Bài học Mùa Giáng Sinh, bài 2

Luca 1:1–4

Có một người nói rằng ông đã tin Chúa sau khi đọc sách Phúc Âm thứ năm. Ai nghe cũng phì cười, vì cả Tân-ước chỉ có bốn sách phúc âm mà thôi. Khi được hỏi sách phúc âm thứ năm là sách nào, thì ông trả lời rằng sách ấy là đời sống của người tín đồ Tin Lành hàng xóm của mình. Bởi vì sau một thời gian theo dõi, quan sát cách sống của người ấy, ông thấy anh ta đã sống đúng như lời anh ta rao giảng; tức là ông thấy người hàng xóm ấy đã trình bày phúc âm cứu rỗi một cách thực tiễn qua cuộc sống đạo gương mẫu, hăng say và thánh thiện hàng ngày, thì ông tiếp nhận Chúa.

Một cô ca sĩ có giọng hát và kỹ thuật thanh nhạc không chê vào đâu được. Nhưng khi cô tập luyện đơn ca với giàn nhạc đại hòa tấu một bài hát nói về lòng tin nơi tình yêu của Đức Chúa Trời qua sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus Christ; kỹ thuật hát của cô tuy tuyệt hảo, nhưng vị nhạc trưởng vẫn không hài lòng; ông bắt cô phải về tập hát bài ấy cho tới chừng nào qua cách trình bày của cô, khán thính giả phải cảm nhận được rằng cô thật lòng cảm xúc trước tình yêu của Chúa.

Những người viết các sách phúc âm trong Kinh Thánh Tân Ước là những người biết rõ các sự kiện của đời sống Đức Chúa Jesus Christ trên thế gian. Mathiơ, Mác, và Giăng là những người có đi theo Chúa và chứng kiến hầu hết các biến cố trong của thánh vụ Ngài. Nhưng ông Luca, tác giả sách phúc âm Luca, không phải là một trong các môn đồ của Ngài. Ông chưa ra đời vào thời Đức Chúa Jesus sống trên đất. Nhiều năm sau khi Đức Chúa Jesus đã về trời, ông mới gia nhập đoàn truyền giáo của sứ đồ Phaolô trong vai trò một bác sĩ. Việc ông quyết định viết phúc âm chứng tỏ rằng ông chấp nhận những sự thật và các sự dạy dỗ về Đức Chúa Jesus từ người khác mà ông đã nghe. Ông dành nhiều công sức để tìm tòi thu thập tài liệu, phỏng vấn người trong cuộc, vv. Vì thế sách Phúc Âm Luca trình bày đầy đủ có thứ tự hẳn hoi. Có lẽ ông đã dùng ba nguồn tài liệu:

    1. Ông đọc các tài liệu do người khác viết: “Có nhiều người đã cố gắng biên soạn một bản tường thuật về những việc đã được thực hiện giữa chúng ta” (1). Ngày nay chúng ta không biết ông đã đọc các tác giả nào. Chỉ biết rằng họ viết về Đức Chúa Jesus, và ông tin những sự thật trong các sự dạy dỗ và các lời tường thuật của họ.
    2. Bác sĩ Luca tra cứu Cựu Ước và có vẻ quen thuộc với những lời tiên tri trong Cựu ước.
    3. Ông quen biết những nhân chứng còn sống và có lẽ đã phỏng vấn họ; nhất là những chi tiết liên quan đến chuyện tích giáng sinh trong đó có bà Mari, mẹ phần xác của Đức Chúa Jesus, để biết nhiều chi tiết mà người khác không biết. “Đúng như những người đã từng chứng kiến và phục vụ đạo Chúa từ ban đầu truyền lại cho chúng ta” (2).

Luca rất thông minh, học giỏi và đạt trình độ bác sĩ, nên không phải là một người ngây thơ dễ bị lừa gạt. Các học giả Kinh-thánh nói rằng lối hành văn tiếng Hy-lạp mà Luca dùng để viết phúc âm là văn Hy-lạp hay nhất trong Tân Ước. Ông đã không dễ dàng tin theo những gì người khác nói, nhưng ông sưu tầm, điều tra để biết cách chính xác: “Vì thế, sau khi cẩn thận tra cứu mọi việc từ đầu” (3a); ông bắt đầu công trình viết Phúc Âm về Đức Chúa Jesus theo đúng trình tự của các sự việc. – Để làm được điều đó, người viết phải tin chắc vào chủ đề mình viết, ở đây chủ đề ấy là Đức Chúa Jesus, Con Đức Chúa Trời hằng sống. Ông viết để truyền đạt lòng tin đó cho Theophilus, có lẽ là một quan chức cao cấp của giới cầm quyền La Mã, để tới phiên người nầy cũng vững vàng trong niềm tin: “Để ngài biết những điều mình đã học là chắc chắn” (4). Bác sĩ Luca đã tìm được một đức tin vững vàng nên muốn ông quan Theophilus cũng có niềm tin chắc chắn như mình.

Còn lòng tin của chúng ta thì sao? Chúng ta đặt lòng tin của mình trên nền tảng nào? Mỗi ngày có dành một ít thì giờ để nghiên cứu, tìm tòi xem sự đúng sai của vấn đề, hay chỉ nghe người khác nói lại rồi tin? Có nghi ngờ chao đảo mỗi khi niềm tin của mình bị công kích, đả phá? Tại sao khi bị công kích thì lòng tin bị chao đảo? – Trong cách hành xử nơi công cộng hoặc chốn riêng tư, có tỏ ra mình tin Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa Tối Cao không? – Có đọc Kinh-thánh như thể mình tin chắc vào những gì Kinh-thánh dạy không? – Có thờ kính Đức Chúa Trời xứng đáng với sự oai nghi của Ngài như lòng mình tin không? – Có chia sẻ đức tin mình cho người khác không?

Những sự trả lời các câu hỏi trên sẽ bộc lộ sự thật về đức tin trong lòng chúng ta. Vấn đề then chốt là mỗi người có dám thành thật hỏi mình những câu hỏi trên hay không? Bởi vì đức tin không phải là sự bám víu mơ hồ vào những điều không có thật; nhưng là sự xác quyết, tức là biết chắc, vào những điều mình đang mong đợi, là bằng cớ của những điều mình chưa thấy (Hêbơrơ 11:1). Có biết chắc mới tin, tức là tin vào điều mình biết là có thật. Có hai câu Kinh-thánh nói về sự tin chắc:

1Giăng 5:13Tôi viết điều nầy cho anh em, là những người đã tin đến danh Con Đức Chúa Trời, để anh em biết mình có sự sống đời đời.

2Timôthê 1:12Nhưng ta không hổ thẹn vì biết ta đã tin Đấng nào, và ta đoan chắc rằng Đấng đó có quyền năng bảo vệ điều ta đã ủy thác cho đến Ngày ấy.

Cả hai câu đều có chữ BIẾT. Đức tin của chúng ta không thể đặt trên điều kiện ‘nếu như,’ ‘ví bằng’ điều đó có thật, vv. Luca có thể viết được phúc âm, một công trình rất lớn, vì ông biết điều ông tin là đúng, và ông muốn giúp người khác cũng biết để tin như ông vậy. 

Những người không có can đảm, hoặc không quyết tâm chia sẻ tin mừng cho người khác, hoặc không sẵn sàng phục vụ Chúa, có lẽ lý do là vì trong lòng họ chưa tin đủ, chưa được thuyết phục bởi phúc âm. Khi Giám mục Philip Brooks, tác giả bài thánh ca giáng sinh bất hủ “O Little Town of Bethlehem,” bị bệnh nặng gần chết, ông dặn đừng cho ai thăm viếng. Nhưng khi có một người quen tên là Robert Ingersoll, người nổi tiếng tuyên truyền chống đạo, đến thăm thì ông lập tức cho phép vào gặp. Robert nói “Tôi rất cảm kích vì ông không cho bạn thân quen nào đến thăm mà lại cho phép tôi vào vấn an ông.” Giám mục Brooks nói rằng “Ồ, vì tôi tin chắc rằng tôi sẽ gặp lại họ ở thế giới bên kia, nhưng đây có lẽ là lần chót tôi được gặp mặt ông.

Luca nhận biết mình phải có nghĩa vụ truyền đạt tin mừng mình đã biết. Ông nói rằng: “Tôi thiết tưởng cũng nên theo thứ tự mà viết cho ngài” (3b). Nếu chúng ta tin chắc rằng ân điển cứu chuộc mà chúng ta đang có là chắc chắn và cực kỳ quý báu cho loài người, thì chúng ta phải có nghĩa vụ truyền rao tin mừng ấy cách rõ ràng thứ tự cho người chưa biết. Cách sống thường nhật của mỗi người chúng ta là một phúc âm. Người chung quanh chúng ta đã, đang, và sẽ tiếp tục quan sát cách sống mỗi ngày của chúng ta, vì chúng ta tự xưng mình đã được cứu, có chân lý vĩnh cửu, vv… Nhưng liệu người đời có thấy được tin mừng của Chúa qua đời sống chúng ta chăng?

Cầu xin Chúa giúp mỗi anh chị em trong nếp sống đạo. Tin mừng về Đức Chúa Jesus Christ phải luôn luôn bộc lộ qua đời sống thường ngày cho người quen cũng như người lạ được thấy.

GiangSinh2021b.docx

Rev. Dr. CTB