Houston, Jan. 24, 2010

Mục Đích của Đời Sống

Mathiơ 19:16–30

Khi chúng ta quyết định chọn lựa mỗi Chúa Nhật đến thờ phượng Chúa thì chúng ta đã lập một quyết định đúng và xuất sắc so với những người quyết định đi chơi, mua sắm, giải trí, hay nghỉ ngơi.  Tuy nhiên, nếu cuộc sống tâm linh của chúng ta chỉ có chừng đó thì chưa đủ.  Nếu cả đời chúng ta, mỗi tuần theo bổn phận cứ lặp đi lặp lại nếp sinh hoạt chẳng có gì hấp dẫn vì không muốn bị xuống hỏa ngục thì vô vị quá.  Có hai câu hỏi mà chúng ta cần phải trả lời và xác định thái độ của mình:  Chúng ta, các Cơ-đốc-nhân, là ai? và, Tại sao chúng ta có mặt ở trần gian nầy?

Giới ủng hộ thuyết tiến hóa nói rằng chúng ta là kết quả tình cờ của hàng tỉ tỉ năm tiến hóa của một acid amin tình cờ xuất hiện từ chỗ không ai biết.  Giới nghiên cứu cá voi thì cho rằng con hà mã chán cảnh sống trên cạn nên ở luôn dưới nước tình cờ tiến hóa thành loài cá voi.  Vị khác lại nói rằng có loài cá muốn lên cạn tình cờ tiến hóa thành loài người.  Tất cả đều phải cần hàng tỉ tỉ năm mới thành.  Nếu phải mất hàng tỉ tỉ năm để thành hình rồi chỉ sống vài chục năm vội vàng bon chen giành giật, sau đó trở về hư vô, thì đời sống loài người chẳng có nghĩa gì cả.

Kinh Thánh cho biết rằng Đấng tạo dựng vũ trụ bao la nầy đã cúi xuống gom một ít bụi đất lại, nắn nên một hình người và Ngài hà sinh khí tức là thần linh của Ngài vào cái tượng bằng đất đó khiến nó trở thành một loài sanh linh, gọi là người.  Vì vậy chúng ta có sự khôn ngoan, có trí hiểu biết, suy luận, và đủ thứ tài năng.  Chúng ta không phải chỉ là một sinh vật.  Chúng ta là tạo vật có thần linh của Đấng Tạo Hóa.  Chúng ta là tạo vật thượng đẳng cao cấp nhất trên hành tinh nầy.  Chúng ta được tạo dựng nhằm hoàn thành các mục đích của Đấng đã tạo dựng chúng ta.

Thế nhưng, sau khi satan tìm cách phá hỏng mục đích tốt lành của Đức Chúa Trời ở trái đất xinh đẹp đây, loài người đã bị chết về phần tâm linh, không còn tương giao liên lạc với Chúa của trời đất nữa.  Đức Chúa Trời đã tái lập mối tương giao đó bằng cách xuống trần chết thay cho chúng ta, để tâm linh chúng ta lại được nhận lãnh sự sống thần linh của Chúa, gọi là sự tái sanh.  Tái sanh là được phục hồi địa vị cũ để thực hiện chương trình và mục đích của Chúa. Biến cố và tiến trình tái sanh là điều kiện phải có trong tâm linh nào muốn được Chúa sử dụng.  Người ta có thể có rất nhiều tài năng, hoặc đủ thứ đạo hạnh, nhưng vẫn không thể làm những công tác thuộc thiên đàng.  Vì “hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh (mới) là thần.  Chớ lấy làm lạ về điều Ta bảo ngươi: Các ngươi phải sanh lại” (Gi.3:6)

Tái sanh có nghĩa là tâm tánh xác thịt phải chết đi để thần linh thuộc cõi thiên đàng đã được sinh ra có thể thay chỗ và tăng trưởng.  Nguyên nhân khiến cho nhiều người dù theo đạo lâu năm vẫn còn ấu trĩ trong sự hiểu biết những điều thiêng liêng là vì tâm tánh con người cũ của họ vẫn được chiều chuộng và nuôi mập, không có chỗ cho con người mới.  Đây không phải là những người phạm tội trọng, mà là các con cái Chúa vẫn thường xuyên đi nhà thờ, đọc Kinh-thánh, cầu nguyện, và trung tín về mọi công việc của Hội-thánh, nhưng vẫn chưa kinh nghiệm cuộc sống đắc thắng vinh quang mà rất nhiều con cái Chúa khác đuợc hưởng.  Ơn phước mà họ biết đến chỉ thuộc về cõi vật chất, chứ chưa kinh nghiệm về việc “Đức Chúa Trời đã đổ xuống trên chúng ta đủ mọi thứ phuớc thiêng liêng ở các nơi trên trời trong Đấng Christ.” (Êph.1:3).

Chúng ta phải hiểu rằng muốn được hưởng sự sống vinh quang của Đức Chúa Giêxu thì phải bằng lòng trải qua sự chết nhục nhã với Ngài trước đã (Rôma 6:3–8).  Nếu hiểu mình đang mang sự sống của Đức Chúa Trời trong tâm linh chúng ta và không muốn bị phân rẽ với Ngài một lần nữa, thì động lực thúc đẩy cách sống hàng ngày của chúng ta phải thay đổi khác.  Không thể làm thánh ở nhà thờ vào Chúa Nhật và làm kẻ phạm tội trong suốt sáu ngày còn lại.  Chúa đã đặt con cái Ngài ở thế giới nầy để rao truyền cho mọi người biết ý muốn tốt lành và tình yêu vô bờ bến trong phúc âm của Đức Chúa Trời.

Tại sao chúng ta được gọi là Hội-Thánh? Hội-Thánh nghĩa là gì? →  Hội-Thánh có nghĩa là được kêu gọi biệt riêng ra, không còn thuộc về trần gian.  Không có nghĩa là chúng ta phải hoàn toàn tách rời khỏi người thế gian.  Chúng ta vẫn sống hòa hợp với mọi người nhưng không đồng với họ về những cái xấu hoặc sai trật.  Hòa mà không đồng có nghĩa là như vậy.  Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta ra khỏi chốn tối tăm để làm một dân thuộc riêng về Ngài, một địa vị vinh hạnh, để làm cái gương phản ảnh tính cách tốt đẹp và thanh sạch của thiên đàng.  Chúng ta phải khác hẳn những người còn bị trói buộc trong thế giới tối tăm.  Ai hiểu mục đích sống của mình và đi theo mục đích đó thì cuộc sống sẽ trơn tru và hạnh phúc.  Còn nếu vi phạm các nguyên tắc thiên đàng thì cứ gặp trục trặc suốt đời.

Bí quyết của cuộc sống theo các nguyên tắc thiên đàng là sống để tôn thờ Đấng đáng được tôn kính và thờ phượng.  Kinh-Thánh đã cho chúng ta thấy một thoáng về cảnh tượng thiên cung:  Mọi loài trên thiên đàng đều thờ phượng.  Mọi hoạt động cũng đều là thờ phượng (Khải Huyền 4:2–5:14).  Hãy thử nghĩ xem, sự thờ phượng ở thiên cung phải rất hấp dẫn cho nên sự phụng thờ đó cứ kéo dài trong cõi đời đời, không ai cảm thấy chán.  Mục tiêu mà mọi loài hướng đến để tôn thờ là Đức Chúa Trời, Cha yêu quý của chúng ta.  Sự tốt đẹp và toàn hảo, đáng tôn thờ của Ngài đã lôi cuốn cả cõi vũ trụ thiên đàng đồng hòa nhau thờ lạy mãi mãi. Cái gì đã khiến họ có thể giữ mãi sự thờ phượng mãnh liệt và hăng say?  Họ đã tôn thờ đúng mục tiêu và có động lực đúng thúc đẩy trong họ.  Muốn có cuộc sống hạnh phúc và đầy ý nghĩa?  Chúng ta phải tôn thờ đúng chỗ và còn phải có động lực tôn thờ đúng nữa.

Đừng thắc mắc tại sao phải tôn thờ Chúa.  Loài người nếu không thờ điều nầy cũng sẽ thờ cái khác.  Không một ai là không tôn thờ một cái gì đó.  Người kiêu căng thì tôn thờ chính họ.  Đại đa số thì chạy theo sự sở hữu vật chất và những khoái cảm nhục dục, hoặc danh vọng, hoặc quyền thế.  Không ai thoát khỏi định luật trong linh hồn của con người thiên nhiên.  Nguyên nhân làm cho nhiều người gặp thất bại trong cuộc sống đạo bởi vì họ sinh hoạt theo sự sai khiến của phần hồn, nghĩa là thuộc về tâm trí.  Loài thú hoạt động theo bản năng của thể xác (thân).  Người chưa được mở mắt biết cõi linh thì bị những khát vọng của hồn điều khiển.  Người thuộc về Chúa hoạt động theo sự chỉ huy của tâm linh (tâm thần).  Làm sao để biết phần nào đang điều khiển mình?  Hãy tự xét xem mình đang quý trọng hoặc ôm ấp điều chi mà mình nghĩ rằng đó là hạnh phúc hoặc mục tiêu mà mình muốn đạt tới.  Chúng ta phải làm gương mẫu trong sự tôn thờ một mục tiêu cao cả.

Vì thờ phượng Chúa là yếu tố sống còn của chúng ta, cho nên Đức Chúa Giêxu đã tóm tắt luật pháp của Chúa rằng “Hãy hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.” (Mác 12:30)  Giáo huấn nầy giúp chúng ta thấy mình phải chọn ưu tiên nào trong đời sống.  Nếu chúng ta chọn theo đuổi tôn thờ những cái tạm thời trước mắt rồi sẽ qua mất, thì chúng ta cũng sẽ hư vong theo sự ngắn ngủi của chúng.  Còn nếu ta chọn những gì thuộc cõi đời đời thì sẽ tồn tại với cõi đời đời.  Vì thế chúng ta phải chọn đúng đối tượng để tôn thờ và theo đuổi đúng ý nghĩa thật của đời sống.  Đây chỉ là bài giới thiệu những nguyên tắc căn bản để được hưởng các nguồn phước thiên đàng.  Chúng ta sẽ cùng nhau học Lời của Đức Chúa Trời để biết tại sao Ngài đáng được nhận sự tôn vinh và thờ phượng của chúng ta.  Thì giờ mà chúng ta dành ra cho các sinh hoạt tôn giáo phải là vui thích và quý báu.  Bời vì có động lực đúng và mục đích đúng về sự thờ phượng là rất quan trọng.  Những gì chúng ta đang làm hôm nay ảnh hưởng đến số phận vĩnh cửu của chúng ta.  A-men.

H_Mụcđíchcủađờisống.doc

Rev. Dr. CTB