Phaolô về Giêrusalem, và Vấn Đề Luật Pháp
Galati 2:1–21
Theo lời thư của Phaolô thì vào thời Hội Thánh sơ lập đã có sự hiểu khác nhau về vấn đề áp dụng luật pháp Môise giữa những tín hữu gốc Do-thái-giáo với các tín hữu gốc dân ngoại bang không có liên hệ gì với luật pháp Môise. Những người gốc Do-thái-giáo thì vẫn giữ các lễ nghi của luật pháp Môise, còn tín hữu gốc dân ngoại thì không giữ, mà nhận Phúc Âm thuần tuý như thứ tôn giáo hoàn hảo tự nhiên. Phierơ là sứ đồ của người Giuđa gốc Do-thái-giáo; còn Phaolô là sứ đồ của dân ngoại. Mặc dù ông là người Hêbơrơ rất cuồng nhiệt với Do-thái-giáo, nhưng về Cơ –đốc-giáo thì ông chủ trương Tin Mừng thuần khiết. Trong đoạn nầy, Phaolô kể lại việc ông trở về Giêrusalem, các sự việc diễn ra giữa ông với các sứ đồ trụ cột của Hội Thánh, việc ông phản đối hành động sai của Phierơ, và phân tích về việc được xưng công chính bởi đức tin.
Có nhiều cách hiểu về mốc thời gian mười bốn năm sau. Hoặc sau mốc thời gian Phaolô lên Giêrusalem gặp Phierơ lần đầu (1:18), hoặc sau biến cố Phaolô quy đạo, hoặc cũng có người cho rằng mười bốn năm sau khi Đức Chúa Giêxu bị đóng đinh. Theo bối cảnh văn mạch thì lần trở về Giêrusalem kỳ nầy là mười bốn năm sau khi Phaolô gặp và ở Phierơ mười lăm ngày như đã thuật ở đoạn trước. Thời gian mười bốn năm chứng minh sự nhân từ vĩ đại của Chúa đã sử dụng sứ đồ Phaolô làm một người hữu dụng cho Ngài, bền bỉ trong thánh vụ mặc dù Hội Thánh chung chưa biết bao nhiêu về công tác của ông. Khoảng thời gian nầy cũng chứng minh rằng Phaolô không lệ thuộc chút nào vào các sứ đồ kia, cũng không kém chút nào về thẩm quyền. Các sứ đồ không thắc mắc gì về thánh vụ và những sự giảng dạy của Phaolô suốt thời gian đó.
Lời kể Phaolô với Banaba về Giêrusalem lần nầy (1) gặp các sứ đồ, trùng hợp với ký thuật của Luca trong Công Vụ 15. Phaolô nói thêm rằng ông về Giêrusalem là “vì được Chúa khải thị” (2). Tít đi theo Phaolô không phải vì là đại biểu của Hội Thánh Antiốt, nhưng Phaolô chứng minh ông không xấu hổ hoặc sợ hãi khi giảng dạy giáo lý được xưng công chính bởi đức tin chứ không phải nhờ làm theo lễ nghi của luật pháp, bằng chứng là Tít, một người Hy-lạp, vẫn không bị buộc phải chịu phép cắt bì (3). Phaolô kể rằng ông được Chúa khải thị phải về Giêrusalem để trình bày riêng cho những người được tôn trọng trong Hội Thánh về Tin Lành ông “đã truyền giảng cho dân ngoại, vì sợ rằng công việc của tôi từ trước đến nay trở nên vô ích” (2). Trình bày riêng một vấn đề quan trọng là sự khôn ngoan của Phaolô. Vì đó là vấn đề dễ gây tranh cãi nếu đem ra bàn công khai giữa mọi người. Tin Lành truyền giảng cho dân ngoại là tin mừng không pha trộn giáo lý và lễ nghi của Do-thái-giáo.
Nếu việc ấy bị thảo luận công khai giữa Hội Thánh chung, Phaolô sẽ bị chống đối dữ dội từ phe Pharisi đã quy đạo. Nếu như vậy, mọi thành công trong mười mấy năm qua của Phaolô sẽ bị xem thường và sự hữu ích của ông sẽ bị ngăn trở. Thời ấy cũng có hạng “tín đồ giả mạo len lỏi vào để do thám, dòm ngó sự tự do trong Đức Chúa Giêxu Christ” (4). Không nhượng bộ nghĩa là không pha trộn một chút nào của Do-thái-giáo “để duy trì chân lý của Tin Lành” cho tín hữu dân ngoại ở xứ Galati và các xứ khác (5). Trong khi đó, các vị sứ đồ trụ cột “không góp thêm điều gì” cho Phaolô (6), nghĩa là không giúp ông biết thêm điều gì khác ngoài Tin Lành mà Chúa đã tỏ ra cho ông biết. Trái lại, thấy ông “được Chúa uỷ thác việc giảng Tin Lành cho người không được cắt bì” (7) “Đấng vận hành trong Phierơ..cũng vận hành trong tôi để tôi giảng cho các dân ngoại bang” (8); “nhận thấy ân điển Chúa ban cho tôi, Giacơ, Sêpha và Giăng, những người có tiếng là cột trụ của Hội Thánh, đã bắt tay tôi và Banaba để tỏ tình thân hữu” (9).
Trao tay tỏ tình thân hữu nghĩa là đồng ý và hài lòng về giáo lý Phaolô vẫn rao giảng, sự bắt tay cũng là công nhận chức vụ sứ đồ, tức là ân điển Chúa ban cho Phaolô. Sự nhắc nhở phải nhớ giúp đỡ người nghèo khổ (10) nói về tín hữu ở xứ Giuđê lúc ấy đang bị đói khổ trầm trọng. Các sứ đồ vẫn hằng lo lắng quan tâm đến họ và đưa ra đề nghị nhờ Phaolô vận động tín hữu ở các xứ dân ngoại quyên góp, đùm bọc anh chị em trong đức tin. Đây cũng là điều mà Phaolô vẫn thường quan tâm kêu gọi các Hội Thánh do ông thành lập để bày tỏ tình yêu thương giúp đỡ chân thành.
Lúc bấy giờ, Antiốt thuộc Syri, là Hội Thánh lớn nhất xứ dân ngoại, là nơi tập trung các lãnh đạo truyền giáo cho dân ngoại, và có tầm quan trọng tương đương với Giêrusalem. Phierơ đến đó để thăm viếng sau chuyến đi Giêrusalem của Phaolô và Banaba (11). Có lẽ sau khi bị tín hữu Giu-đa chỉ trích vì đã ăn chung với dân ngoại ở Sêsarê (Công Vụ 11:3), nên Phierơ đã lui ra ăn riêng khi có người của Giacơ từ Giêrusalem đến (12). Sự giả hình của ông đã lôi cuốn nhiều tín hữu Dothái khác, kể cả sứ đồ Banaba, bắt chước theo (13). Phaolô bất bình về việc đó nên đã công khai trách cứ Phierơ trước mặt mọi người (14). Lời phê bình của Phaolô không phải chỉ nằm trong 2 câu 14–15, nhưng bao gồm tất cả những điều ông trình bày về việc người tin Chúa được xưng công chính bởi đức tin, chứ không phải nhờ thực hiện các lễ nghi của luật pháp Môise (16–21).
Lỗi lầm của Phierơ là đã từng ăn chung với người ngoại bang, bây giờ vì sợ bị chỉ trích nên lui ra ăn riêng; theo luật pháp Môise là người đã chịu cắt bì không được giao hảo ăn uống chung với người chưa chịu cắt bì. Hành động ấy khác nào buộc tín hữu dân ngoại phải chịu nghi lễ luật pháp Môise để được gia nhập cộng đồng dân Chúa (14)? Phaolô nói rằng dù Phierơ và ông được sinh ra là người Do-thái và dưỡng dục bởi Do-thái-giáo, không sống đời tội lỗi như dân ngoại (15) nhưng đã “biết rằng một người được xưng công chính không phải nhờ làm theo những điều luật pháp dạy, nhưng nhờ tin Đức Chúa Giêxu Christ … Vì không một ai nhờ giữ luật pháp mà được xưng công chính” (16). “Nhưng nếu trong khi muốn được xưng công chính trong Đấng Christ, … lại tỏ ra mình là người có tội” theo luật Môise, vì đã ăn chung với dân ngoại, như thế thì “hoá ra Đấng Christ phục vụ tội lỗi” vì xưng công chính cho người phạm luật pháp hay sao (17)?
Nếu Phierơ tái lập điều mà ông đã phá huỷ, thì Phierơ chứng tỏ ông là người phạm pháp (18). “Chết đối với luật pháp” (19) có nghĩa là không còn bị nó trói buộc nữa; vì Phaolô biết rằng luật pháp rủa sả những ai không giữ trọn vẹn mọi đòi hỏi của luật pháp. Đồng thời ông cũng biết bây giờ nó đã bị thay thế bởi sự đến của Đấng Christ. Nếu cái thực chất đã đến rồi thì cái bóng không còn giá trị cho nên ông “đã chết đối với luật pháp, để sống cho Đức Chúa Trời” (19). Phaolô ứng dụng điều mà ông viết ở thư Rôma 7:4 “Đối với luật pháp, anh em đã chết qua cái chết của thân thể Đấng Christ, để có thể thuộc về một Người khác, là Đấng đã từ cõi chết sống lại, để chúng ta kết quả cho Đức Chúa Trời.” và “bây giờ chúng ta đã được giải thoát khỏi luật pháp, đã chết đối với điều vẫn trói buộc chúng ta, để có thể phục vụ Đức Chúa Trời theo cách mới của Thánh Linh chứ không theo cách cũ của văn tự” (Rôma 7:6). Một đời sống như vậy được Đức Chúa Trời đồng ý và chấp nhận hơn là cuộc sống giữ theo luật pháp Môise mà không giữ nổi.
Để chết đối với luật pháp thì phải chịu “bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ; nay tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Nay tôi sống trong thể xác, là sống trong niềm tin vào Con Đức Chúa Trời, Đấng đã yêu tôi và đã phó thân vì tôi” (20). Đấng Christ chỉ có thể sống trong người nào chịu bị đóng đinh với Ngài, nghĩa là chết đối với tội lỗi, khao khát sự sống của Đấng Christ, và bởi sự sống đó mới có thể sống cho Đức Chúa Trời. Bề ngoài thể xác vẫn sống giống như mọi người, nhưng sự sống bề trong được nâng đỡ và thúc đẩy bởi những nguyên tắc cao cả và tốt đẹp hơn, đó là đức tin vào Đấng Christ, chăm xem và tin cậy tình yêu của Ngài đã bày tỏ rõ ràng trên thập tự giá.
Quay trở lại phương pháp đã thất bại, mặc dù Đấng Christ đã đến chịu lấy thập tự giá để bãi bỏ phương pháp thất bại ấy, là hành động làm vô hiệu hoá ân điển của Đức Chúa Trời khi Ngài ban món quà vô giá nhưng miễn phí cho bất cứ ai nhận (21). Ân điển ấy là sự chết chuộc tội của Đấng Christ vô cùng hữu ích cho những ai đã thất bại trong sự áp dụng luật pháp. Nếu nhờ làm theo luật pháp mà người ta được xưng công chính, thì Đấng Christ không cần chịu chết làm gì.
Galatibai03.docx
Rev. Dr. CTB