Vương Quốc Đức Chúa Trời, bài 3

kingjesus

Daniel 4:34

Khi nói về vương quốc, rất nhiều chỗ trong Cựu-ước đề cập đến quyền cai trị của một vị vua nào đó, hơn là về lãnh thổ một nước (2Sử-ký 11:17; 12:11; Giêrêmi :49:34).

Khi Kinh thánh nói về Vương-quốc Đức Chúa Trời, thì vẫn thường đề cao sự trị vì, quyền cai trị tối thượng của Ngài, chứ không nói về cõi hay lãnh thổ ở dưới quyền cai trị ấy.

Sách Thi-thiên chép: “Đức Giê-hô-va lập ngôi Ngài trên các tầng trời, Vương-quốc Ngài cai trị trên muôn vật” (103:19); “Họ sẽ nói về vinh quang của Vương-quốc Chúa, thuật lại quyền năng của Ngài,…Vương-quốc Chúa là Vương -quốc đời đời, quyền cai trị của Chúa tồn tại từ thế hệ nầy qua thế hệ kia” (145:11,13).

Lời hoàng đế Nebuchadnezzar, vua Babylon ca tụng Đức Chúa Trời: ‘Ta ca ngợi và tôn vinh Đấng Hằng Sống, quyền cai trị của Ngài là uy quyền đời đời, Vương-quốc Ngài từ thế hệ nầy đến thế hệ kia’ (Daniel 4:34).

Trong đời vua con là Belshazzar, hàng chữ của các ngón tay viết trên bức tường  “MÊNÊ, MÊNÊ, TÊKEN, UPHACSIN,” nghĩa là Đức Chúa Trời đã đếm số ngày của vương-quốc ông vua nầy và đưa nó đến hồi chấm dứt (Daniel 5:24–28), thì ý nghĩa chính của chữ vương-quốc vẫn chỉ là quyền cai trị của Belshazzar trên đế quốc Babylon phải chấm dứt.

Ký thuật về ẩn dụ do Đức Chúa Jesus kể đã làm rõ ý nầy hơn: “Vì Ngài gần đến thành Giêrusa lem, nên người ta tưởng rằng Vương-quốc Đức Chúa Trời sẽ xuất hiện ngay; vì thế, Ngài phán ‘Có một nhà quý tộc đi đến một xứ xa để được phong vương, rồi sẽ trở về’” (Luca 19:11–12). Theo ý nghĩa trên thì không phải nhà quý tộc đi nhận một lãnh thổ có thần dân, nhưng là đi nhận lãnh uy quyền để cai trị.

Khi Đức Chúa Jesus dạy các môn đồ và đoàn dân: “… trước hết hãy tìm kiếm Vương-quốc Đức Chúa Trời và sự công nghĩa của Ngài” (Mathiơ 6:33), thì Chúa không bảo chúng ta đi tìm lãnh thổ, Hội-thánh hay thiên đàng, mà Ngài bảo phải tìm kiếm sự công nghĩa của Đức Chúa Trời, đường lối, luật pháp, và sự cai trị của Ngài trên đời sống của chúng ta.

Trong lời cầu xin: “Vương-quốc Cha được đến, Ý Cha được nên ở đất như ở trời” thì lời cầu nguyện ấy không phải là xin Chúa đem thiên đàng xuống đất, dù nó cũng có phần nào về ý nghĩa đó, nhưng thiên đàng là nơi chốn chúng ta ao ước, vì có sự cai trị công nghĩa của Đức Chúa Trời được thể hiện hoàn toàn hơn là tình trạng hiện tại.

Vì không có sự trị vì của Đức Chúa Trời ở nơi đó, thì thiên đàng chẳng có nghĩa lý gì; sự ác sẽ tiếp tục hoành hành. Giống như rất nhiều người ước ao được đến thiên đường Mỹ-quốc, nhưng khi đã tới rồi thì vỡ mộng, vì tội ác vẫn lan tràn nhiều quá.

Vì thế, lời cầu nguyện trên là một lời cầu xin sự trị vì của Đức Chúa Trời đến trên đất, xin Ngài thể hiện vương-quyền tối thượng và quyền phép của Ngài, để loại trừ mọi thế lực chống lại sự công chính và quyền cai trị của Ngài; rồi chỉ có Chúa làm Vua cả thế gian.

Tuy nhiên, ý nghĩa của Vương-quốc Đức Chúa Trời trong Kinh-thánh không đơn giản chỉ có chừng đó. Vì quyền cai trị mà chẳng có một cõi nào để thi hành quyền cai trị ấy thì vô nghĩa; cho nên, Vương-quốc Đức Chúa Trời cũng là cõi mà dân sự Ngài được hưởng quyền cai trị của Ngài.

Nhưng về cõi ấy thì có nhiều chỗ Kinh-thánh nói là cõi mà hiện nay chúng ta được vào, chỗ khác thì nói là tương lai. Ví dụ những chỗ nói về Vương-quốc Đức Chúa Trời là cõi sống vĩnh cửu mà chúng ta sẽ được hưởng sau khi Đức Chúa Jesus tái lâm:

Thà chột mắt mà vào Vương-quốc Đức Chúa Trời, còn hơn là đủ cả hai mắt mà bị ném vào hoả ngục” (Mác 9:47), hay các câu (Mác 10:23,  14:25).

Trong khi đó, ở vài chỗ khác thì Vương-quốc là hiện tại và có thể vào bây giờ: “Khốn cho các ngươi, là các luật gia! Vì các ngươi nắm giữ chìa khoá của tri thức, chính các ngươi không vào nhưng lại ngăn trở những người khác muốn vào!” (Luca 11:52).

Vậy, nan đề của chúng ta để hiểu Vương-quốc Đức Chúa Trời là sự kiện có ba phương diện:

  1. Vài câu Kinh-thánh nói Vương-quốc Đức Chúa Trời là quyền cai trị của Ngài.
  2. Vài câu khác nói Vương-quốc Đức Chúa Trời là một cõi mà hiện nay chúng ta có thể vào để được hưởng ơn phước dưới quyền cai trị của Ngài.
  3. Các chỗ khác nữa thì nói về cõi tương lai sẽ đến sau khi Đức Chúa Jesus trở lại và chúng ta sẽ được vào để tận hưởng sự trị vì của Ngài.

Thế thì, Vương quốc Đức Chúa Trời nói về ba ý nghĩa khác nhau ở các câu Kinh-thánh khác nhau. Như ta thấy, về căn bản thì Vương-quốc Đức Chúa Trời là quyền cai trị của Ngài. Nhưng sự trị vì của Chúa thể hiện qua nhiều giai đoạn của lịch sử cứu chuộc.

Vì thế, con dân Chúa có thể vào cõi trị vì của Đức Chúa Trời biểu lộ qua các giai đoạn trưởng thành của đời sống tâm linh, và tuỳ theo mức trưởng thành của họ mà hưởng các ơn phước khác nhau dưới quyền cai trị của Ngài.

Như vậy, Vương-quốc Đức Chúa Trời là cõi của thời đại sẽ đến, mà chúng ta thường gọi là thiên đàng. Lúc đó, chúng ta sẽ tận hưởng các ơn phước của Vương-quốc Ngài trong sự toàn hảo của những ơn phước ấy đã hoàn thành đầy đủ.

Nhưng Vương-quốc Đức Chúa Trời cũng đang ở với chúng ta ngay bây giờ. Bởi vì cõi ơn phước thuộc linh của Chúa đang hiệu hữu và tất cả con dân Ngài đều có thể bước vào để hưởng các ơn phước thực tế của Vương-quốc Đức Chúa Trời; vì thế khi chúng ta cầu xin “Nước Cha được đến,” thì chúng ta cũng xin Ý Chúa được nên ngay bây giờ ở trên đất.

Và không có gì rõ hơn và hạnh phúc hơn cho chúng ta là khi Ý Chúa được hoàn thành trong Hội-thánh và trên đời sống chúng ta ngay trong thời hiện tại.

Để hiểu ý niệm về Vương-quốc Đức Chúa Trời đã đến, nhưng chưa hiện ra một cách rõ ràng cho nhân loại thấy, chúng ta hãy xem xét những lời phán của Đức Chúa Jesus khi người Pha-ri-si cho rằng Ngài nhờ quyền chúa quỷ mà trừ quỷ:

Nếu Ta nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời mà đuổi quỷ, thì Vương-quốc Đức Chúa Trời đã đến với các ngươi rồi. Hay là, làm thế nào người ta có thể cướp tài sản của nhà một người có sức mạnh nếu trước hết không trói người ấy lại? Phải trói người ấy lại rồi mới cướp nhà người được” (Mathiơ 12:28–29).

Nghĩa là dựa trên quyền cai trị của Vương-quốc Đức Chúa Trời đã đến trên đất, Đức Chúa Jesus đã trói Satan tê liệt và đuổi các quỷ dưới quyền hắn ra khỏi những người bị chúng ám.

Khi Luca ký thuật: “Phao-lô ở trọn hai năm tại một nhà thuê, ông tiếp đón mọi người đến thăm mình, giảng về Vương-quốc Đức Chúa Trời, và dạy về Chúa là Đức Chúa Jesus Christ(Công vụ 28:30–31), thì Tân-ước xác nhận Vương quốc Đức Chúa Trời đã đến qua Đức Chúa Jesus, dù nay chưa rõ, nhưng tương lai sẽ thấy.

Tân-ước trưng rất nhiều bằng chứng về tương lai của Vương-quốc Đức Chúa Trời. Các sách Phúc-âm đều ký thuật về sự trở lại của Đức Chúa Jesus và sự thiết lập quyền cai trị sau cùng của Đức Chúa Trời trên trần gian (Mathiơ 25:31–34).

Sách Khải-huyền mô tả Vua của các vua và Chúa của các chúa sẽ trở lại trần gian để phán xét các dân tộc (Khải 19:11–16); nghĩa là có một thời điểm đã được định trước để Vương-quốc Đức Chúa Trời thể hiện hoàn toàn trên trần gian.

Như vậy sự giảng dạy của Tân-ước về Vương-quốc Đức Chúa Trời thể hiện qua hai phương diện: Quyền cai trị và cứu độ của Đức Chúa Trời thiết lập trên người nào tiếp nhận ơn cứu chuộc của Ngài qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus; và Vương-quốc ấy sẽ xuất hiện một cách vinh quang với dấu kỳ và phép lạ vào ngày tận thế.

Vương-quốc Đức Chúa Trời đã xâm nhập lịch sử nhân loại qua thân vị và thánh vụ của Đức Chúa Jesus để đánh bại điều ác và giải thoát loài người ra khỏi quyền lực của nó, rồi đem người tin Ngài vào những ơn phước dưới quyền cai trị của Đức Chúa Trời; chuẩn bị sẵn một Hội-thánh vinh diệu gồm người thuộc nhiều thế hệ, các dân tộc, các thứ tiếng nói, là những người đã được thánh hoá bởi Đức Thánh Linh, để làm một dân tộc thánh xứng đáng được vào sống trong Vương -quốc Đức Chúa Trời, khi Đức Chúa Jesus trở lại thế gian tiếp rước Hội thánh của Ngài. Lúc ấy, Vương-quốc Đức Chúa Trời sẽ xuất hiện rõ ràng để mọi mắt đều trông thấy.

Tuy được biết và hưởng vô số ơn phước Chúa, chúng ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu để hiểu biết một cách rõ ràng về Vương-quốc Đức Chúa Trời đã đến trong lòng chúng ta như thế nào.

VuongQuocDCT03.docx
Rev. Dr. CTB