Father’s Day

Giê-rê-mi 31:20

Mỗi năm, ở nước Mỹ có một ngày để tôn vinh các bà mẹ, rồi có một ngày để nhớ tới những người làm cha. Lòng mẹ yêu thương và hi sinh cho con vẫn luôn là đề tài được ca tụng mãi. Mặc dù trong xã hội đạo đức đảo điên thời nay có một số người không giữ tình mẹ cao quý như xưa, nhưng các bà mẹ Việt Nam vẫn hi sinh cho các con mình và làm gương sáng cho xã hội.

Dù người ta ít nói về tình yêu thương con của những người cha, thì không có nghĩa là cha ít thương yêu con hơn mẹ. Tình cha thương con bao la không kém tình mẹ; nhưng sự bày tỏ tình thương của cha đối với con khác với sự chăm sóc dịu dàng của mẹ bộc lộ ra ngoài. Vì thế, nhiều người con thường không biết tình yêu cha dành cho mình lớn và mạnh như thế nào.

Ít ai biết những người cha đã khóc ngất khi buộc phải rời xa con nhỏ. Trong những năm sống tha hương, những người cha ít nói về các bà vợ, ông nào cũng âu yếm nhắc tới con của họ với lòng thương yêu vô bờ. Đối với họ, những đứa con là niềm hi vọng để họ chịu đựng và bám víu sự sống nơi cùng khổ. Có vài câu chuyện về những người cha Việt Nam hi sinh cho con mình:

Đứa con phải lên tỉnh học. Mỗi tháng, người cha đạp xe vượt hơn sáu chục cây số, từ quê lên tiếp tế đồ ăn và chi phí trọ học. Một hôm, ông cũng lên tiếp tế lệ phí cho con dự thi. Cha hỏi, “Chừng đó tiền có đủ không con?” Người con đếm rồi nói: “Thưa ba còn dư được một ngàn.” Người cha ngần ngừ nói, “cho ba xin lại hai trăm để đi đường nếu bị bể bánh khỏi phải dắt bộ mấy chục cây số như lần trước.” Đợi cha đạp xe đi khuất, con bưng mặt khóc vì quá thương cha.

Tóm tắt chuyện nhà văn Võ Hoài An tả cảnh di tản ở bến tàu Sài gòn năm 1975. “Cầu thang đã được kéo lên. Một người đàn ông đứng tuổi đang hướng lên trên ra dấu nói gì đó. Nép vào chân ông là cậu bé cỡ chín mười tuổi, mặt mày ngơ ngác. Người đàn ông chắp tay hướng lên trên xá xá nhiều lần như van lạy người trên tàu. Bỗng trên tàu thòng xuống một sợi dây thừng lớn. Người đàn ông nắm được đầu dây, mừng rỡ vội vã cột ngang eo ếch thằng nhỏ. Xong, ông đưa tay ra dấu cho bên trên. Thằng nhỏ được từ từ kéo lên, tòn ten dọc theo hông tàu. Nó không la không khóc, hai tay nắm chặt sợi dây, ráng nghiêng người qua một bên để cúi đầu nhìn xuống. Người đàn ông ngước nhìn theo, đưa tay ra dấu như muốn nói: ‘Đi, đi! Đi, đi!‘ Rồi, mặt ông bỗng nhăn nhúm lại, ông úp mặt vào hai tay khóc ngất!” Không ai biết sau nầy cha con có còn gặp nhau?

Người chồng gầy guộc như chỉ còn da bọc xương, ôm xác vợ vừa chết trong bệnh viện, khóc nức nở. Ở nhà còn ba đứa con dại, mà anh không một xu dính túi. Chôn vợ xong, anh làm đủ chuyện để nuôi con, mà vì gầy ốm quá không ai muốn thuê anh làm. Cơm anh nhường con ăn, chỉ mong tới đủ ngày bán máu nuôi con. Một hôm bồng đứa con gái út đi ngang gánh hủ tíu, nó đòi ăn thịt, anh vội đi tránh và nói, khi có tiền ba sẽ mua thịt cho con ăn. Đứa bé nhìn mặt cha hỏi với giọng còn ngọng nghịu: Ao ba óc? Có người giới thiệu trại hòm cần người, anh tới xin việc. Công việc rất nhẹ nhàng. Cứ 10 giờ tối, anh tới leo vào nằm trong một quan tài trống. Ông chủ đậy nắp chừa khe hở cho anh thở. Anh nghe ở ngoài ông đốt nhang cúng bái gì đó. Anh chẳng cần biết và cũng chẳng sợ; anh sung sướng nghĩ tới sáng sẽ có tiền mua thịt nấu cho con ăn, rồi ngủ thiếp đi.

Gần sáng, chủ trại hòm mở nắp cho anh trèo ra, trả tiền công, hẹn tối lại tới. Họ cần như vậy vì ít người chết nên trại hòm làm ăn không khá. Anh cầm tiền công, nhìn thấy cái giẻ lau dưới chân ông chủ là một cái áo đầm cũ. Anh xin cái giẻ ấy đem về giặt sạch cho con mặc đi học. Nhờ công việc ngủ trong quan tài một thời gian mà anh bắt đầu có chút da thịt. Hết việc đó, anh tìm việc khác, không hề nghĩ tới chuyện lấy vợ kế, vì không ai thương con của anh bằng mẹ chúng nó. Anh tiếp tục nuôi ba đứa con ăn học đàng hoàng. Về sau, cô con gái út lớn lên lấy chồng, nó vẫn cất kỹ cái áo đầm giẻ lau năm xưa. Nó nói: “Con giữ cái áo nầy suốt đời để nhớ ơn ba!

Trong một tai nạn thời chiến tranh Việt Nam, người cha bị mảnh sắt phá nát cổ tay, vừa tỉnh một chút, ông hỏi người con gái lớn trong cùng tai nạn ấy có bị gì không? Khi nghe con mình bị nát đầu gối, ông nấc một tiếng rồi bất tỉnh, khác hẳn bản tính bình tĩnh thường ngày. Lúc hấp hối ông cố sống chờ đứa con trai đi học xa về cho ông gặp mặt lần cuối, xong rồi ông bình an qua đời.

Dân Israel được Đức Chúa Trời kể là con của Ngài; họ được bảo vệ, nuôi nấng và chăm sóc từng bước. Từ lúc họ chỉ mới là một gia đình kiều ngụ ở Canaan và chẳng biết tương lai sẽ ra thế nào, thì Đức Chúa Trời đã gửi Joseph, con trai áp út, bị bán làm nô lệ tại Ai-cập. Jacob, cũng có tên là Israel, tưởng đứa con trai yêu quý nhất đã chết, nên cứ khóc thương con hơn hai mươi năm.

Sau mười ba năm chịu cảnh đời khốn cùng, Joseph được vua Ai-cập đưa lên làm tể tướng nhờ biết giải mộng và lời bàn khôn ngoan. Khi nạn đói kinh hoàng diễn ra khắp vùng trung đông, gia đình Israel mới biết Đức Chúa Trời đã gửi Joseph đi trước để bảo tồn mạng sống của họ. Sau bốn trăm năm trở thành một dân tộc đông đúc, Ngài giải thoát họ khỏi Ai-cập và dẫn về miền đất hứa.

Thế mà khi họ đã bình an, yên ổn và thịnh vượng, thì quay lại phản bội Cha trên trời (Giêrêmi 2:4–7). Chúa ví sự phản bội của họ là phạm hai điều ác (Giê. 2:13; 32). Tội ác của họ chẳng phải chỉ là chừng đó, mà còn biến thể, các vết nhơ không tẩy rửa được (Giê. 2:21–22). Thế nhưng tình yêu của Đấng làm Cha thật là rộng lượng vô bờ. Đức Chúa Trời không ngớt kêu gọi (Giê. 3:12, 22a).

Israel đã làm ngơ lời kêu gọi thiết tha của Chúa; vì vậy họ bị trừng phạt (Giê. 30:11c, 15b). Đức công chính của Chúa không thể bỏ qua tội lỗi. Tuy Ngài trừng phạt Israel cách nặng nề, nhưng tình Cha trong Đức Chúa Trời vẫn bảo bọc họ trong cơn khốn khó của họ (Giê. 31:3) “Ta đã yêu thương con bằng tình yêu vĩnh cửu nên đã lấy lòng nhân từ mà kéo con đến.

Trong khi sửa phạt Israel, Chúa vẫn lắng nghe tiếng thở than của họ (Giê. 31:18a) “Thật, Ta đã nghe tiếng thở than của Ephraim: ‘Ngài đã sửa phạt con, và con bị sửa phạt như con bò tơ chưa quen ách.’” Khi chúng ta đọc những lời Đức Chúa Trời tỏ bày tâm sự của Ngài, thì chúng ta mới biết tình yêu của Ngài đối với con dân Ngài khác xa cách người ta nghĩ về Ngài cách sai lạc.

Chúa phán về Ephraim, tiêu biểu cho Israel (Giê. 31:20) “‘Chẳng phải Ép-ra-im là con yêu dấu của Ta, đứa con Ta rất mực yêu thương sao? Mỗi lần quở trách nó, Ta vẫn còn nhớ nó lắm. Cho nên lòng Ta yêu mến nó; Ta thương xót nó vô cùng.’ Đức Giê-hô-va phán vậy.

Ngày nay, chẳng những Đức Chúa Trời vẫn yêu thương và quan tâm tới con dân Ngài như đã chăm sóc dân Israel khi xưa, Ngài còn ban Thánh Linh Ngài vào ở đời đời trong lòng chúng ta để hướng dẫn con dân Ngài tránh các lối đi sai lầm; nhờ đó họ được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Tình yêu thương của Cha trên trời luôn luôn đằm thắm và mãnh liệt; vì Ngài là Cha thật của cả nhân loại. Hôm nay, khi mừng Ngày Từ Phụ, chúng ta hãy quyết định sống thế nào để được xứng đáng làm con của Vị Cha Thánh Cao Cả nhất trong vũ trụ, và luôn làm Ngài vui lòng.

NgàyTừPhụ2020.docx

Rev. Dr. CTB