Lời Chào, Lời Quở Trách, Khởi Đầu Chức Vụ Sứ Đồ

Galati 1:1–24

Tổng quát ở đoạn 1, ngoài lời chào thăm, là việc sứ đồ Phaolô quở trách sự lìa bỏ vội vàng, của tín đồ ở Galati, đối với Tin Lành của đức tin vào công ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu Christ do ông truyền giảng, đổi sang một ‘Tin Lành khác’ dựa vào sự vâng giữ luật pháp Môise của Do-thái-giáo. Sau đó ông chứng minh chức vụ sứ đồ của ông là chân chính, không phải như lời vu khống của những kẻ thù ghét ông. Phần chứng minh nầy giúp cho độc giả của Kinh Thánh Tân Ước biết một vài chi tiết lịch sử của Hội Thánh Giêrusalem sau khi Phaolô tin Chúa.

Ngay từ câu đầu, Phaolô đã xác định chức vụ sứ đồ của ông không phải do bất cứ người nào phong chức “không phải sứ đồ của loài người, cũng không qua trung gian một người nào, nhưng trực tiếp qua Đức Chúa Giêxu Christ và Đức Chúa Trời là Cha” (1). Ông được kêu gọi vào chức vụ không phải là một sự kêu gọi bình thường qua trung gian người khác nhưng trực tiếp từ Chúa; cho nên chức vụ sứ đồ của ông là có thẩm quyền thần thượng, ngang hàng hoặc trên các vị sứ đồ mà Hội Thánh thời sơ lập đã biết. Câu “và các anh em ở với tôi” (2) có ý rằng ông không cô đơn, mà còn có những người đồng tâm với ông trong thánh vụ. Có thể tin tưởng chắc chắn rằng “các Hội Thánh xứ Galati” như Antioch, Iconium, Lystra, và Derbe, là nơi nhận thư, như Luca đã ghi chép trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ về công tác của Phaolô trong chuyến truyền giáo đầu tiên.

Lời cầu chúc của Phaolô cho các tín hữu ở Galati vẫn là khuôn mẫu từ Chúa, ấy là ân điển đi trước, sự bình an đến sau. Ân điển là ý muốn thiện hảo của Chúa cho chúng ta và công việc tuyệt vời Ngài làm trên chúng ta; bình an có nghĩa là sự yên ủi hoàn toàn trong lòng và sự thịnh vượng của đời sống bên ngoài, là những điều chúng ta rất cần. Hai điều đó đến từ Đức Chúa Cha, nguồn của mọi ơn phước, qua Đức Chúa Giêxu Christ, Đấng đem đến cho chúng ta (3). Ân điển phải đi trước, vì sẽ không thể có bình an thật nếu không có ân điển.

Ân điển và bình an cũng không thể đến nếu không có “Đức Chúa Giêxu đã hiến dâng mạng sống vì tội chúng ta, để giải cứu chúng ta khỏi cuộc đời gian ác hiện tại, đúng theo ý định của Đức Chúa Trời, Cha chúng ta” (4). Công ơn hi sinh mạng sống cao quý của Đức Chúa Giêxu chẳng những thoả đáp đòi hỏi của công lý thiên đàng, mà còn “giải cứu chúng ta khỏi cuộc đời gian ác hiện tại,” để chúng ta được phục hồi khỏi sự hư hỏng của thế gian vì ham muốn nhục dục, và cứu chúng ta khỏi những phong tục, tập quán mà chúng ta đã bị trói buộc vào xã hội mình đang sống. Vì vậy “Vinh quang muôn đời vô cùng thuộc về Ngài” (5).

Từ chỗ nầy trở đi, Phaolô bắt đầu đi vào ý chính của thư tín bằng lời quở trách có tính cách tổng quát đối với sự không vững vàng trong đức tin của các Hội Thánh nhận thư. Ông sẽ dẫn giải và chứng minh chân lý của Tin Lành Đức Chúa Giêxu Christ, trong phần giữa của bức thư, để người Galati hiểu họ đã sai lầm như thế nào. Ông nói rất “ngạc nhiên khi thấy anh em vội vã bỏ Đấng đã lấy ân điển của Đấng Christ gọi anh em, để theo một ‘tin lành’ khác” (6). Lỗi lầm ấy là nặng, vì đã khinh thường sự nhân từ và thương xót của Đức Chúa Trời đã ban cho họ qua Phúc Âm cực kỳ vinh diệu, bày tỏ ân điển và đức thương xót trong Đấng Christ, mà họ được mời vào dự phần những ơn phước vĩ đại nhất; đó là hiện nay được xưng công chính và phục hoà với Đức Chúa Trời, được hưởng sự sống đời đời và hạnh phúc vĩnh viễn ở đời sau. Mà Đức Chúa Giêxu đã trả giá bằng huyết cực báu của Ngài và ban miễn phí cho mọi người nhận.

“Vội vã” là chỉ một thời gian ngắn. “Tin lành khác” là ý kiến của những người vốn thuộc phe Pharisi quy đạo, dạy phải làm theo luật pháp Môise mới được xưng công chính. Phaolô gọi đó là “tin lành khác” bởi vì nó nói về một cách để được xưng công chính và cứu độ khác với những gì đã được mặc khải trong Tin Lành. “Thật ra chẳng có tin lành nào khác” (7), vì nó chẳng phải là tin mừng gì hết, mà chỉ là một sự “xuyên tạc Tin Lành của Đấng Christ.” Bởi vì họ đã pha trộn ơn tha thứ tội lỗi bởi sinh mạng của Đấng Christ hiến trên thập tự giá, với việc được xưng công chính bởi những việc làm theo các điều luật của luật pháp Môise, và lờ đi hoặc loại trừ sự xưng công chính bởi đức tin vào huyết hi sinh của Đức Chúa Giêxu Christ.

Phaolô tin chắc rằng bất cứ ai giảng một ‘tin lành khác’ với Tin Lành được ban cho chúng ta chỉ bởi đức tin vào sự chết hi sinh của Đức Chúa Giêxu, thì người ấy “đáng bị nguyền rủa”(8), có nghĩa là bị đoán phạt; bởi vì đã lật ngược nền tảng giao ước của ân điển, bằng cách đặt công việc luật pháp thay chỗ cho sự công chính của Đấng Christ, làm hư hỏng Cơ-đốc-giáo bằng những nỗ lực đã thất bại của Do-thái-giáo, mê hoặc những người đã được ân điển của Đức Chúa Trời cứu ra khỏi quá khứ tăm tối và thất bại, lôi họ trở lại lối đi thất bại cũ. Vì thế, đáng bị đoán phạt (9).

Ở câu đầu, Phaolô nói tổng quát về chức vụ sứ đồ của ông không do loài người truyền lại mà trực tiếp từ Đức Chúa Giêxu Christ. Đến chỗ nầy, ông bắt đầu khai triển vấn đề bằng cách đưa ra câu hỏi: Nếu ông là sứ đồ do Chúa chỉ định trực tiếp, “bây giờ tôi phải làm vừa lòng loài người, hay vừa lòng Đức Chúa Trời?” (10). Làm vừa lòng loài người tức là cậy việc làm theo luật pháp như thứ công đức do nỗ lực bản thân để được người ta thán phục, khen ngợi. Còn làm vừa lòng Đức Chúa Trời là rao giảng Tin Lành theo như Ngài đã thực hiện. Vì thế nếu Phaolô “còn lo lấy lòng người đời” thì ông “không còn phải là đầy tớ của Đấng Christ” (10). Vì chức vụ sứ đồ của Phaolô không phải đến từ loài người, nên ông cũng cho biết rằng Tin Lành mà ông “truyền giảng không phải đến từ loài người” (11); bởi ông “chẳng nhận Tin Lành ấy từ người nào, cũng không học với ai, nhưng … nhận được bởi sự khải thị của Đức Chúa Giêxu Christ” (12).

Quá khứ cuồng nhiệt với Do-thái-giáo, bắt bớ đạo của Đấng Christ là bối cảnh tiểu sử của sứ đồ Phaolô (13–14) trước khi được Đức Chúa Trời kêu gọi. Ngài “lấy ân điển gọi” ông, bằng cách “khải thị Con Ngài trong tâm hồn” ông “để truyền giảng tin lành của Con Ngài cho người ngoại bang,” thì ông nói rằng “lập tức, tôi không bàn với thịt và máu” (15–16), tức là không thảo luận ý kiến với ai, cũng không suy gẫm, tính toán. Biến cố gặp Đức Chúa Giêxu trên đường đến Damas, bị mù mắt, được sáng mắt trở lại, và bắt đầu rao giảng Đức Chúa Giêxu là Đấng Christ, không về Giêrusalem gặp các sứ đồ, nhưng “qua Arabi, rồi trở lại Damas. Ba năm sau mới lên Giêrusalem để làm quen với Sêpha và ở lại với ông mười lăm ngày” (17–18) là chứng cớ việc ông được Chúa kêu gọi đặc biệt; cũng như ông đã được Chúa trực tiếp dạy bảo về Tin Lành.

Chứng cớ ấy càng rõ ràng thêm là trong thời gian ở lại Giêrusalem, Phaolô đã không gặp sứ đồ nào khác trong vòng 12 sứ đồ, ngoài Phierơ, và Giacơ là người em ruột cùng một mẹ về phần xác của Đức Chúa Giêxu. Khi Đức Chúa Giêxu còn thi hành thánh vụ của Ngài, thì Giacơ (19) đã không tin người anh cả của mình là Đấng Christ (Giăng 7:3–5). Sau khi Đức Chúa Giêxu đã về trời thì Giacơ lại trở thành cột trụ của Hội Thánh (Galati 3:9). Như vậy, các người em của Chúa không đi theo Ngài trong hơn 3 năm Ngài đi giảng Tin Mừng, chữa bệnh, và đuổi quỷ cho vô số người. Họ chỉ trở thành môn đồ của Chúa sau khi Ngài sống lại vinh quang và về trời.

Tôn trọng sự thật là đức tính mà mọi con cái Chúa phải có, nhất là khi nhân danh Chúa làm chứng về điều gì (20). Nhờ lòng vâng phục Chúa và hăng hái truyền rao tin mừng của Ngài, Phao –lô là người đã dẫn dắt vô số dân ngoại, không thuộc Do-thái-giáo, trở lại làm con cái Chúa (21). “Lúc ấy, các Hội Thánh của Đấng Christ tại xứ Giuđê chưa biết mặt” Phaolô (22). Thông thường điều làm cho người ta vui mừng là thấy kẻ thù cũ của họ nay đang hết sức cổ động ủng hộ cho các lý tưởng của họ. Truờng hợp của Phaolô cũng tương tự như thế (23). Nhưng khác với tâm lý chỉ vui mừng hoặc hài lòng của người đời, con cái Chúa trong các Hội Thánh ở khắp xứ Giuđê đã “tôn vinh Đức Chúa Trời” (24), vì chỉ có Ngài mới biến đổi lòng của một người, để người đó “giảng đạo mà ông ta đã cố sức tiêu diệt” trước kia (23).

Galatibai02.docx

Rev. Dr. CTB