Theo Dõi Tận Thế, bài 09

2Côrinhtô 5:1–10

Vì chúng ta biết rằng nếu nhà tạm ở dưới đất của chúng ta bị phá hủy thì chúng ta có nhà vĩnh cửu ở trên trời, bởi Đức Chúa Trời xây dựng chứ không bởi tay con người.

2 Thật vậy, chúng ta thở than trong nhà tạm nầy, và tha thiết ước mong được mặc lấy nhà của chúng ta ở trên trời.

3 Vì được mặc nhà ấy vào, chúng ta sẽ không bị trần trụi.

4 Thật vậy, khi còn ở trong nhà tạm nầy, chúng ta thở than dưới những gánh nặng, không phải chúng ta muốn lột bỏ, nhưng muốn được mặc thêm vào, để cho những gì hay chết được nuốt mất bởi sự sống.

5 Đức Chúa Trời là Đấng đã chuẩn bị chúng ta cho điều nầy, và Ngài đã ban Thánh Linh làm bảo chứng cho chúng ta.

6 Vì vậy, chúng ta phải luôn mạnh dạn và biết rằng khi còn ở trong thân thể nầy, chúng ta cách xa Chúa,

7 vì chúng ta bước đi bằng đức tin, chứ không bởi mắt thấy.

8 Vậy, chúng ta luôn mạnh dạn và mong muốn rời bỏ thân thể nầy để được ở với Chúa thì hơn.

9 Cho nên, dù ở trong thân thể nầy, dù ra khỏi, chúng ta cũng làm hết sức để được đẹp lòng Chúa.

10 Vì tất cả chúng ta đều phải trình diện trước tòa án Đấng Christ để mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hoặc ác mình đã làm lúc còn trong thân xác.

Hai ngàn năm trước, đạo của Đức Chúa Trời bắt đầu được phổ biến từ Jerusalem ra khắp thế giới qua một sứ điệp mới: Loài người có thể đạt được ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời chỉ nhờ tin rằng Đức Chúa Jesus là Đấng Messiah (Chúa Cứu Thế) đã chịu đổ huyết vô tội của Ngài để chết thay cho vô số người trong nhân loại tin nhận Ngài. Người tin không còn phải vâng giữ trọn các điều luật khắt khe của Do-thái-giáo, như luật ấy đòi hỏi. Đức tin mới ấy thành hình trên đất Do-thái, lập nền trên niềm hi vọng của người Do-thái, xây dựng trên Kinh Thánh của Do-thái, và xoay quanh một Đấng làm trung tâm là Đấng Messiah của người Do-thái. Nhưng, tín đồ của niềm tin ấy ở bất cứ nơi nào đều bị Do-thái-giáo chống cự và tấn công dữ dội; đến nỗi nhiều người trong đạo xem dân Do-thái là kẻ thù chính của mình, chứ không phải là nhà cầm quyền La-mã.

Nhưng vào thời đại cuối cùng nầy, sau khi quốc gia Israel đã được tái lập và đánh bại mọi kẻ thù chung quanh họ, thì Hội Thánh thật của Đức Chúa Jesus là những người bền bỉ ủng hộ dân tộc Israel mạnh mẽ nhất; mặc dù tổ tiên dân tộc ấy đã chống đối Đức Chúa Jesus và bắt nộp cho người La mã đóng đinh trên thập tự giá. Hội Thánh thật của Chúa không thù ghét người Do-thái, mà xem họ như ruột thịt trong cùng một gia đình. Đây là dấu hiệu của các cành đã nhận ra rễ của cây olive thiêng liêng lâu nay chịu đựng họ. Bởi vì tín đồ của Đức Chúa Jesus trong mọi dân tộc ở khắp nơi trên thế giới đã được Đức Chúa Trời yêu thương ghép vào gốc ấy, sống nhờ gốc ấy và lớn mạnh nhờ gốc ấy. Tín hữu nào yêu mến gốc olive ấy là người thật lòng kính mến Đức Chúa Trời.

Khi nghe điều nầy, hầu hết tín hữu thật đều vui mừng nói A-men, nhưng điều mà chúng ta cần phải biết là tình trạng mình và giáo hội mình đang phục vụ đã dính líu vào thế gian sâu đến chừng nào? Bởi vì nếu chúng ta muốn trở lại vinh quang và quyền phép lẫy lừng vào thời sơ lập của Hội Thánh đã bị nhiều thế hệ kế tục làm mất, thì chúng ta phải ra khỏi tình trạng bạc nhược hiện tại và tách rời khỏi thói tục văn hóa của người đời xa lạ với Chúa. Nếu Hội Thánh muốn gia tăng quyền năng của Chúa trong chính mình để cứu người đang hư vong, thì các tín hữu trong Hội Thánh phải tách rời khỏi thế lực của trần gian, là điều khiến mình bị bạc nhược, không còn năng lực. Vào thời sơ lập của Hội Thánh, các sứ đồ trổi vượt lên trên vì họ có ánh sáng của Đức Chúa Trời soi rọi vào bóng tối trần gian. Họ đã làm đảo lộn thế giới, biến đổi dòng lịch sử loài người.

Thời ấy họ làm được những việc phi thường vì họ đã thấy các việc phi thường Đấng Messiah, rồi nhận lãnh quyền phép của Đức Thánh Linh sau khi Đấng Messiah đã hoàn thành công việc và trở về trời. Hiện nay Hội Thánh đang chờ đợi Đấng Messiah trở lại thế gian, không phải trong vai trò Đấng chịu đựng thống khổ nữa, mà trong vai trò Vua chiến thắng. Không một Hội Thánh thật nào của Chúa muốn khai trình một thành tích kém cỏi, bạc nhược và tệ hại khi được Đấng làm đầu Hội Thánh trở lại thế gian hỏi về thành tích của họ trước toà phán xét của Ngài. Không ai muốn bị xem là những người chống các ân tứ đặc biệt của Đức Thánh Linh, chống các anh chị em thi hành các ân tứ ấy. Chẳng ai muốn bị Chúa phạt vì chỉ trích cách thức con cái Chúa vui vẻ ca ngợi Ngài. Nhưng nếu những ai cứ tiếp tục thái độ sai trật mà không chịu ăn năn, thì sẽ bị Chúa phán xét.

Đức Chúa Trời đã sắp xếp một cách thần kỳ những biến cố dẫn đến các mốc đặc biệt vào các năm Hân Hỉ, để dần dần đem người Do-thái trở về sản nghiệp mà Ngài đã ban cho họ theo lời Ngài hứa chắc với tổ phụ Abraham của họ. Người Do-thái đã bị đày khỏi quê hương và mất sản nghiệp của cha ông để lại cho họ. Khi họ được trở về có nghĩa là trở lại quê hương và phục hồi những gì họ đã bị mất. Con cái Chúa ngày nay cũng vậy; chúng ta chỉ có thể trở về nơi mà trước đây mình đã từng ở rồi rời đi, phục hồi những gì trước kia mình đã từng sở hữu nhưng bị mất. Nếu mang danh tín đồ của Đấng Christ mà chưa bao giờ được Đức Thánh Linh đem vào nơi được Chúa kể là quê hương, tức là miền đất hứa của đời sống tự do không còn bị thói quen, phong tục, văn hóa trần gian ràng buộc; rồi vì lý do nào đó bị lạc; cũng như chưa bao giờ được sở hữu sản nghiệp quyền năng, rồi vì lý do nào đó bị mất; thì làm sao có chỗ để trở về và phục hồi điều mình sở hữu?

Tất cả chúng ta thời nay, những người đang là tín đồ trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời, đã gia nhập Hội Thánh trong khung cảnh và môi trường hoàn toàn xa lạ với Hội Thánh Jerusalem ở thế kỷ thứ nhất. Thế gian chung quanh chúng ta thì hư hoại, Hội Thánh thì không hoàn hảo, không thanh khiết và không có quyền năng. Thậm chí vài giáo hội có thái độ thù nghịch, chế giễu quyền phép của Đức Thánh Linh. Người ta tưởng rằng xã hội hư hoại chung quanh họ, xa cách sự sáng của Đức Chúa Trời, các môi trường đầy tội ác và đen tối bị phân cách với ánh sáng thiên đàng, là điều kiện bình thường của thế giới. Vì vậy, có hàng hà sa số người tự xưng là con cái Chúa chưa từng biết rằng mình đang ở trong tình trạng bị lưu đày xa sản nghiệp Chúa định cho những người thuộc về Ngài. Và họ chưa từng thấy quyền phép thiên đàng là ra sao.

Tình trạng con cái Chúa ngày nay bị lưu đày khỏi Miền Đất Hứa thuộc linh chẳng khác gì dân Do-thái bị xa cách quê hương của họ. Mọi thế hệ người Do-thái được sinh ra trước thế kỷ 20, đều chào đời ở nơi tổ tiên họ bị lưu đày. Họ chẳng có một chút kỷ niệm yêu thương nào đối với Miền Đất Hứa mà tổ tiên xa xưa của họ đã bị đuổi khỏi đó. Nhưng, như người Do-thái cảm nhận rằng: Họ sẽ không có một quê hương riêng của họ nếu không được trở về Miền Đất Hứa mà Đức Chúa Trời đã hứa với ông tổ Abraham; thì mọi con cái thật của Chúa đều hiểu rằng tình trạng hiện thời của Hội Thánh, thực trạng đời sống tâm linh của tín hữu hiện nay không phải là nơi Chúa định cho họ được đạt tới: Một đời sống sung mãn đầy ơn phước và vui mừng, một sản nghiệp của những người được dựng nên để thừa hưởng vinh quang của Đấng Christ

(2Côrinhtô 3:16–18) “Nhưng khi một người trở lại với Chúa, thì màn ấy được cất đi. Chúa là Thánh Linh, nơi nào có Thánh Linh của Chúa, nơi đó có tự do. Tất cả chúng ta đều để mặt trần chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, được biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang; vì điều nầy đến từ Chúa là Thánh Linh.

Có một bài hát rất hay được đưa vào thánh ca sau năm 1975. Nó được dịch ra tiếng Việt trong thập niên 1960 và chỉ được các sinh viên và học sinh Tin Lành ở Sài-gòn hát, bởi vì giới lãnh đạo Hội Thánh Việt Nam trong thời đó ác cảm với bất cứ thứ gì không do Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp của Mỹ phổ biến. Bài hát tên là “Trần Thế Chẳng Phải Quê Hương

(Hêbơrơ 11:13–14) “Tất cả những người ấy đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều đã hứa cho mình; chỉ trông thấy và chào mừng những điều ấy từ đằng xa, xưng mình là kiều dân và lữ khách trên đất. Vì những người nói như thế, chứng tỏ rằng họ đang đi tìm một quê hương.

Mặc dù một số các sinh viên và học sinh hát om xòm bài hát ấy, nhưng sự thật trong lòng nhiều người thì thế gian vẫn là quê hương, bởi vì họ chưa từng được kinh nghiệm sống trong đời sống Cơ-đốc đầy quyền năng và vinh quang của Chúa là như thế nào. Nếu có nghe ai nói về phép lạ thì chê bai, mai mỉa là mê tín, dốt nát! Thái độ hoàn toàn xa lạ với quê hương Đất Hứa trong linh giới.

Điều may mắn và vui mừng cho những ai đã thật lòng tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời và đang ở trong các Hội Thánh thật của Ngài là: “Ai đã tiếp nhận ơn cứu rỗi và đã thật được sinh lại, được kinh nghiệm một đời sống mới trong tâm linh, thì những người ấy đã được Chúa đem trở về quê hương mà Ngài dành sẵn cho mọi người yêu mến Ngài.” Chúng ta, những con cái thật của Chúa, không còn cần phải đi tìm một quê hương, bởi vì chúng ta đã được Đức Chúa Trời xưng là Đức Chúa Trời của chúng ta rồi

(Hêbơrơ 11:15–16) “Nếu họ đã nghĩ đến quê hương mà mình từ đó đi ra, thì họ cũng đã có cơ hội trở về. Nhưng họ mong ước một quê hương tốt hơn, tức là quê hương trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã chuẩn bị cho họ một thành.

Điều duy nhất mà Hội Thánh thật của Chúa chờ đợi hiện nay là ngày Đức Chúa Jesus trở lại thế gian, tiếp rước mọi con cái Ngài.

Huyền nhiệm của các năm Hân Hỉ dành cho dân Israel là cuối cùng họ vừa trở về quê hương mà tổ tiên họ bị đuổi đi, chiếm lại sản nghiệp bị cướp đoạt, vừa chiếm lại cố đô Jerusalem yêu quý, thành lũy Zion oai hùng của David năm xưa; nơi mà Đức Chúa Trời hứa sẽ giáng xuống để đặt quyền cai trị của Ngài. Sự cuối cùng của muôn vật được mô tả trong sách Khải Huyền rất rõ ràng. Sự nghiên cứu các huyền nhiệm những năm Hân Hỉ của người Do-thái dắt chúng ta đến sách nầy. Những việc đã diễn ra trên thế giới trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đều chứng minh sự cuối cùng của muôn vật đã đến thật gần. Chúng ta chỉ cần xem xét những sự việc đã và đang diễn ra, rồi so sánh với các hình ảnh biểu tượng của sách, là có thể hiểu một cách tương đối chính xác về những sứ điệp mà Kinh Thánh đã trình bày rõ ràng gần hai mươi thế kỷ qua.

TheoDoiTanThe09.docx

Rev. Dr. CTB