Phục Sinh 2019

Giăng 20:1-31

Người ta thường đặt nghi vấn về sự thật của những việc xảy ra đã lâu ngày. Họ đặt rất nhiều ý tưởng nghi ngờ về sự sống lại của Đức Chúa Jesus, là sự kiện đã xảy ra khoảng hai ngàn năm trước với rất nhiều bằng cớ và nhân chứng.

Tuy nhiên, chính những người nầy thì chẳng hoài nghi chút nào về các chuyện hoang đường cho rằng xảy ra khoảng bốn ngàn năm trước đây mà không có bằng chứng. Họ quả quyết đó là sự thật dù chỉ là huyền thoại.

Có lẽ cách suy nghĩ rất nghịch lý đó nằm trong tâm lý tự tôn xưa nay của một số dân tộc Á-đông; cho nên, các chuyện cổ tích của người vùng Á châu toàn là chuyện thần thoại mà người ta cho là sự thật, trong lúc đó thì hoài nghi các sự tường thuật có văn bản lời chứng của những người trong cuộc.

Cách thông thường để xác định xem một sự kiện lịch sử đã thật xảy ra hay không là dùng vài bằng chứng bao quanh sự kiện đó để xét. Nếu các bằng chứng ấy đưa ra những lời giải thích hợp lý và rõ ràng nhất, thì người ta phải công nhận sự kiện ấy đã thật xảy ra.

Xét về sự phục sinh của Đức Chúa Jesus, có ba việc đã xảy ra: Một vào buổi sáng phục sinh, hai là các biến cố liên quan tới sự hiện ra của Chúa trong ngày đó, và ba là ảnh hưởng của biến cố phục sinh trên lịch sử của một tôn giáo.

Chính các học giả đa nghi nhất cũng phải chấp nhận rằng: Có một nhóm đàn bà đến thăm mộ vào sáng ngày đầu tiên trong tuần đã gặp ngôi mộ trống không, chẳng còn lính gác; thứ nhì, các môn đồ của Đức Chúa Jesus đã tiếp xúc với người họ tin là Đấng Christ sống lại; thứ ba, bởi lời giảng dạy và làm chứng của nhóm môn đồ đó, Hội Thánh được thành lập, tăng trưởng và lan rộng mạnh mẽ trên khắp thế giới cho đến ngày nay.

Tại sao ngôi mộ trống, không còn xác chết, được xem là bằng chứng hùng hồn? Các môn đồ của Chúa nói về sự sống lại của Ngài ngay trong thành phố mà người ta chứng kiến Ngài bị đóng đinh, chết và chôn; chứ không đi rao truyền ở một nơi xa lạ cho những người chẳng biết gì về việc đã xảy ra cho Chúa. Cho nên, nếu người Do-thái nghe rồi tìm thấy xác Đức Chúa Jesus còn đó, thì lời chứng ấy sớm bị khám phá là giả dối.

Hơn nữa, các lãnh đạo Do-thái-giáo ở Jerusalem rất thù ghét Đức Chúa Jesus cũng xác nhận ngôi mộ trống, chẳng còn xác Ngài nữa. Họ nói xác Ngài bị các môn đồ ăn cắp (Mathiơ 28:11-15).

Sự kiện ngôi mộ trống cũng yểm trợ sự thật lịch sử đáng tin cậy của câu chuyện chôn xác Đức Chúa Jesus. Joseph Arimethea, một người của hội đồng giáo phẩm Do-thái-giáo, là người chôn Chúa. Nếu sự sống lại là giả dối thì chính ông nầy sẽ đứng ra tố cáo, cho biết sự thật chẳng có phục sinh gì hết. Vì một giáo phẩm sẽ không làm chứng dối.

Một sự kiện nữa là, lúc ấy, không ai thiết lập một cái miễu thờ ở huyệt chôn Đức Chúa Jesus, vì chẳng có bộ xương nào nằm trong đó. Khác hẳn với miễu thờ bà Mari, mẹ phần xác của Đức Chúa Jesus ở Êphêsô, Thổ nhĩ-kỳ; bởi vì bà được sứ đồ Giăng phụng dưỡng khi ông đến đó làm giám mục. Bà qua đời và được chôn tại Êphêsô.

Mãi đến năm 1950, giáo hoàng La mã Pius XII ra sắc lệnh tông đồ trở thành giáo lý là bà đã về trời cả hồn lẫn xác. Họ làm như vậy để hợp thức hoá việc họ thờ kính bà. Nhưng tại ngôi mộ của Đức Chúa Jesus thì chẳng môn đồ nào lập miễu thờ suốt các thế kỷ sau đó.

Các chuyện tích đời xưa thường bị nhuộm màu huyền thoại vì được ghi lại lâu ngày về sau. Nhưng chuyện tích phục sinh của Đức Chúa Jesus được ông Mác ghi lại rất sớm; có lẽ khoảng các năm 50 tới 55 AD, vì ông nghe lời kể của ông Phierơ; vì thế, chuyện phục sinh của Đức Chúa Jesus trong phúc âm Mác không có chút hơi hướm huyền thoại nào.

Tuy nhiên, chính lời của các phụ nữ kể lại rằng họ đến thăm và thấy ngôi mộ trống mới đáng để ý; bởi vì, ở thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, lời chứng của đàn bà Do-thái bị xem là chẳng có chút giá trị gì hết. Nếu chuyện Đức Chúa Jesus sống lại là một huyền thoại, thì những người Do-thái nào thiết lập huyền thoại ấy sẽ không kể lời chứng của mấy người đàn bà, mà họ sẽ thay thế lời của đàn ông vào đó.

Bởi có lời kể của những người đàn bà; cho nên, ngôi mộ trống là sự thật, vì sự tích Đức Chúa Jesus phục sinh không phải là một huyền thoại giống như các chuyện cổ tích thần thoại của hầu hết các dân tộc trên thế giới. Những chi tiết tưởng chừng không đáng kể thật ra lại dẫn đến các kết luận làm sáng tỏ vấn để một cách bất ngờ.

Vài sự kiện bất bình thường đã xảy ra vào ban chiều và buổi tối ngày Chúa phục sinh; vì các môn đồ kể lại họ đã thấy Chúa hiện ra và tiếp xúc với họ. Có ba tình trạng có thể xảy ra: 1 họ nói dối; 2 họ bị ảo giác; 3 họ đã thật gặp và tiếp xúc với Chúa phục sinh.

Về điểm nói dối thì rất khó cho chúng ta đi tới kết luận nầy. Vì nếu là nói dối thì mười môn đồ đó sau nầy sẵn sàng tử đạo để bảo vệ sự dối trá của họ hay sao? Người ta sẵn sàng chết để bảo vệ sự thật, chẳng mấy ai chịu hy sinh để bảo vệ điều họ biết là không có thật. Không phải vì tin điều gì đó có thật thì nó phải thật; bản chất của sự việc có thật là nó phải có thật chứ không dựa trên lòng tin của ai hết.

Thứ nhì, có phải họ bị ảo giác không? Ảo giác thì không thể miêu tả rõ ràng; hơn nữa, chẳng lẽ cả mười một người đều bị ảo giác! Ảo giác không thể làm cho ngôi mộ trống không được.

Vì chẳng phải các môn đồ nói dối hay ảo giác; vậy, khả năng thứ ba là họ đã thật sự tiếp xúc với Chúa phục sinh.

Thực tế về sự hiện hữu và lan rộng mạnh mẽ của Cơ-đốc-giáo là bằng cớ mạnh mẽ chứng tỏ sự phục sinh của Đức Chúa Jesus là có thật. Bất cứ tôn giáo nào hiệu hữu ngày nay cũng phải có khởi nguyên. Vậy, Cơ-đốc-giáo bắt đầu từ đâu?

Tất cả các môn đồ đầu tiên của Đức Chúa Jesus đều là tín đồ Do-thái-giáo. Nhưng Do-thái-giáo không tin có sự sống lại của người đã chết. Nếu vậy thì Cơ-đốc-giáo ngày nay không ra từ Do-thái-giáo, mặc dù sử dụng chung Kinh Thánh Cựu Ước và kính thờ một Đức Chúa Trời với họ.

Nền tảng của niềm tin và thần học cột trụ của Cơ-đốc-giáo đặt trên sự phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ. Cho nên, sự thành lập, tăng trưởng và phát triển của Cơ-đốc-giáo đều có nguồn gốc từ biến cố phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ. Không có biến cố phục sinh, Cơ-đốc-giáo đã không thể thành hình rồi tồn tại mạnh như bây giờ.

Biến cố phục sinh chứng minh những lời Đức Chúa Jesus tự xưng Ngài là Đức Chúa Trời là đúng và thật. Nếu Jesus vẫn là một bộ xương nằm trong mộ đá, thì chỉ người khùng điên mới tin Ngài là Đức Chúa Trời. Nhưng nếu ai biết Ngài đã thật sống lại từ cõi chết mà không chịu tin, thì người ấy hơi mất bình thường.

Sự kiện Chúa sống lại cũng chứng minh rằng Kinh Thánh là sách nói sự thật và có thẩm quyền. Người thời nay rất bối rối vì trên thế gian có nhiều tôn giáo quá. Ai đúng, ai sai?

Vì tất cả tôn giáo có lý thuyết mâu thuẫn xung khắc với nhau, nên chỉ có thể có một tôn giáo đúng; không thể nào mọi lý thuyết trái ngược nhau đều đúng được.

Cơ-đốc-giáo tin Đức Chúa Jesus vừa là Trời vừa là Người. Một số tôn giáo khác tin rằng Ngài chỉ là một vĩ nhân. Vậy hoặc Cơ-đốc-giáo đúng, hoặc các đạo kia đúng, cả hai không thể cùng đúng.

Thế thì ai có bằng chứng rõ ràng nhất cho sự thật? Qua sự kiện Chúa phục sinh, Cơ-đốc-giáo có nền tảng vững chắc nhất về chân lý; bởi vì, chỉ một mình Đức Chúa Jesus là người sống lại từ cõi chết. Mọi người khác đều chết luôn không sống lại được. Họ đã bị thất bại trong nỗ lực đi tìm chân lý; cho nên, không một vĩ nhân nào dám nói mình đã tìm được chân lý.

Cũng chẳng có giáo chủ nào biết chân lý là gì để chỉ dẫn cho các môn đồ của họ. Chỉ có Đức Chúa Jesus phục sinh đã phán “Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng qua Ta, không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).

Đức Chúa Jesus phục sinh là cách Đức Chúa Trời mở đường cho những ai trong loài người thuộc về Ngài sẽ được sống lại. Nhưng, sống lại như thế nào? Kinh Thánh chép:

Gieo xuống là thân thể vật chất, nhưng sống lại là thân thể thuộc linh. Nếu đã có thân thể vật chất thì cũng có thân thể thuộc linh. … 52 trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, vào lúc tiếng kèn cuối cùng. Vì kèn sẽ thổi, người chết sẽ sống lại, không còn hư nát nữa, và chúng ta sẽ được biến hoá” (1Côrinhtô 15:44, 52).

Chúa phục sinh đem đến sự sống vĩnh cửu cho mọi người tin Ngài. Sau khi qua đời, đến ngày cuối cùng tất cả chúng ta đều được sống lại và biến hoá trong thân thể mới bất tử và bất hoại. Vậy, hãy vui mừng về tương lai tươi sáng nhờ Chúa chúng ta đã phục sinh.

PhucSinh2019

Rev. Dr. CTB