Lời Cầu Nguyện Chân Tình
Êphêsô 3:14–21
Phân đoạn còn lại là lời cầu nguyện tha thiết và đầy yêu thương của Phaolô cho tín hữu rất yêu quý tại Êphêsô. Câu “Vì lý do đó” có thể hoặc là ông nói tới lý do ở câu 13 “xin anh em đừng nản lòng, vv,”hoặc là sau khi nói qua về ân điển Chúa ban cho ông được biết huyền nhiệm Ngài đã giấu kín, ông trở lại với lý do đã nói ở câu 1 là đặc quyền vĩ đại của phúc âm không phải chỉ dành cho người Dothái, mà còn dành cho mọi dân tộc khác nữa. – Quan sát điều Phaolô cầu xin, người đọc thấy Đấng ông cầu xin là Đức Chúa Cha, và điệu bộ bề ngoài khi ông cầu nguyện thì rất khiêm cung và kính sợ: “tôi quỳ gối trước Cha” (14). Khi chúng ta đến gần Chúa thì phải rất kính sợ Ngài trong lòng, và diễn đạt lòng kính sợ ấy bằng điệu bộ và cách hành xử xứng hợp với “Đấng đã đặt tên cho tất cả các gia tộc trên trời và dưới đất” (15). Gia tộc trên trời là các thánh đang đội mão miện vinh quang ở thiên đàng; gia tộc dưới đất của Chúa là những người đang làm công tác của ân điển Ngài trên thế gian.
Điều mà Phaolô cầu xin Đức Chúa Trời ban cho những anh chị em tín hữu của ông là các ơn phước thuộc linh, ơn phước quý báu nhất trong các ơn phước. Những ơn phước nầy phải là thứ phước mà mỗi chúng ta nên hết sức tìm kiếm cầu xin bằng được cho mình và anh em mình trong đức tin. Phaolô cầu xin cho tín hữu ở Êphêsô được 5 thứ phước tâm linh:
Thứ nhất là sức mạnh tâm linh để thực hiện bổn phận mà họ được kêu gọi và đang được Chúa dùng: “Tôi cầu xin Cha, căn cứ trên sự phong phú vô hạn của vinh quang Ngài, làm cho tâm hồn anh em được mạnh mẽ bởi quyền năng của Thánh Linh Ngài” (16). Tâm hồn, tức là con người bề trong, phải được bồi bổ cách mạnh mẽ hơn hẳn tình trạng hiện tại, được ban cho ân điển ở mức cao hơn, và những năng lực thuộc linh để thi hành linh vụ, chống lại những sự cám dỗ, chịu đựng những sự bắt bớ, vv; lời cầu nguyện ấy “căn cứ trên sự phong phú vô hạn của vinh quang Chúa” và “bởi quyền năng của Thánh Linh Ngài,” là Đấng trực tiếp thi hành công tác ân điển của Đức Chúa Trời trong lòng các thánh đồ. Sức mạnh của Thánh Linh Đức Chúa Trời trong tâm linh là sức mạnh tuyệt đỉnh và cần có nhất. Sức mạnh ấy là sức mạnh của đức tin, sức mạnh để phục vụ Chúa và làm tròn bổn phận, sức mạnh để kiên trì đối phó với các khó khăn trở lực trên thiên trình bằng một tâm hồn vui mừng hớn hở.
Thứ nhì là được “Đấng Christ ngự trong lòng”(17). Được Đức Chúa Giêxu Christ ngự trong lòng là mơ ước của mọi thánh đồ. Chúng ta biết có Đấng Christ ngự trong lòng mình khi nhận ra luật pháp Ngài đang giữ vị trí chủ đạo trong mọi sự hành xử mà trước đây chúng ta chưa có, và tình yêu của Ngài đang tuôn tràn trong mối liên hệ giữa chúng ta với mọi người chung quanh. Đức Chúa Giêxu Christ luôn luôn ngự trong lòng con cái thật của Ngài, Ngài hiện diện ở nơi nào Thánh Linh của Ngài đang ngự; Ngài ngự vào lòng tín hữu qua đức tin mà họ liên tục tin cậy Ngài; đức tin tạo điều kiện cho Ngài vào, đức tin khiến chúng ta vâng phục Ngài. Bởi đức tin, chúng ta được hợp nhất với Ngài và chú tâm vào Ngài.
Thứ ba là được “đâm rễ, vững gốc trong tình yêu thương” (17). Có nghĩa là được vững chắc về tình cảm sùng kính trong tâm hồn, kiên định trong tình yêu đối với Đức Chúa Trời và với mọi thánh đồ thân yêu của Đức Chúa Giêxu Christ. Phaolô phải cầu nguyện điều nầy vì tình yêu của một số tín hữu đối với Chúa và với anh em nhanh chóng phai tàn, loé lên rồi chợt tắt như một cái pháo nổ inh ỏi, rồi chẳng còn gì nữa. Chúng ta phải hết sức ước ao rằng tình cảm chân thật được vững chắc trong ta, để chúng ta có thể “đâm rễ, vững gốc trong tình yêu thương.” Điều ấy sẽ thành khi trong tâm linh chúng ta có một ý thức vững chắc về tình yêu của Chúa đối với mình, để có thể tuyên bố trong mọi hoàn cảnh rằng “tôi biết rõ Chúa yêu tôi!” Cách tốt nhất để đạt tới điều đó là cẩn thận duy trì tình yêu bền bỉ đối với Chúa trong tâm hồn chúng ta; khi chúng ta biết yêu mến Chúa thật lòng, thì đấy là bằng chứng của tình yêu Ngài đối với chúng ta: “Chúng ta yêu, vì Chúa yêu chúng ta trước” (1Giăng 4:19).
Thứ tư là “có thể cùng các thánh đồ hiểu thấu tình yêu đó rộng, dài, cao, sâu đến đâu, và biết được tình yêu của Đấng Christ vượt quá mọi sự hiểu biết”(18–19); tức là quen thuộc và kinh nghiệm về tình yêu của Đức Chúa Giêxu Christ. Chúng ta càng quen thuộc cách thân mật với tình yêu của Chúa đối với chúng ta chừng nào, thì vì Ngài, chúng ta càng yêu Chúa và những người thuộc về Ngài nhiều hơn chừng đó. Hiểu thấu tức là hiểu rõ ràng và tin tưởng vững chắc vào tình yêu tuyệt vời của Đấng Christ dành cho chúng ta, đồng với sự hiểu biết và tin tưởng của các thánh đồ khác hiện thời, cũng như cùng với họ hiểu biết nhiều hơn trong tương lai. Chúng ta không nên có thái độ kiêu căng muốn có tri thức vượt hẳn mọi người khác, mà hãy hài lòng cùng với các thánh đồ hiểu thấu tình yêu của Chúa theo mức độ mà Chúa ban cho chúng ta hiểu trong thời điểm nầy.
Hãy để ý về cách vị sứ đồ nói về sự huy hoàng của tình yêu Đấng Christ. Ông nói đến những chiều kích đáng nể phục của tình yêu cứu chuộc: Chiều rộng, chiều dài, chiều cao và chiều sâu. Bằng sự liệt kê các chiều kích ấy, sứ đồ Phaolô muốn người đọc thấy được sự vĩ đại của tình yêu của Đấng Christ, và sự phong phú không dò nổi của tình yêu ấy “cao hơn các tầng trời, sâu hơn âm phủ, dài hơn trái đất, rộng lớn hơn biển cả” (Gióp 11:8–9). Chiều rộng nói về tầm cỡ tình yêu ấy bao trùm mọi thế hệ, dân tộc, và giai cấp của loài người; chiều dài là từ trước vô cùng cho đến vĩnh viễn; chiều sâu nói rằng tình yêu ấy đoái đến tình cảnh thấp hèn hơn hết để cứu những người bị chìm sâu trong tội lỗi và cảnh khốn cùng; chiều cao là tình yêu ấy có thể nâng chúng ta lên hạnh phúc và vinh quang của cõi thiên đàng. Mọi thánh đồ phải ước ao tình yêu nầy, vì đặc tính của mọi thánh đồ là ước ao được biết “tình yêu của Đấng Christ vượt quá mọi sự hiểu biết” (19). Nếu nó vượt quá mọi sự hiểu biết thì làm sao chúng ta biết được? Chúng ta phải cầu xin và khát khao được biết đôi phần trong lúc còn ở đời nầy, đến khi gặp Chúa chúng ta sẽ hiểu hết.
Thứ năm là “được đầy dẫy mọi sự viên mãn của Đức Chúa Trời” (19b). Có một vài phát biểu mà chúng ta khó hi vọng đạt tới như “dự phần bản tính Đức Chúa Trời” (2Phierơ 1:4) hoặc “các con hãy nên trọn vẹn, như Cha các con trên trời là trọn vẹn” (Mathiơ 5:48); vì thế, hãy thận trọng đừng dùng các phát biểu không có trong Kinh Thánh. Thật là chúng ta không thể nào hiểu nổi sự đầy trọn của chính Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ có thể hiểu sự đầy trọn của Chúa trong giao ước với chúng ta; sự đầy trọn mà Ngài đã ban xuống cho những người nào sẵn lòng nhận sự đổ đầy tới hết khả năng tiếp nhận của mình, về những ơn phước và ân tứ mà Ngài biết họ rất cần. Những người nhận được ơn càng thêm ơn từ sự đầy trọn của Đấng Christ, thì có thể được gọi là “được đầy dẫy mọi sự viên mãn của Đức Chúa Trời.”
Đoạn 3 kết thúc với lời tôn vinh chúc tụng (20–21). Chúng ta nên tập thói quen dâng lời tôn vinh chúc tụng khi kết thúc lời cầu nguyện, vì như thế là hợp lẽ. Trong bài cầu nguyện Chúa dạy, câu kết là lời tôn vinh chúc tụng Đức Chúa Trời. Phaolô xưng tụng Đức Chúa Cha là “Đấng thực hiện mọi việc vượt quá bội phần những điều chúng ta cầu xin hoặc nghĩ đến” (20). Ân điển và sự nhân từ của Chúa không bao giờ vơi; mọi thánh đồ không bao giờ hết nhận được những điều họ cầu xin nơi Chúa. Ngài sẵn lòng ban cho vượt quá bội phần mọi đều chúng ta có thể cầu xin hay nghĩ đến. Chúa thực hiện những điều chúng ta cầu xin “theo quyền năng tác động trong chúng ta” (20b), nghĩa là quyền năng đang hành động cho các thánh đồ là quyền năng vẫn thường hành động trong các thánh đồ. Đức Chúa Trời ban sự đầy đủ của Ngài để con dân Chúa có thể kinh nghiệm được quyền phép Ngài. Khi chúng ta cầu xin Chúa, hãy dâng tặng vinh quang cho Ngài qua Đức Chúa Giêxu Christ là Đấng Trung Bảo. Vì mọi ơn phước từ Đức Chúa Trời đổ xuống cho chúng ta qua Đức Chúa Giêxu Christ, thì mọi lời ca tụng cũng qua Ngài dâng lên Chúa Cha.
Epheso07.docx
Rev. Dr. CTB