Tìm Biết Ý Chúa, bài 19
Galati 6:7–8
Nền móng của đời người là kết quả hay hậu quả, vừa thừa hưởng từ tổ phụ, vừa do những hành vi trong quá khứ và hiện tại của cá nhân chúng ta tạo thành.
Đối với các tín hữu sau khi nhận ơn cứu độ từ Đức Chúa Trời, tâm linh được đổi mới qua sự tái sinh, thì thân thể vẫn y như cũ, còn tánh tình trong phần hồn phải được rèn luyện qua thời gian để đời sống được thánh hoá dần dần.
Ơn cứu độ chỉ giải thoát người tin khỏi hình phạt của tội lỗi chứ chưa giúp người ấy được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi. Vì mặc dù được xưng công chính nhưng chúng ta vẫn sống giữa thế giới đầy gian xảo và vẫn thường phạm tội, tội lỗi chưa bị vĩnh viễn loại trừ khỏi đời sống.
Bởi vậy, dù đã được trở thành con cái Chúa, thì biến cố đó không tự động huỷ bỏ các món nợ vật chất lẫn tâm linh mà tín hữu vốn có. Chúng ta còn phải làm nhiều việc để giải quyết quá khứ của con người cũ lúc chưa được tái sanh; tức là giải quyết nền móng cũ mà mình vốn sống trên đó.
Lúc ấy chúng ta phạm tội, sống dưới quyền của vua cầm quyền chốn không trung, chiều theo và thoả mãn các đòi hỏi của xác thịt (Êphêsô 2:1–3).
Những tâm tánh xác thịt như: không kiên nhẫn, giận dữ, tự ái, ganh ghét, ích kỷ, ưa cãi cọ, lười biếng, nói quá nhiều, tình dục vô luân, tham lam, dối trá, gian xảo, vv., vẫn cai trị trong lòng tân tín hữu. Một số người còn bị sự nghèo túng, bệnh tật, chồng/vợ/con trong cõi linh, và các sự nguyền rủa khác đeo đuổi.
Hiểu biết vấn đề nầy là rất hữu ích để chúng ta có được một tâm linh khoẻ mạnh, sống đời thanh sạch, hạnh phúc và thành công. Châm ngôn 11:9b chép: “Người công chính nhờ tri thức mà được cứu khỏi.” Chúng ta cần biết gì?
“Giê-hô-va là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, dư dật ân huệ và thành thực… nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội. và nhân tội tổ phụ phạt con cháu đến ba bốn đời.” (Xuất Ai-cập 34:6–7).
Như thế, ngoài nền móng cũ thừa hưởng từ tổ phụ, còn có nền móng do chính chúng ta tạo ra. Nó là hậu quả của những hành vi hoặc lời nói có ý thức hoặc không ý thức; nó có thể là những lời thề độc, những lời hứa hão hay hứa thật, các hành động vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, các giao ước đã lập có ý thức [hoặc không ý thức] với thế giới tối tăm.
Nghề nghiệp cũ, thờ hình tượng, quá khứ sùng bái tôn giáo cũ, nếp sống tình dục buông thả/vô–luân/loạn–luân, phản bội vợ/chồng, bất hiếu bất nghĩa, tham dự các hoạt động tà thuật, bị cha mẹ dâng cúng cho quỉ, sát nhân/làm đổ máu, nghiện ngập rượu/ma tuý/ thuốc lá, biển lận tiền của, gian xảo, độc ác, tham lam, biếng nhác, ăn ở dơ dáy, vv…
Những thứ đó là các loại nền móng nằm khuất bên dưới bề mặt, khiến cho đời sống đạo và cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của các người đó bị ảnh hưởng trầm trọng trong thời hiện tại.
Nền móng tâm linh là vấn đề khó thấy vì không thể xem xét bằng mắt. Nếu các vấn đề tâm linh là minh bạch và dễ hiểu thì tín hữu không cần được ban linh của sự khôn ngoan và khải thị từ thiên đàng (Êphêsô 1:17–18; Côlôse 1:9–10).
Như đã nói ở trên, ngoài những gì bị thừa hưởng từ nhiều đời tổ tiên, nền móng của đời sống tâm linh mà từng người đang xây dựng hôm nay là hậu quả của những hột giống xấu ác, tội lỗi, sai lầm, bất nghĩa; hoặc là một nền móng tốt do kết quả của các việc thánh thiện, công nghĩa mà mình đã gieo trong quá khứ.
Các hột giống xấu có thể là quan điểm, tư tưởng, ý kiến, não trạng (mindset), hành động, hay quyết định của chính mình. Galati 6:7 chép rằng: “Đức Chúa Trời không chịu bị khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi sẽ gặt giống ấy.”
Một thực tế rất cụ thể ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của chúng ta, mà nhiều người mắc phải nhưng vẫn hoàn toàn mù loà về việc ấy. Đó là não trạng, hay gọi là tình trạng tâm lý tự gán lên chính mình.
Hễ bất cứ việc gì mình đinh ninh là sẽ không thể làm được, thì ý nghĩ ấy chiếm hữu và làm tê liệt ý chí của mình trong lãnh vực đó. Bởi vì trí óc của mình sẽ kịch liệt chống trả bất cứ ý nghĩ nào của chính mình hay lời khuyên của người khác liên quan tới việc mà mình đã tin rằng chắc chắn không làm được.
Đối với người chưa tin Chúa thì chẳng có gì đáng nói, nhưng đối với các tín hữu, thì điều đó là sự bộc lộ một nền móng không có đức tin. Vì khi những người ấy nhát sợ không dám làm điều rất bình thường trong cuộc sống, mà tuyệt đại đa số người khác, dù dốt nát ít học hơn họ, vẫn làm được dễ dàng, thì họ tự nghĩ mình đúng và không tin Đức Chúa Trời có thể giúp họ thay đổi tình thế. Giữ não trạng sai trật như thế chẳng khác nào lấy cỏ làm móng xây nhà.
Có nền móng vững chắc là do các đời ông bà, cha mẹ và chính mình đã vâng lời Chúa theo đuổi điều thiện, tránh xa điều ác.
Nhưng nếu ai xuất thân từ gia đình đã nhiều đời thờ lạy hình tượng, thờ ma lạy quỷ, hay có các đời tổ phụ đã tạo ra những điều bất nghĩa, oan trái, hay tội lỗi chống nghịch đức công nghĩa của Đức Chúa Trời.
Hoặc chính quá khứ đầy tội lỗi và gian ác của chúng ta vẫn chưa công khai từ bỏ trước mặt ma quỷ bằng sự thành thật ăn năn, thì chúng là nền móng hư lún của chúng ta hiện nay làm sụp đổ mọi điều mình cố gắng xây dựng kể từ ngày tin Chúa.
Con cái Chúa nên thường xuyên nhắc nhở chính mình đừng phạm các tội tình dục vô luân, là thứ tội mà nhiều người đã phạm trong quá khứ và có thể đang phạm trong hiện tại, những ai chủ động ly dị chồng hoặc vợ mình để lấy người khác, mà không phải vì lý do ngoại tình, thì đều bị mắc phải thứ nền móng tai hại đó (Mathiơ 5:32; 19:9). Ai mê xem phim ảnh khiêu dâm cũng vậy.
Người ta thường lập giao ước với ma quỷ mà không ý thức việc mình làm. Những lời khẩn cầu và hứa nguyện với các loại ‘thần thánh giả mạo’ của những đạo lạc là những giao ước mà tà linh, tà thần ở thế giới tối tăm không bao giờ bỏ qua khi người ấy trở lại tin Chúa.
Sự cố ý phạm tội, của tín hữu có ông bà, cha mẹ là người tin Chúa, cũng có thể là một lời kết ước vô tình thành lập với thế giới tối tăm mà không biết; nhất là những lời hứa hão để gạt gẫm người khác. Hành vi đó sẽ quay lại theo đuổi trọn đời người lập lời hứa ấy, nó sẽ là nguồn gốc của mọi thất bại trên thương trường, trong sinh hoạt cá nhân và của gia đình nữa.
Có phải khi người ta tin Chúa thì được hoàn toàn đổi mới, như vài bài giảng đã dùng (2Côrinhtô 5: 17) để quả quyết? Hoặc các bài giảng dùng (Galati 3:13) để bác bỏ sự thừa hưởng hậu quả việc làm của tổ tiên bị luật pháp Đức Chúa Trời nguyền rủa?
Nếu thân và hồn của tín hữu chưa được đổi mới trong thực tế sau quyết định quy đạo, mà hồn còn cần phải đi qua một tiến trình được thánh hoá để thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, thì cái nền móng cũ của đời ta, là nguyên nhân khiến chúng ta thường phạm tội, phải bị phá huỷ để thiết lập nền móng mới có thể nâng đỡ đời sống thánh hoá vũng vàng.
Còn Galati 3:13 là nền tảng và là quà tặng mà Đức Chúa Jesus đã thiết lập và ban tặng cho ai nhận, để tín hữu có thể tiếp nhận món quà ấy, rồi dựa trên nền tảng đó mà trừ diệt các hậu quả của những lời nguyền rủa mà chúng ta bị thừa hưởng từ tổ tiên hoặc từ giao ước với các kẻ thù.
Sự tiếp nhận ơn cứu rỗi không phải là một bảo đảm rằng mọi sự rủa sả sẽ tự động bị đình chỉ khi chúng ta được tái sanh, bởi vì thân và hồn của con người cũ vẫn còn đó, các giao ước mà người quy đạo đã lập với thế giới tối tăm trước kia chưa bị chính thức, công khai huỷ bỏ.
Chính vì thế mà sự hi sinh chịu chết của Đức Chúa Jesus đem đến vô số ơn phước tuyệt hảo cho người nào tiếp nhận trong sự hiểu biết rõ ràng ơn hi sinh ấy. Vô số ơn phước ấy là những gì?
Ngoài nhiều ơn phước tuyệt vời mà người đạt tới đời sống tâm linh trưởng thành sẽ nhận qua các ân tứ của Đức Thánh Linh, thì có vài ơn phước căn bản mà người tin Chúa sẽ lần lượt nhận được đầu tiên là:
Sự tha tội, sự tái sinh, ơn cứu rỗi, và ơn cứu chuộc; trong đó ơn cứu chuộc liên hệ tới sự giải quyết nền móng xấu, thì ít khi được quan tâm đầy đủ. Vì chưa hiểu tầm quan trọng của ơn nầy, người ta tưởng rằng nó nằm trong món quà trọn gói.
Tân tín hữu không thể nào biết hết mọi tội lỗi mình đã phạm để chân thành ăn năn khi cầu nguyện tiếp nhận Chúa. Do đó, họ không thể biết rõ hiệu quả của ơn cứu chuộc để vui mừng tiếp nhận, nên kẻ thù của linh hồn loài người vẫn tiếp tục theo đuổi các giao ước mà người quy đạo đã lập với chúng trước kia.
“Đấng Christ đã chuộc chúng ta ra khỏi sự rủa sả của luật pháp khi Ngài chịu rủa sả thế cho chúng ta.” Ngài chỉ có thể chuộc người nào biết mình sẽ được chuộc ra khỏi điều gì và vui mừng tiếp nhận ơn cứu chuộc ấy.
Món quà vô giá đó vẫn chưa phát huy hiệu quả của nó khi người quy đạo chưa nhận nó cho riêng mình để áp dụng. Muốn biết cách áp dụng phải không? Hãy theo dõi bài học kỳ tới!
TimBietYChua19.docx
Rev. Dr. CTB