temptation_2

Các Vấn Đề Căn Bản, bài 28

2Cô-rinh-tô 7:1

Những thói hư tật xấu từ tính gian ác, mà người ta biểu hiện trong cách cư xử hàng ngày, thì có nhiều việc người ta làm một cách có ý thức. Ví dụ như thực hành những điều mà họ biết là tội lỗi mà vẫn cứ làm.

Tính gian ác có ý thức là cái gốc của mọi thứ tội lỗi mà mình đã phạm, và nó vẫn thường xuyên thúc giục người ta phạm tội.

Có nhiều tín hữu rất muốn sống đẹp lòng Đức Chúa Trời, nhưng trong một số trường hợp, người ấy biết rõ các sự cản trở không cho mình sống đời thanh sạch, mà không có cách nào chống trả nổi sức thúc giục của chúng.

Có thể người đó đã cố gắng trấn áp, đè nén sự cám dỗ để không bị phạm tội, dù biết rằng một lúc nào đó trong tương lai nó sẽ phát tác; rồi lại bị rơi trở vào chỗ mình muốn thoát ra.

Trong khi ấy thì rất nhiều tín hữu khác bị tính gian ác thúc đẩy qua sự cư xử một cách không ý thức; nghĩa là họ không biết các hành vi đó là xấu, cũng chưa biết vì lý do nào mình có tính khí ấy.

Người ta bị thừa hưởng các sự gian ác từ nhiều thế hệ tổ tiên truyền lại, cho nên những điều gian ác tiềm ẩn trong ta rất khó nhận diện.

Loại gian ác tiềm ẩn nầy giống như một khối thuốc nổ nằm chờ cơ hội; khi gặp dịp, bất thình lình nó làm cho tín hữu bị sa ngã, hay lâm vào một tai họa nào đó.

Hội-thánh đã chứng kiến nhiều chuyện rất buồn, khi những người bề ngoài thật lòng yêu mến Chúa, bỗng bị phanh phui là phạm vào những tội quá nặng.

Tính gian ác vô ý thức có thể là nguyên nhân của nhiều vấn nạn, tật bệnh hoặc tai họa trong đời sống của vô số tín hữu. Chúng ta thường quy trách nhiệm cho ma quỷ là tác giả, mà không biết thủ phạm là tính gian ác của mình.

Để biết cách chống trả và trừ khử các điều gian ác mà chúng ta bị kế thừa từ dòng tộc truyền lại, chúng ta phải dò cho ra loại gian ác đó là gì.

Ví dụ như có người bị tính dâm dục cám dỗ, câu nhử; người khác thì rất hay cãi cọ tranh cạnh; người khác nữa thì không cưỡng nổi tính tham tiền và tích trữ đồ đạc của cải; đa số người khác nữa thì hễ có dịp là khoe khoang công trạng hoặc cái tôi của họ, hoặc tìm mọi cách để được trình diễn trước công chúng, vì bị tính mê danh vọng thúc giục;

Cũng có loại người hễ mở miệng là nói dối, gian xảo, lừa gạt, quỷ quyệt, phản trắc, bội bạc, hứa hão, tham ăn, ác độc, vô đạo đức, và vô số tính xấu đáng ghét tương tự như thế. Chỉ khi nào chúng ta biết mình bị di truyền loại gian ác nào, thì mới có thể loại trừ chúng được.

Cách để dò tìm là: Tra xét các thứ tội lỗi và những sự dính líu vào các hoạt động của thế giới tối tăm, mà các đời ông bà tổ tiên của mình có liên quan tới. Đa số người Á-đông chúng ta có nhiều đời tổ tiên vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời; nhưng vì gia phả thất thoát, việc truy tìm nguồn gốc bị giới hạn vài đời mà thôi.

Những chiêm bao mà chúng ta thường thấy trong giấc ngủ là một manh mối hữu ích để biết mình đã bị tổ tiên truyền lại thứ điều gian ác chính yếu nào; vì thế, hãy lưu ý ghi chép lại những giấc mơ thỉnh thoảng xuất hiện, trong đó mình có dính líu vào điều ác hay tội lỗi nào đó, dù trong hiện tại mình chưa khi nào phạm cả.

Vì sự gian ác từ tổ tiên truyền lại vẫn ẩn trong tiềm thức, rồi nó bất chợt biểu hiện trong chiêm bao. Chúng ta sẽ nghiên cứu vấn đề nầy khi tới phần trừ diệt nguồn gốc gian ác mình bị thừa hưởng từ tổ tiên.

Bây giờ, hãy cùng nhau tìm biết tính gian ác ẩn náu chỗ nào bên trong con người. Điều phải biết trước hết là tính gian ác thuộc về nhân linh. Vậy, ‘nhân linh’ là gì?

Con người có ba thành phần: Thân, hồn và linh. Thân thể người là một bộ máy vô cùng phức tạp, tinh tế và tuyệt diệu, mà mỗi bộ phận đều là các công trình sáng tạo hết sức phức tạp và tuyệt vời của Đấng Tạo Hóa.

Hiện nay, dù thân thể là vật chất rất hiển nhiên, khoa học và y khoa vẫn chưa tìm ra hết những bí ẩn của thể xác con người. Đối với chúng ta, con người phải được quan sát, hiểu như một thể thống nhất cả thân, hồn và linh. Khoa học hoàn toàn mù tịt về mặt nầy.

Nếu chúng ta biết thân thể một người khoẻ mạnh gồm có vô số bộ phận phối hợp với nhau hoạt động một cách trơn tru, nhịp nhàng; thì cũng vậy, chúng ta cũng phải biết và hiểu các hoạt động vô hình hết sức phức tạp của các phần hồn và linh, để có thể nhận ra các hoạt động của kẻ thù thuộc thế giới tối tăm và những tác động của Đức Thánh Linh nhằm biến đổi hai thành phần căn bản của con người.

Có một số con cái Chúa đã được biết một cách qua loa sơ sài rằng phần hồn gồm có ý chí, lý trí và cảm xúc; phần linh gồm có khôn ngoan (trí khôn), lương tâm và hiệp thông.

Phần đông tín hữu đã được dạy rằng, khi tâm linh đã được tái sinh, Đức Thánh Linh đã ngự vào đó, thì các quyền lực tối tăm không có lối vào; và, những sự trục trặc của đời sống đạo thì đều do những sự yếu đuối và ô nhiễm của hồn và xác.

Nếu chúng ta chỉ biết ba thành phần của linh mà không biết thêm hiệp thông gồm có những gì, lương tâm là ra sao và sự khôn ngoan hoạt động như thế nào, thì cũng giống như biết thân thể người ta gồm có ba phần, đầu, mình và tay chân, mà không biết rõ mỗi phần gồm những gì, thì sự biết ấy chẳng ích lợi chi hết. Vì thế cho nên, để truy ra nơi trú ẩn của tính gian ác, chúng ta sẽ tìm hiểu hơi sâu những điều liên quan tới nhân linh.

Sứ đồ Phaolô khuyên: “Thưa anh em, vì có những lời hứa nầy, chúng ta hãy thanh tẩy chính mình khỏi mọi vết nhơ của thể xác và tâm linh, cũng hãy làm cho sự thánh hóa được trọn vẹn trong niềm kính sợ Đức Chúa Trời” (2Côrinhtô 7:1); “Cầu xin chính Đức Chúa Trời bình an thánh hóa anh em một cách toàn diện. Tôi cầu xin tâm linh, linh hồn và thân thể anh em được giữ vẹn toàn” (1Têsalônica 5:23).

Hai lời khuyên trên chứng minh rằng tâm linh tín hữu vẫn có thể bị nhiễm bẩn nên cần phải được tẩy sạch. Hơn thế nữa, Đức Chúa Trời còn đòi hỏi cả ba phần thân, hồn và linh của chúng ta phải được thánh hóa hoàn toàn. Vậy, chúng ta phải biết sơ qua về các phần của tâm linh là những gì, và chúng hoạt động ra sao trong các bài học sau nầy.

Nhưng trước khi tìm hiểu sâu về từng phần của tâm linh con người, chúng ta cần hiểu chút ít về mối liên quan giữa thân, hồn với linh của người chưa tin Chúa và người đã tin đạo nhưng vẫn bị tội lỗi cai trị hoặc kềm chế.

Linh của người sống trong tội lỗi bị thân và hồn giam hãm, không tiếp xúc được ánh sáng sự sống. Vì thế, Kinh-thánh gọi những người ấy là các linh bị chết (Êphêsô 2:1). Chết ở đây có nghĩa là bị tách rời khỏi sự sống vinh quang của Đức Chúa Trời, không được tiếp xúc với sự sống của Chúa.

Sự cứng lòng trong tình cảm và lý trí do truyền thống, thành kiến từ tổ tiên truyền lại, hoặc đã bị tiêm nhiễm từ xã hội, cộng với quyền lực của ma quỷ làm cho mù lòng, nên phần hồn của lớp người nầy bao quanh nhốt chính tâm linh của họ lại.

Cái hồn đó điều khiển thân làm theo ý muốn và cảm xúc. Những tâm linh ấy bị thế giới tối tăm cai trị hoàn toàn; cho nên, sự gian ác truyền từ tổ tiên được ở yên trong ngục tù đó để khuôn đúc tính tình của họ.

Nhiều con cái Chúa là những người chưa biết hoặc chưa bao giờ chịu khó đi sâu nghiên cứu về các phần vô hình của người ta, thì chỉ biết một cách sơ sài rồi đưa ra quan điểm của họ.

Ví dụ như khi người ta từ bên ngoài nhìn vào toàn cảnh của Đền Tạm do người Israel thiết lập theo các sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời cho Môi-se, khi ông lên núi Sinaii để hầu chuyện với Ngài, họ chỉ thấy sân ngoài, gọi là hành lang, và một cái lều.

Nhưng các thầy tế lễ, là những người được phép vào trong lều, thì biết trong lều được ngăn ra làm đôi, và mỗi phần lại có nhiều món mà ở ngoài không thể thấy được.

Cũng vậy, khi người ta quan sát con người, họ thấy hoạt động của thân thể bên ngoài, tượng trưng cho hành lang; và trí não ở bên trong điều khiển thân thể, tượng trưng cho cái lều, thì cho rằng người ta chỉ có hai phần là thể xác và linh hồn.

Khi nào họ được mở mắt để biết bề trong của con người không phải chỉ có linh hồn, mà chia ra thành hai phần là hồn và linh.

Người nào đã biết tới đó rồi tiếp tục nghiên cứu sẽ thấy mỗi một phần của hai phần ấy lại có nhiều thành phần khác phức tạp hơn nữa và được vận dụng trong các nhiệm vụ khác nhau.

Mà tâm linh nào chưa được giải thoát khỏi ngục tù của cái hồn đầy dẫy tâm tính xác thịt, thì tính gian ác vẫn còn có chỗ an toàn để cố thủ, đắp luỹ kiên cố và tiếp tục hoành hành, tác quái, làm hại chính người đó và những người sống quanh họ nữa.

VanDeCanBan28.docx
Rev. Dr. CTB