Đời Sống trong Thánh Linh, bài 21

Giăng 15:1–10

Ta là cây nho thật, Cha Ta là người trồng nho. Bất cứ cành nào trong Ta không kết quả thì Ngài chặt đi, còn những cành nào kết quả thì Ngài tỉa sửa để được nhiều quả hơn. Các con đã được tinh sạch nhờ lời Ta đã truyền dạy các con. Hãy cứ ở trong Ta thì Ta sẽ ở trong các con. Như cành nho, nếu không ở trong cây nho thì tự nó không thể ra quả được. Nếu các con không cứ ở trong Ta thì cũng như vậy. Ta là cây nho, các con là cành. Ai cứ ở trong Ta, và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả, vì ngoài Ta các con không làm gì được. Nếu ai không cứ ở trong Ta thì bị ném ra ngoài như cành nho và bị héo, người ta nhặt lấy, ném vào lửa thì nó cháy. Nếu các con cứ ở trong Ta và lời Ta cứ ở trong các con, hãy cầu xin bất cứ điều gì mình muốn, các con sẽ nhận được điều đó. Bởi điều nầy Cha Ta được tôn vinh, ấy là các con kết quả nhiều và trở nên môn đồ Ta. Như Cha đã yêu thương Ta thể nào, Ta cũng yêu thương các con thể ấy. Hãy cứ ở trong tình yêu thương của Ta. Nếu các con vâng giữ các điều răn của Ta thì sẽ ở trong tình yêu thương của Ta, cũng như Ta đã vâng giữ các điều răn của Cha Ta và cứ ở trong tình yêu thương của Ngài.

Có ai biết giai đoạn nào trong đời tín đồ thì người tin Chúa được Ngài chấp nhận trở nên công dân Vương quốc của Ngài không? Hiện nay một số tín hữu đang tham dự cuộc chạy đua trên đường về Vương quốc thiên đàng (Hêbơrơ 12:1) “Cho nên, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây quanh như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên vứt bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương mà kiên trì theo đuổi cuộc đua đã bày ra cho chúng ta;” người thì chạy hết sức, người thì chạy từ từ, người thì rất lơ là. Vậy, mục đích họ dự cuộc đua để được chấp nhận vào nơi ấy hay được điều gì? Sự hiểu biết và nắm vững lời giải đáp cho câu hỏi nầy là rất quan trọng cho niềm tin và đời sống tâm linh của chúng ta. Mọi người hãy thành thật suy xét và trả lời câu hỏi trên cho chính mình trước đã. Bởi vì cách tín hữu hiểu vấn đề nầy như thế nào sẽ điều khiển toàn thể đời sống đạo của mình lúc còn sống ở thế gian. Câu hỏi đó là bài trắc nghiệm để biết đức tin mình hiện đang ở đâu.

Theo cách hiểu hay quan niệm bình thường của tất cả những người theo các tôn giáo trần gian, thì người theo đạo sẽ đạt mức đến, tức là sẽ biết mình được thưởng hay bị phạt, vào thời điểm hay giai đoạn nào? Câu trả lời của tất cả mọi người là khi người ta qua đời. Hãy lấy hành trình học vấn của học sinh để hình dung việc nầy. Trong suốt các năm học, sinh viên hay học sinh đều phải làm bài, dù điểm cao hay thấp, vẫn phải làm đủ để đáp ứng điều kiện dự kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng. Tuy nhiên, dù cho học giỏi mấy đi nữa mà nếu gặp sự trục trặc nào đó không vượt qua được kỳ thi thì không đủ điều kiện để tốt nghiệp. Thời xưa ở Việt Nam lúc còn hai kỳ thi Tú Tài I và II thì sự thi rớt là chuyện vẫn thường xảy ra, dù cho suốt các năm học đều được xem là học sinh giỏi.

Thế thì, nếu dùng những thành tích làm bài của thời gian đi học để ví với những việc người ta làm bổn phận tôn giáo, vẫn thường được gọi là công đức, thì tương tự như nhau; thực hiện được nhiều công đức có tiếng khen giống như làm được bài có điểm cao hoặc phạm phải những chuyện bị chê cười thì kể là bài bị điểm thấp. Tín đồ của các tôn giáo đều thực hiện những gì họ được chỉ dẫn để mong lập được thành tích cho linh hồn sẽ được thưởng hoặc không bị trừng phạt khi lìa đời. Những điều họ làm được thì kể như công đức; còn những việc không làm được hoặc vi phạm các giới răn thì phải ráng chịu vì không làm gì nổi để thay đổi hậu quả. Và không ai dám chắc cái kết cuộc của đời họ sẽ như thế nào. Vì họ không có quyền quyết định gì trong cuộc phán xét.

Vậy, nhiều tín hữu vẫn nghĩ rằng việc người ta được lên thiên đàng hay không sẽ được quyết định vào ngày mọi người bị phán xét. Tại sao người ta lại tin như vậy? Trên quan điểm của những tín hữu là người không biết chắc họ sẽ được cứu rỗi hay không, thì cách suy nghĩ ấy rất giống với cách hiểu của mọi tôn giáo trần gian khác. Nếu quý anh chị em nhớ rõ lại rằng niềm tin của chúng ta vào Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ không phải là tôn giáo theo cách hiểu của người trần gian, nhưng là mối liên hệ tương giao, thì chúng ta sẽ xem xét vấn đề trên một quan điểm khác với cách hiểu thông thường. Mối liên hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Jesus là một cuộc hôn nhân. Chúng ta được gả cho Đấng Christ (2Côrinhtô 11:2) “Vì anh em, tôi ghen với cái ghen của Đức Chúa Trời, bởi tôi đã gả anh em cho một người chồng duy nhất, trình diện anh em như một trinh nữ tinh khiết cho Đấng Christ.” Đó là một mối liên hệ đặc biệt.

Nếu là một cuộc hôn nhân thì sự chấp nhận lẫn nhau giữa hai phía phải xảy ra ngay lúc khởi đầu, không phải chờ tới mấy chục năm sau mới chấp nhận khi người phối ngẫu đáp ứng hết tất cả những điều mong đợi của mình. Vì thế, Đức Chúa Jesus, Đức Chúa Trời chấp nhận những người tin Ngài và ban Đức Thánh Linh cho họ ngay lúc họ bắt đầu tin để thiết lập mối liên hệ tương giao với họ kể từ thời điểm đó. Nếu tín đồ mọi tôn giáo khác đều chờ tới ngày qua đời mới biết số phận của họ, thì con cái Chúa biết kết quả tương lai đời đời của mình ngay từ lúc khởi đầu; bởi vì nhận lãnh ơn cứu chuộc của Chúa là thiết lập mối liên hệ tương giao thân mật với Ngài. Sở dĩ người thật lòng tin Chúa không dám phạm tội, vì họ không muốn làm Chúa buồn lòng và mất phần thưởng.

Cách phân biệt đức tin thật với đức tin giả tạo nằm trong câu KT sau: “Các ngươi thờ phượng đấng các ngươi không biết, còn chúng ta thờ phượng Đấng chúng ta biết” (Giăng 4:22). Lấy gì làm bằng cớ chứng minh rằng chúng ta được tiếp nhận ngay từ lúc khởi đầu của niềm tin? Chính những lời phán của Đức Chúa Jesus xác nhận việc đó (Giăng 5:24). Vậy, người nào thật lòng tin Chúa nhận được mối liên hệ tương giao yêu thương với Ngài vì biết ơn Ngài ngay từ lúc hiểu biết ơn cứu rỗi mà Ngài đã chịu đau đớn và nhục nhã vô cùng để thực hiện. Vì là mối tương giao yêu thương, nên không còn là lễ nghi khô cứng hoặc mối quan hệ lỏng lẻo, lợt lạt. Chúng ta hãy dùng đặc điểm nầy để tự đánh giá lòng tin Chúa và đời sống đạo của mình có đúng nghĩa và chính đáng hay không.

Ngoài tình Cha con, giữa Chúa với người tin Ngài còn có tình bạn hữu thân thiết khác hẳn các lý thuyết tôn giáo của trần gian. Chúng ta biết Đức Chúa Jesus xem những người tin Ngài là bạn, vì Ngài bày tỏ cho họ thấy tình yêu lớn nhất trong loài người  “Không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hi sinh mạng sống mình” (Giăng 15:13). Để duy trì mối liên hệ yêu thương do tình bạn mà Chúa ban, chúng ta phải vâng lời truyền dạy của Ngài “Nếu các con làm theo điều Ta truyền dạy thì các con là bạn hữu Ta. Ta không còn gọi các con là đầy tớ nữa, vì đầy tớ không biết điều chủ làm. Nhưng Ta gọi các con là bạn hữu, vì Ta đã bày tỏ cho các con biết tất cả những gì Ta đã nghe nơi Cha Ta” (Giăng 15:14–15).

Đức Chúa Jesus chấp nhận chúng ta ngay thời điểm chúng ta quyết định tin Ngài. Mối liên hệ tương giao yêu thương phải có ngay lúc đó. Có thể một số tín hữu chưa biết hoặc chưa cảm nhận được tình yêu thương của Chúa khi tin nhận Ngài là Chúa. Nhưng sau khi đã được biết Ngài chấp nhận và yêu thương chúng ta từ lúc chúng ta chưa biết gì về Ngài thì rất cảm kích: “Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta” (Rôma 5:8). Lòng cảm kích và biết ơn sẽ biến thành tình cảm yêu thương chân thành. Đó chính là mối liên hệ tương giao chân thật đối với Chúa, Đấng đã yêu chúng ta trước. Sự chấp nhận cho con cái Chúa sẽ được vào thiên đàng xảy ra khi chúng ta bắt đầu tin.

Bất cứ mối liên hệ tương giao yêu thương nào giữa hai cá nhân đều phải có sự kết nối tình cảm giữa hai phía; cũng vậy, người nào thật lòng tin Chúa thì phải yêu kính Ngài mới có thể tương giao với Ngài. Hai người nam nữ không thể thân mật với nhau nếu không có cơ hội gần gũi nhau; có thể là gặp mặt, thư từ hoặc trò chuyện qua điện thoại. Tại sao có một số người thật lòng tin đạo nhưng không thân mật với Chúa? Lý do là có mục tiêu sai trật khi quyết định theo Chúa. Hầu hết tín đồ Tin Lành tin Chúa để thoát khỏi hỏa ngục và được lên thiên đàng. Họ không được dạy tin Chúa là tương giao thân mật với Ngài. Bất cứ một mối quan hệ nào bị trở thành lợt lạt đều có sự trục trặc từ lúc đầu. Tín hữu luôn luôn là phía có lỗi khi thiếu mối tương giao với Chúa.

Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta. Đức Chúa Jesus đã hi sinh vì chúng ta. Ngài thiết lập và đề nghị sẽ cống hiến mối liên hệ yêu thương, món quà tặng tuy miễn phí nhưng đòi hỏi phải có sự đáp ứng bằng tình yêu. Người nào đáp ứng được thì người ấy sẽ hiểu rằng mối liên hệ tương giao với Chúa quý báu hơn tất cả mọi điều loài người cho là đáng chuộng và đáng theo đuổi, kể cả việc được lên thiên đàng. Bởi vì có Chúa, được ở gần Ngài là có tất cả mọi điều Ngài để dành sẵn trong Vương quốc của Ngài cho chúng ta. Vì vậy, trong sự thờ kính Chúa, chúng ta hãy gìn giữ mối liên hệ tương giao đầy yêu thương với Cha trên trời. Đó là hãy tin và yêu mến Ngài cách chân thật.

DoiSongtrongThanhLinh21.docx

Rev. Dr. CTB