Tìm Biết Ý Chúa, bài 17
Mathiơ 6:6
Đức Chúa Jesus phán: “Hãy xin, sẽ được, hãy tìm, sẽ gặp, hãy gõ cửa, cửa sẽ mở ra” (Mathiơ 7:7). Nhiều tín hữu chưa hiểu rõ ý nghĩa lời phán của Chúa, vì số lần cầu nguyện không được đáp lời thì nhiều hơn số lần được Chúa nhậm. Người ta cũng không biết lý do nào mà họ không nhận được điều họ chân thành cầu xin.
Trong lời dạy về sự cầu nguyện, Đức Chúa Jesus bảo hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, cầu xin với Đức Chúa Cha, là Đấng ở trong nơi kín nhiệm (Mathiơ 6:6).
Nhưng mỗi khi con dân Chúa ngày nay quỳ xuống cầu nguyện, thì nỗi khó khăn lớn nhất là làm thế nào sắp xếp tư tưởng mình cho có thứ tự và loại trừ những thứ suy nghĩ vẩn vơ. Vì lúc ấy chúng ta phải chiến đấu dẹp bỏ các ý nghĩ từ chuyện nọ xọ chuyện kia. Cuộc chiến đấu khó nhất lúc đó là tập trung tư tưởng để thoát ra khỏi các ý nghĩ lung tung đang diễn ra trong trí não.
Người ta chỉ cầu nguyện được khi có thể tập trung tư tưởng. Vì khi bắt đầu cầu nguyện thì các ý nghĩ lang thang bắt đầu quấy phá. Tâm trí chúng ta có nhiều sự lo toan hoặc bị ảnh hưởng bởi nhiều việc xảy ra trong ngày.
“Đóng cửa lại” có nghĩa là quyết tâm gác qua một bên những suy nghĩ riêng tư do tác động của công việc, tư tưởng hay tình cảm, mà tập trung nghĩ đến Đức Chúa Trời, bước vô cõi kín nhiệm yên tĩnh của tâm linh ta với Ngài. Đấng ở nơi kín nhiệm nhìn chúng ta từ “chỗ kín đáo” của Ngài; không phải theo cách người khác nghĩ về ta, hoặc cách ta tự đánh giá về mình.
Chỉ khi nào chúng ta loại trừ được âm thanh ồn ào của đủ thứ lo toan, tình cảm của mình, thì lúc ấy mới thật sự cầu nguyện được với Đấng ở nơi kín nhiệm.
Đức Chúa Trời không thể nhậm lời cầu nguyện của người không biết mình đang cầu xin cái gì. Không phải vì Chúa không biết các nhu cầu của chúng ta. Ngài muốn người có nhu cầu phải nói điều họ muốn cầu xin.
Lúc còn ở trên đất và giảng dạy khắp xứ Giu-đê, khi có người đến cầu xin cứu giúp, Đức Chúa Jesus hỏi: “Con muốn Ta làm gì cho con?” (Mác 10:51). Nghĩa là người cầu xin phải nói rõ điều họ cần.
Ngày nay cũng vậy, ai cầu xin với một tâm trạng mơ hồ, không biết mình muốn được điều gì, thì sẽ chẳng nhận được chi hết. Mà muốn định rõ điều mình đang cần, thì phải chú ý tập trung sắp xếp tư tưởng có thứ tự để định rõ các nhu cầu cấp bách nhất. Vì thế, phải ‘đóng các cửa’ nào có thể chi phối luồng suy nghĩ của tâm trí mình.
Hầu như ai cũng nhớ lời Đức Chúa Jesus dạy “Có ai trong các ngươi khi con mình xin bánh mà cho đá hay xin cá lại cho rắn chăng?” (Mathiơ 7:9–10).
Nhưng khi cầu nguyện thì ít người để ý tới mối liên hệ Cha con giữa mình với Chúa. Nghĩa là ít nghĩ tới thực trạng mình đang là đứa con ngoan hay vẫn cư xử như kẻ thù của Ngài. Như sứ đồ Phaolô buồn rầu tiết lộ: “Tôi phải khóc mà nói nữa, có nhiều người sống như kẻ thù của thập tự giá Đấng Christ” (Philíp 3:18).
Nếu nếp sống hàng ngày trong cách cư xử của mình đối với người trong gia đình hay hàng xóm, láng giềng, mà khiến cho người ta coi thường hay khinh bỉ tín đồ Tin Lành, thì người ấy đúng là kẻ thù của thập tự giá Đấng Christ.
Những người như thế phải bằng lòng nhận sự cáo trách của Đức Thánh Linh, Đấng muốn giúp biến đổi con người bề trong của hồn và linh mình, tức là chịu thay đổi tính tình, thì mới mong những lời cầu nguyện và các nhu cầu của mình được Chúa nhậm.
Anh chị em hãy hiểu rằng mối liên hệ Cha con giữa chúng ta với Chúa là mối liên hệ qua lại hai chiều. Chúng ta luôn cầu xin Chúa ban phước lành trong đời sống có vô số nhu cầu. Chúa thì sẵn sàng ban cho con cái Ngài, nhưng Ngài trông chờ những đứa con mà Ngài yêu thương bày tỏ tình yêu kính mến đối với Cha trên trời.
Bạn chỉ có thể trở thành con của Đức Chúa Trời và nhận được mọi quyền lợi của địa vị làm con khi được Đức Thánh Linh tái sinh, do bạn thật lòng tiếp nhận Đức Chúa Jesus vào làm Chủ đời sống. Rồi bạn phải duy trì địa vị ấy bằng cách tiếp tục bước đi trong ánh sáng của Ngài (1Giăng 1:7).
Sau đó biểu lộ tình yêu thương kính mến Chúa bằng tâm tính đã được đổi mới bởi quyết tâm vâng phục sự hướng dẫn, dạy dỗ, khuyên lơn, sửa phạt, và cáo trách của Đức Thánh Linh qua Kinh-thánh và các bài học hàng tuần ở Hội-thánh.
Có nhiều người rất chủ quan trong cách sống mỗi ngày liên quan tới lãnh vực tâm linh mình. Điểm thứ nhất là tưởng rằng chẳng ai thấy được việc mình làm hay các ý nghĩ trong chỗ riêng tư. Thứ nhì là hi vọng chắc Chúa sẽ tha thứ cho ý tưởng xấu hoặc hành động sai trật mà mình chưa bao giờ ăn năn hay từ bỏ. Ba là tin rằng mình sẽ kịp ăn năn trước khi lìa đời.
Ngoài ba ý nghĩ lầm lẫn vô cùng sai trật đó, còn có thêm hàng chục ý nghĩ chủ quan sai trật khác nữa. Chúng là những lý do khiến cho mọi lời cầu xin của họ chưa bao giờ bay lên tới trần nhà!
Kinh-thánh nói: “Đừng tự dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống gì sẽ gặt giống ấy” (Galati 6:6).
“Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình. … Nếu có ai tưởng mình tin đạo mà không kềm giữ lưỡi mình, nhưng tự dối lòng, thì sự tin đạo của người ấy thật vô ích” (Giacơ 1:22, 26).
Đối với một số tín hữu thì cầu nguyện chỉ đơn giản là những ngôn ngữ tôn giáo tầm thường; họ chẳng để ý lời cầu xin có được nhậm hay không.
Tình trạng đó có nghĩa là ít người chú ý vào nếp sống thánh khiết mà Chúa đòi hỏi, để mọi lời cầu nguyện của mình được Ngài lắng nghe và ban cho.
Nan đề suy nghĩ lầm lẫn nầy vẫn có từ xưa: “Anh em … không biết rằng Đức Chúa Trời nhân từ để đưa anh em đến sự ăn năn sao?” (Rôma 2:4b).
Nếu các nguyên tắc Chúa dạy trở thành thói quen cư xử mỗi ngày của chúng ta, thì chúng sẽ là nền tảng cho một nếp sống thánh khiết và công nghĩa.
Muốn vậy, anh chị em phải biết rõ các nguyên tắc ấy để tập luyện và ứng dụng bằng cách dự các buổi học Kinh-thánh hàng tuần mà Hội-thánh đã tạo điều kiện cho mọi người đều có thể học được. Thế mà số người tới lớp rất lưa thưa. Khi trình diện Chúa quý vị sẽ nói sao đây?
Nhu cầu học Kinh-thánh để nắm vững các nguyên tắc căn bản là rất cấp bách; bởi vì lời cầu nguyện có hiệu quả hay không, thì không dựa trên bài cầu nguyện hùng hồn hay văn chương chữ nghĩa, mà dựa trên nếp sống thánh thiện đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Vì vậy đừng chần chờ hay lười biếng nữa. Cơ hội được học lời Chúa một cách có hệ thống và được giải nghĩa cặn kẽ không phải lúc nào cũng có sẵn; nếu không chịu dự các buổi học hiện có, thì đến lúc hối tiếc đã quá trễ.
Ai không thể tới học tại lớp vẫn có thể theo dõi các buổi broadcast trên websites của Hội-thánh và YouTube. Nhưng có bao nhiêu người hứa nguyện với Chúa là sẽ quyết tâm học Lời Ngài?
Cách hiểu biết về sự cầu nguyện của chúng ta không giống như quan điểm của Kinh-thánh. Chúng ta cầu nguyện để xin được ban cho những điều chúng ta mong ước. Nhưng quan điểm của Kinh-thánh về mục đích của sự cầu nguyện là để chúng ta có cơ hội biết thêm về Đức Chúa Trời khi Ngài nhậm lời cầu xin: “Hãy cầu xin đi, các con sẽ được, …” (Giăng16:24).
Thói quen cầu nguyện không phải là điều bình thường của đời sống con người. Nếu không cầu nguyện, người ta sẽ chẳng thấy khổ sở gì. Nhưng nếu một con cái Chúa không cầu nguyện, thì ‘sự sống của Con Đức Chúa Trời’ ở trong người đó sẽ phải chịu khổ; sự sống ấy khoẻ mạnh hay không chẳng phải nhờ thực phẩm nhưng bằng sự cầu nguyện.
Khi ta được tái sinh, sự sống của Con Đức Chúa Trời được sinh ra trong ta. Nhưng sự sống ấy bị bỏ đói hay khoẻ mạnh là do ta quyết định đối xử với sự sống của Con Đức Chúa Trời ra sao. Cầu nguyện là cách nuôi dưỡng sự sống ấy.
Chúa đặt chúng ta trong thế gian không phải để chứng minh cho người đời biết Ngài là ông thần đáp lời cầu xin các ơn phước nầy nọ, nhưng để chúng ta trở nên những mẫu mực huy hoàng, sau khi đã nhận ơn cứu rỗi, mà Chúa có thể hãnh diện.
Các mẫu mực ấy sẽ rạng ngời qua sự cầu nguyện đầy hiệu quả, là kết quả của những đời sống quyết tâm thực hành sự cứu rỗi.
Tức là bày tỏ sự thánh thiện của Đức Thánh Linh qua cách sống hàng ngày của chúng ta, những người đã kinh nghiệm được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Thánh Linh tái sinh, quyết tâm đồng nhất với Đức Chúa Jesus trong sự chết và sự sống lại của Ngài, và giữ sự cầu nguyện tương giao để nuôi dưỡng sự sống của Con Đức Chúa Trời trong ta. Cách sống đó là bí quyết để mọi lời cầu nguyện sẽ có hiệu quả.
Hãy quyết tâm duy trì một đời thánh khiết thì sẽ loại trừ được những ý nghĩ lang thang, đóng được cửa phòng riêng, để lời cầu nguyện luôn luôn hiệu quả.
TimBietYChua17.docx
Rev. Dr. CTB