Đời Sống trong Thánh Linh, bài 13
Thi Thiên 49:16–20
“Chớ sợ khi một người trở nên giàu có khi vinh quang nhà người ấy tăng lên. Vì khi chết người ấy chẳng đem gì theo được, vinh quang cũng không theo người xuống mồ mả đâu. Dù lúc còn sống, người ấy kể mình là được phước, và được người ta ca ngợi khi người thịnh vượng. Người ấy sẽ đến cùng dòng dõi tổ phụ mình: Sẽ chẳng còn thấy ánh sáng nữa. Người nào hưởng sự giàu sang mà không hiểu biết gì giống như thú vật phải hư mất.”
Mọi người sống ở thế gian đều có một hay vài ước mơ nhỏ hoặc lớn. Có loại ước mơ mà người ta gọi là tham vọng; bởi vì nó là loại ước mơ không nhỏ. Tham vọng thì có thể liên quan tới nhiều lãnh vực; có thể nói cách vắn tắt là tham vọng về quyền lực, địa vị, danh tiếng, nhiều của cải, hoặc ước vọng nhỏ nhoi nhất là được người khác biết về những thành quả của mình. Bài trước đã bàn về lòng tham tiền bạc sẽ dẫn tới hậu quả đau khổ; cho nên, để giúp cho tín hữu biết sống ở thế gian thế nào được đẹp lòng Chúa và an toàn cho linh hồn mình, chúng ta sẽ xem xét và phân tích tham vọng về tâm lý muốn có địa vị cao và nổi tiếng trong xã hội là điều thường thấy ở nhiều người, để học biết ý Chúa cho chúng ta trong phương diện ấy là như thế nào.
Khi người ta tham gia vào chính trị, ứng cử vào các chức vụ có chút quyền lực nào đó trong chính phủ, thì mục tiêu họ nhắm tới gồm có cả ba thứ: Danh, lợi, và quyền. Nhưng không phải ai cũng có thể nổi danh; vì vậy, mục tiêu mà người ta thấy có thể đạt được là lợi và quyền. Ở Hoa kỳ, người ta vẫn luôn luôn thấy những chính trị gia đã trở nên rất giàu có sau một thời gian đắc cử vào quốc hội. Ít người thấy những chức quyền ở địa phương mình cũng âm thầm thủ đắc nhiều tài sản mà không cần phải ứng cử vào quốc hội. Bởi vì hễ có quyền thì sẽ bị mua chuộc bằng tiền bạc, tài sản đất đai, từ những người có nhu cầu kinh doanh làm ăn và cần giấy phép nào đó; vì thế, hầu hết con cái kính sợ Chúa luôn luôn tránh dính líu vào các vụ hối lộ, và cố gắng giữ lòng họ trong sạch.
Lời Chúa nói rất rõ về những hậu quả tai hại của sự hối lộ và nhận hối lộ: (Xuất Ai-cập 23:8) “Con chớ nhận của hối lộ vì của hối lộ làm mờ mắt người sáng suốt và xuyên tạc lời nói của người công chính.” (Phục Truyền 16:19) “Anh em không được làm sai lệch công lý, không thiên vị, không nhận hối lộ, vì của hối lộ làm mù mắt kẻ khôn ngoan và xuyên tạc lý lẽ của người công chính.“(Gióp 36:18) “Hãy cẩn thận, đừng để giàu sang mê hoặc, hay của hối lộ quá lớn làm anh lạc lối.” (Châm ngôn 15:27) “Kẻ tham lợi phi nghĩa gây rối rắm nhà mình, còn ai ghét của hối lộ sẽ được sống.” (Truyền đạo 7:7) “Sự áp bức khiến người khôn hóa dại, của hối lộ làm hư hỏng lòng người.” (Michê 7:3) “Tay chúng chuyên làm điều ác. Thủ lĩnh thì đòi quà cáp, thẩm phán thì nhận hối lộ; còn quan lớn thì lòng đầy tham vọng, chúng cấu kết với nhau.”
Không thiếu những người là con cái Chúa nhưng hống hách khi có chút chức quyền ở nơi làm việc. Điều đó vừa bị Đức Chúa Trời ghê tởm, vừa khiến cho người khác ghét mình. Hơn nữa, tánh tình ấy không thể đem ai đến với Chúa được. Bởi vì khi người bị chèn ép chưa tin Chúa biết kẻ có thái độ hống hách với mình là tín đồ Tin Lành, thì họ không thể nào có cảm tình tốt với đạo Chúa. Sự tranh giành địa vị và quyền hành ở nơi làm việc cũng từ tham vọng sai trật mà ra; việc ấy không phải chỉ có ngoài đời mà còn xảy ra trong Hội Thánh nữa. Vì đã có người sợ trình độ văn hóa thật của mình bị phơi bày thì có thể bị lép vế trước người có học thức cao hơn; bèn nẩy ra thủ đoạn lén lút hãm hại người mà họ ganh tị. Thái độ ấy thuộc về thế gian, con cái Chúa không nên dính tới.
Tinh thần và hành vi tranh giành ảnh hưởng và quyền hành giữa các sứ đồ đã được Đức Chúa Jesus chỉ dẫn rõ ràng từ xưa (Luca 22:24–27) “Các môn đồ lại tranh biện với nhau xem ai trong họ sẽ là người lớn hơn hết. Nhưng Ngài phán với họ: ‘Các vua dân ngoại lấy quyền mà cai trị, các bậc cầm quyền được gọi là người ban ơn thí phước. Về phần các con thì đừng như vậy, nhưng ai lớn nhất trong các con phải trở nên như kẻ nhỏ nhất, và ai là người lãnh đạo phải như người phục vụ. Vì giữa người ngồi ăn với người phục vụ, ai là người lớn hơn? Có phải là người ngồi ăn không? Nhưng Ta ở giữa các con như người phục vụ vậy;’” nhưng ngày nay có ít người nhớ lời dạy của Ngài rằng: “Ai lớn nhất trong các con phải trở nên như kẻ nhỏ nhất, và ai là người lãnh đạo phải như người phục vụ” (26). Những ai là con cái thật của Chúa cần phải suy gẫm về gương phục vụ của Ngài khi ở giữa các môn đồ Ngài. Những sự thất bại của Hội Thánh ngày nay trong nhiều phương diện đều là hậu quả của các hành vi tranh chấp và thái độ lười biếng của rất nhiều người. Có nơi thì mục sư muốn cai trị tín hữu, đòi hỏi quyền lợi; nơi khác thì tín đồ lại đòi hỏi mục sư phải phục vụ quá sức. Trong cả hai tình trạng vừa nói thì chẳng có cái nào đúng cả. Mọi tham vọng xấu đều sai trật.
Những ước muốn và tham vọng không lành mạnh có thể rất sâu đậm trong lòng một số người. Có người thì bộc lộ một cách trắng trợn, người khác thì giấu kỹ ý định. Cũng có người không hề biết mình đang có tham vọng muốn phô diễn; họ nghĩ rằng việc ấy chỉ là điều tự nhiên chứ chẳng có gì xấu. Làm thế nào chúng ta nhận ra mình có những ước muốn sai trật? Dấu hiệu để biết mình có điều ấy là: Rất hăng say làm chuyện chi đó khi có người chứng kiến, nhưng chẳng thiết tha gì nếu không ai biết chuyện mình làm, mặc dù việc ấy sẽ làm Chúa ưa thích hay đẹp lòng Ngài. Một dấu hiệu khác là trong lòng bất mãn, cụt hứng vì người ta không quan tâm hoặc chẳng tỏ vẻ khâm phục những việc mình làm, hay lời mình kể, với hi vọng sẽ được khen ngợi.
Trong vòng con cái Chúa giữa người Việt ở hải ngoại có một số người thuộc loại ưa trình diễn tài năng mà họ nghĩ là nếu ai biết tới thì sẽ khâm phục. Họ hết sức nỗ lực để tìm cách phổ biến các “tác phẩm” của họ. Chúng ta hãy rất cẩn thận về vấn đề nầy; vì bất cứ tham vọng nào có liên quan tới ước muốn được nổi danh, đều là nguyên nhân dẫn tới sự sa bại của đời sống tâm linh. Từ thưở xa xưa, cherub Lucifer đã phạm lỗi lầm nầy nên bị đuổi khỏi thiên đàng (Êsai 14:12–15) “Hỡi Lucifer, con trai của rạng đông, sao ngươi từ trời rơi xuống! Hỡi kẻ đánh bại các nước, sao ngươi bị hạ xuống đất! Chính ngươi đã nói trong lòng rằng: ‘Ta sẽ lên trời, ta sẽ nhấc ngai ta lên cao hơn các ngôi sao của Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội kiến xa tít về phương bắc. Ta sẽ lên cao hơn các đám mây, làm cho ta giống Đấng Rất Cao.‘ Nhưng ngươi phải bị đem xuống âm phủ, xuống tận đáy vực sâu!” Trong phân đoạn nầy, cherub Lucifer tự nhủ “ta sẽ” bốn lần. Điều đó có nghĩa nó là nỗi ao ước và tham vọng riêng trong lòng của Lucifer. Chính ước muốn và tham vọng ấy đã khiến Satan bị ném khỏi thiên đàng, nơi vị cherub đẹp đẽ vốn được tôn trọng mà chưa hài lòng với địa vị cao trọng của mình.
Sau khi bị đuổi, Lucifer bị gọi là Satan, nghĩa là kẻ ngăn trở. Satan dùng tâm tánh thất bại của mình để cám dỗ loài người theo hướng đó. Tại sao Satan làm như vậy? Bởi vì nếu ai nghe lời cám dỗ mà sa vào cái bẫy mong được nổi danh hoặc được người ta khen ngợi, thì người ấy phải ở dưới ảnh hưởng của Satan, để cùng với hắn chống lại các mục đích của Đức Chúa Trời. Cho nên, người nào ham muốn danh vọng sẽ bị Satan lợi dụng nhược điểm ấy mà trói buộc người đó. Một gương rõ ràng được ghi trong Kinh Thánh về thuật sĩ Simon. Khi Hội Thánh ở Jerusalem bị bắt bớ, chấp sự Philip đi đến giảng đạo ở xứ Samari. Dân ở đó tin nhận Chúa và chịu báp têm. Thuật sĩ Simon cũng tin (Công vụ 8:13) “Chính Simon cũng tin; sau khi nhận báp-têm, ông ở luôn với Philíp. Thấy những phép mầu và dấu lạ lớn được thực hiện, ông rất kinh ngạc.” Phierơ và Giăng đến đó đặt tay để các tân tín hữu nhận Đức Thánh Linh.
Simon muốn hối lộ để được quyền năng ấy thì bị Phierơ quở nặng (Công vụ 8:17–23) “Phierơ và Giăng đặt tay trên họ, họ liền nhận lãnh Đức Thánh Linh. Khi thấy các sứ đồ đặt tay lên thì Thánh Linh được ban xuống, Simon liền lấy tiền bạc dâng cho hai sứ đồ, và nói: ‘Xin cũng cho tôi thẩm quyền ấy, để tôi đặt tay trên ai thì người ấy nhận lãnh Đức Thánh Linh.‘ Nhưng Phierơ trả lời rằng: ‘Tiền bạc của anh cũng hư vong với anh, vì anh tưởng có thể lấy tiền bạc mua được sự ban tặng của Đức Chúa Trời! Anh chẳng được dự phần hoặc chia sẻ trong việc nầy đâu, vì lòng anh không ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời. Vậy, hãy ăn năn việc ác của anh và cầu nguyện với Chúa, để may ra Ngài sẽ tha thứ ý tưởng ấy trong lòng anh. Vì tôi thấy anh đang ở trong mật đắng và trong xiềng xích tội ác.‘
Ước muốn sai trật của một người đã tin Chúa như Simon không phải chỉ có ở thời đó. Thời nay cũng có nhiều người tuy xưng nhận là tin Chúa nhưng cũng có tâm tánh như vậy. Tức là người không có chức vụ hay bổn phận gì trong các buổi đại hội bồi linh có đông người tham dự, cũng tìm cách tỏ vẻ mình là người có quyền năng của Đức Thánh Linh, đặt tay cầu nguyện cho những người khát khao được nhận lãnh ân tứ của Chúa. Việc ấy ít xảy ra ở các giáo phái bảo thủ truyền thống, nhưng vẫn thường xảy ra ở các giáo phái ngũ tuần và ân tứ Đức Thánh Linh. Bởi vì lòng ham muốn danh vọng trong nhiều người khiến họ không kềm chế được.
Hãy để Đức Chúa Trời cất nhắc chúng ta theo ý Ngài (Giacơ 4:10) “Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa thì Ngài sẽ nhấc anh em lên.” Không vinh dự nào lớn hơn vinh dự được Chúa ban cho. Cũng chẳng có vinh quang nào hạnh phúc bằng vinh quang được ở bên cạnh Cha chúng ta ở thiên đàng. Ai biết rõ điều đó thì chẳng có danh vọng nào ở trần gian cám dỗ họ được.
DoiSongtrongThanhLinh13.docx
Rev. Dr. CTB