Thử Nghiệm Đức Tin, bài 11

Mathi ơ 13:1–9

Người ta giải nghĩa ẩn dụ Đức Chúa Jesus dạy về người gieo giống qua vài cách khác nhau. Cách thông thường nhất mà người ta hiểu là cứ gieo hột giống Tin Mừng, bất cứ đất nào cũng gieo.

Người khác thì cho rằng không nông gia nào dại dột gieo hột giống quý trên đất cứng, vì biết chắc hột giống ấy sẽ bị chim ăn hết.

Những người thuộc trường phái thứ nhất bênh vực ý kiến của mình để bảo vệ cho quan điểm cứ gieo cho bất cứ người nào chịu nghe, nó mọc tốt và có kết quả hay không thì họ không cần biết, vì là nhiệm vụ của Chúa, miễn họ làm xong nhiệm vụ, gieo hết phần hột giống đã được giao cho.

Trường phái thứ nhì không nghĩ vậy; đối với họ hột giống Tin Mừng là quý lắm, chỉ gieo vào chỗ nào họ biết sẽ mọc và có kết quả; cho nên, họ sẽ không gieo hột giống xuống mặt đường đi, chẳng ném vào bụi gai hoặc trên đất đá sỏi, chỉ gieo trên đất tốt.

Ẩn dụ của Đức Chúa Jesus nhằm giải thích các lý do nào hột giống Tin Mừng không đem tới ảnh hưởng gì, hoặc không kết quả dù có mọc lên. Vì thế, không thể suy diễn rằng lời Ngài dạy là cứ gieo trên bất cứ loại đất nào. Mà ai thật lòng vâng lời Chúa sẽ cẩn thận gieo Tin Mừng trên đất đã cày xới kỹ; vì người ấy muốn việc mình làm phải có kết quả.

Có lời Đức Chúa Trời hứa với dân Israel “Về phần con, vì huyết của giao ước Ta đã lập với con, nên Ta sẽ thả những kẻ bị giam cầm của con ra khỏi hố khô không nước. Hỡi những tù nhân của sự hi vọng, hãy trở về đồn luỹ” (Xachari 9:11-12).

Hột giống rơi xuống một cái hố không có nước thì chẳng bao giờ nảy mầm. Người nào gieo hột giống vào hố không nước mà hi vọng nó sẽ nảy mầm, thì người ấy là tù nhân của điều mình hi vọng. Hãy áp dụng nghĩa nầy trong lãnh vực truyền giáo để biết cách phải thực hiện.

Thế thì, chúng ta làm sao biết đâu là chỗ để gieo hột giống Tin Mừng, mà mình hi vọng là sẽ có kết quả? Làm thế nào để có thể biết lòng của ai giống như đất tốt, lòng của ai cứng cỏi và ai sẽ bị ngẹt ngòi? Câu trả lời là chỉ qua tình thân với những người mình biết rõ, chúng ta mới biết thái độ của họ đối với Chúa ra sao.

Dựa trên nguyên tắc nầy, những người thật lòng muốn truyền giáo sẽ thấy công tác gieo hột giống Tin Mừng không khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ.

Trước tiên, hãy ghi nhớ lời của Đức Chúa Jesus về tâm tình và mục tiêu của Ngài đến thế gian cứu rỗi người bị hư vong: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy thì không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16), và “Vì Con Người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mác 10:45).

Từ các lời nầy, chúng ta rút ra nguyên tắc rất quan trọng:

Đức Chúa Trời đã thực hiện một chương trình cứu rỗi vĩ đại cho loài người vì số phận người bị hư vong là quý báu và quan trọng đối với Ngài; mà nếu chúng ta nhận mình là con cái Ngài và yêu mến Ngài, thì số phận của những người ấy cũng phải là quý báu và quan trọng đối với mình.

Vậy, những người chung quanh chúng ta sẽ bị hư vong trong số chúng ta quen biết thì có hai nhóm chính: Một là những người thân quen, và hai là những người trong cộng đồng quanh mình.

Người thân quen là những người chúng ta thường xuyên gặp gỡ, giao thiệp bình thường, đã quen biết lâu ngày, không cần phải làm quen hay cư xử kiểu khách sáo; họ gồm có thân nhân họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, và láng giềng gần gũi. Cộng đồng là những người chúng ta biết hoặc muốn quen biết; họ gồm có láng giềng biết mặt mà chưa thân, người quen biết ở chợ, người làm chung hãng, những người thường gặp ở trường học, công sở, hàng quán, hay các cơ sở dịch vụ, vv.

Hai nhóm người vừa nói trên đều là mục tiêu mà chúng ta cần truyền rao ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho họ.

Ngoài việc Đức Chúa Trời xem số phận vĩnh cửu của họ là quan trọng, Ngài còn bày tỏ tình yêu thương không điều kiện đối với mọi người; từ người được xem là lương thiện tới người độc dữ, gian ác, thì đều được Ngài yêu thương và ban ơn tha tội qua sự chết-thay chuộc tội do Đức Chúa Jesus thực hiện trên thập tự giá: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta” (Rôma 5:8).

Vì Đức Chúa Trời đã yêu thương nhân loại vô điều kiện, thì chúng ta cũng phải biết yêu thương những người sẽ bị hư vong quanh mình, và bày tỏ lòng yêu thương ấy qua sự truyền rao ơn cứu độ của Đức Chúa Trời cho họ biết.

Chúng ta hãy quan sát cách hành xử của Đức Chúa Jesus đối với những người bị xã hội xem là xấu xa, đáng bị nguyền rủa, hoặc đáng bị xử tử.

Khi Ngài được mời vào nhà một người Pharisi để dùng bữa, có một phụ nữ tai tiếng ở thành đó đem đến một bình ngọc đầy dầu thơm, người ấy quỳ nơi chân Ngài mà khóc, nước mắt thấm ướt chân Ngài, bà lấy tóc mình lau, hôn chân Ngài và xức dầu thơm lên. Thay vì xua đuổi người ấy, trước ánh mắt ngỡ ngàng của những người đang có mặt tại đó, Đức Chúa Jesus phán với người phụ nữ: “Tội lỗi con đã được tha……. Đức tin của con đã cứu con; hãy đi bình an” (Luca 7:36-50).

Khi Ngài vào thành Jericho, Xa-chê, trưởng ngành thu thuế, người bị dân chúng khinh bỉ và căm ghét; ông ta muốn thấy Đức Chúa Jesus mà vì thấp lùn nên chạy trước, trèo lên cây sung để nhìn cho rõ. Đức Chúa Jesus đến gọi ông xuống và vào nhà ông dùng bữa. Việc đó đã biến đổi Xa-chê từ gian ác trở thành lương thiện (Luca 19:1-10).

Lúc Đức Chúa Jesus đi ngang qua thành Si-kha thuộc xứ Samari, Ngài mở lời trò chuyện với một phụ nữ Samari, phơi bày quá khứ của bà, làm thoả mãn lòng khát khao của bà trông chờ một Đấng Cứu Thế (Giăng 4:1-30).

Ngài cũng không kết án một người đàn bà Do-thái bị người Pharisi và các thầy thông giáo bắt quả tang phạm tội tà dâm, họ đem bà đến thử xem Đức Chúa Jesus sẽ đối xử ra sao để có cớ tố cáo Ngài. Ngài phán “Ai trong các ngươi là người không có tội hãy lấy đá ném vào chị ấy trước đi.” Mọi người đều lần lượt đi ra, chẳng ai ném đá hết (Giăng 8:3-11).

Từ các cách đối xử của Đức Chúa Jesus đối với những người bị khinh rẻ, chúng ta nhận ra rằng Ngài thật lòng quan tâm đến các nhu cầu khẩn thiết của họ; vì thế, người thời ấy lúc nào cũng sẵn lòng nghe lời Ngài dạy dỗ.

Nhu cầu khẩn thiết của Xa-chê là được chấp nhận và tình bạn. Những phụ nữ bị khinh rẻ đều được tôn trọng và tha thứ bởi tình yêu thương không hề có trong đời.

Vậy, để người khác có thể lắng nghe và tin rằng lời chúng ta là chân thành, thì hãy quan tâm tìm biết các nhu cầu khẩn thiết của người mình thân quen. Muốn biết nhu cầu của ai đó thì dành thì giờ giao thiệp với người ấy và cầu nguyện cho họ.

Hãy tìm mọi cách chân thành nhất để trình bày theo cách thực tế nhất cho họ thấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời là như thế nào. Trong thực tế của cuộc đời, chúng ta sẽ gặp những người mang tâm lý lợi dụng lòng tốt của người khác; tuy vậy, khi đã là thân quen rồi, thì mình sẽ biết nhu cầu khẩn thiết có thật, khác xa tính lợi dụng lòng tốt của những người không thành thật.

Người ta chỉ chịu lắng nghe lời nói của người nào đã bày tỏ lòng chân thành quan tâm đến họ.

Qua bài học nầy, chúng ta rút ra được bốn nguyên tắc quan trọng để áp dụng:

1. Vì số phận của người bị hư vong là quý báu và quan trọng đối với Chúa, thì số phận của họ là quý báu và quan trọng đối với tôi. Vì thế, tôi phải tìm cách trình bày ơn cứu rỗi của Chúa cho họ.

2. Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại vô điều kiện; mà vì tôi là con cái thật của Ngài, thì tôi cũng phải bày tỏ tình yêu vô điều kiện đối với người sẽ bị hư vong.

3. Vì Đức Chúa Jesus dành thì giờ giao thiệp với người có tội, trình bày tình yêu của Đức Chúa Trời cách thực tiễn, tôi cũng phải dành thì giờ giao thiệp với họ và cầu nguyện cho họ, trình bày một cách thực tế cho họ thấy tình yêu của Đức Chúa Trời là như thế nào.

4. Người ta chịu lắng nghe Đức Chúa Jesus vì họ thấy Ngài thật lòng quan tâm đến họ, chúng ta cũng phải cho họ thấy mình quan tâm cách chân thành, trước khi họ chịu lắng nghe chúng ta.

Hãy áp dụng các nguyên tắc mà Đức Chúa Jesus đã vận dụng.

ThuNghiemDucTin11.docx

Rev. Dr. CTB