Theo Dõi Tận Thế, bài 40

Khải Huyền 10:1–11

Câu 10:1 nói rằng ông Giăng thấy một thiên sứ khác đầy uy lực đến từ trời, đứng một chân trên đất một chân trên biển. Nghĩa là cảnh từ trời đã chuyển xuống đất. Thiên sứ được mô tả là có một đám mây bao phủ, trên đầu có vầng hào quang đa sắc, mặt như mặt trời, và chân như trụ lửa (1). Một số thần học gia cho rằng vị thiên sứ ấy chính là Đức Chúa Jesus. Nhưng nhiều vị thần học gia khác không đồng ý vì có chữ “một thiên sứ KHÁC,” tức là không phải. Mây bao phủ nói về địa vị cao cả; trên đầu có vầng hào quang đa sắc giống như màu mống trời; lời dịch “trên đầu thiên sứ có một chiếc cầu vồng” không mô tả được sự oai nghi của Đấng đến từ thiên đàng.

Chữ thiên sứ trong Kinh Thánh Cựu Ước nói về nhiều Vị khác nhau. Vì trong đó có rất nhiều trường hợp Thiên Sứ chính là Đức Chúa Trời (Xuất Aicập 3:24; Quan Xét 6:2024). Cựu ước nhiều lần mô tả mây bao phủ Đức Chúa Trời mỗi khi Ngài giáng lâm giữa dân Israel trong hoang mạc. Mống trời là biểu tượng về giao ước của Chúa lập với nhân loại. Mống trên đầu gợi hình ảnh mống bao quanh ngôi của Đức Chúa Trời ở đoạn 4. Chân như trụ lửa và mặt chói sáng như mặt trời là hình ảnh Giăng thấy Đức Chúa Jesus (1:15-16). Một số học giả Kinh Thánh cho rằng Vị Thiên Sứ uy dũng nầy là “Thiên Sứ của Thời Gian” dựa trên lời thề: “Sẽ không còn trì hoãn nữa” (10:6).

Ở phần trước, tác giả mô tả Chiên Con mở quyển sách niêm bảy ấn. Bây giờ, quyển sách nhỏ đã mở ra nằm trong tay vị thiên sứ có phải là quyển sách khế ước niêm bảy ấn hay không? (10:2). Có người cho rằng đó là quyển sách đã được Chiên Con mở ra. Người khác không đồng ý; bởi vì đây là một quyển sách nhỏ, không giống như cuộn sách lớn trong tay của Đấng ngồi trên ngai. Người ta giải thích rằng đây là một quyển sách khác, vì ông Giăng được lệnh phải ăn quyển sách nhỏ đó (9); cho nên, sách ấy chứa những lời tiên tri mà sau khi ông Giăng ăn vào bụng, thì ông phải nói tiên tri về nhiều dân tộc, nhiều nước, nhiều thứ tiếng, và nhiều vua nữa (11).

Vị Thiên Sứ uy dũng đặt chân phải trên biển, chân trái trên đất là hình ảnh vị tướng đắc thắng đang đạp lên cổ kẻ thù bại trận (2). Thiên Sứ kêu lên một tiếng lớn như tiếng gầm của sư tử, nói về uy quyền và dũng lực vô song; bảy tiếng sấm vang rền làm gia tăng sự dũng mãnh của cảnh tượng hùng tráng (3). Chữ sấm có hai nghĩa đen: 1) Tiếng nổ của lượng điện cực lớn lan khắp bầu trời. 2) Lời tiên tri về tương lai. Bảy tiếng sấm chỗ nầy rõ ràng là lời tiên tri, vì ông Giăng nghe và định ghi lại. Đây là lần duy nhất ở sách Khải Huyền Chúa ra lệnh cho ông Giăng không được tiết lộ bảy lời tiên tri ấy mà phải niêm nó lại (4). Nếu ai muốn biết bảy lời tiên tri ấy nói gì, thì sự tò mò ấy vô ích, bởi vì khi Đức Chúa Trời đã bảo phải niêm lại, thì nó chỉ được tiết lộ khi Ngài cho phép.

Vị “thiên sứ mà tôi đã thấy đứng trên biển và trên đất, liền giơ tay phải lên trời nhân danh Đấng sống đời đời, Đấng tạo dựng trời và mọi vật trên trời, đất và mọi vật trên đất, biển và mọi vật trong biển, mà thề rằng: Sẽ không còn trì hoãn nữa!” (5–6). Tại sao Vị thiên sứ phải tuyên bố điều đó trước thế giới? Từ xưa, Đức Chúa Trời đã trì hoãn sự xét đoán thế gian vì không muốn ai bị hư vong mà muốn mọi người đều ăn năn (2Phierơ 3:9). Nhưng tới thời điểm nầy thì đến lúc chấm dứt sự trì hoãn. Bởi vì “đến những ngày thiên sứ thứ bảy thổi kèn thì sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời sẽ hoàn tất, như Ngài đã công bố cho các đầy tớ Ngài là các nhà tiên tri” (7).

Sự mầu nhiệm ấy là gì? Đã nhiều ngàn năm nay, thiên đàng vẫn im lặng cách khó hiểu trước sự tác oai tác quái của satan chống phá công việc của Đức Chúa Trời. Sự khó hiểu ấy là: Tại sao Đức Chúa Trời chưa trừng phạt sự ác mà cho phép nó lộng hành? Hoặc bí ẩn về những người nói lộng ngôn phạm thượng mà vẫn được thịnh vượng, vv…? Đó là những bí ẩn mầu nhiệm của Đức Chúa Trời; vũ trụ sẽ được biết sự bí ẩn mầu nhiệm của Chúa khi các kẻ ác bị trừng trị công khai, và Đức Chúa Jesus Christ bắt đầu trị vì, như Ngài đã báo cho các vị tiên tri biết trước.

Tiếng nói từ trời, là tiếng cấm sứ đồ Giăng không được chép những lời sấm vang rền, bây giờ bảo ông hãy đi đến vị thiên sứ đang đứng trên biển và đất liền để lấy quyển sách đã mở vị ấy đang cầm trong tay (8). Ông Giăng bèn đi đến vị thiên sứ và xin vị ấy quyển sách nhỏ. “Thiên sứ bảo: ‘Hãy lấy và ăn đi! Trong bụng ngươi sẽ đắng, nhưng miệng thì ngọt như mật.” (9). Điều nầy có nghĩa là trước khi vị sứ đồ công bố những điều mà ông khám phá trong sách, thì ông phải ‘tiêu hoá’ nó trước đã, nghĩa là suy gẫm để hiểu những việc sách đã tiên báo, vì “trong miệng nó ngọt như mật” (10). Bất cứ ai cũng rất sung sướng khi được Đức Chúa Trời cho biết trước những điều sẽ diễn ra trong tương lai. Tất cả các thánh đồ đều muốn được nhận lời Chúa phán cho mình.

Nhưng sau khi vị sứ đồ ‘tiêu hoá‘ cẩn thận quyển sách tiên tri, nội dung của nó trở thành đắng; bởi vì những điều chép trong sách ấy là kinh khủng và đáng sợ, như sự bách hại sẽ xảy tới cho dân của Chúa, và sự tàn phá tan hoang sẽ diễn ra trên trái đất. Sự biết trước những điều ấy không đem đến thích thú gì, mà chỉ là lo buồn đau đớn trong tâm trí vị sứ đồ. Hãy nhớ lại quyển sách niêm bảy ấn trong tay Đấng ngồi trên ngôi (ở đoạn 5) là sách khế ước về các điều khoản chuộc lại quyền quản trị thế giới. Chúng ta được biết nội dung của sách là tin mừng về sự cứu chuộc loài tạo vật, và tin buồn về sự phán xét trừng phạt kẻ ác. Hiểu nguyên tắc ấy chúng ta biết lý do ngọt và đắng.

Tiên tri Ezekiel trong thời Cựu Ước cũng được bảo phải ăn một cuộn sách (Êxêchiên 2:8b). Ông thấy những lời sách ấy “đầy đau thương, than khóc, và khốn nạn được chép vào đó” (Eze 2:10). Khi ông ăn vào thấy miệng ngọt như mật (Eze 3:3). Nhưng khi thần đem ông đi, thì ông “đi mà lòng đầy cay đắng, giận dữ” (Eze 3:14). Tiên tri Êxêchiên được sai đi giảng lời của Đức Chúa Trời cho dân Do-thái, lời Chúa trong mọi trường hợp đều là gươm hai lưỡi của sứ điệp về sự cứu rỗi và sứ điệp về sự định tội. Gươm phúc âm thì luôn luôn có hai mặt: “Ai tin Con thì không bị kết án đâu; ai không tin thì đã bị kết án rồi, vì không tin đến Danh Con Một của Đức Chúa Trời.” (Giăng 3:18).

Đức Chúa Trời là tình yêu thương nhưng cũng là Đấng công chính. Ngài nhân từ nhưng rất chính trực – Ngài yêu tội nhân nhưng rất ghét tội lỗi. Phúc âm làm cho các tín đồ vui mừng hớn hở, nhưng cũng là lời tiên báo sự phán xét kinh hoàng cho người cứng lòng không chịu tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa. Cho nên sứ điệp của phúc âm vừa ngọt vừa đắng. Lời của Đức Chúa Trời không phải chỉ hứa ban thiên đàng cho người tin mà còn báo trước sẽ ném kẻ không tin vào hoả ngục. Ăn nuốt sách có nghĩa là nghe, đọc, và hiểu lời của Chúa đã được chép ra. Khi đọc những lời hứa tuyệt vời của Chúa, trong miệng thấy ngọt ngào. Nhưng lúc người ta phải hiểu những lời ấy trước khi các lời hứa được hoàn tất, thì việc lập quyết định từ bỏ con người cũ và bằng lòng cho nó bị phán xét trên thập tự giá của Đức Chúa Jesus Christ là rất cay đắng và rất khó chấp nhận.

Sứ mạng của Êxêchiên và Giăng sau khi nuốt sách là phải rao giảng cách ngay thẳng lời của Đức Chúa Trời. Người có nhiệm vụ rao giảng thì không được phép chỉ giảng những gì mình thích hay những gì người ta thích nghe, nhưng phải nói những gì Đức Chúa Trời ra lệnh phải nói. Mệnh lệnh của Chúa là con cái Ngài phải giảng về sứ điệp cứu rỗi cho kẻ tin, và sự phán xét kinh hoàng đối với người từ chối tình yêu thương của Ngài. Thời xưa, người ta không ưng nghe sự thật, chỉ thích nghe những gì bùi tai (Êsai 30:9–10). Thời nay cũng vậy, vô số tín đồ tụ tập nghe các toà giảng nào nói về sự thịnh vượng vật chất khi được làm con cái Chúa, hoặc giảng về những đề tài ít đụng chạm, hoặc không động chạm gì đến nếp sống bạc nhược yếu đuối của tín hữu.

Mặc dù rất nhiều người không muốn đối diện với sự thật mà lời Kinh Thánh trình bày, nhưng không vì thế mà chúng ta né tránh sự thật. Lời Chúa là tin mừng cho người kính mến Ngài, nhưng lời ấy là sự cay đắng cho những người còn yêu mến trần gian và các khoái lạc của xác thịt. Mỗi người chúng ta hãy nhắc nhở nhau tỉnh thức trong khi chờ đợi được Chúa, và có nếp sống đẹp lòng Chúa như Ngài luôn mong muốn. Ai chưa tỉnh thức thì hãy tỉnh thức trước khi quá trễ.

TheoDoiTanThe40.docx

Rev. Dr. CTB