Ân Huệ của Đức Chúa Trời

Êphêsô 2:1 – 10

Sau khi trình bày về địa vị tối thượng của Đức Chúa Giêxu Christ, đầu của Hội Thánh, đối với mọi vật, mọi loài, Phaolô tiếp tục giới thiệu ân huệ của Đức Chúa Trời khi Ngài ban ân điển cứu rỗi cho người có lòng tin.  Để người đọc có thể hiểu sự vĩ đại của ân điển và nét tương phản sâu đậm giữa số phận người được cứu bởi ân điển với người chưa được cứu, Phaolô nhắc lại số phận hẩm hiu trước kia của tín hữu ở Êphêsô, cũng như tình trạng của tín hữu thuộc mọi thời đại trước khi tin Chúa: “Còn anh em, đã chết trong tội lỗi, gian ác” (1) của những tâm linh chưa được tái sanh.  Vì ai sống trong tội lỗi thì tâm linh bị chết trong tội lỗi.  Tội lỗi là những hành vi, tư tưởng do thói quen phạm vào những tội đã bị luật pháp thiên đàng lên án.  Tội có thể là những sự suy nghĩ, toan tính kín đáo trong lòng và những hành vi tội lỗi bộc lộ rõ ràng trong đời sống.  Mọi người phạm tội đều bị ở trong tình trạng chết, nghĩa là bị cắt lìa khỏi Đức Chúa Trời, là nguồn sự sống.

Tình trạng tội lỗi là tự mình sống và cư xử rập khuôn theo cách người thế gian vẫn làm: “trước kia anh em vẫn làm theo nếp sống của đời nầy” (2); đó là sự bộc lộ bên ngoài của thực trạng tâm linh bên trong đã chết vì tội lỗi (1).  Cho nên, bản chất của chúng ta trước đây là làm nô lệ cho tội lỗi và satan, là tà thần đầu đảng tất cả các thiên sứ phản loạn đang hoạt động tích cực ở chốn không trung (2).  Cả người Dothái lẫn người ngoại bang đều cho rằng không gian chung quanh ta luôn đầy dẫy các thứ ‘linh’ mà họ gọi là ma, quỷ, thần,vv… Có vẻ như là satan được Đức Chúa Trời cho phép lộng hành ở khoảng không dưới thấp, nơi người ta sống và sinh hoạt; satan chính là kẻ điều khiển mọi tà linh đang hành động trong lòng những người chống nghịch Đức Chúa Trời và đạo lý của Ngài.  Họ bị gọi là các con bội nghịch vì họ chọn không vâng lời Chúa và phục vụ ma quỷ.  Satan luôn sử dụng những người nầy cách đắc lực và hiệu quả ở khắp nơi trên thế gian.

“Tất cả chúng ta trước kia cũng thuộc trong số đó, sống theo tham dục của xác thịt, làm theo những ước muốn của xác thịt và tâm trí” (3).  Bản chất tự nhiên của con người trong chúng ta lúc nào cũng cố sức đạt cho bằng được những ham muốn của xác thịt và tình cảm hư hoại của mình.  Chúng ta vận dụng mọi sức lực và khả năng của linh hồn để nghĩ ra tất cả hành động tội lỗi và mánh khoé gian ác nhằm đạt cho được những ước muốn của xác thịt và tâm hồn.  Một tâm trí xác thịt khiến người ta hoàn toàn làm nô lệ cho những ham muốn xấu ác của chính mình.  “Vì bản tánh tội lỗi đó, chúng ta phải chịu Đức Chúa Trời hình phạt, cũng như những người khác” (3b).  Bản chất tự nhiên của loài người là không vâng lời và đương nhiên nằm dưới sự thịnh nộ của Đức Chúa Trời, là Đấng luôn luôn kinh tởm những kẻ làm điều ác.  Tình trạng và hành trình của đời sống chúng ta dẫn tới chỗ chắc chắn bị cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời trừng phạt, nếu Ngài không can thiệp cứu vớt.

“Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng giàu lòng thương xót, vì tình yêu thương Ngài đối với chúng ta quá bao la” (4).  Một sự chuyển đổi đầy vinh quang đến từ ân điển của Đức Chúa Trời đối với loài người. Chính Đức Chúa Trời là tác giả của sự chuyển đổi đầy hạnh phúc nầy.  Tình yêu vĩnh cửu và thiện ý của Ngài đối với loài người do Ngài dựng nên chính là nguồn suối cho lòng nhân từ thương xót của Ngài đối với chúng ta có thể tuôn chảy đến chúng ta.  Tình yêu của Ngài bao la không bến bờ và sự giàu có của lòng thương xót thì quá vĩ đại.  Chính Ngài đã ban cho chúng ta sự sống trong Đấng Christ hoàn toàn miễn phí, cho nên Phaolô nói “ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu” (5), và “đó là một ân huệ của Đức Chúa Trời ban cho”, không do công lao của ai tự tạo ra “nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu…không phải do anh em tạo ra” (8).

Sự thật ấy đem đến biết bao hi vọng và hạnh phúc cho những tấm lòng khát khao ơn cứu rỗi đã từng thất vọng trước nhiều phương pháp của loài người; nhưng nó lại là sự thất vọng ê chề đối với những người vẫn muốn dựa vào nỗ lực riêng tự tạo sự giải thoát, cũng như đối với những thứ giáo lý khuyến khích người ta tìm đến thiên đàng qua công đức tu hành khắc khổ, hay những sự đóng góp tiền của làm lợi cho một giáo hội nào đó: “cũng không phải vì việc anh em làm, nên không ai có thể khoe khoang được” (9). Ân điển cứu chúng ta chính là sự nhân từ và ân huệ miễn phí từ Đức Chúa Trời mà chúng ta không đáng được hưởng.  Đức tin cứu chúng ta là lòng tin vào ơn hi sinh chuộc tội của Đức Chúa Giêxu Christ.  Việc chúng ta tin và nhận được sự cứu độ bằng đức tin là hoàn toàn bởi ân điển và sự giúp đỡ thiên thượng.  Bởi vì “ngay khi chúng ta đang chết trong tội mình, Ngài làm cho chúng ta cùng sống với Đấng Christ” (5).  Chúng ta được cứu khỏi cái chết của tội lỗi và được Chúa đặt sự sống tâm linh mới vào bên trong chúng ta.

Một tâm linh được tái sanh trở thành một tâm linh sống; người được ban tâm linh tái sanh sẽ bắt đầu sống một đời sống được thánh hoá, nhạy bén trước luật pháp thánh khiết của Đức Chúa Trời, được ân điển giải thoát khỏi mặc cảm tội lỗi qua sự tha thứ và sự xưng công nghĩa; sự sống của tâm linh chúng ta hiện có là kết quả của việc chúng ta quyết định hợp nhất với Đấng Christ, y như Đức Chúa Giêxu đã phán “vì Ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống” (Gi.14:19b).  Khi Đức Chúa Trời làm cho Đức Chúa Giêxu sống lại từ kẻ chết, thì tất cả những người tin đều được sống lại với Ngài, Đức Chúa Giêxu trở thành cái đầu chung của mọi tín hữu nào quyết lòng ở trong Ngài; và khi Đức Chúa Trời đặt Đức Chúa Giêxu bên hữu mình trong các nơi trên trời, Ngài cũng đem tín hữu trong Đức Chúa Giêxu lên theo và ban vinh quang chung với Đấng Christ (6).

Câu 6 cũng có thể được diễn ý cách khác: Trong lúc mọi tội nhân lăn lóc dưới trần gian khốn khổ, những tâm linh được thánh hoá ngồi trong các nơi trên trời cao ngất so với thế gian; thế gian chẳng có giá trị gì đối với họ so với thế giới thánh khiết hạnh phúc mà họ đang được hưởng.  Các thánh đồ chẳng những là người người tự do trong Đấng Christ, họ được lên cao với Ngài; bởi sự giúp đỡ của ân điển Ngài, họ đã được vượt lên cao khỏi thế gian để cùng trò chuyện với Đấng Chủ Tể vũ trụ; và họ luôn luôn sống trong trạng thái như vậy.  “Cùng ngồi trong các nơi trên trời với Đấng Christ” (6) nghĩa là cùng được ngồi trên ngôi với Ngài khi Ngài cùng ngồi trên ngôi với Cha Ngài.  Mọi con cái Chúa nên suy gẫm để hiểu biết ý nghĩa kỳ diệu của thực tế nầy và vui hưởng ân điển lớn lao ấy. Chúng ta được “Ngài tỏ lòng nhân từ đối với chúng ta trong Đức Chúa Giêxu Christ, để các thế hệ mai hậu thấy được ân điển Ngài phong phú vô hạn” (7).

Các thế hệ tội nhân trong tương lai sẽ thấy bằng chứng về sự nhân từ và thương xót vĩ đại của Đức Chúa Trời đối với những người sẵn lòng ăn năn tội lỗi và tiếp nhận ơn cứu chuộc Ngài đã ban cho.  Những thế hệ mai sau sẽ có hi vọng về ân điển và sự thương xót của Chúa khi thấy được ơn của Ngài đã tỏ ra trong quá khứ đối với những người tin.  Bằng chứng ấy chỉ được lưu truyền qua nhiều thời đại bởi những việc lành của vô số thánh đồ: “Vì chúng ta là tạo vật của Đức Chúa Trời, được tạo dựng trong Đức Chúa Giêxu Christ để làm việc lành, những việc Đức Chúa Trời đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta thực hiện” (10).  Tất cả những lợi thế của các thánh đồ đều từ Đức Chúa Trời ban cho.  Ngài làm cho chúng ta thành tạo vật mới, chẳng những là người mà còn là các thánh đồ được tạo dựng trong Đức Chúa Giêxu Christ để làm việc lành. Vì nguyên tắc thánh thiện được đặt trong con người mới, nên người ấy chỉ có thể kết quả những việc lành.  Như vậy việc lành là kết quả của người đã được cứu, không phải là nguyên nhân để được cứu.

Đức Chúa Trời chuẩn bị sẵn những việc ấy bằng cách ban phước cho chúng ta tri thức về ý muốn của Ngài, và với sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh, sự thay đổi được diễn tiến trong tâm hồn chúng ta qua tiến trình thánh hoá.  Phần của chúng ta là thực hiện những việc Chúa đã chuẩn bị sẵn bằng nếp sống mẫu mực của mình để vinh danh Chúa trong lời nói và việc làm, và kiên trì trong sự thánh sạch để tiếp tục thực hiện những việc lành mà Chúa đã chuẩn bị sẵn ấy.

Epheso04.docx

Rev. Dr. CTB