Huyền Nhiệm của Đức Chúa Trời

Êphêsô 3:1–13

Đầu đoạn 3, Phaolô nhắc lại rằng chức vụ sứ đồ của ông là do Đức Chúa Trời chỉ định.  Khi viết thư nầy từ nơi bị giam giữ ở kinh đô Rôma, ông bày tỏ lý do mà ông phải chịu khổ khi thi hành chức vụ, là vì đã rao giảng những giáo lý được đề cập tới trong hai đoạn trước.  “Bởi lý do đó,” tức là bởi vì đã khẳng định rằng những đặc quyền vĩ đại của phúc âm không chỉ dành cho người Dothái, mà cũng dành cho những người ngoại bang nữa, nên ông bị ở tù, nhưng là “người tù của Đức Chúa Giêxu Christ” (1).  Khi chịu khổ vì Ngài và cho Ngài, và tiếp tục làm đầy tớ trung tín của Ngài, ông trở thành đối tượng Ngài bảo vệ và chăm sóc.  Nếu các đầy tớ của Đấng Christ bị tù đày, họ là những người tù của Ngài; và Ngài không khinh thường những người tù của Ngài.  “Vì anh em, những người ngoại bang;” dân Dothái chống đối và bắt Phaolô bỏ tù vì ông là sứ đồ của dân ngoại. Sứ giả trung tín của Chúa cứ tiếp tục truyền rao chân lý thánh, mặc cho có ai đó không đồng ý, hoặc bất kể sẽ phải chịu khổ như thế nào đi nữa.

Sự “uỷ thác chức vụ quản trị ân điển của Đức Chúa Trời cho dân ngoại” (2) có nghĩa là chỉ định, uỷ quyền và giao phó trách nhiệm làm chức vụ sứ đồ rao giảng phúc âm cho các dân tộc không phải là người Dothái.  Chức vụ sứ đồ của Phaolô chẳng những đã được xác nhận bởi những vị sứ đồ cột trụ của Hội Thánh thời sơ lập tại Giêrusalem (Galati 2:7–9), mà ông còn được Đức Chúa Trời xác nhận bằng sự khải thị huyền nhiệm của Ngài đã giấu kín trải qua nhiều đời cho ông được biết, để ông rao truyền huyền nhiệm ấy (3).  Được uỷ thác chức vụ quản trị ân điển của Đức Chúa Trời tức là được Chúa cung ứng và trang bị sẵn sàng cho công tác, và khi thi hành nhiệm vụ thì Ngài lại trợ giúp bằng đủ mọi thứ ân tứ và ơn cần thiết.  Phaolô lặp lại nhiều lần về việc ông được Chúa lập làm sứ đồ, không phải do ông tự phong, cũng không sáng tác ra sứ điệp của phúc âm.  Hơn nữa, Đức Chúa Trời đã ban cho ông đủ ơn để làm việc đó bằng sự khải thị đặc biệt về huyền nhiệm “đó là nhờ Tin Lành, các dân tộc ngoại bang được trở thành người đồng thừa kế với người Dothái, trở thành chi thể của cùng một thân, và được cùng hưởng các lời hứa trong Đức Chúa Giêxu Christ” (6).

Để có thể biết sự am hiểu của Phaolô về huyền nhiệm của Đấng Christ, các tín hữu ở Êphêsô phải đọc kỹ những gì ông đã viết ở phần trước.  Người ta không thể chỉ đọc lướt qua Kinh Thánh mà có thể hiểu được hết ý nghĩa, nếu không chăm chú hết lòng suy gẫm những gì mình đọc. Nên Phaolô viết: “và khi đọc những lời ấy, anh em thấy tôi am hiểu sự huyền nhiệm của Đấng Christ” (4), để biết tại sao Đức Chúa Trời đã cất nhắc ông lên và trang bị ông cho chức vụ sứ đồ của dân ngoại.  Nhờ đó họ có thể thuận phục uy quyền thiêng liêng trong những lời khuyên và mệnh lệnh mà ông viết cho họ.  Ông nói rằng: “Sự huyền nhiệm nầy chưa hề được tiết lộ cho loài người trong các thế hệ trước” (5).  Trước khi Đức Chúa Giêxu đến trần gian, các tiên tri Dothái ở nhiều thế hệ không biết được những gì sẽ được tiết lộ cho các tiên tri thời Tân Ước.

Sự quy đạo của thế giới ngoại bang tin nhận Đấng Christ đúng là một huyền nhiệm.  Người Dothái giáo không thể nào nghĩ tới việc dân ngoại bang chỉ cần tin nhận Đức Chúa Giêxu Christ, không cần thực hiện các việc của luật pháp Môise, mà được sự cứu rỗi.  Không ai có thể tin được rằng vô số người thuộc các dân tộc vốn chìm đắm trong sự u mê thờ cúng thần tượng qua vô số thế hệ, hoàn toàn xa cách Đức Chúa Trời thánh khiết, lại có thể được soi sáng bằng ánh sáng kỳ diệu của phúc âm, rồi được đem đến gần Đức Chúa Trời cực thánh chỉ bằng ân điển và đức tin. Ở điểm nầy chúng ta học được rằng không một người cùng hung cực ác nào, hay người nào hoàn toàn u mê ô uế vì đã bao đời thờ lạy hình tượng, mà Đức Chúa Trời đành bó tay không cứu được.  Con người tệ hại nhất của một dân tộc tệ hại nhất vẫn có hi vọng được cứu, vì “Tin Lành là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin” (Rôma 1:16).  Chẳng những chúng ta được sống trong một thời đại mà huyền nhiệm của Đấng Christ đã được bày tỏ, mà chúng ta khi trước vốn thuộc về một dân tộc ở ngoài giao ước, theo thói tục của tổ tiên thờ lạy hình tượng giả dối đáng ghê tởm, bây giờ lại được soi sáng bởi Tin Lành đời đời và được dự phần vào những lời hứa đầy hạnh phúc nữa.  Điều đó chẳng đáng hết sức vui mừng hay sao?

Phaolô bày tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời và ân điển Ngài đã ban cho ông làm người  phục vụ Tin Lành.  Ông làm được việc là “do quyền năng của Ngài tác động trong ông” (7), khiến cho ông có thể rao giảng phúc âm rất thành công cho vô số người qua các chuyến đi truyền giáo lâu ngày.  Nhưng Phaolô cũng bày tỏ đức tính khiêm nhường của ông, khi xưng mình “là người thấp kém nhất trong các thánh đồ” (8).  Một người hầu việc Chúa trung thành có thể là một người rất khiêm nhường và kể mình không ra gì, mặc dù rất tôn kính và quý trọng chức vụ thánh của mình; khác hẳn với người tìm cách đưa mình lên, hoặc giấu dốt vì sợ bị người khác biết trình độ thật của mình.  Phaolô nói về chính mình thì thấp kém như vậy, nhưng khi nói về Đấng Christ thì ông tôn Ngài lên rất cao bằng lời xưng tụng “sự phong phú không dò được của Đấng Christ” (8); tức là sự phong phú trong phúc âm của Đức Chúa Trời, trong đó chứa đựng vô vàn kho báu của đức nhân từ thương xót, ân sủng và tình yêu thương chất chứa trong Đấng Christ.  Sự phong phú ấy loài người không thể nào dò biết hết được.

Nhiệm vụ của Phaolô là “để đưa ra ánh sáng chương trình mầu nhiệm của Chúa, một lẽ mầu nhiệm Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo vạn vật đã giữ kín qua các thời đại” (9).  “Hầu cho ngày nay, nhờ Hội Thánh, sự khôn ngoan muôn hình nghìn sắc của Đức Chúa Trời được tiết lộ cho các thiên sứ trưởng và phó trong các nơi trên trời” (10).  Đây là một trong các nhiệm vụ mà chỉ có Hội Thánh mới thực hiện được, vì đó là việc Đức Chúa Trời đã uỷ thác cho Hội Thánh; huyền nhiệm về Hội Thánh đã bị giấu kín qua nhiều thời đại, đó là lẽ mầu nhiệm về Đức Chúa Giêxu là cái đầu của thân thể Ngài là Hội Thánh, thì không ai biết được cho đến khi Chúa tiết lộ cho Phaolô; tức là lẽ mầu nhiệm về mối liên hệ giữa đầu với thân; thân sẽ thi hành các mệnh lệnh do đầu truyền bảo.

Thập tự giá là phương tiện mà Đức Chúa Giêxu đã dùng để “huỷ bỏ tờ giấy nợ có các điều khoản bất lợi cho chúng ta, nghịch với chúng ta; Ngài loại bỏ nó, đem nó đóng đinh vào cây thập tự.  Ngài truất bỏ các chủ quyền và phó quyền, công khai bêu mặt chúng nó trong cuộc diễn hành chiến thắng của Ngài” (Côl. 2:14–15); nghĩa là giải thoát một nhân loại, để nhân loại ấy trở thành thân thể Ngài.  Chính thân thể ấy sẽ rao truyền sự khôn ngoan muôn mặt của Đức Chúa Trời cho toàn thể những kẻ cầm quyền trong linh giới. Trong linh giới, các thiên sứ của Đức Chúa Trời là thần thiện, các thiên sứ phản nghịch là ác thần.  Công tác Hội Thánh truyền rao là “đúng theo quyết định từ muôn thuở của Đức Chúa Trời, được thực hiện bởi Đức Chúa Giêxu Christ, Chúa chúng ta” (11), để tuyên bố vai trò và địa vị cũng như uy quyền của Hội Thánh trong linh giới.  Bởi vì “trong Ngài, chúng ta can đảm, vững lòng vì có lối vào với Đức Chúa Cha, nhờ đức tin nơi Ngài” (12).

Phaolô khuyên tín hữu tại Êphêsô cứ dựa trên những sự hiểu biết về các lẽ mầu nhiệm ấy để “đừng nản lòng khi thấy tôi vì anh em chịu hoạn nạn, bởi lẽ chính những sự hoạn nạn đó là vinh quang của anh em” (13).  Vinh quang là vì Đức Chúa Trời đã yêu thương và chọn họ bằng cách sai các sứ đồ đến rao truyền phúc âm cho họ, các vị đó đã vì họ chịu khổ, để họ được biết lẽ mầu nhiệm về vai trò của họ trong Hội Thánh.  Họ không phải chỉ là những người theo đạo, nhưng là các chi thể trong thân thể của Đức Chúa Giêxu Christ, theo lệnh và năng lực cùng quyền phép của cái đầu đã truyền cho, sẵn sàng đương đầu với các tà thần trong thế giới tối tăm, công bố sự khôn ngoan muôn mặt của Đức Chúa Trời, trong chương trình cứu rỗi nhân loại của Ngài.

Epheso06.docx

Rev. Dr. CTB