Tín Đồ Của Chúa, bài 01

Mathi ơ 5:1-12

Chúng ta bắt đầu năm mới bằng sự nhắc lại các phước lành cho con cái Đức Chúa Trời trong Bài Giảng Trên Núi của Đức Chúa Jesus.

Bình thường, người ta cho rằng Chúa nói về tám phước lành, vì phước lành thứ chín cũng là bị bắt bớ vì Chúa, giống như việc bị bắt bớ vì sự công chính của phước lành thứ tám. Nhưng chúng ta sẽ cẩn thận xem xét nội dung để hiểu rõ những gì mình được hưởng trong địa vị con cái Chúa.

Việc học lại các phước lành lúc khởi đầu năm mới là cần thiết, vì xã hội của thời đại nầy đang bị đảo điên hơn nhiều so với các thế hệ trước, mà tín đồ của Chúa càng phải chống trả vô số cuộc tấn công xảo quyệt của thế giới ngoại giáo, vô thần vào đời sống đức tin của tín hữu, làm cho nhiều người chỉ giữ được hình thức bề ngoài của tín đồ, không có mấy hi vọng trong tâm linh, niềm tin suy yếu, lung lay và chao đảo vì thiếu hiểu biết.

Hãy nhớ lại rằng, mọi con cái thật của Chúa đều có các quyền lợi mà những người chưa phải là công dân thiên đàng không thể có được.

Bước sâu vào năm mới, cứ mỗi ngày trôi qua là chúng ta tiến gần hơn tới ngày được gặp Chúa. Ý thức rõ điều đó, chúng ta càng tỉnh táo và tỉnh thức để khi ngày ấy có đến bất thình lình, thì mình chắc chắn được rước đi, không bị bỏ lại trần gian.

Núi ở chung quanh hồ Ga-li-lê là các đồi cao có nhiều cỏ, người ta có thể leo lên tìm chỗ trống trải để ngồi nghe Đức Chúa Jesus giảng. Ngài bắt đầu bài giảng bằng những phước lành dành cho người có các điều kiện phù hợp với đòi hỏi của thiên đàng, mà đối với cõi trần thì đó không phải là tiêu chuẩn người ta nghĩ tới:

Phước cho những người nghèo khó tâm linh, vì Vương-quốc thiên đàng thuộc về họ!” (3). Lời xác định của Chúa thật kỳ lạ, trái ngược với cách suy nghĩ bình thường của loài người. Vậy, người nghèo khó trong tâm linh nghĩa là gì mà được Vương quốc thiên đàng?

Chúa không nói rằng những người ấy sẽ được, nhưng là đang có; cũng chẳng phải nghèo khổ,  túng thiếu vật chất, nhưng là nghèo khó trong tâm linh.

Lời nầy có nghĩa là tâm linh của những ai khát khao sự công chính, lòng đau đớn trước những điều bất công, bất chính trong thế gian, chưa bao giờ được vui mừng, vì trần gian không thể thoả mãn được nỗi khát khao về sự công chính của người ấy.

Những ai có tâm tình đó đã được hưởng thiên đàng rồi, không phải đợi tới ngày Chúa trở lại mới được hưởng; nghĩa là được vào thiên đàng là một điều chắc chắn.

Tại sao người ấy đã được Vương-quốc thiên đàng? Bởi vì những tâm linh khát khao sự công chính đều được đầy dẫy sự hiện diện của Chúa Cứu Thế trong lòng. Vì Đấng Christ chính là chất liệu vĩnh viễn của Nước thiên đàng. Hãy nghe Lời Chúa phán với những người như vậy:

Hỡi những người được Cha Ta ban phước, hãy đến thừa hưởng Vương-quốc thiên đàng đã chuẩn bị sẵn cho các con từ khi tạo dựng trời đất” (Mathiơ 25:34). Ngài cho biết lý do: “Vì Ta đói, các con cho Ta ăn; Ta khát, các con cho Ta uống; Ta là khách lạ, các con tiếp rước Ta; Ta trần truồng, các con mặc cho Ta; Ta ốm đau, các con chăm sóc Ta; Ta bị tù, các con thăm viếng Ta” (Mathiơ 25:35-36).

Những người ấy quá ngạc nhiên: “Chúng con chưa làm cho Chúa mà?” (37-39).

Vua trả lời: “Thật, Ta bảo các con, khi các con làm điều ấy cho một người thấp kém nhất trong những anh em nầy của Ta, tức là đã làm cho Ta vậy” (40).

Thế thì, người nghèo khó trong tâm linh là người khát khao sự công chính, chính là những ai đầy tình nhân ái và bác ái trước cảnh khổ của đồng bào.

Không nhất thiết những người được giúp đỡ phải là tín hữu hay đồng đạo, mà là bất cứ con người nào lâm vào cảnh ngộ cần sự hỗ trợ, cứu giúp càng sớm càng tốt, hay là cần được giải thoát khỏi mối hiểm nguy trước mặt.

Người nghèo khó trong tâm linh là người thật sự giàu có trong sự hiểu biết về các hành vi nhân ái khi phải đối diện với những cảnh khổ, những điều bất công, những sự oan sai, những cảnh ngộ lầm than, túng quẫn hay nghèo đói, và nhiều cảnh đời tuyệt vọng cần những bàn tay thông cảm vực dậy, đỡ cho đứng lên, hồi phục cuộc sống, không còn bị cái ác hay sự khắc nghiệt của thế gian vùi dập nữa.

Như đã nói, những người có tâm linh nghèo khó được sở hữu Đấng Christ, mà ai đã có Chúa trong lòng là người dễ được thánh hoá; cho nên, Kinh thánh chép rằng: “Đức Chúa Jesus không thẹn mà gọi họ là anh em” (Hêbơrơ 2:11b).

Vì vậy, phước lành mà con cái chân thật của Chúa được hưởng là dễ được thánh hoá để chắc chắn sở hữu Vương-quốc thiên đàng trong lúc thân thể đang còn ở thế gian. Được phước vì đời sống sẽ được sự hoan lạc qua các phước lành tiếp theo.

Phước lành kế tiếp dành cho người than khóc, vì sẽ được an ủi (4). Sự than khóc mà Chúa nói ở đây không phải là cảm xúc đau khổ của con người dưới áp lực của bệnh tật, hoạn nạn, tang chế, hay tổn thương tình cảm, cũng chẳng phải vì ăn năn cay đắng trước những lầm lỗi; nhưng sự than khóc ở chỗ nầy là cảm nhận của người bị nghèo khó trong tâm linh, khát khao sự công nghĩa trước những bất công trong xã hội loài người.

Tâm linh nghèo khó là phản ứng của trí tuệ, than khóc là phản ứng của phương diện cảm xúc về cùng một vấn đề.

Bởi vì tâm linh nghèo khó cho rằng mình hoàn toàn bất lực, còn tiếng than khóc là do sự cảm nhận bất lực đó bật lên tiếng than thở rằng “ôi! phải làm sao đây, vì mình chẳng làm gì nổi?

Sự than khóc nầy trái ngược với tất cả các sự khóc than do những nguyên nhân khác, bởi vì đó là sự than khóc của lòng khát khao sự công chính.

Phước cho người có lòng như vậy, vì sẽ được an ủi. Làm thế nào để họ được an ủi? Chúa sẽ dùng Tin Lành do Đức Chúa Jesus đem lại để an ủi những tấm lòng ấy; như có chép:

Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho Ta để giảng Tin Lành cho người nghèo. Ngài sai Ta đến để rịt lành những tấm lòng tan vỡ; ….2 để an ủi mọi kẻ khóc than; để ban mão hoa cho những kẻ khóc than ở Si-ôn thay vì tro bụi, ban dầu vui mừng thay vì tang chế, ban áo ngợi ca thay vì tâm linh sầu khổ. Họ sẽ được gọi là cây công chính, là cây Đức Giêhôva đã trồng để làm vinh hiển Ngài” (Êsai 61:1-3).

Cũng có chép: “Người nào gieo giống trong nước mắt, sẽ gặt hái cách vui mừng” (Thi-thiên 126:5).

Sự an ủi dù tốt nhất trong thời hiện tại cũng không hoàn hảo vì đứt đoạn và chóng tàn. Nhưng sự an ủi từ Chúa ban sẽ lau hết mọi giọt nước mắt của chúng ta, nên người nào than khóc sẽ được an ủi.

Phước cho những người nhu mì, vì sẽ thừa hưởng đất” (5). Ở câu nầy, Đức Chúa Jesus nhắc lại lời Kinh-thánh “… người nhu mì sẽ nhận được đất làm cơ nghiệp, và vui hưởng bình an thịnh vượng” (Thi-thiên 37:11).

Nhưng tính cách của người nhu mì là như thế nào? Hoặc phải làm gì, như thế nào thì được định là người nhu mì? Khi chúng ta xét kết quả của người nhu mì nhận được thì sẽ nhận ra: “Người nào trông đợi Đức Giê-hô-va sẽ được đất làm cơ nghiệp” (Thi-thiên 37:9).

Vậy, tính cách nhu mì phải có liên quan tới các tính cách của người được hưởng hai phước lành trước; bởi vì không thể nào người có tâm linh đói khát sự công chính và than khóc về điều đó mà không phải là người nhu mì. Nói cách khác, người nhu mì có cả tâm linh nghèo khó lẫn lòng đau khổ vì khao khát sự công chính.

Đức Chúa Jesus dùng chính Ngài làm gương mẫu về tính nhu mì “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta, thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ” (Mathiơ 11:28-29).

Sự nhận được đất làm cơ nghiệp không phải là loại phần thưởng tuỳ tiện, mà giống như một sự thành tựu tự nhiên phải đến. Kết quả đó đương nhiên sẽ đến cho những ai có lòng đói khát sự công nghĩa và than khóc trước sự bất công.

Tâm tình đó bắt nguồn tự sự kính sợ Đức Chúa Trời và tin cậy Ngài: “Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va và làm điều lành, hãy ở trong xứ và nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài. Cũng hãy vui thoả nơi Đức Giê-hô-va thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước” (Thi-thiên 37:3-4).

Người nhu mì không cần phô diễn gì hết, vì người nào cứ yên lặng “phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va và nhờ cậy nơi Ngài, thì chính Ngài sẽ làm thành điều nầy: Ngài sẽ khiến sự công chính của ngươi lộ ra như ánh sáng, và công lý của ngươi sáng tỏ như ban trưa” (Thi-thiên 37:5-6).

Ai nương cậy Đức Chúa Trời, Ngài bênh vực người ấy.

TinDoCuaChua01.docx
Rev. Dr. CTB