Hướng Đi Mới, bài 10
Philip 2:6–8
“Ngài vốn có hình của Đức Chúa Trời, nhưng không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là điều nên nắm giữ; Ngài đã từ bỏ chính mình, mang lấy hình đầy tớ, và trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.”
Những ai đã nghe giảng qua rất nhiều mùa Thương Khó–Phục Sinh, đều biết lý do Đức Chúa Jesus chịu chết là để đền tội cho cả nhân loại và chuộc về cho Đức Chúa Trời người nào bằng lòng tiếp nhận Ngài; đó là nguyên nhân chính và tổng quát. Tuy nhiên, để có thể giải thích một cách rõ ràng cho những thân hữu chịu nghe về ơn cứu rỗi của Chúa, chúng ta phải hiểu biết và thấm nhuần tất cả những ý nghĩa quan trọng trong sự hy sinh chịu chết của Đức Chúa Jesus. Thật ra, Đức Chúa Trời gửi Đức Chúa Jesus xuống thế gian để chịu chết cũng nhắm tới nhiều mục đích khác. Ngài chịu hy sinh trên thập tự giá để đánh bại kẻ ác; Ngài thiết lập một giao ước mới với người tin; Ngài trình bày một gương hy sinh vì tình yêu thương đối với mọi người trong nhân loại. Tuy nhiên, hai lý do thiết yếu là giúp chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời và mặc khải bản thể của Cha Ngài.
Sứ đồ Phierơ viết: “Chính Đấng Christ cũng đã vì tội lỗi chịu chết một lần đủ cả, là Đấng công chính thay cho kẻ bất chính, để đem chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời” (1Phierơ 3:18a). Sở dĩ Ngài phải đem chúng ta đến gần Đức Chúa Trời bởi vì người nào chưa tin Chúa đều bị xa cách với Đấng Tạo Hóa (Êphêsô 2:12–13) “Cũng hãy nhớ lúc ấy, ở trần gian nầy, anh em không có Đấng Christ, không có quyền công dân Israel, xa lạ đối với giao ước của lời hứa, không có hi vọng, không có Đức Chúa Trời. Nhưng trong Đấng Christ Jêsus, anh em là người trước kia xa cách, bây giờ đã được gần gũi nhờ huyết của Đấng Christ.”
Để người nào tin Ngài có thể đến gần Đức Chúa Trời thì tội lỗi của họ phải được giải quyết. Kinh Thánh đã nói cách rõ ràng: “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rôma 6:23). Chúa không xem tội lỗi là những khiếm khuyết nhỏ có thể bỏ qua. Đấng Chí Thánh ghét tội lỗi vô cùng. Đứng trước mặt Đức Chúa Trời, cả nhân loại đều bị kết tội; tội lỗi của chúng ta ngăn cách chúng ta với Đấng toàn thánh, toàn thiện, và hoàn toàn công chính.
Sự chết của Đấng Christ thay thế cho loài người để đền chuộc mọi tội lỗi họ đã và sẽ phạm là ý tưởng then chốt để hiểu biết sự đối xử của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi và cống hiến sự tha thứ tội lỗi cho chúng ta (1Phierơ 3:18a) “Chính Đấng Christ cũng đã vì tội lỗi chịu chết một lần đủ cả, là Đấng công chính thay cho kẻ bất chính, để đem chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời.” Kẻ bất chính là tất cả chúng ta; Đấng Công Chính là Đức Chúa Jesus, vì Ngài là “Đấng không hề biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta” (2Côrinhtô 21a), nhờ đó mọi người tin Ngài đều nhận được sự thương xót và tha thứ. Không phải Đức Chúa Jesus dùng sự chết của mình để thuyết phục Đức Chúa Cha bày tỏ sự nhân từ.
Nhưng bởi tình yêu thương vô bờ bến, Đức Chúa Trời đã gởi Ngôi Lời của Ngài xuống trần gian để làm một sinh tế chuộc tội cho người nào tin vào sự hy sinh chuộc tội ấy (Rôma 3:25a) “Đức Chúa Trời đã lập Ngài làm sinh tế chuộc tội cho những ai có đức tin trong huyết Ngài.” Kinh Thánh cho biết như vậy (1Côrinhtô 15:3b) “Ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh.”
Nhờ sự chết chuộc tội cho mọi người tin, loài người được bước vào nơi Chí Thánh, gần Đấng Toàn Năng và oai nghi đáng kinh khiếp (Hêbơrơ 10:19–20) “Vậy, thưa anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào Nơi Chí Thánh, bởi con đường mới và sống mà Ngài đã mở cho chúng ta ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua thân xác Ngài.” Sự chết của Đức Chúa Jesus là cách thức Đức Chúa Trời dùng để đem thế gian trở lại hòa giải với Ngài (2Côrinhtô 5:19a) “Ấy là, trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã cho thế gian được hòa giải với Ngài, không kể tội lỗi cho loài người.” Đây là một điều mà chẳng ai có thể mường tượng nổi. Để loài người có thể trở lại hòa thuận với Đức Chúa Trời, không còn ở vị trí thù nghịch vì mang đầy tội lỗi, Đức Chúa Jesus phải “mang tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, để chúng ta chết đối với tội lỗi và sống cho sự công chính” (1Phierơ 2:24a).
Một mục đích nữa trong sự chết của Đức Chúa Jesus là mặc khải cho loài người biết bản thể của Đức Chúa Trời. Trước khi Đức Chúa Jesus hy sinh chịu án chết bị đóng đinh trên cây thập tự, không một ai trong loài người có thể nghĩ tới tình yêu thương cao vời tột đỉnh như con cái Chúa ngày nay được biết về Đức Chúa Trời của chúng ta. Khi Đấng Tạo Hóa cung ứng mọi thứ cho nhu cầu sống của muôn loài, người ta có thể nghĩ tình yêu thương của Ngài có giới hạn. Nhưng tại thập tự giá của Đức Chúa Jesus, nhân loại đã được mở mắt để thấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với loài người là vô hạn như thế nào; người ta cũng được biết công lý thiên đàng đòi hỏi máu vô tội cực thánh phải đổ ra nhận lãnh án phạt để cứu chuộc loài người là đáng sợ như thế nào.
Theo lẽ thường thì sự thương xót sẽ được ban cho người chân thành hối lỗi ăn năn. Nhưng ở đây, trong lúc mọi người vẫn đang phạm tội không ngừng thì Đấng Christ đã vì chúng ta mà chịu chết (Rôma 5:7–8) “Thật khó có ai chịu chết thay cho một người công chính, họa hoằn lắm mới có người dám chết thay cho một người lương thiện. Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.” Nếu Đức Chúa Trời không gởi Ngôi Lời của Ngài đến thế gian để chuộc tội cho nhân loại, thì số phận chúng ta sẽ như thế nào? Sứ đồ Phaolô nói rằng trong trường hợp đó thì: “Tâm trí họ tối tăm, xa lạ với sự sống của Đức Chúa Trời vì sự ngu muội ngự trị trong họ, và lòng họ chai cứng” (Êphêsô 4:18). Nhưng bây giờ, Đức Chúa Jesus đã đến thế gian mặc khải về Đức Chúa Trời qua chính hành động hy sinh của Ngài, để loài người thấy Đấng Tạo Hóa không lãnh đạm và hoàn toàn xa cách như họ tưởng; mà Ngài không tiếc bất cứ điều gì với người tin (Rôma 8:32) “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì tất cả chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài lại không ban mọi sự cùng với Con ấy cho chúng ta sao?”
Qua những lời dạy dỗ và hành động của mình, Đức Chúa Jesus bày tỏ cho nhân gian biết các tính cách của Đức Chúa Trời: Ngài luôn chờ đợi người ta biết và tin Đức Chúa Jesus để được giải hòa với chính Ngài (Rôma 5:10–11) “Vì nếu khi chúng ta là kẻ thù nghịch mà nhờ sự chết của Con Ngài, chúng ta còn được hòa giải với Đức Chúa Trời thì huống chi nay đã được hòa giải rồi, chúng ta lại càng được cứu nhờ sự sống của Con Ngài là dường nào. Không những thế, chúng ta lại còn vui mừng trong Đức Chúa Trời bởi Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, nhờ Ngài mà bây giờ chúng ta nhận được sự hòa giải.” Cũng qua sự chết của mình, Đức Chúa Jesus thành lập một cộng đồng nhân loại mới, là Hội Thánh, ở đó không còn bất cứ rào cản nào hết (Êphêsô 2:15–16) “Qua thân xác mình, Ngài đã hủy bỏ luật pháp với các điều răn và quy tắc, để từ hai nhóm, Ngài tạo dựng thành một nhân loại mới trong chính Ngài, như vậy sự bình an được thực hiện; và qua thập tự giá, Ngài hòa giải cả hai cho Đức Chúa Trời trong một thân thể; bằng cách đó, sự thù địch bị tiêu diệt.”
Khi chưa tin, chúng ta chưa thể hiểu nổi niềm vinh quang mình sẽ được hưởng. Ai tiếp nhận Đức Chúa Jesus chuộc tội cho mình thì người ấy được nhận lãnh Thánh Linh của Đức Chúa Trời như một món bảo lãnh chắc chắn (Êphêsô 1:13–14) “Trong Ngài, anh em là người đã nghe lời chân lý, là Tin Lành mà anh em được cứu rỗi. Cũng trong Ngài, anh em đã tin và được đóng ấn bằng Đức Thánh Linh như lời hứa. Đấng ấy là bảo chứng của cơ nghiệp chúng ta cho đến khi những người thuộc về Ngài nhận được sự cứu chuộc.” Chính Đức Chúa Jesus tiết lộ rằng ai thấy Ngài tức là đã thấy Đức Chúa Cha (Giăng 14:8b) “… Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha. …“, Ngài cũng tiết lộ: “Ta với Cha là một” (Giăng 10:30).
Người hay thắc mắc có thể đặt câu hỏi: “Tại sao Đức Chúa Jesus phải chịu chết treo trên thập tự giá; vì bị chết đâm hay chết chém đều phải bị đổ máu?” Kinh Thánh trả lời là Ngài phải bị chết treo trên cây gỗ để chuộc những người tin Ngài ra khỏi án nguyền rủa của Luật Pháp Đức Chúa Trời đã tuyên bố (Galati 3:13) “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp khi Ngài chịu rủa sả thế cho chúng ta — vì có lời chép: ‘Đáng rủa thay cho kẻ bị treo trên cây gỗ.’” (Phục Truyền 21:23b) “Vì ai bị treo trên cây là kẻ bị Đức Chúa Trời nguyền rủa.” Tất cả chúng ta, không loại trừ ai, đều bị nằm dưới án nguyền rủa của Luật Pháp; bởi vì chúng ta là dòng dõi của rất nhiều đời tổ tiên tỏ lòng thù ghét Đức Chúa Trời cách vô cớ bằng sự thờ lạy hình tượng và thờ ma lạy quỷ (Phục Truyền 5:8–9) “Con không được làm cho mình một hình tượng nào theo hình dạng của những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước sâu. Con không được quỳ lạy trước các hình tượng đó hay phụng thờ chúng, vì Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con, là Đức Chúa Trời kỵ tà. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta sẽ vì tội đó của tổ tiên mà trừng phạt con cháu họ đến ba bốn thế hệ.”
Ngày nay, khi chúng ta đề cập tới thập tự giá của Đức Chúa Jesus, hãy nhớ rằng nhờ Ngài chịu chết treo mà chúng ta được giải thoát khỏi án nguyền rủa của Luật Pháp Đức Chúa Trời. Hãy nắm vững những điều nầy để củng cố đức tin của chúng ta cho vững chắc. Khi chứng đạo chỉ cần giải thích về tình yêu thương bao la của Đức Chúa Trời qua cái chết của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá. Còn mọi điều trong bài học nầy chỉ nhằm giúp con cái Chúa có sự hiểu biết vững vàng và các khả năng dạy đạo cùng sự chăm sóc nuôi dưỡng các tân tín hữu trong tương lai.
HuongĐiMoi10.docx
MS CTB