Tìm Biết Ý Chúa, bài 14

1 Các Vua 2:1–4

Vị vua thứ nhì của vương quốc Israel, David, là một người được Đức Chúa Trời kể là đẹp lòng Ngài (Công vụ 13:22).

Sử sách và Kinh-thánh không ghi chi tiết về mối liên hệ gần gũi với Chúa trong thời niên thiếu của David, nhưng nhiều bài thơ do ông sáng tác, ở các giai đoạn khác nhau trong đời, chứng tỏ ông có mối liên hệ thân mật và gắn bó với Đức Chúa Trời rất lâu dài; rồi hành động nhảy múa công khai, đón mừng Rương thánh không cần giữ thể diện, trước mặt đoàn dân đông đảo, đã chứng tỏ rằng ông gần gũi với Chúa từ khi còn là một thiếu niên chăn bầy chiên của cha mình. Và đó là nguyên nhân ông được Chúa đẹp lòng.

Bầu không khí tâm linh của triều đại David tràn đầy sự kính sợ Đức Chúa Trời, còn sự bảo vệ của Ngài cho dân tộc Israel thì rất rõ ràng. Lúc Solomon lên ngôi vua Israel, ông được thừa hưởng một vương quốc tràn đầy ơn phước thiêng liêng, có sự bảo vệ thần hựu của Đức Chúa Trời và một di sản thuộc linh tốt đẹp nhất từ cha mình.

David đã chọn Solomon nối ngôi mình từ khi Solomon còn thơ ấu, mặc dù ông có nhiều con trai từ nhiều bà vợ khác nhau;

Kinh thánh không ghi rõ lý do tại sao ông chọn Solomon. Có thể là vì Bátsêba, mẹ của Solomon, là bà vợ được David sủng ái nhất, nên ông hứa sẽ truyền ngôi cho con trai của bà (1Vua 1:17, 30).

Lời hứa truyền ngôi nầy có thể chứng minh qua sự lo sợ của Bátsêba cho tính mạng của hai mẹ con, khi hoàng tử Adonijah tự xưng vương vì thấy vua cha đã quá già yếu sắp qua đời (1Vua 1:11, 21).

Nhưng về sau qua tính cách khiêm nhu của Solomon, khi ông chỉ cầu xin Chúa ban cho ông sự khôn ngoan để cai trị Israel, người ta có thể thấy được ảnh hưởng của vua cha David trên tân vương là rất lớn.

Mọi ảnh hưởng của người cha trên con cái xuất phát từ nội dung những lời giáo huấn và cách truyền đạt những nguyên tắc trong các thông điệp mà người cha muốn truyền cho con mình.

David hiểu tầm quan trọng của sự truyền đạt tất cả các niềm tin, giáo lý và những luật lệ quan trọng có tính cách sống còn, cho đứa con mà ông sẽ truyền ngôi từ khi nó còn thơ ấu. Vì nếu ông đã làm được như vậy, thì đến lúc già đứa con sẽ không lìa bỏ con đường nó đã học từ nhỏ (Phục Truyền 6:4–9, 20).

Về sau, những châm ngôn do Salomon viết đều do tiếp thu tinh thần tin kính Đức Chúa Trời từ cha mình. David đã truyền đạt cho Solomon những nguyên tắc vô cùng quan trọng của Lời Đức Chúa Trời.

Lịch sử đã cho biết mọi sự cao sang, quyền quý, vinh quang, khôn ngoan, và giàu có của triều đại Solomon, thời cực thịnh xưa nay của lịch sử vương quốc Do-thái, đều là kết quả của lời cầu xin đầy khiêm tốn của Solomon.

Tuy Kinh-thánh cho biết Solomon được Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan và giàu sang nhất trong lịch sử; nhưng lý do khiến ông được ban phước là lòng kính sợ Chúa mà ông thừa hưởng từ vua cha David.

Từ chuyện tích trên, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quan trọng và vô cùng quý báu cho bước đường theo Chúa của chúng ta. Bởi vì tín hữu chỉ trở nên các Cơ-đốc-nhân hiệu quả cho Hội-thánh của Chúa và ích lợi cho tương lai cao quý của mình khi hiểu biết và áp dụng thành công các nguyên tắc giúp mình trưởng thành trong đời sống đức tin.

Mà các nguyên tắc đó chỉ có thể tìm được qua ý muốn của Đức Chúa Trời đã trình bày trong Kinh-thánh. Vì vậy qua chuyện tích thời khởi đầu của triều đại Solomon, chúng ta hãy so sánh:

Như Solomon có một tính cách hơn người, có lời cầu xin đẹp lòng Đức Chúa Trời, vì đã được David truyền đạt những niềm tin, giáo lý, luật lệ quan trọng có tính cách sống còn, trong một môi trường kính sợ Đức Chúa Trời và tràn đầy ơn phước thiêng liêng thì:

Tín hữu cũng chỉ có thể được trưởng thành vững vàng khi được dạy dỗ ở một Hội-thánh chuyên tâm bước theo căn bản Lời Chúa, bước theo các nguyên tắc đức tin căn bản đúng với Kinh-thánh và có các sinh hoạt thật sự giúp tín hữu trưởng thành.

Điểm thứ nhì là những tín hữu ấy cần được nuôi dưỡng và thật sự kinh nghiệm các phước hạnh thuộc linh ở một Hội-thánh có sự hiện diện của Chúa trong sinh hoạt của Hội-thánh, trong các bài học Kinh-thánh, trong các bài giảng, trong người chăn bầy, trong bầu không khí thuộc linh thuận lợi;

Hội thánh ấy thật sự được hưởng các phước hạnh từ tâm linh đến vật chất, Hội thánh có nhiều anh chị em tín hữu chân thành yêu mến và kính sợ Đức Chúa Trời, cũng là một tập thể hết lòng yêu thương nhau.

Các điểm nầy là vô cùng quan trọng, chẳng những đối với tương lai của Hội-thánh mà còn là cực kỳ quan trọng đối với sự tăng trưởng tâm linh của tín hữu.

Bởi vì nếu Đức Chúa Trời mà chúng ta thờ kính là một Chân Thần, thì quyền năng biến đổi tâm linh, quyền phép chữa lành bệnh tật, quyền phép giùm giúp bảo vệ, vv., cũng phải thật sự diễn ra, không phải lời hứa hão, điều tưởng tượng.

Vì hầu hết các tín hữu có tình trạng tâm linh bạc nhược là do chưa thực sự kinh nghiệm quyền năng của Chúa trong đời sống họ.

Điểm thứ ba, như vua Solomon tiếp nhận mọi điều vua cha dạy dỗ và truyền đạt; rồi áp dụng vào đời sống đức tin, nên ông được cha chọn nối ngôi và được Đức Chúa Trời ban ơn cách dồi dào;

Thì tín hữu nào chịu học, vâng phục sự dạy dỗ của Kinh-thánh, trung tín với Chúa, sẵn sàng phục vụ Chúa và phục vụ anh chị em mình, xem công việc nhà Chúa là bổn phận của mình, sẽ được Chúa ban cho ân tứ, trao phó nhiệm vụ quan trọng vì Ngài xét người đó xứng đáng và tin cậy được.

Vậy thì, nếu ai đã theo đạo lâu năm mà chưa khi nào được Chúa ban cho các ân tứ đặc biệt, cũng chẳng bao giờ được kinh nghiệm sự thăm viếng của Đức Thánh Linh hay từng trải quyền phép của Ngài trên đời sống mình, thì hãy biết rằng nếp sống tâm linh bạc nhược, không trung tín là thủ phạm gây ra sự thiếu sót.

Điểm thứ tư, như Solomon phải được trang bị từ khi còn thơ ấu, để khi được truyền ngôi vua, ông mới có đủ sự khôn ngoan và lòng kính sợ Đức Chúa Trời trong việc cai trị đất nước, thì tín hữu phải được trang bị mọi kiến thức cần thiết về Kinh-thánh và sự hiểu biết rõ ràng giáo lý, các nguyên tắc sống đạo, các vấn đề tâm linh, từ lúc còn là một tín hữu non nớt, thì mới có thể vững vàng bước đi trên thiên trình thánh hoá.

Như vậy, nếu có cơ hội lựa chọn một nơi trở thành gia đình tâm linh của mình, tín hữu phải chọn Hội-thánh địa phương và hệ phái nào có dấu hiệu là môi trường nuôi dưỡng thuộc linh tốt và hữu ích.

Anh chị em cần nhận xét xem chỗ ấy có thể trang bị những kiến thức cần thiết cho mình hay không? Những bài giảng, bài học Kinh-thánh có được Đức Thánh Linh xức dầu đem đến ích lợi cho mình, hay chỉ là các lời hùng biện chẳng phải đến từ Chúa?

Hơn nữa, Hội-thánh ấy có tạo các điều kiện thuận lợi cho tín hữu được trang bị để trưởng thành tâm linh, để trở thành người hữu dụng cho nhà Chúa hay không? Nếu Hội-thánh ấy có đủ các điều kiện như vừa nói, thì nơi ấy là một chi thể có khả năng truyền đạt sức sống thật của Đức Chúa Jesus cho con dân Ngài.

Mặt khác, nếu tín hữu được ở trong một Hội thánh có các sinh hoạt quý báu như vậy, mà lâu ngày vẫn không trưởng thành nổi, thì nan đề không phải là nơi chốn hay tổ chức dở, mà nguyên nhân nằm trong thái độ lơ là của tín hữu đối với sự sống tâm linh của mình, nên những người ấy đã bỏ qua các cơ hội trang bị tốt cho bản thân.

Thời gian chúng ta sống trên đời thì quá ngắn ngủi. Sau khi qua đời, mọi người đều phải khai trình về trách nhiệm của mình và các cơ hội tuyệt diệu mà Đức Chúa Trời đã đưa đến, nhưng bị ta bỏ lỡ. Thế giới nầy rồi cũng sẽ bị tiêu tan.

Chúng ta sẽ trả lời Chúa ra sao khi phải đến trình diện Ngài? Hãy tận dụng cơ hội mà Chúa đã ban cho chúng ta.

Hãy chịu khó học hỏi và rèn luyện một nếp sống được sự hiện diện của Chúa trong một môi trường thờ phượng và kính sợ Ngài.

Hãy lìa bỏ thứ tâm tính thờ ơ với các vấn đề đức tin. Hãy tỉnh táo để nhận biết tình trạng tâm linh mình đang ra sao.

Hãy quyết tâm sửa đổi thì Đức Thánh Linh sẽ rờ chạm đến con người bề trong và ban những ơn phước đặc biệt. Hãy lập quyết định để về sau sẽ không bị hối tiếc.

TimBietYChua14.docx
Rev. Dr. CTB