Thư Hê-bơ-rơ, bài 25

Hê-bơ-rơ 12:12–29

Khi đã biết rõ sự sửa dạy của Đức Chúa Trời nhằm làm cho chúng ta tốt hơn và xứng đáng với ơn kêu gọi của Ngài; dù thời gian bị sửa dạy chỉ thấy đau buồn, không có gì vui thú cả, tác giả thúc giục: “Vậy, hãy làm cho tay yếu, gối mỏi của anh em nên mạnh mẽ. Hãy đắp đường thẳng cho chân anh em đi, để người què không bị trật khớp, mà được chữa lành” (12–13).

Trên đường chạy, sự ngã lòng làm cho tay yếu, gối mỏi. Không ai có thể tiếp tục chiến đấu trong tình trạng ý chí bị suy nhược từ tâm lý ngã lòng.

Vì thế, mọi con cái Chúa phải rũ bỏ tâm trạng chán nản, bạc nhược, lười biếng, uể oải; vùng dậy tiến vào trận chiến tâm linh, hăng hái thực hiện các bổn phận, dùng đức tin và lời cầu nguyện khiến chân tay trở nên mạnh mẽ.

Chẳng những vậy, chúng ta còn phải dẹp bỏ những chướng ngại vật trên đường, khiến lối đi bằng phẳng, “để người què không bị trật khớp,” tức là những người yếu đuối và bạc nhược trong vòng anh chị em tín hữu không vì vấp váp ngã quỵ mà bị loại khỏi cuộc chạy.

Họ cần phải được giải thoát khỏi những nỗi sợ hãi hay buồn phiền, trở nên vững vàng trong nếp sống Cơ đốc nhân, giống như người què được chữa lành để tiếp tục tham gia cuộc chạy.

Hãy cố gắng sống hoà hảo với mọi người” (14a), tức là tránh sự cố ý hay vô ý làm mất lòng người khác, cũng không nhạy bị mếch lòng bởi lời nói hay hành động của người nào đó. Cố gắng chịu đựng và tha thứ vì tình yêu thương nhau và không khí hoà thuận của tập thể.

Và theo đuổi sự nên thánh; nếu không nên thánh, chẳng ai được thấy Chúa” (14b). Nên thánh cũng được gọi là sự thánh hoá. Mục tiêu chúng ta hướng tới là gặp gỡ và tương giao với Đức Chúa Trời trong Nơi Chí Thánh của Ngài.

Mà Đức Chúa Trời là Đấng vô cùng thánh khiết; cho nên, việc thánh hoá của tín hữu là sự chuẩn bị cho con người bề trong của chúng ta thích nghi với sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, nhờ đó mới được phép vào gặp Ngài. Vì nếu không, sẽ chẳng được thấy Chúa.

Thận trọng” (15) là hết sức tỉnh táo, chú ý quan sát, cân nhắc mọi việc để không vì phạm tội mà “hụt mất ân điển của Đức Chúa Trời.

Ở các đoạn trước, tác giả đã nêu ra những lỗi dễ phạm tới như: “Hãy thận trọng, để trong anh em không một người nào vì lòng gian ác, vô tín mà lìa bỏ Đức Chúa Trời hằng sống” (3:12);

Trong khi lời hứa cho vào nơi an nghỉ của Ngài vẫn còn đó, chúng ta hãy lo sợ, kẻo có người nào trong anh em bị bỏ rơi chăng” (4:1).

Có nhiều điều chúng ta  cố gắng giữ thì không hụt mất ân điển Chúa: “Không trở nên lười biếng, nhưng bắt chước những người đã nhờ đức tin và lòng kiên trì mà được hưởng lời hứa” (6:12);

Anh em đừng để mất lòng tin tưởng, vì nhờ lòng tin tưởng đó, anh em sẽ nhận được phần thưởng lớn” (10:35).

Tuy nhiên, điều rất dễ xảy ra là để cho “rễ đắng đâm ra, gây rối cho anh em, và khiến nhiều người bị ô uế” (15). Tác giả dùng chuyện tích Ê-sau thù ghét em mình là Gia-cốp, làm ví dụ điển hình (16–17).

Người đã “hụt mất ân điển của Đức Chúa Trời” thì hoặc là tự mình để cho điều cay đắng châm rễ trong lòng, hoặc là hành động hay thủ đoạn khiến cho người khác đâm rễ đắng của sự bất hoà giữa con cái Chúa với nhau; mà dấu hiệu không thể giấu giếm được đó là thái độ thù nghịch anh em trong Chúa do thủ phạm cố ý làm lây lan. Căn nguyên của rễ đắng là tánh xác thịt nổi lên do sự ganh tị và ham mê danh vọng.

Điều cần phải thận trọng là đừng sa vào sự gian dâm cũng đừng buông mình theo tánh phàm tục, tức là chỉ chú trọng vào sự thoả mãn xác thịt.

Ê-sau…chỉ vì một miếng ăn mà bán quyền trưởng nam…, về sau, khi ông muốn thừa hưởng phước hạnh đó, lại bị gạt bỏ, vì ông không tìm được dịp ăn năn, dù đã đổ nước mắt gắng sức tìm cầu” (16–17).

Tánh phàm ăn của Ê-sau khiến ông khinh thường quyền trưởng nam, là phước hạnh đặc biệt được hưởng lời hứa của Chúa và lời chúc phước của cha mình. Có lẽ Ê-sau nghĩ rằng đó chỉ là chuyện viển vông.

Sở dĩ chúng ta cần phải thận trọng, vì những tội ấy cản trở sự thánh hoá của con cái Chúa. Nếu ngày nay không thận trọng, ngày sau sẽ là quá muộn.

Niềm hạnh phúc của chúng ta ngày nay là tiến trình thánh hoá không buộc chúng ta phải đến gần “một hòn núi có thể sờ được, đến gần lửa hừng bốc cháy, gần bóng tối, u ám, gió lốc, gần tiếng kèn vang dội, và tiếng nói mà ai nghe phải năn nỉ xin đừng nói với mình một lời nào nữa. Vì họ không chịu nổi khi nghe mệnh lệnh: ‘Dù thú rừng đụng đến núi nầy cũng phải bị ném đá.’ Cảnh tượng đó kinh khiếp đến nỗi Môi-se phải nói: ‘Tôi khiếp sợ, run rẩy.’” (18–21).

Tức là ngày nay chúng ta không cần phải làm như dân Israel ngày xưa là họ phải dọn mình, biệt riêng ra thánh để đến gần núi Si-na-i, là nơi Đức Chúa Trời giáng lâm (Xuất Ai-cập 19:10–21).

Nghĩa bóng của chỗ nầy là tiến trình thánh hoá ngày nay không thuộc luật lệ của giao ước cũ, mà đang ở dưới ân điển của giao ước mới.

Bởi vì khi chúng ta tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Giêxu, thì được “đến gần núi Si-ôn, đến thành của Đức Chúa Trời hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời, với muôn vàn thiên sứ” (22), tức là được hiệp thông với Hội-thánh của Đấng Christ với tất cả đặc quyền và ơn phước đã được ban cho Hội-thánh ấy.

Bởi vì Hội-thánh Phúc-âm của Chúa chính là núi Si-ôn, nơi chúng ta được biết và thấy rõ hơn về thiên đàng, quen thuộc với Giê-ru-sa-lem trên trời, được gần gũi với muôn vàn thiên sứ đang vây quanh ta.

Như vậy, việc được đến gần núi Si-ôn, đến gần thành Giê-ru-sa-lem ở trên trời, là việc đang diễn ra hiện nay trong đời sống tâm linh của chúng ta, không phải là việc sẽ xảy ra trong tương lai.

Đấy chính là lý do ngày nay chúng ta đang “đến với hội đoàn và Hội-thánh của các con đầu lòng được ghi tên trên trời, đến với Đức Chúa Trời là thẩm phán của mọi người, đến cùng tâm linh của những người công chính được nên trọn vẹn, đến với Đức Chúa Giêxu là Đấng Trung-bảo của giao ước mới, đến nơi có huyết rải xuống, là huyết nói hùng hồn hơn huyết của A-bên” (23–24).

Hội-đoàn’ nghĩa là một cuộc họp đông đảo, hoặc là một đại hội đồng của những người đồng đức tin vào Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giêxu Christ.

Mọi người tin Đức Chúa Giêxu thì đều đã được sinh lại, đều được hưởng quyền thừa kế gia sản trên trời; cho nên, họ là “Hội-thánh của các con đầu lòng được ghi tên trên trời.

Ngày xưa dân Israel chỉ được đứng xem xa xa ở chân núi; ngày nay chúng ta được phép tới gần vị Thẩm-phán tối cao, và được hiệp thông với ‘tâm linh của những người công chính được nên trọn vẹn.

Lúc ấy Chúa dùng Môi-se làm người trung bảo; ngày nay Đức Chúa Giêxu là Đấng Trung-bảo của chúng ta, Đấng đã rải huyết xuống làm nền tảng cho vai trò Trung-bảo của Ngài. Vì thế, huyết ấy “nói hùng hồn hơn huyết của A-bên.

Do đó, “anh em hãy thận trọng, đừng từ khước Đấng đang phán dạy, vì những người khước từ đấng phán dưới đất còn không thoát khỏi hình phạt, chúng ta làm sao thoát khỏi nếu quay lưng lại với Đấng phán từ trời” (25).

Ở núi Si-na-i, Đức Chúa Trời ngự xuống làm đất rúng động mãnh liệt (Xuất Ai-cập 19:18), bây giờ Ngài hứa một lần nữa, Ta sẽ làm rung chuyển không những đất, nhưng rung chuyển cả trời (26).

Chúa dùng hình ảnh đất ở núi Si-na-i bị rung chuyển kịch liệt để con dân Ngài hiểu sự rung chuyển sắp tới. “Những chữ ‘một lần nữa’ cho thấy những vật bị rung chuyển, những vật thọ tạo bị đổi thay, còn những gì không rung chuyển sẽ tồn tại” (27).

Một số học giả nghĩ rằng tác giả đã dùng lời chép trong sách tiên tri A-ghê 2:6–7 để chứng minh cho luận điểm của ông. Và vì thế, tất cả vật chất sẽ bị thiêu huỷ (2Phi-e-rơ 3:7, 10), chỉ Nước của Chúa mới tồn tại, vì Nước ấy không do vật chất tạo nên, mà do quyền phép của Đức Chúa Trời.

Tác giả kết luận bằng lời khuyên “Vậy, vì chúng ta có một Vương-quốc không rung chuyển, nên chúng ta hãy cậy ân điển phục vụ Đức Chúa Trời với lòng tôn trọng, kính sợ, đẹp lòng Ngài; vì Đức Chúa Trời chúng ta là một ngọn lửa thiêu hủy.” (28–29).

Mọi việc trong trần gian và trời đất đều sẽ bị rúng chuyển và qua đi. Nhưng Nước Trời trong lòng con dân Đức Chúa Trời là bền vững vĩnh viễn. Cho nên, phải cậy ân điển mà phục vụ Ngài với lòng tôn trọng, kính sợ, đẹp lòng Ngài, để được an toàn và bình an ở trong Nước ấy.

Những ai không thánh khiết thì không thể tồn tại trước sự hiện diện của Chúa, “vì Đức Chúa Trời chúng ta là một ngọn lửa thiêu hủy.

ThuHeboro25.docx

Rev. Dr. CTB