Tín Đồ Của Chúa, bài 03

Mathiơ 5:10-12

Theo cách suy diễn của người đời, thì chỉ những kẻ cùng hung cực ác mới thích bắt bớ người ăn hiền ở lành; còn người bình thường không ai muốn làm hại những người như thế. Tuy vậy, sự nhục mạ, vu cáo đủ mọi điều xấu và bắt bớ người làm điều ngay thẳng vẫn thường xảy ra, nhất là trong thời hiện tại.

Sẽ có câu hỏi đặt ra là tại sao người lành lại bị bắt bớ vì làm điều công chính? Đức Chúa Jesus lại nhắc rằng các nhà tiên tri thời Cựu ước cũng từng bị người ta bắt bớ như vậy. Thế thì vì lý do nào các tính tình tốt đẹp lại là nguyên nhân bị bắt bớ?

Đức Chúa Jesus cho biết: “Vì ai làm ác thì ghét ánh sáng và không đến với ánh sáng, e rằng công việc của mình phải bị phơi bày” và, “thế gian không thể ghét các em nhưng ghét Ta, vì Ta đã chứng minh cho thế gian biết rằng công việc của họ là xấu xa;” “Nếu thế gian ghét các con thì hãy biết rằng thế gian đã ghét Ta trước các con. Nếu các con thuộc về thế gian, thì thế gian hẳn yêu thương những người thuộc về mình. Nhưng vì các con không thuộc về thế gian, và Ta đã lựa chọn các con từ giữa thế gian, nên thế gian ghét các con” (Giăng 3:20; 7:7; 15:18-19).

Tính kiêu căng của lòng người sẽ tị hiềm các tâm linh nghèo khó, vì tâm linh ấy trái ngược với tinh thần kiêu căng trong lòng người.

Những người than khóc trước cảnh bất công sẽ bị những kẻ có lòng lãnh đạm, cẩu thả, cười cợt tự mãn xem như những cái gai trước mắt;

Tâm tánh nhu mì thì trái ngược với người thích khoe khoang thành tích; người đói khát sự công chính, tức là khát khao các ơn phước tâm linh thì trái ngược với những tấm lòng ham muốn xác thịt, sự mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời;

Người hay thương xót thì đối nghịch với tính cứng cỏi tàn độc; những tấm lòng trong sạch thì trái ngược với thế giới giả hình; và những người hoà giải bị những kẻ thích tranh chấp, cãi cọ ghét bỏ.

Những đức tính công chính như thế sẽ bị nhục mạ, vu khống, bắt bớ; nhưng Đức Chúa Jesus phán rằng họ có phước vì phần thưởng của họ là nước thiên đàng.

Trong phần thứ nhất của phước lành thứ tám nầy, Đức Chúa Jesus nói về những người bị bắt bớ, vu khống, nhục mạ vì sự công chính. Ở phần nầy, Đức Chúa Jesus không nói về những người bị bắt bớ vì đạo, nhưng nói bị bắt bớ vì sự công chính.

Vậy thì những người nghèo khó tâm linh và những người bị bắt bớ vì sự công chính đều được phần thưởng giống nhau là Vương quốc của Đức Chúa Trời. Sự công chính ở trong người nào thì toả ra ánh sáng qua đời sống của người ấy, mà những người không có sự công chính thì uý kỵ đặc biệt.

Những người bắt bớ, vu khống hoặc nhục mạ người công chính là những người ghét ánh sáng vì sợ bản tính ác của họ bị bại lộ.

Người bình thường rất dễ biết sự thật của một việc nào đó khi quan sát thái độ và hành động của hai phía đối nghịch nhau. Nếu có một vấn đề mà một phía đòi phải công khai, còn phía kia thì muốn giấu kín, thì vấn đề đó là xấu hoặc ác có liên quan mật thiết với phía muốn giấu giếm.

Không những người có tâm địa xấu và ác tìm cách bắt bớ người theo đuổi sự công chính mà còn vu khống và nhục mạ họ nữa. Tâm lý của người đời vẫn thường lầm tưởng rằng cứ vu khống và nhục mạ người khác thì giấu được tâm địa xấu của mình không ai biết được. Nhưng người đó quên mất rằng trong số nhiều người ngu vẫn còn có lắm kẻ khôn ngoan không dễ bị lừa gạt.

Tâm địa xấu bộc lộ qua lời nói, qua các thủ đoạn gian dối; và ánh sáng của Chúa sẽ phơi bày tất cả sự lừa bịp của kẻ ác.

Đức Chúa Jesus cũng giải thích rằng những người theo đuổi sự công chính phô bày bản thể thánh khiết và trong sạch của Đức Chúa Jesus qua cuộc sống; vì vậy, kẻ ác thù ghét những người phản chiếu ánh sáng của Đức Chúa Jesus, vì các thế lực ác trong linh giới đang làm chủ và điều khiển những kẻ ác sẽ hành động và xúi giục họ thù ghét người có lòng công chính.

Từ xưa tới nay, rất nhiều nơi trên thế giới bắt bớ và bách hại những người theo đạo của Chúa, nhưng không có nghĩa là tất cả những người bị bắt bớ vì đạo đều là bị bắt bớ vì sự công chính; sở dĩ phải nêu lên sự khác nhau về điểm nầy để làm sáng tỏ lời Đức Chúa Jesus nói về sự bị bắt bớ vì sự công chính và bị bắt bớ vì Ngài.

Không phải chỉ có Cơ-đốc-giáo mới bị bắt bớ; tín đồ nhiều tôn giáo khác cũng bị bắt bớ hay tử đạo vì các nguyên nhân khác nhau.

Có người chẳng muốn bị bắt bớ hay tử đạo nhưng bị hoạ chung với những người khác trong nhiều cảnh ngộ khác nhau; có người trung thành với tôn giáo của tổ tiên, người khác sẵn sàng chết vì dân tộc, hay bênh vực đạo hữu, hoặc vì địa phương, vv. Không phải những người ấy bị bách hại vì sự công chính.

Không ai phán xét tính tình hay đời sống tâm linh của người tử đạo. Nhưng người theo đuổi sự công chính là những người yêu mến sự thánh thiện, nhu mì, hay thương xót, và có lòng trong sạch.

Cũng có những cơ-đốc-nhân tính tình chưa được hoàn hảo, đời sống đạo còn nhiều thiếu sót hay trở ngại, nhưng vẫn bị bắt bớ, nhục mạ hay vu khống vì mang danh nghĩa đạo của Chúa. Đấy là những người mà Đức Chúa Jesus nói: “Phước cho các con khi vì Ta mà các con bị mọi người nhục mạ, bắt bớ, vu cáo đủ mọi điều xấu” (11).

Chữ ‘mọi người’ mà Chúa nói ở đây mặc dù là ám chỉ người chưa tin Chúa, vì họ ghét Ngài, nhưng cũng có nghĩa đó là những người có đạo mà tâm linh thì rất cách xa thiên đàng.

Những người đó ghét những ai chân thành sống đạo hay bày tỏ ra đức công chính của Đức Chúa Jesus. Là những kẻ chỉ có danh hiệu tín đồ, mà thực chất không có gì để chứng minh họ là con cái thật của Chúa.

Những trường hợp như vậy vẫn xảy ra khi một tín hữu đang tập tành đi theo Chúa, dù chưa được hoàn hảo, vẫn bị các giáo đồ khác gièm xiểm.

Trong lịch sử cận đại, đã có nhiều sự giết chóc, bắt bớ, hãm hại, đánh đập, hay giam cầm do những người tự xưng là môn đồ của Đức Chúa Jesus, đối với những tín đồ thật của Chúa. Chứng tỏ rằng người đi bắt bớ không phải là con cái thật của Chúa mà chỉ là tín đồ cuồng tín của tà giáo trá hình Cơ-đốc-giáo mà thôi.

Bởi vì trong thời hiện tại, Tin Mừng thuần tuý về ân sủng của Đức Chúa Trời vẫn còn là điều uý kỵ đối với nhiều tà phái, giáo phái và bọn người chủ trương Cơ đốc giáo phóng túng.

Khi có những người mang danh theo đạo nhưng chẳng tin chút nào về thần tính của Đức Chúa Jesus, lột bỏ uy quyền tối hậu của Kinh-thánh, hoặc không tin vào sự chết hi sinh của Đức Chúa Jesus thay thế tội cho nhân loại, thì những ai phản chiếu tính cách thánh thiện của Đức Chúa Trời sẽ bị những người đó chống đối và thù ghét đặc biệt.

Kẻ ác rất thù ghét hình ảnh thánh khiết của Đức Chúa Trời và những ai mang ánh sáng thánh thiện ấy trong họ.

Nguyên tắc nầy cũng áp dụng trong trường hợp những anh chị em đã được Đức Thánh Linh biến đổi và ban ân tứ đặc biệt, lại bị những người tự xưng là chánh giáo thù ghét và vu khống đủ điều.

Đức Chúa Jesus phán rằng: “Hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng của các con ở trên trời là rất lớn; bởi vì các nhà tiên tri trước các con cũng từng bị người ta bắt bớ như vậy” (12).

Phần thưởng cho ai vì Chúa, vì sự công chính mà bị bắt bớ, nhục mạ vu khống đủ điều xấu xa, là Vương quốc thiên đàng bao la, một sự bảo đảm vĩ đại, vì sẽ được thưởng như các tiên tri ngày xưa.

Tuy thế, khi chúng ta xem xét phước lành thứ tám nầy, thì phải tự xét xem mình có bao giờ bị bắt bớ, nhục mạ, vu khống vì Chúa chưa? Nếu chưa bao giờ bị chống đối, ngấm ngầm thù nghịch hay nói xấu đủ điều vì là người Tin Lành, thì tự xét xem mình có tính cách nào của Ngài không?

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phải tìm kiếm sự chống đối, nhục mạ hay bắt bớ để tỏ ra mình có mang tính cách của Đức Chúa Jesus.

Nhưng cũng không phải là bằng mọi giá tránh đừng bị người đời thù ghét. Dự tính đó vô cùng tai hại, vì nó làm cho con dân Chúa không dám bày tỏ đức tin, hay tránh nói sự thật.

Dù giữa tín hữu có người nào đó rất sợ bị bắt bớ hoặc bị tẩy chay vì Danh Chúa, Hội-thánh cũng không vì sợ mất người mà ít nói về sự đòi hỏi của Phúc Âm cứu rỗi là tâm linh của người ta phải được sanh lại thì mới được thấy Vương quốc của Đức Chúa Trời.

Hơn thế nữa, Hội thánh cũng sẽ không ngừng giảng dạy và kêu gọi đời sống phải được thánh hoá đối với mọi tín hữu. Vì không nên thánh thì không thể thấy Đức Chúa Trời.

Nếu có ai vì Chúa hay vì sự công chính mà bị bắt bớ, hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng là lớn vô cùng.

TinDoCuaChua03.docx
Rev. Dr. CTB