Tìm Biết Ý Chúa, bài 13
Châm Ngôn 3:13
Ai ở trên đời đều muốn có một đời sống hạnh phúc, nhưng không phải mọi người quan niệm giống nhau về những điều dẫn tới hạnh phúc. Hầu hết người ta cảm thấy hạnh phúc khi gặp cảnh ngộ hài lòng, khổ sở khi không hài lòng về cảnh ngộ họ gặp phải.
Ví dụ như, nhiều người cảm thấy rất hạnh phúc khi nhận được việc làm mình ao ước, hoặc được đối tượng mình yêu đáp ứng tình yêu của mình, hay nhận được một món tiền bất ngờ, vv. Nhưng các niềm vui ấy bỗng qua rất nhanh, rồi người ta lại vất vả tìm kiếm hạnh phúc khác.
Như vậy, hạnh phúc hay niềm vui bền vững không do các tác động từ bên ngoài tạo nên mà phải đạt đến một tình trạng tiềm ẩn đâu đó trong lòng. Vì người cảm thấy hạnh phúc là người có thái độ hài lòng vững vàng trong mọi cảnh ngộ.
Bằng chứng rõ ràng nhất về việc người ta không tìm được hạnh phúc qua sự giàu sang và lạc thú, danh vọng và quyền lực là vua Solomon của Israel khoảng gần ba ngàn năm trước.
Chẳng ai nổi tiếng, khôn ngoan, quyền uy, giàu sang, và đầy kinh nghiệm về đủ thứ lạc thú trên đời như vị vua nầy. Nhưng sau khi đã nếm tất cả, ông viết về điều chán chường của kinh nhiệm mình: “Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không! Tất cả đều hư không” (Truyền-đạo 1:1b). Chưa ai chứng minh được lời kết luận của Solomon là sai; bởi vì nó hoàn toàn đúng.
Vậy, hạnh phúc là gì? Thế nào là hạnh phúc? Có người cho rằng vui vẻ, mừng rỡ là hạnh phúc. Điều đó chưa hẳn là đúng; bởi vì cảm xúc bề ngoài không thể so bằng sự hài lòng bên trong. Thái độ hài lòng của một tâm hồn bình lặng trước mọi hoàn cảnh trong cuộc đời mới là điều rất khó đạt đến.
Khi tâm hồn một người hoàn toàn hài lòng thì hạnh phúc không còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh chung quanh, những điều sở hữu hay thái độ của người khác đối với họ. Người đó có thể vui vẻ lúc thuận lợi và không ngã lòng trước nghịch cảnh.
Vì không bị lệ thuộc vào hoàn cảnh; nên bất cứ cảnh ngộ nào xảy đến cũng không thể làm mất niềm vui và bình an trong tâm hồn người. Thái độ đó ở mọi nơi, mọi lúc sẽ giữ gìn người ấy vượt qua những ngày đen tối và khó khăn nhất.
Mẫu mực của tâm tình nầy là thái độ của sứ đồ Phao-lô; ông viết cho tín hữu ở Hội thánh Phi-líp: “Tôi nói vậy không phải do thiếu thốn đâu, vì tôi đã học sống thoả lòng trong mọi cảnh ngộ” (Phi-líp 4:11).
Khi luyện tập được một thái độ sống như vậy thì dù có bị lao lý, đòn vọt, đầy đủ hay thiếu thốn, đói hay no, ngủ yên giấc hay đứng giữa đám đông cuồng nộ, tâm linh bình lặng của Phao-lô, sau kinh nghiệm gặp Chúa, chính là niềm hạnh phúc chân thật.
Thế thì, niềm hạnh phúc chân thật phải đến từ Đức Chúa Trời; nói cách khác, Ngài là nguồn hạnh phúc thật. Vấn đề của chúng ta là làm thế nào để lãnh món quà hạnh phúc từ Ngài ban tặng.
Nếu chúng ta tin lời Kinh-thánh về thuộc tính vô hạn và bất biến của Đức Chúa Trời, thì cũng tin rằng hạnh phúc của Ngài không bao giờ chấm dứt mà còn mãi, vững chắc và không dời đổi. Cho nên, hạnh phúc đến từ Đức Chúa Trời là thứ hạnh phúc bền vững đem niềm hoan lạc tới cho mọi người nào được ở trong gia đình của Ngài.
Đối với chúng ta là các chi thể trong thân thể của Đức Chúa Jesus thì tin chắc rằng Ngài rất muốn chúng ta được hạnh phúc thật. Trong lời cầu nguyện cuối cùng vào đêm Ngài chịu bị bắt và chịu thống khổ, Đức Chúa Jesus mong muốn sự vui mừng của Ngài được đầy trọn trong các môn đồ Ngài (Giăng 17:13b), tức là họ được mãi mãi hạnh phúc.
Dĩ nhiên là người nào được trở thành công dân của nước Trời thì sẽ nhận lãnh hạnh phúc từ trời; vậy bất cứ ai đã thật lòng tin nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời qua công tác chuộc tội của Đức Chúa Jesus là những người hội đủ điều kiện để nhận lãnh hạnh phúc.
Thế nhưng tại sao vô số tín hữu vẫn bị khốn khổ, chưa nhận lãnh được hạnh phúc? Đây là điểm mà nhiều người bị bối rối hoang mang. Nhiều người tưởng rằng sau khi tin Chúa thì ngay lập tức sẽ tự động nhận lãnh, hay cảm thấy hạnh phúc, nhưng trong thâm tâm người ta thấy chẳng có gì thay đổi.
Về điều nầy, mọi con cái Chúa cần hiểu rõ rằng trong lúc chúng ta còn ở thế gian thì hạnh phúc thật ở bề trong đòi hỏi đời sống tâm linh phải được trưởng thành trước đã. Bởi vì hồn của người mới tin Chúa, hoặc còn ấu trĩ trong nếp sống đức tin, thì có nhiều khiếm khuyết, vì chưa biết đủ Lời Chúa.
Tất cả những ai muốn hưởng hạnh phúc thiên đàng đều phải có tâm linh phù hợp với các đòi hỏi của cõi thiên đàng. Mà trên thế gian nầy, chỉ có lời Kinh-thánh mới có thể giúp người ta hiểu biết quan điểm của cõi thiên đàng là thế nào.
Sự hiểu biết lời Kinh-thánh giúp chúng ta có khả năng biết chương trình của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta ra sao. Sự biết ấy dẫn tới trạng thái duy trì được niềm hạnh phúc sâu trong lòng, vì điều ấy chính là tìm được sự khôn ngoan thật.
Vì thế, vua Solomon đã phát biểu: “Phước cho người nào tìm được sự khôn ngoan và nhận được sự thông sáng” (Châm ngôn 3:13).
Còn chúng ta là các tín đồ của Đức Chúa Jesus hiện nay thì sao? Vị sứ đồ, tác giả thư Hebrews, than thở: “…Có nhiều điều… rất khó giải thích, vì anh em đã trở nên chậm hiểu. Đáng lẽ bây giờ anh em phải làm thầy rồi; thế mà anh em vẫn cần được dạy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời cho anh em. Anh em vẫn còn phải uống sữa thay vì thức ăn đặc. Ai chỉ uống sữa thì chưa hiểu đạo công chính vì còn thơ ấu” (Hêbơrơ 5:11–13).
Người ta không thể tìm được sự khôn ngoan và thông sáng của thiên đàng từ các nguồn cung cấp thế tục. Sự khôn ngoan chỉ đến qua lời của Chúa trong Kinh-thánh; vì thế, mọi con cái Chúa đều cần phải làm cho tâm linh mình no đầy các giáo lý do Kinh-thánh dạy.
Tuy nhiên, ở chỗ nầy anh chị em cần phải cẩn thận phân biệt các giáo lý do Kinh thánh dạy thì khác với các giáo lý của các tổ chức giáo hội, hay giáo phái, dạy theo quan điểm của họ. Giáo lý của Kinh-thánh vẫn luôn phù hợp với những lời dạy của Đức Chúa Jesus, tức là tâm trí của Đấng Christ (1Côrinhtô 2:16).
Một số ví dụ để anh chị em so sánh: Đức Chúa Jesus dạy rằng vợ hay chồng chỉ được ly-dị khi người kia phạm tội gian dâm, ngoại tình (Mathiơ 5:32, 19:9); có giáo phái thì cho phép ly-dị khi hai bên xung khắc, hoặc có giáo hội hoàn toàn cấm ly-dị.
Về việc khao khát quyền phép Đức Chúa Trời và các ân tứ Đức Thánh Linh (1Côrinhtô 14:1), thì có giáo phái cấm đoán, có giáo phái nói rằng không tìm cũng không cấm, nhưng thực tế thì cấm.
Tại sao phải chú trọng tới những lời dạy của Đức Chúa Jesus và các giáo lý của Kinh-thánh? Bởi vì Đức Chúa Jesus suy nghĩ theo tư tưởng của Đức Chúa Trời, quan điểm của Ngài phản ảnh quan điểm của Đức Chúa Trời. Ngài ứng dụng các chân lý ấy vào đời sống thực tiễn.
Ví dụ ngày nay có giáo phái giữ luật Môi-se về ngày sa-bát, trong khi Đức Chúa Jesus dạy là : “Ngày sa bát được tạo nên vì loài người, chứ không phải loài người được tạo nên vì ngày sa-bát” (Mác 2:27).
Nếu mọi quan điểm của Đức Chúa Jesus phản ảnh quan điểm của Đức Chúa Trời, mà các sứ đồ đã ghi chép lại, thì những điều Ngài truyền dạy cũng dẫn mọi người nào tin và áp dụng lời Ngài trong đời sống vào nguồn hạnh phúc của thiên đàng (Giăng 15:11).
Chúng ta cũng có thể thấy hạnh phúc thiên đàng trong Đức Chúa Jesus vào những giờ khắc thống khổ nhất khi Ngài bị đóng đinh vào thập tự giá: “Lạy Cha! Xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Luca 23:34).
Chỉ có một tâm linh bình an và hoàn toàn hạnh phúc mới có thể có một thái độ và tâm trạng như Đức Chúa Jesus đã có. Niềm hạnh phúc bên trong Ngài là cái gương và đích cho ta nhắm tới trong đời sống đạo và bước đường thánh hoá của chúng ta.
Mặc dù người trần thế rất khó đạt tới trình độ của Đức Chúa Jesus, nhưng Ngài đã đến thế gian để làm gương, và nếu ai chịu noi theo gương ấy thì vẫn có thể đạt tới được.
Nhiều thánh đồ xưa nay đã dửng dưng trước những hình phạt gây nên cái chết thảm khốc cho họ để giữ vững đức tin. Vì kẻ thù chỉ giết được thân thể nhưng không thể dập tắt được nguồn hạnh phúc mà họ có trong Đức Chúa Jesus.
Anh chị em chúng ta hãy cùng nhau làm đầy tâm linh mình với những ý nghĩ, quan điểm hay lời phán của Đức Chúa Jesus; cũng hãy làm theo lời dạy của các sứ đồ trong Kinh-thánh, vì họ là những người nhận lãnh sự dạy dỗ từ Đức Thánh Linh rồi ghi chép lại cho con cái Chúa đời ấy và thời nay cùng học hỏi, để mọi người đều nhận được hạnh phúc thiên đàng mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho những ai vâng lời Ngài.
TimBietYChua13.docx
Rev. Dr. CTB