Sách Công Vụ, bài 41

saints_peter_and_paul

Công Vụ 21:1–14

Trên đường về Giê-ru-sa-lem, đoàn của Phao-lô đi bằng tàu biển. Vào thời bấy giờ, tàu biển đều chạy bằng buồm và tất cả đều được đóng bằng gỗ. Lúc ấy, chưa có chiếc thuyền nào bằng sắt cả. Sau khi trải qua các đảo Cos, Rhodes rồi tới thành Patara, họ phải đổi tàu để đi về hướng Phê-ni-xi (1–2).

Họ phải dừng lại tại hải cảng Tyre, tìm gặp được các anh em môn đồ, rồi ở lại đó bảy ngày (3–4). Đang khi ở đó, “nhờ Đức Thánh Linh cho biết, các môn đồ khuyên Phao-lô đừng lên Giê-ru-sa-lem.

Điều sẽ xảy ra mà được Đức Thánh Linh cho biết trước, thì gọi là lời tiên tri. Như thế đã có lời tiên tri cho các môn đồ biết những gì sẽ xảy ra cho Phao-lô ở Giê-ru-sa-lem. Tuy biết như thế, đoàn của Phao-lô vẫn tiếp tục cuộc hành trình (5–6).

Hết đường biển, họ chỉ dừng chân một ngày ở Ptolemais (7) để tới chặng nghỉ lâu hơn tại Caesarea (8–9). Ở đó, Phao-lô lại nghe Agabus, một người nổi tiếng nói tiên tri chính xác, từ Giu-đê đến, “ông đến thăm chúng tôi, lấy dây lưng của Phao-lô, trói tay chân mình lại, và nói: ‘Đức Thánh Linh phán: Người Do-thái tại Giê-ru-sa-lem sẽ trói người có dây lưng nầy như vậy, và đem nộp cho người nước ngoài’” (10–11).

Nếu đối chiếu hai lần lời của Đức Thánh Linh khải thị cho các môn đồ, so với lời Phao-lô nói trong đoạn trước, thì có vài điều cần phải được làm sáng tỏ. Bởi vì Phao-lô thì nói rằng Đức Thánh Linh buộc ông phải về Giê-ru-sa-lem, và gian khổ với lao tù đang đón chờ ông (20:22–23). Trong khi đó, những người khác được Đức Thánh Linh cho biết, thì đều khuyên Phao lô đừng về Giê-ru-sa-lem (4, 12).

Nhưng Phao-lô trả lời: ‘Sao anh em khóc lóc cho đau lòng tôi? Chẳng những tôi sẵn sàng chịu trói, mà chịu chết nữa vì Danh Đức Chúa Giêxu tại Giê-ru-sa-lem.’ Thấy không thuyết phục ông được, chúng tôi đành thôi, và nói: ‘Xin ý Chúa được nên.’” (13–14).

Có phải Phao-lô đã nghe sai, hay Đức Thánh Linh thay đổi quyết định? Ở Tyre, các môn đồ ‘nhờ’ hoặc ‘qua’ (tiếng Hy-lạp là ‘dia’) Đức Thánh Linh cho biết, có nghĩa là họ được biết việc đó bởi ơn tiên tri; cho nên, tình cảm thương yêu khiến họ lên tiếng ngăn cản Phao-lô đừng đi lên Giê-ru-sa-lem. Ở chỗ nầy không phải là Đức Thánh Linh ra lệnh (tiếng Hy-lạp là ‘hupo’) cho họ phải nói. Bởi vì trong câu đó Luca dùng chữ ‘dia’ chứ không dùng ‘hupo.

Về trường hợp tiên tri Agabus đến gặp Phao-lô (10–11), thì việc xem xét có phần phức tạp; vì Agabus nổi tiếng là có ơn nói tiên tri chính xác. Nhưng hai điều ông nói ở đây lại không chính xác: “Người Do-thái tại Giê-ru-sa-lem sẽ trói người có dây lưng nầy như vậy và đem nộp cho người nước ngoài.” Việc xảy ra không hoàn toàn đúng; bởi vì người Do-thái không trói Phao-lô, họ chỉ muốn giết ông, còn người La-mã đến cứu ông và trói ông lại (30–33).

Thật ra, sứ điệp của Đức Thánh Linh là chính xác, nhưng các người nhận lãnh thông điệp ấy đã truyền đạt lại theo cảm tính và tình cảm của họ.

Bởi vậy, nhân vấn đề những lời tiên tri cho cá nhân được đưa ra, con cái Chúa cũng cần biết các cách thức cân nhắc và đánh giá lời tiên tri; bởi vì Đức Thánh Linh vẫn vận hành giữa Hội-thánh bây giờ, như Ngài đã vận hành trong Hội thánh ngày xưa vậy.

Nếu ngày trước, con cái Ngài cần có lời tiên tri để chỉ dẫn họ, thì ngày nay chúng ta phải cần các lời tiên tri chỉ dẫn nhiều hơn trong một xã hội phức tạp hơn, nhiều nan đề hơn.

Điểm đầu tiên mà chúng ta cần ghi nhớ kỹ trong trí là: Khi nào có ai nói rằng do Đức Thánh Linh phán với họ, thì đừng vội cho rằng phải hoàn toàn tin tưởng MỌI lời họ nói ra.

Nhiều người đã bị ngã lòng, vấp váp vì quan điểm hoàn toàn tin tưởng MỌI chi tiết của lời tiên tri. Vì đến khi sự việc không xảy ra như lòng họ kỳ vọng, hoặc không chính xác như các lời đã nói, thì họ hoàn toàn thất vọng.

Đồng thời, có một số lời gọi là ‘tiên tri’ được nói cho cùng một người ở các thời điểm khác nhau thì lại trái ngược nhau. Nếu ai tin và để cho những lời ấy điều khiển sự suy nghĩ, các quyết định và hành động của mình, thì sẽ bối rối không biết phải hành xử như thế nào. Vậy nên, cần phải suy nghĩ để hiểu lời tiên tri nói gì và ý nghĩa nó là gì.

Điểm kế tiếp là chúng ta lập quyết định và hành động trên những gì chính mình đã cảm nhận và biết chắc Đức Thánh Linh phán với mình, không phải là dựa trên điều chúng ta nghĩ là Ngài dùng người khác để phán.

Ví dụ rõ ràng nhất là Phao-lô không để cho lời những người khác tiên tri về xiềng xích và lao tù rồi dùng cảm xúc của họ lung lạc ý chí và quyết tâm vâng lời Chúa của ông. Ông vẫn tiếp tục vâng theo lệnh Đức Thánh Linh đã buộc ông phải về Giê-ru-sa-lem.

Đây là điểm mà những người hầu việc Chúa cần phải hiểu rõ: Chúng ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước mặt Chúa và trước mặt anh chị em tín hữu trong Hội- thánh về mọi quyết định mình đã lập.

Điểm thứ ba là chúng ta phải biết Đức Thánh Linh thường dùng những người vận hành trong ơn tiên tri cách thuần thục để giúp chúng ta thấy những điều mình cần phải quyết định.– Làm sao biết lời nào là đúng để nghiêm chỉnh làm theo, hoặc lời nào không cần phải quan tâm đến?

Trước hết, phải có mối tương giao mật thiết với Chúa và cũng đã có một số kinh nghiệm căn bản về lời tiên tri cho cá nhân hay cho cả Hội-thánh.

Thứ nhì là quan sát đời sống của người đưa ra lời tiên tri để biết phẩm hạnh, uy tín và ân tứ mặc khải tiên tri của họ có đáng tin cậy hay không; rồi ứng dụng các lời tiên tri đã được mặc khải ấy như thế nào, bằng cách nào?

Tóm tắt ba điểm vừa trình bày là: 1) Lời tiên tri ấy nói gì? 2) Có nghĩa gì, giải thích ra sao? 3) Ứng dụng lời tiên tri ấy như thế nào?

Về vấn đề nầy, mọi người cần phải hiểu thật rõ tính chất của lời tiên tri là một phần của ơn mặc khải (prophetic) qua lời nói. Sự mặc khải (revelation) liên quan đến nhiều ân tứ khác nhau. Nhưng mặc khải về lời nói thì có ba loại: Lời khôn ngoan, lời tri thức, và lời tiên tri.

Trước nay đã có nhiều sự hiểu biết lầm lẫn hoặc không chính xác về chữ tiên tri; cho nên, đã có nhiều vị nổi tiếng cho rằng lời tiên tri đi kèm theo các ‘điều kiện.’ Người nhận lời tiên tri phải đáp ứng các điều kiện ấy, thì lời tiên tri mới ứng nghiệm. Việc đó đúng hay sai?

Lời khôn ngoan nói về các điều kiện và tình thế sẽ xảy ra khi chúng ta chọn quyết định cách nầy hay cách khác.

Lời tri thức mặc khải việc đã xảy ra trong quá khứ hay đang có trong hiện tại.

Lời tiên tri là sự báo trước tương lai; cho nên, nếu là lời Chúa cho biết trước việc sẽ đến, thì dù tình thế có ra sao, nó vẫn sẽ xảy ra. Bởi vì Đức Chúa Trời chẳng bao giờ nói dối hay đoán sai. Những người nêu lý do ‘điều kiện’ chỉ để giải thích cho ‘lời tiên tri’ của họ không ứng nghiệm.

Tại sao có lời tiên tri ứng nghiệm, lại cũng có lời không ứng nghiệm? Hãy xem lời giải thích của Phao-lô: “Vì chúng ta hiểu biết có giới hạn, nói tiên tri cũng có giới hạn” (1Côrinhtô 13:9 BHĐ). Sự mặc khải của Đức Thánh Linh luôn luôn chính xác, nhưng cách hiểu và giải nghĩa của người truyền đạt lại sự mặc khải đó có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố chủ quan hay khách quan, mà người nói tiên tri có lúc đó. Thường là nói cho một người chưa từng gặp gỡ nhưng được biết một chút chi tiết về người đó qua người khác nói.

Ví dụ như có vị tự xưng là sứ đồ và tiên tri đã nói tiên tri cách sai trật về một người mới gặp lần đầu vì nghe thông tin sai lầm từ vị mục sư thân thiết với ông. Trong khi đó nhiều người khác, kể cả người thân của người nhận lời tiên tri, đều biết là hoàn toàn sai.

Trường hợp của sứ đồ Phao-lô trong phân đoạn nầy giúp cho chúng ta biết cách cân nhắc và đánh giá những lời tiên tri cho cá nhân.

Vì tất cả sự mặc khải từ thiên đàng cho con cái Chúa đều đến từ một Đức Thánh Linh. Ngài không tự mâu thuẫn với chính mình. Phao-lô thì rất gần gũi và biết rõ ý muốn của Đức Thánh Linh đối với mình. Ông cũng thuần thục về các ân tứ thiêng liêng, nhất là ơn tiên tri.

Vì thế, khi ông nghe các môn đồ ở Tyre thuật lại lời Đức Thánh Linh mặc khải cho họ, thì điều đó củng cố và xác nhận ý muốn của Chúa trên ông.

Ông cũng hiểu tình cảm đậm đà của mọi người ở Caesarea đối với ông, khi họ nghe lời tiên tri từ Agabus. Cho nên, ông quyết tâm lên Giê-ru-sa-lem để vâng theo lệnh Đức Thánh Linh đã truyền. Không phải là ông khinh dể những lời tiên tri cho cá nhân ông.

SachCongVu41.docx

Rev. Dr. CTB