Lê-vi-ký, bài 16

Lê-vi-ký 24:1–23

Bố cục của đoạn Kinh-thánh có bốn phần rõ ràng: 1) Luật về thắp đèn trong gian thánh Đền Thờ (1–4), 2) Luật về bánh cung hiến (5–9), 3) Luật về hình phạt đối với tội phạm thượng hoặc phỉ báng Đức Chúa Trời (6–16, 23), và 4) Luật về việc phân xử các sự thiệt hại do người gây ra cho người khác (17–22).

Đoạn nầy nằm chen giữa các mệnh lệnh về các ngày lễ lớn trong năm ở đoạn 23 với các lệnh liên quan tới năm sa-bát và năm hân hỉ ở đoạn 25.

Trái với nhận xét của một số học giả cho rằng vị trí của nó không hợp lý, nhưng đoạn nầy được đặt ở đây vì nó trình bày các mệnh lệnh có liên quan đến các nghi lễ trong đền thánh; nghi lễ là mục đích mà hai đoạn 23 và 25 trình bày.

Đèn ở đây là chân đèn bảy nhánh bằng vàng ròng được Đức Chúa Trời chỉ dẫn kỹ lưỡng cho Môi-se trên núi Si-na-i (Xuất 25:31–39). Nó được đặt ở vách phía Nam của gian thánh, đối diện với bàn trưng bày bánh cung hiến (Xuất 40:24–25).

Cả bảy ngọn đèn trên đầu bảy nhánh đều phải thắp bằng dầu olive ép nguyên chất, do toàn thể cộng đồng dân Israel thay nhau cung cấp (1–2). Nghĩa là toàn dân Israel cùng nhau có nhiệm vụ giữ cho đèn phải cháy luôn. Việc phải giữ cho đèn luôn luôn cháy được nhắc tới ba lần (2–4).

Đèn rất cần phải cháy sáng luôn, vì bên trong của đền thánh không có chút ánh sáng nào từ bên ngoài lọt vào, do vách và nhiều lớp màn che bao bọc hai gian thánh và chí thánh. Đèn soi sáng cho các thầy tế lễ thấy đường để làm nhiệm vụ của họ.

Đặc biệt là A-rôn phải giữ cho đèn luôn cháy sáng vào ban đêm (3), lúc chẳng người nào thức.

Các thầy tế lễ cũng phải nướng mười hai ổ bánh làm bằng bột lọc, bột của mỗi ổ nặng hai ô-me, tức là hơn hai ký-lô. Người thời ấy chưa có khuôn chữ nhật để nướng bánh, nên bánh thường có hình tròn và dẹt.

Như vậy đường kính mỗi ổ bánh thì rộng và hơi dầy. Nếu xếp thành hai hàng thì mặt bàn không đủ chỗ; cho nên, hai hàng nghĩa là hai chồng bánh, mỗi chồng sáu ổ bánh chất lên nhau (5–6).

Giữa hai chồng bánh, hoặc ở hai phía đầu bàn, có hai chén nhỏ bằng vàng để đựng nhũ hương, mỗi chén cho một chồng bánh.

Việc rắc “nhũ hương nguyên chất để tượng trưng cho việc dâng bánh, như một tế lễ dùng lửa dâng lên Đức Giêhôva” (7) nghĩa là sẽ chỉ đốt nhũ hương để tượng trưng như một tế lễ dùng lửa, chứ không thiêu ổ bánh nào hết.

Vì bánh được đem trưng bày trong gian thánh, nơi cấm dùng men, nên chắc chắn phải là bánh không men.

Mỗi ngày sa-bát, A-rôn phải thường xuyên sắp xếp các ổ bánh nầy trước mặt Đức Giêhôva thay cho dân Israel như một giao ước đời đời” (8). A-rôn, hoặc những thầy tế lễ thay thế ông sau nầy, phải thay bánh mới mỗi tuần một lần vào ngày sa-bát.

Bánh cũ thì dùng làm thức ăn cho các thầy tế lễ, họ phải ăn tại một nơi thánh vì đó là phần rất thánh dành cho họ từ các tế lễ dùng lửa dâng lên Đức Giêhôva (9). Ý nghĩa của bánh cung hiến là quan trọng vì nó tượng trưng cho giao ước đời đời giữa dân Israel với Đức Chúa Trời. Đồng thời bánh ấy là lương thực nuôi dưỡng các thầy tế lễ, những người thi hành chức vụ trong đền thờ. Như vậy chân đèn bảy nhánh và bàn bày bánh cung hiến đều có ý nghĩa sâu xa.

Chúng đều được làm hoặc được bọc bằng vàng ròng và ở trong gian thánh của đền thờ, và chúng đều phải được chăm sóc hàng ngày hay hàng tuần.

Trong cả hai trường hợp, toàn thể hội chúng Israel đều phải có bổn phận cung cấp vật phẩm để duy trì chức năng của đèn và bàn bày bánh cung hiến. Họ phải chu cấp đủ dầu thắp đèn và bột làm bánh cung hiến.

Điều nầy giúp chúng ta thấy một nguyên tắc rất quan trọng cả trong Cựu-ước lẫn Tân-ước: Linh vụ cần phải được hỗ trợ bằng vật chất. Đúng vậy, linh vụ vẫn luôn cần có sự yểm trợ bằng thể chất, bởi vì cả hai đều có liên quan đến nhau.

Mặc dù một Hội-thánh có thể làm chủ một cơ sở nhà thờ, không cần phải thuê mướn, nhưng vẫn luôn phải có đủ tài chánh để chi phí cho rất nhiều nhu cầu sinh hoạt về tiện ích, bảo trì, in ấn, thông công, truyền giáo, vv.

Nhiều nhà thờ đóng cửa vì thiếu tài chánh cho các chi phí tối thiểu. Vì vậy, phải có vật chất mới hỗ trợ được linh vụ của Hội-thánh. Một nơi cố định để sinh hoạt thờ phượng đòi hỏi phải có thu nhập đều đặn. Sự dâng hiến của con dân Chúa chính là sự hỗ trợ cho linh vụ của Hội-thánh.

Phần thứ ba của đoạn nầy nói về một cậu trai, con của một người đàn bà Israel thuộc chi tộc Đan, nhưng cha là người Ai-cập. Dù tuổi của cậu trai không được nói đến, nhưng vì cậu ta đủ lớn để đánh nhau với một người Israel, thì cậu không còn là một đứa trẻ (10). Trong lúc đánh nhau thì cậu nầy xúc phạm và nguyền rủa Danh Đức Giêhôva (11).

Trước đây, Đức Chúa Trời đã trao cho Môi-se hai bảng đá có chữ do chính ngón tay Ngài viết Mười Điều Răn, trong đó có điều răn thứ ba cấm không được lạm dụng đến Danh Chúa, có nghĩa là không được xúc phạm hay dùng Danh Chúa nói chơi, thề thốt hoặc nguyền rủa. Mười Điều Răn đã được phổ biến cho mọi người ở dưới chân núi Si-nai-i (Xuất 20:7).

Sự xúc phạm nầy chứng tỏ đứa con có cha không phải là người Israel thì xem thường các luật lệ Chúa đã truyền, và có vẻ rằng cha mẹ nó chẳng kính sợ Đức Chúa Trời nữa.

Người ta nhốt nó vào ngục cho đến khi ý muốn của Đức Giêhôva được bày tỏ rõ ràng” (12). Tuy điều thứ ba của Mười Điều Răn đã nghiêm cấm không được lạm dụng Danh Chúa, nhưng về hình phạt đối với người vi phạm ra sao thì không thấy đề cập tới.

Qua cách giải quyết của người Israel trong việc nầy, người ta thấy họ không hấp tấp quyết đoán mà chờ Môi-se cầu hỏi ý muốn của Đức Chúa Trời.

Chúa đã trả lời rằng phải đem kẻ nguyền rủa đó ra bên ngoài trại quân. Mọi người nào đã nghe nó nói, tức là làm chứng chuyện ấy thật có xảy ra, thì phải đặt tay trên đầu nó, rồi toàn thể hội chúng phải xử tử kẻ phạm tội bằng cách ném đá (13–14).

Từ biến cố đặc biệt nầy, Chúa đã bày tỏ cho Môi-se biết ý muốn Ngài và bảo ông phải truyền lại với toàn dân Israel rằng mọi kẻ xúc phạm đến Danh Chúa đều phải bị xử tử, bất luận ngoại kiều hay dân bản xứ (15–16).

Nhân dịp nầy thì luật phân xử các sự thiệt hại cũng được rao ra (17–22). Đó là hai nguyên tắc căn bản về hình phạt: Thứ nhất là hình phạt xứng hợp với tội đã phạm. Nghĩa là hình phạt không áp dụng một cách cứng ngắt mà tuỳ theo mức độ trầm trọng của lỗi phạm. Tội nặng bị phạt nặng, tội nhẹ thì phạt nhẹ.

Đức Chúa Trời công chính đã dạy cho dân Israel nguyên tắc về công lý, mà người ta đã áp dụng sau nầy trong các hệ thống luật pháp của xã hội dân chủ. Nguyên tắc ấy thì khác hẳn các nền luật pháp đương thời áp dụng án tử hình cho mọi trường hợp.

Đối với Cựu-ước thì tội phạm đến tôn giáo và gia đình là trầm trọng, còn các vi phạm kinh tế thì nhẹ hơn. Cho nên tội sát nhân phải bị xử tử, nhưng đánh chết một con vật của người khác thì bị bồi thường một con vật như vậy (17–18); gây thương tích cho người sẽ phải bị thương tích giống như thế (19–20).

Nguyên tắc thứ nhì là sự áp dụng hình phạt thì bình đẳng, bất kể chủng tộc, vai vế xã hội hay tình trạng kinh tế tài chính của người phạm lỗi.

Mặc dù cậu trai phạm tội là con của mẹ người Israel, nhưng người cha là Ai cập, thì vẫn bị xem là ngoại kiều. Vì luật áp dụng cho cả người bản xứ lẫn ngoại kiều, nên cậu trai đó vẫn phải bị hình phạt theo luật do Đức Chúa Trời đã định.

Thời bấy giờ, các dân tộc quanh vùng áp dụng luật pháp của họ tuỳ theo chủng tộc và vị trí xã hội của người có tội; vì thế, dân Israel giam giữ cậu trai để chờ hỏi ý muốn của Đức Giêhôva.

Khi Chúa trả lời, thì luật công chính của Đức Chúa Trời áp dụng bình đẳng cho mọi người, không kể chủng tộc hay địa vị xã hội gì cả. Trên thế gian, không hề có một luật pháp nào theo nguyên tắc công chính như vậy.

Thời Hội-thánh Tân-ước cũng áp dụng công lý đặt trên hai nguyên tắc công chính căn bản từ thời Cựu-ước đối với các biện pháp kỷ luật trong Hội-thánh.

Tuy nhiên, trước khi quyết định một kỷ luật nào, nguyên tắc hoà giải và yêu thương sẽ được áp dụng (Mathiơ 18:15–20; Galati 6:1–2). Nếu người phạm lỗi không chịu ăn năn, thì sẽ bị loại trừ (Mathiơ 18:17; 1Côrinhtô 5:2).

Mặc dù Hội thánh Tân-ước không xử tử hình người không ăn năn, nhưng quyết định của Hội-thánh khai trừ một ai đó có nghĩa là dành cho Đức Chúa Trời xử người ấy, có thể là Ngài giao cho satan hành hại hoặc giết chết người không chịu ăn năn. Tội xúc phạm Danh Chúa không phải là tội nhẹ.

Leviky16.docx
Rev. Dr. CTB