập mờ.

Mọi người tin Chúa đều biết Kinh Thánh; một số người đọc trọn quyển Kinh Thánh nhiều lần; cũng có một số người biết Kinh Thánh kiểu lơ mơ thôi. Những ai đã đọc toàn thể Kinh Thánh đều biết các anh hùng đức tin. Từ Enoch, Nô-ê, Abraham, Isaac, Jacob, Joseph, Môise, Joshua, Gideon, Samuel, David, Êsai, Jeremiah, Daniel, và các sứ đồ lẫy lừng thời Tân Ước. Khi Chúa trở lại rước chúng ta về trời, chúng ta sẽ gặp các vị anh hùng đức tin của Kinh Thánh và vô số vị anh hùng đức tin đã bỏ mình trong suốt lịch sử của Hội Thánh Chúa. Có những người chúng ta nghe danh, và vô số anh hùng vô danh từ xưa tới nay. Có thể nói rằng họ mừng rỡ thấy chúng ta đã chạy tới đích, vì lâu nay họ vẫn vây quanh hò reo khích lệ chúng ta hãy hoàn tất cuộc chạy (Hêbơrơ 12:1) “Cho nên, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây quanh như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên vứt bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương mà kiên trì theo đuổi cuộc đua đã bày ra cho chúng ta.

Và niềm vui sẽ được cùng Chúa cai trị (2Timôthê 2:11–12) “Nếu chúng ta đã chết với Ngài, thì cũng sẽ sống với Ngài; nếu chúng ta chịu gian khổ, thì sẽ cùng cai trị với Ngài.” Cai trị ai và cai trị cái gì thì chưa ai được biết. Chỉ biết một điều là chúng ta sẽ cùng Chúa phán xét thế gian (1Côrinhtô 6:2–3) “Anh em không biết các thánh đồ sẽ xét xử thế gian sao? Nếu thế gian bị anh em xét xử thì tại sao anh em lại không thể xét xử những việc nhỏ nhặt? Anh em không biết chúng ta sẽ xét xử các thiên sứ sao?” Trong thế gian nầy chúng ta vẫn luôn bị cai trị và bị kẻ ác ức hiếp. Nhưng khi Đấng Christ trở lại, vai trò cai trị sẽ đảo ngược, vì các tín đồ trung thành với Chúa lúc còn ở trần gian sẽ được ngồi trên ngai phán xét và cai trị. Lúc ấy, chúng ta sẽ thấy sự vinh quang của Chúa ban cho con dân Ngài. Có lẽ niềm vui lớn nhất là được ở và bước đi trong ánh vinh quang mà Chúa ban cho những người đã giữ lòng trung tín với Ngài, không cần để ý tới những lời phê phán, nói xấu, tấn công thô bỉ của những tấm lòng ganh ghét, hoặc những người công kích anh em để che giấu đời sống bê bết của họ.

Sứ đồ Phaolô cho biết: “Những sự đau khổ hiện tại không đáng so sánh với vinh quang tương lai sẽ được tỏ ra cho chúng ta” (Rôma 8:18). Ông cũng viết trong (2Côrinhtô 4:17) “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sẽ đem lại cho chúng ta vinh quang cao trọng và vĩnh cửu.” Vinh quang là điều chắc chắn; nó không phải là hi vọng hão huyền. Vì vậy, khi Chúa trở lại chúng ta sẽ nhận được vô số niềm vui tràn ngập không bờ bến. Hãy nắm vững những điều nầy để sống vững vàng.

NgayChuaTaiLam01.docx
MS CTB