Luật Pháp Và Đức Tin

Galati 3:1–14

Sau khi khẳng định rằng “nếu nhờ luật pháp mà con người được nên công chính, thì Đấng Christ đã chết vô ích” (2:21), Phaolô bắt đầu trực diện đối phó với những người đã từng nhận lấy đức tin vào Đấng Christ, nay bỗng nhiên trở lại tìm kiếm sự xưng công chính bởi sự làm theo các lễ nghi mà luật pháp đòi hỏi. Các lễ nghi ấy là bất toàn vì luôn luôn cần được bù đắp bởi các tế lễ và các thứ lễ nghi tẩy sạch. Trước tiên, ông quở nặng những người ấy là ngu muội, thiếu hiểu biết, vì đang là các Cơ-đốc-nhân con cái của Đấng Khôn Ngoan, lại trở thành các con cái dại dột. Ông hỏi họ rằng: “Anh em bị ai mê hoặc?” (1) nghĩa là bị nghệ thuật dẫn dụ của các giáo sư chuyên dụ dỗ bắt lấy, để không còn vâng theo chân lý nữa. Lý do là họ đã bỏ đường lối được xưng công chính của Tin Mừng mà họ đã được dạy và đã tin nhận. Việc biết chân lý và nói mình tin chân lý ấy cũng chưa đủ. Chúng ta phải vâng theo và hết lòng giữ theo chân lý đó.

Sau khi đã được giảng dạy rõ ràng về giáo lý thập tự giá, được dự vào phép bí tích tiệc thánh mà cả hai đều trình bày rành mạch trước mắt họ sự thương khó của Đức Chúa Giêxu Christ, bây giờ thối lui khỏi vinh dự và đặc quyền mà mình đã được cho phép vào, thì quả là một sự ngu dại quá xấu hổ. Khi trở thành Cơ-đốc-nhân, nhiều người trong số họ đã nhận lãnh Đức Thánh Linh (2), chẳng phải chỉ là dự phần vào ảnh hưởng thánh khiết của Ngài, họ còn nhận được những ân tứ quyền năng của Đức Thánh Linh mà chỉ Tin Mừng mới có thể cung cấp cho người tin; và đặc biệt là, chỉ nhờ Đấng Christ họ mới được xưng công chính, không phải bởi việc làm theo các đòi hỏi của luật pháp. Phaolô hỏi: “Anh em nhận lãnh Đức Thánh Linh vì tuân giữ luật pháp hay nhờ nghe và tin? Sao anh em dại dột thế? Anh em đã nhờ Thánh Linh để bắt đầu, nay lại muốn lấy xác thịt để kết thúc hay sao?” (2–3)

Khi họ tiếp nhận giáo lý phúc âm, là giáo lý bởi đó họ nhận được Đức Thánh Linh, và là con đường chân thật duy nhất để được xưng công chính đã khải thị cho họ. Họ đã khởi đầu giỏi, nay lại tìm đến luật pháp để mong rằng có thể tiến lên những mức độ cao hơn về sự hoàn hảo bằng cách cộng thêm sự tuân giữ ấy vào đức tin nơi Đấng Christ để đạt đến sự xưng công chính. Kết quả là họ chẳng được gì cả ngoài sự xấu hổ và thất vọng. Một khi áp dụng thứ tin mừng bị xuyên tạc như thế thì chẳng khác nào một tay thì lo xây dựng còn tay kia thì giật sập những gì vừa xây dựng xong. Họ chẳng những chỉ tiếp nhận Tin Mừng mà còn vì Tin Mừng ấy chịu khổ nữa: “Bao nhiêu gian khổ anh em đã chịu đều vô ích hay sao? Có thực sự vô ích không? Chúa, Đấng ban Thánh Linh và thực hiện các phép lạ giữa anh em, có phải vì anh em giữ luật pháp, hay vì anh em nghe và tin?” (4–5) Điều khó hiểu là người Galati vội quên rằng nhờ nghe và tin mà được họ Chúa ban Đức Thánh Linh và được thấy các phép lạ sờ sờ.

Để những người Galati ‘thiếu hiểu biết’ có thể hiểu rõ về giáo lý được xưng công chính bởi đức tin, không phải nhờ công lao thực hiện luật pháp, Phaolô dùng vài lối giải thích. Trước tiên, ông dùng ví dụ về sự được xưng công chính của Áp-ra-ham: “Ápraham tin Đức Chúa Trời, và vì thế ông được kể là người công chính” (6). Ápraham đã cột chặt lòng tin của mình vào lời hứa của Đức Chúa Trời, vì thế ông được Đức Chúa Trời chấp nhận và kể là công chính. Chẳng những thế ông còn được xem như là tổ phụ của mọi người có lòng tin “Ai có đức tin, người ấy là con cháu Ápraham” (7) không phải là con cháu về huyết thống, nhưng về lời hứa (Sáng Thế Ký 12:3). Nhờ đó họ cũng được kể là công chính giống y như cách mà Áp-ra-ham đã được.

Để hiểu biết thêm về điều nầy, cần phải ôn lại chuyện tích về Áp-ra-ham và lời hứa của Đức Chúa Trời đối với ông. Kinh Thánh chép: “Vả, Đức Giêhôva có phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; Ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sáng Thế Ký 12:1–3). Thời ấy dời khỏi quê hương, vòng bà con và gia đình ruột thịt để tới một chân trời vô định, không rõ ràng, là một quyết định của đức tin mà không phải ai cũng dám làm. Nhưng Áp-ram hoàn toàn tin cậy lời hứa của Đức Chúa Trời về bảy phước hạnh mà ông sẽ được khi vâng lời Ngài.

Hành động của đức tin ấy dù là quan trọng, nhưng vài biến cố sau đó diễn ra trong cuộc đời của Áp-ram bởi đức tin mạnh mẽ, mới thật bày tỏ được lòng tin không lay chuyển của ông vào Đức Chúa Trời mà ông thờ phượng. Ông được kể là công chính vì ông hoàn toàn tin lời hứa của Đức Chúa Trời, dù hoàn cảnh có ra sao đi nữa. Lúc ông đã lớn tuổi và chưa có đứa con nào, Đức Chúa Trời hứa rằng: “Ngươi hãy ngó lên trời, và nếu ngươi đếm được các ngôi sao thì hãy đếm đi. Ngài lại phán rằng: Dòng dõi ngươi cũng sẽ như vậy. Áp-ram tin Đức Giêhôva, thì Ngài kể sự đó là công chính cho người” “Thiên hạ chẳng còn gọi ngươi là Áp-ram nữa, nhưng tên ngươi sẽ là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm tổ phụ của nhiều dân tộc” (Sáng Thế 15:5–6; 17:5).

Áp-ra-ham sinh Y-sác lúc được 100 tuổi. Khi đứa trẻ thành một thiếu niên, Đức Chúa Trời thử đức tin Áp-ra-ham bằng cách truyền cho ông phải dâng đứa con trai yêu dấu của mình làm tế lễ thiêu cho Ngài. Áp-ra-ham vâng lời không chần chờ (Sáng Thế 22:2–3). “Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng hiến Y-sác khi Chúa thử nghiệm ông. Dù ông đã nhận được lời hứa, vẫn hiến dâng con trai độc nhất của mình…. Ông tin rằng Đức Chúa Trời có quyền khiến người chết sống lại, và có thể nói, ông nhận lại con mình từ cõi chết” (Hêbơrơ 11:17,19).

Dựa trên các sự tích đó, Phaolô khẳng định: “Kinh Thánh thấy trước các dân ngoại bang sẽ nhờ đức tin mà được Đức Chúa Trời xưng công chính”(8). Như thế không phải chỉ là người Do-thái, mà còn dành cho mọi người có đức tin giống như Ápraham: “Tất cả các dân tộc sẽ nhờ con mà được phước. Như thế những người tin đều được hưởng phước với Ápraham, là người có lòng tin” (8–9). Như vậy, bất cứ ai có đức tin như Áp-ra-ham thì đều được kể là công chính, không cần phải dựa trên các điều luật của luật pháp nữa.

Ông phân tích rằng luật pháp sẽ không xưng công chính cho người ta, vì nhiệm vụ của luật pháp là định tội. Bất cứ ai muốn đứng trước toà án luật pháp để tự biện hộ, đều sẽ thua, vì chẳng ai có thể tuân giữ luật pháp trọn vẹn: “Tất cả những ai cậy vào việc tuân giữ luật pháp đều bị rủa sả, vì Kinh Thánh chép: ‘Ai không nhất mực tuân theo mọi điều đã ghi trong sách luật đều bị rủa sả’” (10). Rủa sả có nghĩa là lời nguyền rủa từ luật pháp của Đức Chúa Trời, sẽ có tính cách vĩnh viễn, không thay đổi. Vì không ai có thể tuân giữ trọn vẹn luật pháp, nên “không ai được xưng công chính trước Đức Chúa Trời nhờ luật pháp, vì: ‘Người công chính sẽ sống bởi đức tin’” (11). Luật pháp thì “không dựa trên đức tin, nhưng dạy: ‘Ai vâng giữ [toàn thể] luật pháp [cách trọn vẹn], sẽ nhờ luật pháp mà sống’” (12); có nghĩa được thiên đàng xưng là người công chính.

Ơn cứu chuộc loài người khỏi sự nguyền rủa của luật pháp đã được thiết lập qua Đức Chúa Giêxu, bằng cách “Ngài trở nên Người bị nguyền rủa vì chúng ta, bởi có lời chép: ‘Ai bị treo lên cây gỗ đáng bị nguyền rủa’” (13). Câu nầy sẽ áp dụng để giải toả mọi sự nguyền rủa của gia đình mỗi người do tội ‘ghét Chúa, không thờ phượng Chúa, thờ hình tượng, thờ tà thần’ chồng chất từ nhiều đời tổ tiên của người Á Đông chúng ta. Nhở mở miệng công bố ân điển nầy cho chính bản thân và gia đình, mỗi con cái Chúa sẽ giải toả và cắt đứt nhiều tai hoạ do bị thừa hưởng tội lỗi từ tổ tiên truyền xuống. Phương pháp là nhân Danh Đức Chúa Giêxu để công bố điều ấy. Vì “các phước hạnh của Ápraham đều đến với dân ngoại nhờ Đức Chúa Giêxu Christ, và nhờ đức tin, chúng ta nhận được Đức Thánh Linh, theo lời Ngài hứa” (14). Vì được xưng công chính và Đức Chúa Giêxu đã chịu nguyền rủa thay cho chúng ta, nên chúng ta được giải thoát khỏi sự rủa sả.

Galati04.docx

Rev. Dr. CTB