Đời Sống trong Thánh Linh, bài 05

Galati 3:1–5

Hỡi những người Galati dại dột! Ai đã mê hoặc anh em là những người mà hình ảnh Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá đã được bày tỏ ra trước mắt? Tôi chỉ muốn anh em cho tôi biết điều nầy: Anh em đã nhận lãnh Thánh Linh là nhờ vào công việc của luật pháp hay là bởi nghe và tin? Sao anh em dại dột đến thế? Anh em đã bắt đầu với Thánh Linh, sao bây giờ lại kết thúc bằng xác thịt? Anh em đã chịu biết bao khó nhọc để chẳng được gì sao? Nếu thế thì quả là vô ích! Đấng đã ban Thánh Linh và làm nhiều phép lạ giữa anh em, là do anh em làm theo luật pháp, hay là bởi nghe và tin?

Thư tín của sứ đồ Phaolô viết gửi cho tín hữu ở Rôma và thư viết cho tín hữu ở Galati đề cập tới cùng một số vấn đề thần học và giáo lý. Nhưng thư Galati viết vào thời ông Phaolô đang tranh luận kịch liệt với những tín hữu gốc Do-thái-giáo về việc được cứu rỗi bởi đức tin hay bởi giữ luật pháp Môise. Thư Rôma được viết về sau, thảo luận các vấn đề tổng quát về ý nghĩa của phúc âm, để tín hữu ở Rôma chuẩn bị tiếp đón Phaolô đến thăm họ. Trong thư gửi cho tân tín hữu ở Galati, sứ đồ Phaolô rất ngạc nhiên vì những người ấy đã vội vàng nghe theo lý luận của các tín hữu gốc Do-thái-giáo, chịu phép cắt bì và giữ luật pháp Môise để bảo đảm được cứu rỗi. Tức là dựa vào nỗ lực riêng để đạt đến sự cứu rỗi, và đã quên mất hình ảnh Đức Chúa Jesus trên thập tự giá:

Galati 3:1 “Hỡi những người Galati dại dột! Ai đã mê hoặc anh em là những người mà hình ảnh Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá đã được bày tỏ ra trước mắt?

Tình trạng nầy không phải chỉ xảy ra giữa những tân tín hữu người Hy-lạp vào thời Hội Thánh sơ lập, mà trong suốt lịch sử của Hội Thánh thời nào cũng có những phong trào như thế. Hiện nay cũng vậy, có vài hệ phái cương quyết giữ luật Môise, nhưng có lựa chọn. Nghĩa là điều nào không thuận tiện để áp dụng thì bỏ lơ. Tuy nhiên, điều đáng mừng là số người ấy không nhiều; họ chỉ là thiểu số không đáng kể. Vấn đề đáng lo ngại là tín hữu ngày nay xem các nghi thức và điều lệ giáo hội như điều răn phải giữ để được cứu rỗi chứ không phải là đức tin thuần túy. Mục đích chính của Phaolô trong thư Galati là giải thích rõ chân lý người ta được xưng công chính bởi đức tin; cũng bởi đức tin đó mà mọi người tin tiếp nhận Đức Thánh Linh qua phép báp têm của Ngài.

Phaolô đặt thẳng vấn đề với tín hữu ở Galati: “ Anh em đã nhận lãnh Thánh Linh là nhờ vào công việc của luật pháp hay là bởi nghe và tin?” (3:2). Họ đã nghe và tin điều gì? “Vì Tin Lành được rao giảng cho chúng ta cũng giống như cho họ; nhưng lời họ đã nghe không đem lại ích lợi gì, vì trong khi nghe, họ không tiếp nhận lời ấy với đức tin” (Hêbơrơ 4:2). Họ đã nghe Phúc Âm được rao giảng, và họ tin những lời rao giảng ấy là đúng và thật. Ai trong chúng ta cũng biết Phúc Âm tức là Tin Mừng về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại được thực hiện qua sự chết chuộc tội cho loài người của Đức Chúa Jesus. Ai thật lòng tin điều đó thì người ấy được Đức Thánh Linh tái sinh và ngự vào làm Chủ trong lòng. Không có sự mơ hồ nào hay giả dối gì trong việc nầy.

Người Galati biết Đức Thánh Linh đến trên họ khi họ tin. Sứ đồ Phaolô cũng chứng kiến lúc họ tiếp nhận Đức Thánh Linh. Nếu đây không phải là một kinh nghiệm rõ ràng, thì Phaolô không thể dùng nó làm bằng chứng để biện luận. Vì thế đây là vấn đề mà chúng ta phải suy gẫm kỹ càng; bởi vì nếu ai chưa bao giờ có kinh nghiệm tiếp nhận Đức Thánh Linh, thì người đó phải cẩn thận xem lại đức tin của mình một cách nghiêm túc: Tại sao mình theo đạo? Theo đức tin của mình thì Đức Chúa Jesus và Đức Chúa Trời khác nhau thế nào? Niềm tin căn bản mà mỗi tín hữu phải nắm vững là tin chắc Đức Chúa Trời có thật. Đức Chúa Jesus là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời đã xuống trần gian trong thân xác loài người để chịu hình phạt án chết thay thế cho chúng ta.

Có lẽ lòng tin ấy không khó. Nhưng phải xác nhận mình đã phạm tội với Đức Chúa Trời, phải ăn năn từ bỏ tội lỗi vẫn thường phạm để tiếp nhận Đức Thánh Linh, thì không dễ dàng. Có lẽ đây là lý do khiến nhiều người không dám chắc mình đã nhận lãnh Đức Thánh Linh hay chưa. Đức tin còn lỏng lẻo rất dễ bị chủ nghĩa luật pháp dẫn dụ. Giống như tín đồ của các tôn giáo trần gian luôn tìm các bài kinh kệ để học thuộc, hoặc những câu thần chú để hô, vì nghĩ rằng các phương tiện ấy có thể thay thế cho đức tin vào mục tiêu họ không thấy hay rờ chạm được. Tín đồ giáo hội La mã và một số tín đồ Tin Lành cũng vậy; người thì tìm đến hình tượng để nhìn lên mà cầu kinh, người thì xem truyền thống và điều lệ của giáo hội như các điều răn bất di bất dịch. Tất cả đều lầm lạc.

Hãy đọc lại câu hỏi của Phaolô: “Sao anh em dại dột đến thế? Anh em đã bắt đầu với Thánh Linh, sao bây giờ lại kết thúc bằng xác thịt?” (Galati 3:3). Ý của Phaolô muốn nói trong câu “bắt đầu với Thánh Linh” là những điều họ đã nhận được bởi đức tin trong thời gian ông còn ở với họ, trái ngược với những nỗ lực giữ luật Do-thái-giáo bằng sức riêng khi ông vắng mặt. Điểm nổi bật trong lý luận của Phaolô về bí quyết để chúng ta tham dự vào mọi hoạt động của Đức Thánh Linh trong lòng ta là đức tin. Điều ấy là sự thật; bởi vì “Đấng đã ban Thánh Linh và làm nhiều phép lạ giữa anh em, là do anh em làm theo luật pháp, hay là bởi nghe và tin?” (3:5).

Luật pháp cho Do-thái-giáo, được Môise ban bố ở chân núi Sinaii cách nay khoảng 3,500 năm, thay vì đem ơn phước lại dẫn sự nguyền rủa tới. Đức Chúa Jesus đã đến thế gian để giải thoát nhân loại khỏi sự nguyền rủa ấy. Sự giải thoát nầy nhằm khiến cho “… trong Đấng Christ Jêsus phước lành dành cho Abraham đến được với các dân ngoại, và bởi đức tin chúng ta nhận lãnh lời hứa về Thánh Linh” (Galati 3:14). Đức Chúa Jesus đã làm gì để giải thoát chúng ta khỏi sự nguyền rủa kinh hoàng đó? “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp khi Ngài chịu rủa sả thế cho chúng ta — vì có lời chép: Đáng rủa thay cho kẻ bị treo trên cây gỗ’” (Galati 3:13). Sự nguyền rủa đồng nghĩa với rủa sả. Người phạm luật pháp, nhờ tin Chúa thì được thoát khỏi sự rủa sả.

Ở phần nầy của thư Galati, sứ đồ Phaolô kết hợp phước lành của Abraham với lời hứa về Đức Thánh Linh. Nhưng qua Kinh Thánh chúng ta biết rằng Abraham được kể là công chính nhờ đức tin (Sáng Thế 15:6) “Abram tin Đức Giê-hô-va, nên Ngài kể ông là người công chính.” Làm thế nào Chúa thực hiện lời hứa rằng mọi dân tộc thế gian sẽ được phước qua Abraham? (Sáng Thế 12:3) “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước con, nguyền rủa kẻ nào nguyền rủa con; mọi dân trên đất sẽ nhờ con mà được phước.” Ơn phước của Abraham đến cho thế giới qua Đức Chúa Jesus Christ, và nhờ nghe rao giảng và tin vào ơn cứu chuộc của Ngài, chúng ta nhận được Đức Thánh Linh, đó chính là ơn phước mà Đức Chúa Trời đã hứa (Galati 3:2) “… Anh em đã nhận lãnh Thánh Linh là nhờ vào công việc của luật pháp hay là bởi nghe và tin?” Để bất cứ người nào có đức tin vào Ngài đều được nhận lãnh Đức Thánh Linh, dù là người Do-thái hay dân ngoại đều nhận giống nhau.

Khi thân nhân và bạn hữu của đội trưởng Cornelius, những người dân ngoại bởi đức tin, được nhận lãnh Đức Thánh Linh lần đầu tiên trong lịch sử, thì việc Chúa ban báp têm Đức Thánh Linh cho họ là bằng chứng Ngài không buộc người tin phải giữ luật pháp Môise. Đức tin vào ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời là sự bảo đảm chắc chắn nhất để chúng ta tiếp nhận Đức Thánh Linh chứ không phải điều kiện đòi hỏi nào khác. Chúng ta hãy nhắc lại câu hỏi xác quyết của Phaolô “Đấng đã ban Thánh Linh và làm nhiều phép lạ giữa anh em, là do anh em làm theo luật pháp, hay là bởi nghe và tin?” (3:5). Ngày nay, không có bao nhiêu người muốn bị luật pháp Môise trói buộc; nhưng số người chưa được nhận lãnh Đức Thánh Linh thì nhiều. Đó là nan đề của Hội Thánh thời nay.

Có lẽ nhiều người ít nghĩ đến sự đơn giản của ơn cứu chuộc từ Đức Chúa Trời. Đôi khi chúng ta phức tạp hóa vấn đề do cách suy nghĩ rắc rối xuất phát từ nhiều thứ lý thuyết nghi ngờ và vô tín của thời đại. Tức là chưa hoàn toàn tin vào thiện chí tốt lành của Chúa đối với chúng ta. Hãy từ bỏ thái độ vô tín và các ý nghĩ vớ vẩn của ngoại giáo. Hãy hiểu rằng khoa học tân tiến không dám bác bỏ sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Về phần chúng ta đang là những người tin Chúa thì hãy tự xét đức tin của mình đối với Ngài như thế nào? Từ đó chúng ta sẽ thấy nguyên nhân nào đang cản trở mình tiếp nhận Đức Thánh Linh. Nếu các nguyên nhân đó là tội lỗi thì hãy ăn năn để được tha thứ.

DoiSongtrongThanhLinh05.docx

Rev. Dr. CTB