Vương Quốc Đức Chúa Trời, bài 04

Ma-thi-ơ 13:3–9

Chúng ta đã tìm hiểu qua Kinh-thánh và biết ý nghĩa của Vương-quốc Đức Chúa Trời là sự cai trị của Ngài. Nó không phải là Hội-thánh, thiên đàng, sự cải cách đạo đức, tấm lòng, hay một cõi tương lai. Nó là sự toàn trị của Đức Chúa Trời chống lại mọi thứ ác trên nhân gian.

Vương quốc ấy vào thế gian qua Đức Chúa Jesus Christ. Vương quốc của Chúa là cả hiện tại lẫn tương lai. Vương-quốc ấy đến một cách mầu nhiệm không ai ngờ được qua thân vị khiêm nhường và thánh vụ của Đức Chúa Jesus trong vai trò Người Đầy Tớ chịu thống khổ để đánh bại tội lỗi, sự chết và Satan.

Vương-quốc Đức Chúa Trời là cách Ngài dùng để giải thoát loài người chúng ta và ban cho chúng ta sự tự do tiếp nhận ơn cứu chuộc và giao ước tốt đẹp nhất của Ngài.

Nhưng để có thể biết rõ ràng và thấm nhuần những lợi ích, ơn phước và tác động của Vương quốc Đức Chúa Trời, hầu cho chúng ta có thể thong dong hoạt động không bị lầm lỗi gì trói buộc và đem về cho Chúa rất nhiều kết quả qua các hoạt động thật hữu hiệu, thì mỗi tín hữu phải biết rõ Vương-quốc thiên đàng đã đến với mình ra sao.

Đức Chúa Jesus cho biết mục đích Ngài được sai đến thế gian là để công bố Tin Lành của Vương-quốc Đức Chúa Trời (Lu-ca 4:43), chúng ta phải hiểu Vương-quốc ấy theo sự mô tả của Ngài qua các ẩn dụ.

Chúa không nói về sự thịnh vượng hay bình an, khoẻ mạnh hay giàu có, luật lệ hay trật tự, hoặc cách thiên đàng tổ chức cai trị như thế nào. Ngài chỉ nói Vương-quốc ấy giống như hình thái nầy, hình trạng nọ, vv.

Thế thì, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu để biết ý nghĩa sâu xa của từng ẩn dụ về nước thiên đàng.

Trong các ẩn dụ về Nước thiên đàng thì câu chuyện hột giống rơi trên bốn loại đất được các Hội-thánh nói tới nhiều hơn hết.

Về nghĩa đen thì câu chuyện rất dễ hiểu, nhưng Đức Chúa Jesus dùng nó để nói về những sự mầu nhiệm của Vương-quốc thiên đàng (Mathiơ 13:11), mà nếu người nghe nào không có một tâm linh khát khao thì sẽ chẳng hiểu gì hết.

Ẩn dụ nầy không chủ tâm mô tả gì về người gieo giống, nhưng nói về ý nghĩa của hột giống là “đạo của Nước thiên đàng” (19), hoặc “Lời của Đức Chúa Trời” (Luca 8:11).

Vì Đạo hay Lời của Đức Chúa Trời là hột giống được gieo ra, mà Đức Chúa Jesus chính là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời (Giăng 1:1) đã đến thế gian nên hột giống cũng chính là Ngài.

Kinh-thánh được gọi là Lời Đức Chúa Trời vì sứ điệp chủ yếu của Kinh-thánh là nói về Đấng Christ, giải pháp cứu độ của Đức Chúa Trời ban xuống cho nhân loại.

Như vậy hột giống được gieo ra là những lời giảng về Đức Chúa Jesus Christ, Tin Mừng của Vương-quốc Đức Chúa Trời; bởi vì Ngài là Lời Hằng Sống (Giăng 5:39) được rao giảng, hầu cho ai tiếp nhận hột giống của Lời Đức Chúa Trời và tin thì được sự sống vĩnh cửu (Giăng 20: 30–31).

Nghĩa là Đấng Christ với ơn cứu độ của Ngài mà chúng ta vẫn luôn rao giảng, chính là hột giống được nói tới trong ẩn dụ. Ai tiếp nhận ‘Hột giống’ được gieo ra tức là tiếp nhận Vua của Vương-quốc Đức Chúa Trời; và vì Ngài là sự sống vĩnh cửu, nên ai mở lòng tiếp nhận Ngài là tiếp nhận Vương-quốc Đức Chúa Trời vào lòng mình để được sự sống đời đời.

Đức Chúa Jesus vừa là sứ giả của Vương-quốc, cũng chính là Vương-quốc, vừa là Người gieo giống, và vừa là hột giống. Ai tin Ngài thì trở nên con dân của một Vương-quốc tồn tại vĩnh viễn, không bao giờ suy tàn.

Một yếu tố khác trong ẩn dụ là các loại đất mà hột giống rơi nhằm. Sự tập trung chú ý không còn nhắm vào người gieo giống hay hột giống, mà chú ý về loại đất và cách nó phản ứng đối với hột giống rơi trên nó.

Đây là phần quan trọng của ẩn dụ, vì chỉ có một loại hột giống rơi trên bốn thứ đất, nhưng phản ứng của mỗi thứ đất thì khác nhau.

Chỉ có một chân lý về Vương-quốc Đức Chúa Trời, đó là Tin Mừng rằng người ta chỉ có thể được tha tội khi họ biết ăn năn tội lỗi và tiếp nhận ơn hi sinh chuộc tội của Đức Chúa Jesus.

Tin Mừng được rao ra giống nhau, nhưng mỗi thứ đất là tình trạng của lòng người và phản ứng của họ đối với Tin Mừng. Hột giống không chọn đất để rơi xuống, chỉ có phản ứng của đất đối với hột giống. Bốn loại ấy như sau:

Đất đường đi, hay là những người nghe cách bâng quơ vì tình cờ, hay nghe kiểu để ngoài tai chứ không quan tâm gì hết. Hột lúa bị văng lên mặt đất cứng giống như loại linh hồn cứng cỏi và thờ ơ với các vấn đề tâm linh.

Đây không phải chỉ nói về những người ngoại đạo; vì cũng có loại người tuy ngồi trong nhà thờ nhưng lòng luôn hướng về những chuyện trần gian, không lãnh hội Lời Chúa được rao truyền. Vì thế, hột giống không có chỗ bám để nẩy mầm và đâm rễ; chim đáp xuống ăn hết (13:4, 19).

Những người nầy hoàn toàn thờ ơ đối với các bài giảng hoặc những bài học Kinh-thánh, mà tín hữu trưởng thành rất thích thú.

Đối với tín đồ các tôn giáo khác hoặc chủ trương vô thần, thì chẳng những không tin các lời rao giảng về Tin Mừng, họ còn chê bai cho rằng chúng ta nói về những điều vô lý, mê tín, nhảm nhí, và không đáng quan tâm tới.

Kế đến là loại người có lòng giống như đất đá sỏi, tức là loại người nghe đạo theo sự xúc động nhất thời. Họ hoan hỉ nhận lãnh Tin Mừng, nhưng giống như hột giống được tiếp nhận cách nông cạn, rễ không thể đâm sâu (13:20–21), vì bên dưới bề mặt mềm mại là vô số điều đắng cay uất hận, thói mê tín và tâm lý chỉ muốn cầu phước, giống như vô số sỏi đá nằm khuất dưới lớp đất mỏng.

Đây cũng là tâm lý của những người sau khi theo đạo rồi mà chưa nhận được những phước lành họ mong mỏi; khi bị họ hàng, bạn bè chỉ trích, chê bai, mẳng chửi, thì vội vàng trở lại con đường sai lầm cũ.

Những người như vậy chưa trải qua biến cố tái sinh của tâm linh. Đời sống chưa khi nào được biến đổi, chưa thực sự tiếp nhận hay trải nghiệm gì về Vương-quốc Đức Chúa Trời.

Những người vội vàng bỏ đạo thì dễ thấy, nhưng trong Hội-thánh vẫn còn rất nhiều loại tín hữu chưa được tái sinh có mang tâm lý nầy.

Loại đất thứ ba nằm dưới bụi gai là ví dụ về loại người có quá nhiều lo lắng về cuộc sống vật chất lẫn tình cảm trong đời nầy.

Nếu là người chưa tin Chúa, thì việc họ nghe phúc âm chỉ là tình cờ rồi tiếp nhận đạo, vì chẳng người làm nông nào cố ý rải hột giống vô bụi gai.

Cũng có một số tín hữu lớn lên trong gia đình có đạo, hột giống được gieo, đâm rễ, mọc lên nhưng không lớn nổi vì trong lòng vẫn luôn bị “sự lo lắng về đời nầy, sự quyến rũ của giàu sang làm cho đạo bị nghẹt ngòi nên không kết quả” (13:22).

Có lẽ những người đang ở trong Hội-thánh mà bị tình trạng như vậy vì chưa bao giờ hiểu rõ về Vương-quốc Đức Chúa Trời.

Ý niệm chung của rất nhiều người là Vương-quốc của Chúa sẽ xuất hiện sau khi tận thế. Nghĩa là họ chưa biết mình có thể được thừa hưởng Vương-quốc ấy qua đời sống được Đức Chúa Trời cai trị ngay trong đời nầy.

Loại đất thứ tư là có phước nhất. Họ là những người nghe đạo thì hiểu, tiếp nhận và kết quả; nhưng không do nỗ lực nào của họ, như Đức Chúa Jesus giải thích:

Vương-quốc Đức Chúa Trời cũng tựa như một người vãi hạt giống xuống đất; dù ngủ hay thức, dù đêm hay ngày, hạt giống vẫn cứ nẩy mầm và mọc lên mà người ấy chẳng biết thế nào” (Mác 4:26–27).

Những người thuộc loại đất nầy có kết quả vì đã tiếp nhận Vương-quốc Đức Chúa Trời vào lòng. Hột giống Vương-quốc ấy cứ nẩy mầm, mọc và lớn lên.

Mặc dù Đức Chúa Trời thích lòng của những người có đặc tính của loại đất tốt, nhưng hột giống không chọn loại đất mình rơi xuống, chỉ những người nhận mới có thể chọn lựa mình muốn trở thành loại đất nào.

Chúng ta có thể chọn trung thành với hột giống mình nhận được dù hoạn nạn có thể tới, hoặc lui đi vì sợ hãi hay lo lắng.

Vậy, để trả lời cho câu hỏi ‘Vương-quốc Đức Chúa Trời đến như thế nào?’ Chúng ta phải biết Vương-quốc ấy đến một cách bất ngờ và kín đáo trên tâm linh chúng ta.

Nó là sự hiện diện kỳ bí của quyền cai trị của Đức Chúa Trời trước khi Vương-quốc ấy bày tỏ ra trong quyền năng vào ngày tận thế.

Chỉ những người nào đã thật lòng tiếp nhận Đức Chúa Jesus, là Tin Mừng của Vương-quốc Đức Chúa Trời, thì mới kinh nghiệm được những phước hạnh và quyền phép của Vương-quốc ấy trên đời sống mình.

Bởi vì sự cai trị của Vương-quốc Chúa không phải chỉ là các thứ phước vật chất và tinh thần, nhưng còn là các đức tính yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, và thánh thiện; cộng thêm các ân tứ quyền năng từ Đức Thánh Linh ban cho.

Tất cả đều đến từ quyết định cho lòng mình làm đất tốt tiếp nhận hột giống từ Chúa.

VuongQuocĐCT04.docx
Rev. Dr. CTB