Đời Sống trong Thánh Linh, bài 16

Mathiơ 11:27–30

Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta, ngoài Cha, không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn bày tỏ thì cũng không ai biết Cha. Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ. Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng.

Bất cứ nơi nào xưng là Hội Thánh của Chúa, nơi ấy phải có khả năng giới thiệu và trình bày thật chính xác về Ngài; bởi vì khi chúng ta nhân danh Chúa mà nói thì mình đang đại diện Ngài. Cho nên, Hội Thánh của Chúa phải nói về Ngài một cách chính xác; không phải trong cách chúng ta sử dụng ngôn từ, mà còn phải chính xác cả trong tinh thần thông điệp trình bày. Để làm được điều đó, chúng ta phải tra xét Kinh Thánh, đặc biệt là quan sát đời sống của Đức Chúa Jesus; mọi hành động và lời nói của Ngài đều bộc lộ bản thể của Đức Chúa Cha. Khi sứ đồ Philip tỏ ra nghi ngờ (Giăng 14:8) “Phi-líp thưa rằng: Thưa Chúa, xin chỉ Cha cho chúng con thì đủ rồi,’” thì Ngài nói “Philíp ơi, Ta đã ở với các con lâu rồi, mà các con chưa biết Ta! Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha. Tại sao con lại nói: Xin chỉ Cha cho chúng con?” (Giăng 14:9).

Chúng ta cũng hãy nhận ra bản thể và tính cách của Đức Chúa Cha qua lời Đức Chúa Jesus tiết lộ về chính Ngài (Mathiơ 11:28–29) “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ.” Vậy thì, Đức Chúa Cha, Vị Chủ Tể toàn cõi vũ trụ, Thượng Đế tối cao, Đấng Toàn Năng, và cũng là Chúa của tất cả các thần linh, phải là Đấng rất dịu dàng và khiêm nhường. Sở dĩ Ngài như vậy là vì chính lòng của Ngài vô cùng dịu dàng và khiêm nhường không thể diễn tả được. Đức Chúa Trời của chúng ta dịu dàng như thế nào? Theo cách dùng tiếng Hy-lạp của sứ đồ Mathiơ thì “dịu dàng” có nghĩa là nhẹ nhàng, dễ chịu và thân thiện; như vậy, bản thể của Chúa là rất dễ thuận thảo. Đức Chúa Trời không bắt chúng ta mệt nhọc ghi nhớ vô số luật lệ phải thực hành. Ngài chỉ đơn giản là tình yêu thương. Mọi điều Chúa muốn chúng ta làm cũng như mọi giới hạn mà Ngài đặt ra chỉ nhằm giúp chúng ta có đời sống dễ chịu và được thương yêu.

Hãy nhớ rằng, Cơ-đốc-giáo không phải là một tôn giáo theo ý nghĩa thông thường. Mặc dù có tổ chức và lễ nghi, nhưng đức tin của chúng ta vào Chúa là một mối liên hệ tương giao, không phải là luật lệ hay giáo thuyết. Chính vì thế, người nào tin Ngài đều phải biết về Ngài như một bạn thân thiết. Bởi vì muốn có mối liên hệ tương giao với Chúa thì phải biết rõ bản thể và mọi tính cách của Chúa để có thể tương giao thân thiết với Ngài. Những thầy giảng nào chuyên môn dùng hỏa ngục để dọa dẫm hoặc dùng thiên đàng làm mồi dụ người nghe, thì thầy giảng ấy chưa thật có mối tương giao thân mật với Chúa vì chưa biết rõ Ngài. Người ta không biết rằng sự phán xét kinh khiếp chưa tới vì Đức Chúa Trời vẫn kiên nhẫn trì hoãn. Ngài là Đấng quá hiền từ chờ đợi tội nhân ăn năn.

Đây không phải là những lời tìm cách bênh vực Chúa vì có vẻ như Ngài bất lực trước những cảnh ngộ quá thảm khốc do hành vi của bọn người ác độc thực hiện mà chưa bị trừng phạt. Chúng ta phải xem lại lịch sử để thấy sự nhân từ và kiên nhẫn của Chúa đối với người Israel vào thời Cựu ước. Khi mười chi tộc Israel ở phía Bắc nghe theo lời phản nghịch của Jeroboam ly khai chống lại nhà David (1Vua 12:16, 20) “Khi thấy vua không chịu nghe lời thỉnh cầu của họ thì toàn dân Israel nói với vua:Chúng ta có phần gì cùng David? Chúng ta chẳng có sản nghiệp gì với con của Jesse. Hỡi Israel! Hãy trở về trại mình đi. Hỡi David! Từ nay hãy coi chừng nhà của ngươi.‘ … 20 Khi nghe tin Jeroboam đã trở về thì dân Israel họp đại hội, và cho người mời ông đến để tôn ông làm vua trên toàn thể Israel. Không ai theo nhà David cả, ngoại trừ chi tộc Judah.

Rồi họ bắt đầu thờ tượng bò con (1Vua 12:28–30) “Sau khi bàn bạc, vua truyền làm hai con bò con bằng vàng, và nói với dân chúng: Các ngươi đi lên Jerusalem thật khó khăn! Hỡi Israel! Đây là các thần đã đem các ngươi ra khỏi Ai Cập. Vua đặt một tượng bò con ở BethEl, còn tượng kia đặt ở Đan. Điều nầy đã gây cho dân chúng phạm tội, vì họ đi đến tận Đan để thờ lạy tượng bò con ấy.” Việc đồi bại ấy trải qua nhiều đời vua nước Israel phía Bắc. Đến đời Ahab, họ tiến thêm bước nữa là lập đền miếu cho thần Baal và Asherah (1Vua 16:31–33) “Vua cho việc bắt chước theo tội lỗi của Jeroboam, con trai Nebat, là việc nhỏ, nên đã cưới con gái Ethbaal, vua dân Sidon, là Jezabel làm vợ. Vua cũng phục vụ và thờ lạy Baal. Vua lập một bàn thờ cho Baal trong đền miếu của Baal mà vua đã cất tại Samaria. Ahab cũng dựng một hình tượng Asherah. Vậy, Ahab làm nhiều điều ác, chọc giận Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel hơn các vua Israel trước mình.

Đức Chúa Trời sai tiên tri Ê-Li báo trước tai họa sẽ xảy đến cho Ahab (1Vua 21:21–26) “Ngài phán: ‘Ta sẽ giáng họa trên ngươi. Ta sẽ quét sạch hậu duệ ngươi, tiêu diệt các người nam của nhà Ahab, dù là kẻ nô lệ hay người tự do trong Israel. Vì ngươi đã chọc giận Ta, xui cho Israel phạm tội, nên Ta sẽ làm cho nhà của ngươi giống như nhà Jeroboam, con trai Nebat, và giống như nhà Baasha, con trai Ahijah.‘ Đức Giê-hô-va cũng phán về Jezabel rằng: ‘Chó sẽ ăn thịt Jezabel gần tường thành Jezreel. Bất cứ ai thuộc về Ahab chết trong thành sẽ bị chó ăn thịt, còn ai chết ngoài đồng sẽ bị chim trời ăn thịt.’ Thật, chẳng có ai giống như Ahab, đã tự bán mình làm điều ác dưới mắt Đức Giê-hô-va, vì bị hoàng hậu Jezabel xúi giục. Vua đã làm điều rất ghê tởm là thờ các tượng thần như dân Amorites, là dân mà Đức Giê-hô-va đã đuổi khỏi trước mặt dân Israel.” Không lâu về sau, những điều đó đều ứng nghiệm. Tuy vậy, mười chi tộc Israel chưa bị trừng phạt trong 208 năm. Tới 722 BC họ bị Assyria đánh bại và cả nước bị lưu đày.

Kinh Thánh cho biết Israel bị tai họa vì họ coi thường sự nhân từ của Đức Chúa Trời đã không trừng trị họ trong suốt 208 năm (2Vua 17:16–18) “Họ loại bỏ tất cả điều răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, đúc cho mình hai tượng bò con, làm tượng nữ thần Asherah, thờ lạy tất cả các thiên thể, và thờ phượng Baal. Họ đưa con trai con gái mình qua lửa để tế thần. Họ dùng tà thuật, tin bói khoa, và tự bán mình để làm điều dữ dưới mắt Đức Giê-hô-va mà chọc giận Ngài. Vì thế, Đức Giê-hô-va rất giận dân Israel và loại bỏ họ khỏi mặt Ngài, chỉ còn lại chi tộc Judah mà thôi.

Suốt lịch sử tồn tại của vương quốc Israel phía Bắc, mặc dù vua quan và dân chúng tiếp tục phạm tội, Chúa nhân từ vẫn dịu dàng khuyên nhủ dân Ngài. Ngài vẫn mong họ trở lại để được Ngài ban phước và bảo vệ. Có thể có thắc mắc rằng sự trừng trị ấy có khắc nghiệt quá không? Tới nay, sau khi Israel được tái lập, người ta mới thấy rằng Chúa trị họ bằng tai họa đau đớn nhằm tẩy sạch trí não và lòng họ khi Ngài phục hồi họ về sau. Ngài phải dùng biện pháp ấy để tách rời sự quý trọng ra khỏi sự hèn mọn. Vương quốc Judah phía Nam thấy nước Israel bị tiêu diệt vẫn chưa biết sợ nên tiếp tục phạm tội. Năm 605 BC Babylon đánh bại Judah lần đầu bắt nhiều tù binh. Năm 586 BC, họ chiếm và giải thể vương quốc Judah. Hầu hết dân Judah bị lưu đày sang xứ Babylon.

70 năm sau lần thứ nhất bị chinh phục, khi được hoàng đế Cyrus tha cho dân Judah được hồi hương, người Do-thái khiếp sợ hình phạt vì tội thờ hình tượng, nên họ dứt khoát từ bỏ thói tục thờ hình tượng bị Chúa xem là ô uế và trở lại tôn thờ Đức Chúa Trời theo luật pháp Môise. Điều hèn mọn ô uế đã bị vĩnh viễn loại trừ ra khỏi nếp sống của dân tộc họ. Lời tiên tri đất bị bỏ hoang 70 năm được ứng nghiệm (2Sử ký 36:21) “Thế là ứng nghiệm lời của Đức Giê-hô-va đã phán qua miệng Jeremiah rằng, đất được hưởng bù các năm sabath của nó. Suốt thời gian bị bỏ hoang, đất được nghỉ ngơi cho đến khi trọn bảy mươi năm.” Một ngàn năm kể từ David thành lập vương quyền trên Israel, sau khi hình phạt tội phản bội Chúa được áp dụng cho cả Israel lẫn Judah, Đức Chúa Trời đã sai Ngôi Lời của Ngài đến thế gian trong thân vị Đức Chúa Jesus để làm sinh tế toàn hảo chuộc mọi người tin Ngài ra khỏi tội lỗi, là thứ mà không ai tự đánh bại nó được. Tình yêu dịu dàng của Đức Chúa Cha nhân từ đã bày tỏ ra một cách tuyệt vời. Vậy, hãy xem mối liên quan ra sao:

Đức Chúa Jesus tiết lộ Ngài và Đức Chúa Cha là một (Giăng 10:30) “Ta với Cha là một.” Ngài lại phán Ngài là dịu dàng và khiêm nhường (Mathiơ 11:29) “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ.” Ở phần trên, chúng ta đã biết đức nhân từ dịu dàng của Đức Chúa Trời trong cách Ngài đối xử với dân Israel của Ngài. Còn đức tính khiêm nhường của Ngài thì như thế nào? Ngài đã làm gì để thực hiện sự khiêm nhường ấy? Người khiêm nhường cúi xuống để người khác được đưa lên. Đức Chúa Trời cao sang và cực kỳ vinh quang trên thiên cung đã sẵn sàng xuống chốn dương gian ô uế và thấp thỏi; Ngài tự hạ mình xuống để chúng ta có cơ hội được lên nơi vinh quang.

Đức Chúa Jesus là Đấng khiêm nhường vì Ngài không xem vinh quang Ngài ở thiên đàng là đáng nắm giữ. Đó là tính khiêm nhường mà không ai khác có nổi. (Philip 2:6–8) “Ngài vốn có hình của Đức Chúa Trời, nhưng không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là điều nên nắm giữ; Ngài đã từ bỏ chính mình, mang lấy hình đầy tớ, và trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” Đức Chúa Jesus, Đức Chúa Trời trong thể xác loài người, có thể tự xưng Ngài là khiêm nhường khi tự hạ mình và chịu thiệt hại. Ngài đã chịu bị khinh bỉ vì loài người chúng ta (Êsai 53:3) “Người đã bị người ta khinh rẻ và chối bỏ, từng trải sự đau khổ, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi Người ra gì.” Chẳng tôn giáo nào khác trên trần gian hiểu được sự khiêm nhường tuyệt đối của Đức Chúa Trời chúng ta. Sứ đồ Giăng làm chứng rằng Đức Chúa Jesus, mà ông đã biết, là Đức Chúa Trời (Giăng 1:1) “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở với Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.

Ông làm chứng ông đã chiêm ngưỡng vinh quang Ngài (Giăng 1:14) “Ngôi Lời đã trở nên xác thể, sống giữa chúng ta, đầy ân điển và chân lý. Chúng ta đã chiêm ngưỡng vinh quang Ngài, thật là vinh quang của Con Một đến từ nơi Cha;” và tay ông đã chạm đến Ngài (1Giăng 1:1–2) “Nói về lời sự sống, là điều đã có từ ban đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến. Sự sống nầy đã được bày tỏ; chúng tôi đã thấy và làm chứng, nên chúng tôi công bố cho anh em sự sống đời đời vốn ở với Đức Chúa Cha, và đã được bày tỏ cho chúng tôi.” Đâu có ai khiêm nhường được như Chúa của chúng ta? Cherub Lucifer ở gần bên Đức Chúa Trời mà không học được bản thể khiêm nhường của Ngài. Ngược lại, ông ta kiêu căng hợm hĩnh, tự hào về vẻ đẹp tuyệt hảo và vinh quang của mình, nên bị Chúa đuổi khỏi thiên đàng phước hạnh (Ezekiel 28:17a) “Lòng ngươi kiêu ngạo vì vẻ đẹp ngươi, và vinh quang của ngươi làm hư hỏng sự khôn ngoan mình.

Chúng ta học được gì qua bản thể dịu dàng và khiêm nhường của Chúa? Ngài chịu nhục nhã để chúng ta được cứu rỗi thoát khỏi tội lỗi. Vậy, chúng ta phải trình bày Ngài thế nào cho thích đáng và chính xác với bản thể ấy? Hãy suy nghĩ: Khi người chưa tin Chúa nghe chúng ta chứng đạo và trình bày về Đức Chúa Trời thì họ cần phải biết gì về Ngài? Có phải rằng người chưa tin Chúa khó tiếp nhận ơn cứu rỗi vì nhiều tín hữu cứ mê mải nói về quyền năng chữa lành và khả năng ban mọi thứ phước vật chất trong đời sống, mà không thể trình bày một chút gì về tính cách dịu dàng và khiêm nhường của Chúa chúng ta? Có phải rằng người chưa tin Chúa sẽ cảm kích xúc động khi nghe về Đấng Vinh Quang sẽ dịu dàng tha thứ họ, vì Ngài chịu nhục hình thay cho họ?

Hãy suy gẫm về Đức Chúa Trời, hiểu biết Ngài một cách chính xác, tương giao thân mật với Ngài để kinh nghiệm tình yêu dịu dàng của Ngài nhiều hơn; thấu hiểu đức khiêm nhường của Ngài để chấm dứt khoe khoang về mình. Hãy bắt chước Đức Chúa Jesus, đừng đi theo con đường sa bại của cherub Lucifer, thì chúng ta sẽ có thể trình bày về Chúa một cách xứng đáng.

DoiSongtrongThanhLinh16.docx

Rev. Dr. CTB