Quyền Tối Thượng của Đấng Christ
Êphêsô 1:15–23
Phần thứ nhì của đoạn 1 nầy là lời cầu nguyện chân thành của Phaolô cho các tín hữu trung tín tại Êphêsô. Ông khởi đầu bằng câu: “Vì lẽ đó,” tức là dựa trên nền tảng của hai câu 13–14 về Đức Thánh Linh là ấn chứng và là món đặt cọc của Đức Chúa Trời trong lòng người tin, Phaolô nói: “khi nghe về đức tin anh em trong Đức Chúa Giêxu và về lòng yêu thương anh em dành cho tất cả các thánh đồ,” thìkhông ngớt cảm tạ Chúa vì họ và nhắc đến họ trong khi cầu nguyện (15 –16).
Học theo gương của Phaolô, chúng ta nên nhớ cầu nguyện cho những người mà mình tạ ơn Chúa vì họ. Kết quả mà Phaolô thấy được trong lòng các thánh đồ tại Êphêsô từ ấn chứng và món đặt cọc của Đức Thánh Linh là đức tin của họ vào Đức Chúa Giêxu, và lòng yêu thương của họ dành cho tất cả các thánh đồ. Các kết quả nầy không thể thiếu trong lòng chúng ta nếu chúng ta đã thật sự được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh, là một món đặt cọc của Đức Chúa Trời nhận chúng ta vào Vương quốc Ngài để hưởng cơ nghiệp của Ngài. Đức tin vào Đức Chúa Giêxu và tình yêu thương đối với các thánh đồ sẽ được củng cố bằng mọi thứ ơn khác. Ai yêu mến Chúa chân thành mới có thể thật lòng yêu thương các thánh đồ. Đừng ai nghĩ rằng vì đã được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh thì đã đủ yên tâm, không cần sự cầu thay của anh chị em trong đức tin; đó là suy nghĩ sai lầm và tai hại. Vì Phaolô không ngớt cầu nguyện cho các thánh đồ ở Êphêsô sau khi biết đức tin của họ và kết quả của đức tin ấy.
Trong khi cảm tạ Đức Chúa Trời đã ban Đức Thánh Linh cho họ, Phaolô lại tiếp tục cầu xin cho họ được thêm nhiều ơn khác từ Đức Thánh Linh: “Linh của sự khôn ngoan và khải thị” (17). Dù tín hữu mạnh mẽ hơn hết vẫn cần được anh chị em trong đức tin cầu thay cho mỗi ngày. Khi chúng ta nghe tin tốt từ anh chị em mình, hãy cầu nguyện cho họ thay vì cảm tạ Chúa rồi an tâm tin rằng họ sẽ yên ổn. Kẻ thù của linh hồn chúng ta chỉ tìm cách triệt hạ người nào tỏ ra nguy hại cho thế giới tối tăm của hắn; cho nên, hãy nhớ nghĩa vụ cầu thay cho anh chị em mình trong đức tin. Phaolô không cầu xin cho tín hữu ở Êphêsô được sang giàu hoặc khỏi bị bắt bớ, hoặc được hưởng thú vui trần gian, nhưng là xin cho họ được soi sáng trong sự hiểu biết và gia tăng dồi dào về tri thức. Linh của sự khôn ngoan và khải thị giúp cho tín hữu biết và sở hữu các tri thức thiết thực về cõi linh vô hình. Tất cả sự khôn ngoan và khải thị đó phải đến từ Đức Chúa Trời của Đức Chúa Giêxu Christ, “là Cha vinh quang” (17a).
Chúng ta có thể được khải thị qua lời Kinh Thánh; nhưng cần phải có Linh khôn ngoan giúp chúng ta hiểu những sự khải thị ấy. Nếu Thánh Linh, tác giả của lời Kinh Thánh, không giúp cất bỏ tấm màn dại dột khỏi lòng chúng ta, ban Linh khôn ngoan để chúng ta có thể hiểu được lời Ngài, thì chúng ta chẳng thể nào khá hơn trong sự hiểu biết của mình về Chúa. Vì thế, chúng ta cần Linh khôn ngoan ấy “để … nhận biết Chúa” (17b). Phaolô nói rõ hơn về lời cầu nguyện của ông là: “Tôi cầu Chúa soi sáng con mắt lòng của anh em, để anh em biết được …” (18a). Chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ rằng có được tình yêu nồng ấm của Chúa trong lòng hoặc mình mến yêu Chúa là đủ. Nếu tín hữu biết rằng khi con mắt lòng của mình được soi sáng sẽ kinh nghiệm được và tận hưởng vô vàn ơn phước tuyệt vời mà Chúa đã sắm sẵn cho con dân Ngài, thì họ sẽ rất khát khao sự soi sáng của Đức Thánh Linh. Vì lúc được soi sáng, sự hiểu biết các vấn đề thuộc linh sẽ sáng tỏ, rõ ràng, cũng biết cách áp dụng thuần thục các nguyên tắc ấy.
Phaolô muốn tín hữu Êphêsô biết những gì? 1. “Thế nào là hi vọng về sự kêu gọi của Chúa.” Ơn cứu chuộc của Cơ-đốc-giáo là sự kêu gọi của Đức Chúa Trời cho ai sẵn lòng tin; hi vọng của sự kêu gọi đó là con dân Ngài sẽ nhận được vô số đặc ân và có thể tin chắc sẽ nhận được những ơn phước Ngài đã sắm sẵn cho họ trong cõi thiên đàng. Chúng ta cần cầu nguyện để hiểu biết rõ ràng hơn, hoàn toàn quen thuộc với những mục tiêu vĩ đại của những hi vọng thiêng liêng ấy.
2. “Thế nào là sự phong phú vô hạn của cơ nghiệp vinh quang Ngài giữa các thánh đồ” (18b). Ngoài cơ nghiệp ở thiên đàng đã sắm sẵn cho các thánh đồ, còn có cơ nghiệp thời hiện tại của họ nữa; vì ân sủng là khởi đầu của sự vinh quang, và sự thánh khiết là những nụ hoa hạnh phúc đang thành hình. Có một sự vinh quang vô cùng phong phú trong cơ nghiệp mà chúng ta đang có. Cơ-đốc-nhân cần biết kinh nghiệm rất thực tế nầy để quen thuộc với các nguyên tắc, sự vui sướng, và quyền phép của đời sống thuộc linh thiêng liêng. Mỗi tín hữu cần phải cầu nguyện xin Chúa mở mắt mình để biết thêm về thiên đàng càng nhiều càng tốt. Người ta chỉ có thể mong mỏi được vào thiên cung khi biết rõ những gì mình sẽ có ở đó, thay vì thái độ chỉ giữ đạo để đến ngày tận thế sẽ không bị ném vào hoả ngục, chứ hiện tại vẫn lưu luyến chốn trần tục.
3. “Thế nào là quyền năng vô cùng vĩ đại của Ngài đối với chúng ta là những người tin” (19) Một niềm tin thực tiễn vào sự đầy đủ của Đức Chúa Trời, và ân điển toàn năng của Ngài là cực kỳ cần thiết cho sự bước đi với Ngài được gần gũi và vững vàng. Chúng ta cần phải biết qua kinh nghiệm bản thân về quyền phép mạnh mẽ của ân điển ấy bắt đầu thực hiện công việc của đức tin trong tâm hồn chúng ta. Nếu không có quyền năng vô cùng vĩ đại của Chúa hành động trong tâm hồn ta, thì chúng ta sẽ chẳng có chút hi vọng gì về sự sống vĩnh cửu đời sau, mọi việc ta đang làm hiện nay chỉ là những trò tôn giáo vô nghĩa và vô ích. Chúng ta phải thực sự kinh nghiệm về đời sống được thánh hoá, chỗi dậy từ sự chết của tội lỗi để thích hợp với sự phục sinh của Đấng Christ, vì những điều ấy chính là bằng chứng hiển nhiên của Tin Mừng để trình bày cho thế giới biết rằng Đức Chúa Giêxu đã phục sinh; như Phaolô nói: “Cũng với năng lực tuyệt đối mạnh mẽ đó, Đức Chúa Trời đã tác động trong Đấng Christ, khi đem Đấng Christ từ cõi chết sống lại” (19b–20). Chỉ có những người tin mới có thể biết quyền năng vĩ đại của Chúa. Người không tin chẳng thể kinh nghiệm được.
Ba sự hiểu biết trên nhằm dẫn tới chủ điểm của sự soi sáng cho con mắt lòng của chúng ta từ Thánh Linh khôn ngoan và khải thị là Uy Quyền Tối Thượng của Đấng Christ trên “mọi chủ quyền, phó quyền, năng quyền, vương quyền, và mọi danh hiệu được đặt, chẳng những trong đời hiện tại mà cả trong tương lai nữa” (21). Vì thư Êphêsô đề cập rất nhiều đến các thứ “quyền lực” trong cõi linh, cho nên ngay từ đoạn đầu sứ đồ Phaolô cầu nguyện cho tín hữu tại Êphêsô được Thánh Linh khôn ngoan và khải thị soi sáng để họ biết uy quyền tối thượng của Đấng Christ trên mọi thứ ‘quyền lực’ cả trong thời hiện tại lẫn tương lai. Sự hiểu biết nầy là vô cùng quan trọng vì nó là nền tảng cho những sự hiểu biết về nhiệm vụ và vai trò của Hội Thánh trong chiến tranh ở cõi linh (3:10), và sự áp dụng chiến trận ấy ở cấp cá nhân nữa (6:10–18).
Phaolô cho biết rằng: “Đức Chúa Trời đặt tất cả dưới chân Đấng Christ, và lập Ngài làm đầu tất cả cho Hội Thánh. Hội Thánh là thân thể Đấng Christ, được đầy dẫy Ngài, và Ngài đầy dẫy mọi sự mọi loài” (1:22–23). Vì Đấng Christ có uy quyền tối thượng trên mọi quyền lực trong cõi vô hình lẫn cõi hữu hình, và Ngài là đầu của Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể của Ngài, thì mối liên hệ ấy bảo đảm rằng Hội Thánh cũng được hưởng uy quyền của cái đầu đối với cõi linh để tiến hành chiến tranh chống thế giới tối tăm, thực hiện nhiệm vụ của cái đầu giao cho thân thể phải làm. Hiểu biết về việc Đấng Christ là đầu Hội Thánh là một sự hiểu biết hết sức quan trọng, vì khi thân thể biết rõ cái đầu của mình là Đức Chúa Giêxu Christ, thì sẽ hoàn toàn yên tâm biết rằng cái đầu sẽ có trách nhiệm hoàn thiện những thiếu sót của thân thể, đổ đầy Đức Thánh Linh cho thân thể, để Hội Thánh là sự đầy đủ của Đấng Christ. Cái đầu luôn luôn yêu thương thân thể và lấy quyền phép mà Ngài nâng đỡ vũ trụ (Côl.1:17) để nâng đỡ Hội Thánh. Cuối cùng sau khi Đức Chúa Trời đặt mọi sự trong cõi vô hình và hữu hình dưới chân Đấng Christ, thì Ngài và Hội Thánh đầy dẫy mọi sự mọi loài. Nghĩa là Hội Thánh sẽ cùng với Đấng Christ cai trị trên vạn vật của thế giới mới.
Epheso03.docx
Rev. Dr. CTB