Sáng Thế Ký, bài 50
Sáng-thế-ký 48:1–22
“Sau các việc đó, người ta báo cho Giô-sép:‘Cha ngài bị bệnh’” (1). Tức là sau khi Giô-sép vâng lời lo sắp xếp việc hậu sự cho cha như Gia-cốp đã căn dặn (47:29–30), thì ông được báo tin là cha mình trở bệnh.
Theo ý của đoạn trước thì qua tin tức nầy, Giô-sép biết cha mình đã tới ngày qua đời; vì thế, “Giô-sép đưa hai con mình là Ma-na-se và Ép-ra-im cùng đến thăm. Khi Gia-cốp được báo tin: ‘Con trai ông là Giô-sép đến thăm ông,’ Israel cố gượng ngồi dậy trên giường” (2).
Qua phần tường thuật nầy, người đọc mới hiểu mục đích của phần ghi chép gia phả các con cháu của Gia-cốp ở đoạn 46, không phải để cho biết Gia-cốp có bao nhiêu con cháu, nhưng để nêu tên những hậu tự của Gia-cốp về sau sẽ giữ các vị trí thủ lãnh trong gia đình (46:8–25).
Đoạn 48 nầy giải quyết một vấn đề quan trọng hơn. Đó là Gia-cốp thực hiện trọn vẹn quyền của người cha và tổ phụ trực tiếp của chủng tộc Israel.
Việc ấy được thúc đẩy bởi tình yêu đối với Rachel, địa vị cao trọng của Giô-sép, cùng với tinh thần tiên tri, đã lập hai con của Giô-sép thành tổ phụ của hai chi tộc; và đặt Ép-ra-im, là người em, trước Ma-na-se, là người anh.
Quyết định của Gia-cốp là rất quan trọng; cho nên, nó đã được ghi chép rất cẩn thận và đầy đủ ở phần nầy.
“Gia-cốp nói với Giô-sép: ‘Đức Chúa Trời Toàn Năng đã hiện ra và ban phước cho cha tại Luz, trong đất Ca-na-an. Ngài phán: ‘Nầy, Ta sẽ làm cho con sinh sôi nảy nở thật nhiều. Ta sẽ làm cho con thành một công đồng gồm nhiều dân tộc và ban cho dòng dõi con đất nầy làm cơ nghiệp đời đời’” (3–4). Đây là lời Gia-cốp thuật lại các sự việc đã diễn ra ở Sáng-thế 35:9–12.
Gia-cốp chỉ định hai con trai của Giô-sép, đã sinh tại Ai-cập trước khi ông gặp, có quyền lợi và thẩm quyền như các con trai khác của Gia-cốp (5). Nghĩa là Ma-na-se và Ép-ra-im, sẽ nhận phần của mỗi người trong đất hứa. Như vậy, Giô-sép được chia cho hai phần đất.
Gia-cốp cũng dặn dò thêm: “Còn những đứa mà con sinh sau sẽ thuộc về con. Chúng sẽ hưởng cơ nghiệp dưới danh nghĩa của hai anh mình” (6). Không thấy sử sách ghi Giô-sép có thêm con nào khác; lúc đó, Ma-na-se và Ép-ra-im đã được ít nhất là hai mươi tuổi. Vì cả hai được sinh ra trước khi Giô sép gặp các anh mình vào năm thứ nhì của nạn đói kinh khiếp.
Gia-cốp nhắc tới người vợ yêu quý của ông, Rachel, mẹ của Giô-sép, qua đời khi từ Paddan-Aram về tới Ép-ra-ta (7).
Mắt của Gia-cốp đã yếu lắm, không còn thấy rõ nữa. Ông ngồi trên giường, bảo Giô-sép đưa hai đứa con trai tới cho ông chúc phước (8–10).
Lời của Gia-cốp bày tỏ niềm hạnh phúc Chúa đem đến cho ông: “Cha tưởng không còn thấy được mặt con, thế mà bây giờ Đức Chúa Trời lại cho cha được thấy cả dòng dõi của con nữa” (11).
Giô-sép kéo hai con ra khỏi giữa hai đầu gối của cha rồi sấp mặt xuống đất thờ lạy Chúa để long trọng chứng kiến cảnh cha mình chúc phước cho hai con (12). “Ông đem hai đứa trẻ lại gần cha. Tay phải dắt Ép-ra-im sang phía trái của cha, còn tay trái thì dắt Ma-na-se sang phía phải của cha. Nhưng Israel đưa tay phải ra và đặt trên đầu Ép-ra-im là đứa nhỏ, còn tay trái lại đặt trên đầu Ma-na-se. Ông bắt chéo tay dù Ma-na-se là con cả” (13–14).
Câu “rồi ông chúc phước cho Giô-sép” có nghĩa là chúc phước cho các con của Giô-sép (15). Ông nhắc đến Đức Chúa Trời ba lần: “Lạy Đức Chúa Trời mà tổ phụ con là Áp-ra-ham và Y-sác đã thờ phượng, là Đức Chúa Trời đã chăn dắt con từ khi mới ra đời cho đến ngày nay, là Thiên Sứ đã cứu con khỏi mọi tai hoạ” (15–16a).
Ông dùng tên gọi Elohim để nói về Đức Chúa Trời, Đấng mà Áp-ra-ham và Y-sác thờ lạy, và là Đấng đã chăn dắt ông trọn đời ông.
Ông dùng một danh hiệu khác: “Goel” là Đấng Giải Cứu bằng sự hiện diện thần thượng của Ngài ở bên ông. Ông cầu xin: “Xin Chúa ban phước cho hai đứa trẻ nầy, cho chúng nối danh con và tổ phụ con là Áp-ra-ham và Y-sác. Xin cho chúng gia tăng bội phần trên mặt đất” (16).
Trong cuộc trò chuyện với vua Ai-cập, Gia-cốp nói: “Những năm tháng phiêu bạt của tôi tổng cộng là một trăm ba mươi năm. Những năm tháng đời tôi ngắn ngủi và nhọc nhằn” (47:9).
Nhưng lời Gia-cốp cảm tạ Đức Chúa Trời trước khi chúc phước cho hai cháu nội, thì nói rằng: “Đức Chúa Trời đã chăn dắt con từ khi mới ra đời cho đến ngày nay, là Thiên Sứ đã cứu con khỏi mọi tai họa.”
Như vậy, Gia-cốp có hai cái nhìn về cuộc đời của chính ông. Vì theo cái nhìn của con người Gia-cốp phàm trần, không thấy ơn phước của Chúa trong đó, thì là quan niệm về cuộc đời thuần tuý của người. Mà theo cách nhìn ấy thì đời người là ngắn ngủi và nhọc nhằn về mọi phương diện, chẳng có gì đáng gọi là hạnh phúc.
Bài học nầy có thể áp dụng cho mỗi người trong Hội-thánh của Đức Chúa Trời xưa nay. Nếu chúng ta loại trừ Chúa ra khỏi bức tranh của cuộc đời mình, rồi nhìn về tháng ngày đã qua, chúng ta chỉ thấy đầy sự đen tối và ảm đạm, giống như cảnh vật dưới bầu trời xám xịt chẳng có màu sắc gì tươi đẹp cả. Sự hồi tưởng như vậy không đem đến cho chúng ta chút hi vọng nào, cũng chẳng giúp ích gì được cho tương lai.
Nhưng nếu chúng ta nhận ra các ơn phước và sự gìn giữ của Đức Chúa Trời trong suốt các chặng hành trình của chúng ta trên trần gian, thì chẳng khác gì nhìn xem cảnh vật đầy màu sắc tươi đẹp và sống động dưới ánh mặt trời.
Như Gia-cốp sau mười bảy năm dưỡng già ngồi nghiền ngẫm từng chặng đời mình, thì ông thốt lời cảm tạ “Đức Chúa Trời đã chăn dắt con từ khi mới ra đời cho đến ngày nay, là Thiên Sứ đã cứu con khỏi mọi tai hoạ.”
Quan niệm của chúng ta về cuộc đời dài hay ngắn, vui hay buồn đều tùy thuộc vào cái nhìn của con người nào trong ta. Giống như khi Gia-cốp không đặt Đức Chúa Trời vào toàn cảnh đời mình thì than thở rằng: “Những năm tháng đời tôi ngắn ngủi và nhọc nhằn.”
Đó là lúc ông nhớ lại các lỗi mình đã phạm, những tháng năm vất vả chăn bầy cho La-ban mà còn bị người cha vợ gian trá thay đổi công giá, nỗi đau khổ khi người yêu là Rachel qua đời trên tay ông, rồi nỗi đau không nguôi khi tưởng chừng đứa con trai yêu dấu bị thú dữ xé xác.
Nhưng bây giờ gặp lại Giô-sép trong địa vị vinh quang, ông nhớ lại Đức Chúa Trời đã nhiều lần hiện ra với ông, nhớ Đấng “Goel,” Thiên Sứ giải cứu, ngón tay của Người kỳ bí vật lộn với ông ở Peniel khiến ông bị trặc xương hông, thì ông nhận ra sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong suốt đời mình.
“Khi Giô-sép thấy cha đặt tay phải trên đầu Ép-ra-im thì không bằng lòng, nên ông cầm tay cha đổi từ đầu Ép-ra-im sang đầu Ma-na-se” (17). Ông nói cho cha hiểu lý do (18), “nhưng cha ông không chịu và nói: ‘Con ơi, cha biết rõ lắm. Ma-na-se sẽ trở thành một dân tộc và nó cũng sẽ lớn mạnh. Tuy nhiên, em nó sẽ lớn hơn và dòng dõi em nó sẽ trở thành vô số nước” (19).
Khả năng thấy trước tương lai trong giờ lâm chung của người được Đức Chúa Trời ban phước thật là kỳ diệu. Gia-cốp bèn chúc phước cho hai cháu nội: “Dân Israel sẽ nhân danh các cháu mà chúc phước cho nhau rằng: ‘Cầu xin Đức Chúa Trời làm cho bạn được như Ép-ra-im và Ma-na-se!’” (20).
Đây là lần đầu tiên Kinh-thánh nói đến sự đặt tay, một dấu hiệu biểu tượng để một người có thể truyền ơn phước thuộc linh sang người khác.
“Vậy, Gia-cốp đặt Ép-ra-im trước Ma-na-se” chẳng phải chỉ trong hình thức chúc phước, mà còn ban cho Ép-ra-im những phước hạnh cao tuyệt.
Việc Đức Chúa Trời chọn và lập người ở vai em lên trên người anh thì vẫn thường xảy ra. Abel trên Ca-in, Áp-ram trên Na-cô, Y-sác trên Ish-mael, Gia-cốp trên Ê-sau, Đa-vít trên các anh, vv; cho nên việc Chúa dùng Gia-cốp đặt Ép-ra-im trước Ma-na-se thì không có gì lạ. Bởi vì Ngài thường ban ơn nhiều nhất cho những người tưởng chừng chẳng có hi vọng hay cơ hội theo lẽ thường.
Gia-cốp lại nói với Giô-sép: “Nầy, cha sắp qua đời, nhưng Đức Chúa Trời sẽ phù hộ và đưa các con trở về quê cha đất tổ. Riêng con, cha sẽ cho con một phần trội hơn các anh em con, đó là sườn núi Si-chem mà cha đã dùng cung kiếm chiếm lầy từ tay dân A-mô-rít” (21–22).
A-mô-rít là tên dùng để nói chung về những người ở vùng núi trong xứ Ca-na-an.
SangTheKy50.docx
Rev. Dr. CTB