Khởi Đầu Mới, 12
Châm Ngôn 19:22–23
“Điều mà người ta mong ước nơi con người là lòng trung thành, thà làm người nghèo khổ còn hơn là kẻ nói dối. Sự kính sợ Đức Giê-hô-va dẫn đến sự sống: Làm cho người ta được thỏa nguyện, và ngăn cản mọi tai họa.“
Mặc dù hai từ ngữ trung thành và trung tín có ý nghĩa gần giống nhau, nhưng không áp dụng như nhau. Trung có nghĩa là một lòng một dạ, không thay đổi, không phản bội. Thành có nghĩa là thật. Trung thành nghĩa là thành thật giữ vững tình nghĩa, không thay đổi. Tín là tin cậy; vậy, trung tín là một lòng một dạ giữ chắc lời hứa. Giữa người với nhau người ta còn mong muốn sự trung thành, huống chi Đức Chúa Trời càng mong muốn con dân Ngài phải biết giữ lòng trung thành với Ngài. Trong sự trung thành có cả lòng trung tín nữa. Bởi vì những tín đồ trung tín với Chúa giữ lời hứa với Ngài cả trong lòng lẫn hành vi bên ngoài. Một số người rất trung thành với đạo và Hội Thánh địa phương, nhưng không trung tín với Chúa. Đó là điều chúng ta sẽ cùng nhau suy xét.
Người trung tín với Chúa sẽ quyết tâm không làm một số việc: Không tham gia thờ cúng thần giả hay tà thần; không quỳ gối trước tiền bạc hay danh vọng; không bị vật chất của cải khống chế; không chạy theo thế gian; không xao lãng mối tương giao với Chúa; không nói dối hay phản bội. Người trung tín với Chúa sẽ chuyên cần suy gẫm lời Kinh Thánh, siêng năng đi thờ phượng Chúa và nghe giảng dạy; hết sức trau giồi đời sống đức tin, dắt đưa người chưa tin đến với Chúa, đóng góp sức lực khả năng cho Hội Thánh, và dâng hiến tiền bạc cách rộng rãi. Làm thế nào để bày tỏ lòng trung tín và trung thành đối với Chúa trong chỗ riêng tư của mình? – Hãy ăn năn và lập sự chọn lựa đúng nếu tâm linh yếu đuối và thường nhượng bộ khi bị tiền bạc đe dọa.
Một sự thật mà mọi con cái Chúa phải hiểu và nắm vững: Khi chúng ta tin Chúa, tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài là chúng ta được bước vào Vương quốc Ngài, được kể là con dân thiên đàng, mặc dù thân xác chúng ta vẫn đang sống ở trần gian. Có hai quyền lợi tưởng là giống nhau nhưng hoàn toàn khác nhau: Một là được vào Vương quốc của Chúa. Hai là thừa hưởng cơ nghiệp Vương quốc ấy. Được vào chưa có nghĩa là chắc chắn được thừa hường cơ nghiệp Chúa dành cho con dân Ngài. Hãy xem lời sứ đồ Phaolô dạy về vấn đề nầy: (2Timôthê 3:1–5) “Con hãy biết rằng trong những ngày cuối cùng, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta sẽ trở nên vị kỷ, tham tiền, khoe khoang, kiêu ngạo, lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, bạc bẽo, bất khiết, không có tình người, bất nhân, vu khống, ngông cuồng, dữ tợn, ghét điều lành, bội bạc, nông nổi, tự phụ, ham thích lạc thú hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, giữ hình thức tin kính, nhưng chối bỏ quyền năng của sự tin kính đó.” Những tội bị kể ra đây không nói về người chưa tin Chúa, nhưng là những tội mà tín đồ vẫn phạm. Mặc dù họ được bước vào Vương quốc của Chúa, nhưng đứng lại đó vì lòng họ vẫn yêu mê ba thứ trong thế gian như sau:
(2) 1. Vị kỷ, tức là yêu chính mình. 2. Tham tiền, tức là yêu quý tiền bạc của cải. và (5) 3. Ham thích lạc thú chứ không yêu mến Đức Chúa Trời. Loại tánh tình nầy không thể nhờ sự cầu nguyện, khẩn nài, hoặc làm bất cứ việc gì có thể thay đổi hậu quả của chúng. Biện pháp duy nhất là ăn năn, từ bỏ ba sự yêu thích để được Chúa tha thứ, rồi tiến bước trên con đường thánh hóa; ngoài ra không có cách nào khác. Khi viết thư thứ nhất cho Hội Thánh ở thành phố Côrinhtô, sứ đồ Phaolô viết rõ ràng (6:9–10) “Anh em không biết rằng những kẻ không công chính sẽ chẳng được thừa hưởng vương quốc Đức Chúa Trời sao? Đừng tự lừa dối mình. Những kẻ tà dâm, kẻ thờ thần tượng, kẻ ngoại tình, kẻ đồng tính luyến ái, kẻ trộm cắp, kẻ tham lam, kẻ say sưa, kẻ chửi rủa, kẻ cướp giật, sẽ không được thừa hưởng vương quốc Đức Chúa Trời.” Những tín đồ phạm các tội mà ông nêu ra sẽ không được thừa hưởng cơ nghiệp trong Vương quốc của Chúa. Trong thư gởi cho tín hữu ở Êphêsô, sứ đồ Phaolô cũng viết như trên (5:5) “Anh em phải biết rõ rằng kẻ gian dâm, bất khiết, hay tham lam — tham lam là thờ thần tượng — không một ai được thừa hưởng cơ nghiệp trong vương quốc của Đấng Christ và của Đức Chúa Trời.” Vì thế, đừng nghĩ rằng tin Chúa thì sẽ thừa hưởng cơ nghiệp Ngài. Kinh Thánh không nói như vậy.
Tại sao nhiều người tin Chúa và thậm chí phục vụ Ngài vẫn có thể bị đuổi khỏi Vương quốc Chúa (Mathiơ 7:22–23) “Vào Ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Ta: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa! Chúng con đã chẳng từng nhân danh Chúa nói tiên tri, nhân danh Chúa đuổi quỷ, nhân danh Chúa thực hiện nhiều phép lạ đó sao?’ Khi ấy, Ta sẽ phán rõ ràng với họ rằng: ‘Hỡi những kẻ làm ác, hãy lui ra khỏi Ta, Ta chẳng hề biết các ngươi bao giờ!’” Trước mặt Đức Chúa Jesus không ai dám nói dối. Số người bị Ngài đuổi ra không phải là ít, vì Ngài cho biết sẽ có NHIỀU người được ơn nói tiên tri, nhân danh Ngài trừ quỷ, và nhân danh Chúa thực hiện nhiều phép lạ. Số người ấy đều là tín đồ và hàng giáo phẩm của Hội Thánh, không phải là những người chưa biết Chúa. Nhưng họ không được thừa hưởng Vương quốc Đức Chúa Trời vì không có tình yêu chân thật để tương giao thân thiết với Ngài. Mọi con cái Chúa nên được cảnh tỉnh khi nghe những lời báo động của Kinh Thánh. Bởi vì nếu chúng ta để mình bị tội lỗi làm cho ô nhiễm, thì sự tha tội và sự thánh khiết khi mình tiếp nhận Chúa không còn nữa.
Có thể dùng một hình ảnh rất cụ thể để làm rõ vấn đề nầy. Bình nước uống tinh khiết bị giọt nước cống đen thui pha vào khiến nó bị ô nhiễm phải đổ bỏ, vì nó không còn là nước tinh khiết. Tương tự như vậy, khi chúng ta tin Chúa, ăn năn tội lỗi cũ, thì được Ngài tha thứ, bôi xóa mọi tội, được trở nên trong sạch. Nhưng nếu tín đồ không chịu giữ gìn, thỏa hiệp với thế gian, nhất là trở lại lăn lóc trong vũng lầy tội lỗi, lại không ăn năn việc mình làm, mà quả quyết mình vẫn được hưởng ơn cứu rỗi, thì người đó chẳng biết gì về Chúa, cũng chưa bao giờ đầu phục Đức Thánh Linh, nên không hiểu tí nào về sự thánh khiết. Một chút men làm dậy cả đống bột. Vài tội nhỏ không bị loại trừ sẽ dẫn tới tội nặng hơn. Và tội lỗi không thể thừa hưởng Vương quốc Chúa.
Cách sống và những quyết định trong đời của chúng ta là yếu tố khiến mình được cứu hay sẽ bị phạt. Ai bị té xuống cống mà không chịu tắm rửa thì đi đâu người ta cũng biết. Vì những hành vi của chúng ta sẽ tố cáo sự thật trong lòng. Vì vậy, hãy ăn năn cách sống không được Chúa chuẩn thuận, và hãy tỉnh thức và làm cho vững những gì còn lại, tức là những gì gần chết (Khải 3:2). Làm thế nào để tỉnh thức và làm cho vững những gì còn lại? Đức Chúa Jesus chỉ dẫn rằng: “Hãy nhớ lại con đã nhận và nghe thế nào; hãy giữ lấy và ăn năn đi” (Khải 3:3). Có ba thứ hoạt động căn bản trong nếp sống Cơ-đốc-nhân là, thờ phượng, đọc Kinh Thánh, và cầu nguyện. Thờ phượng không phải chỉ chờ Chúa Nhật tới nhà thờ. Vì nếp sống thờ phượng là thường xuyên kính mến Chúa.
Trong sinh hoạt đời thường của chúng ta, nếu tâm tư chúng ta để cho Chúa ngự trị, và tâm trí thường xuyên nghĩ đến Chúa, đó chính là nếp sống thờ phượng. Không phải ai cũng có khả năng nghe tiếng Chúa phán cách rõ ràng; vì thế Kinh Thánh là phương tiện tốt nhất để biết ý muốn của Chúa cho chúng ta. Hãy lập thói quen đọc Kinh Thánh và suy gẫm sự dạy dỗ trong đó; dần dần lời Chúa thấm sâu trong lòng, chúng ta sẽ nhận ra tiếng nói quen thuộc trong tâm linh chỉ dẫn các việc nên làm và những việc không nên tham dự vào. Khi chúng ta nhận Chúa là Đấng Chăn Giữ mình, thì chúng ta sẽ biết tiếng nói của Ngài (Giăng 10:14) “Ta là người chăn nhân lành. Ta biết chiên Ta, và chiên Ta biết Ta.” Ai đã quen tiếng Chúa thì sự cầu nguyện sẽ là cuộc trò chuyện. Cho nên, ba hoạt động căn bản nói trên giúp chúng ta tỉnh thức để tâm linh vững vàng.
Hiện nay đúng là “đêm đã khuya, ngày gần đến, chúng ta hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp sáng láng” (Rôma 13:12). Hãy tỉnh dậy và lập quyết định kịp thời trước khi quá trễ. Chúng ta không những trung thành với Chúa, với đạo, và Hội Thánh địa phương, nhưng còn phải trung tín với Chúa trong đời sống riêng, và trung tín với anh chị em trong Chúa nữa.
KhoiDauMoi12.docx
MS CTB