Dân-số-ký, bài 11

Dân-số-ký 16:1–50

Không ai biết các biến cố trong đoạn nầy xảy ra vào lúc nào và ở đâu. Người ta nghĩ rằng nó diễn ra trong các năm đầu tiên khi dân Israel phải đi lòng vòng trong hoang mạc. Có thể là khi họ đang đóng trại lâu dài tại Ca-đe sau khi do thám đất Canaan. Bởi vì không ai có thể âm mưu dấy loạn trong lúc di chuyển, vì không có cơ hội tập họp dân chúng ủng hộ mình.

Korah là chắt của Lê-vi, cùng Dathan, Abiram và Ôn, chắt của Reuben, rủ rê hai trăm năm mươi thủ lãnh khác nổi lên chống lại quyền lãnh đạo của Môi-se và A-rôn (1–2).

Các học giả tin rằng nguyên nhân chính khiến Korah bất mãn là vì cha của ông là Izhar, anh của Uzziel, nhưng Elizaphan, con của Uzziel, được cử làm trưởng gia tộc Kê-hát (3:30).

Còn Dathan, Abiram và Ôn cũng bất mãn vì ông tổ Reuben của họ bị truất quyền trưởng nam. Trong số hai trăm năm mươi thủ lãnh khác thì đa số là người Lê-vi bất mãn vì không được làm các chức vụ tế lễ, vì chỉ có gia đình A-rôn được chọn.

Ý muốn của Korah, trong lời tố cáo Môi-se, là đòi quyền làm thầy tế lễ thượng phẩm; còn số người Lê-vi kia tham gia nổi loạn để mong được chia phần chức vụ tế lễ (3, 10). Môi-se sấp mình trước mặt Đức Chúa Trời để cầu xin Ngài chỉ dẫn và minh oan cho ông (4).

Dathan và Abiram đã lui về trại khi Môi-se nói chuyện với Korah và các người Lê-vi kia. Buổi sáng là thời gian đã định để phân xử theo công lý. Môi-se cũng cho Korah và các đồng minh của ông ta có đủ thời gian sửa soạn các lư hương của họ.

Vì Korah và các người Lê-vi lãnh đạo kia muốn làm chức vụ tế lễ, nên Môi-se bảo họ cứ thử dâng hương, là nhiệm vụ mà chỉ thầy tế lễ mới được phép làm; nếu được Đức Chúa Trời chấp nhận sự dâng hương của họ, thì họ sẽ được dự phần chức vụ tế lễ. Tuy vậy, Môi-se cảnh cáo về hiểm hoạ của việc đòi hỏi nhiệm vụ mà Chúa không giao cho (5–11).

Khác với nhóm Korah muốn làm chức tế lễ, nhóm Dathan và Abiram thì đòi địa vị lãnh đạo tối cao, vì tổ phụ của họ là trưởng nam của Israel; vì vậy, họ không phục tùng lệnh Môi-se triệu tập để nói chuyện với họ. Hơn thế nữa, họ viện cớ nầy nọ để vu khống Môi-se (12–14).

Lòng phản trắc, tính tự cao và tự ái của con người luôn luôn dẫn họ tới các ý nghĩ và lời nói vô cùng sai trật. Vì để biện minh cho thái độ bất phục tùng của họ, Dathan và Abiram cáo buộc Môi-se chịu trách nhiệm về tình trạng bị lang thang trong hoang mạc. Thật ra, do thù ghét Môi-se vì không được giữ địa vị lãnh đạo tối cao, nên mấy người nầy tìm cớ để gây sự.

Dù đã nhiều lần chứng kiến hậu quả của những kẻ phản phúc bị Chúa trừng trị, nhóm người nầy tối mắt vì tính tự cao và tự ái của họ. “Môise giận lắm và thưa với Đức Giêhôva rằng: ‘Xin Chúa đừng chấp nhận tế lễ của họ nữa. Con không bắt một con lừa nào của họ và cũng không làm hại một ai trong bọn họ’” (15).

Để biết ai là người được Chúa chỉ định các chức tế lễ, Korah với nhóm Lê-vi nổi loạn, cùng với A-rôn sẽ dâng hương trước mặt Chúa (16–17). Nhóm Korah chuẩn bị lư hương và thúc đẩy hội chúng cùng họ chống lại Môi-se và A-rôn, nhưng vinh quang của Chúa hiện ra trước toàn thể hội chúng (18–19).

Trước đây, vinh quang Chúa hiện ra để đặt A-rôn vào chức tế lễ thượng phẩm (Lê-vi-ký 9:23–24), nay vinh quang ấy lại hiện ra khiến cho những kẻ phản loạn phải chột dạ; bởi vì kẻ có tội luôn khiếp đảm khi thấy vinh quang thánh xuất hiện.

Mặc dù một số đông người nghe theo kẻ phản bội, Môi-se và A-rôn vẫn luôn chứng tỏ là những người chăn bầy trung tín. Họ sấp mình trước Chúa để xin Ngài tha tội chết cho hội chúng (20–22).

Chúa bảo họ truyền cho hội chúng tránh xa khu vực Korah, Dathan và Abiram ở, tức là hướng nam của Đền Tạm (2:10; 3:29). Môi-se và các trưởng lão vâng lời bảo dân Israel tránh xa nhóm phản loạn để khỏi bị trừng phạt (23–26).

Dân chúng lúc nầy có lẽ hơi hoang mang vì kiểu lý luận của nhóm Korah, Dathan và Abiram, nên họ chờ xem tình hình ngã ngũ về phía nào. Nhưng khi nghe lệnh Môi-se bảo phải tránh xa để khỏi bị chết chung với nhóm tạo phản, thì họ vội tránh ra xa để khỏi bị vạ lây.

Nhưng Dathan và Abiram cùng với toàn gia quyến họ ra đứng nơi cửa trại với thái độ thách thức. Còn Korah và gia quyến của ông ta cũng đứng ở cửa trại của họ. Các lều nầy có lẽ gần nhau, dù Korah không thuộc về chi tộc Reuben, nhưng vì họ đều đóng trại ở phía nam của Đền Tạm (27).

Dấu hiệu mà Môi-se nói là đất sẽ hả ra nuốt nhóm phản loạn thì chưa bao giờ xảy ra. Nhưng Đức Chúa Trời thực hiện điều đó để xác nhận Ngài đã chọn Môi-se làm người lãnh đạo tối cao và gia đình A-rôn vào chức vụ tế lễ. Cả nhóm phản loạn bị đất hả miệng nuốt sống vì họ đã xúc phạm Đức Giê-hô-va (28–33).

Tuy vậy, một số con cháu Korah không bị đất nuốt; có lẽ vì họ không đồng lòng với Korah. Vì về sau, một số bài thơ và bài ca tụng Chúa của họ được xếp vào sách Thi Thiên.

Đám đông dân Israel đang đứng xem vội vàng chạy trốn tán loạn. Đó là những người chờ cơ hội xem gió ngả chiều nào thì theo chiều đó. Trong lúc đám đông kinh hoàng trốn chạy thì “một ngọn lửa từ Đức Giê-hô-va loè ra thiêu hoá hai trăm năm mươi người đã dâng hương” (34–35); vì thế đa số dân chúng không chứng kiến tai hoạ nầy.

Khi họ trở lại thì hai trăm năm mươi người muốn chia chác chức tế lễ đã bị lửa từ Chúa đốt chết. Mặc dù A-rôn cũng đứng chung với họ để dâng hương nhưng không bị thiêu chết.

Lư hương là một vật dụng thánh được biệt riêng để dâng hương lên Đức Giê-hô-va, tức là dâng vinh quang cho Ngài. Những người tự cao không hiểu đặc quyền dâng hương chỉ dành cho thầy tế lễ, làm công việc không do Chúa chỉ định nên bị chết cả hồn lẫn xác. Đức Chúa Trời không cho phép ai xâm phạm các chức vụ do Ngài chỉ định.

Bài học nầy nhắc chúng ta phải hết sức cẩn thận về vấn đề thánh khiết. Bởi vì Chúa ghê tởm sự dâng hương của những người đang phạm tội. Nhất là những lời cầu nguyện đang lúc phạm tội trong lòng hay trong tư tưởng.

Chúa truyền cho Môi-se hãy bảo thầy tế lễ Eleazar, con của A-rôn đi thu nhặt hết hai trăm năm mươi lư hương đã bị lửa thánh từ Đức Chúa Trời thiêu đốt. Sở dĩ A-rôn không được cử làm công việc nầy vì nếu ông đi lại giữa hai trăm năm mươi xác chết để thu nhặt các lư hương thì sẽ bị nhiễm ô uế. Mà A-rôn không được phép bị ô uế; vì vai trò thầy tế lễ thượng phẩm phải thanh sạch để dâng hương xưng tội cho dân chúng (36–38).

Thậm chí lửa trong lư hương bị thiêu hoá phải đem đổ nơi xa, không còn được dùng cho sự tế lễ được nữa. Các lư hương cũng vậy, chúng phải bị dát mỏng để bọc bàn thờ, là một dấu hiệu cảnh cáo dân chúng rằng: Vật dụng dù thánh nhưng đã bị người phạm tội dùng thì không còn dùng được nữa (39–40).

Ngày hôm sau, cả hội chúng Israel lại cằn nhằn chống Môi-se và A-rôn, cho rằng hai ông đã giết chết mấy người kia. Vì lo chạy trốn sợ bị đất hả ra nuốt sống, nên họ không chứng kiến cảnh lửa từ Chúa loè ra thiêu hoá hai trăm năm mươi người Lê-vi muốn làm thầy tế lễ. Nhưng nhìn về phía Lều Hội Kiến, họ thấy trụ mây bao phủ Lều và vinh quang Đức Giê-hô-va hiện ra nên chùn bước, vì Môi-se và A-rôn đã đến đứng chầu trước cửa Lều (41–43).

Chúng ta ngày nay thật không thể hiểu nổi lòng cố chấp và cứng cỏi của người Israel; dù đã tận mắt thấy sự trừng phạt của Chúa dành cho kẻ nổi loạn và ham muốn địa vị, mà họ vẫn muốn nổi loạn. Một lần nữa Chúa bảo Môi-se và A-rôn tránh xa hội chúng để Ngài tiêu diệt họ; nhưng hai người sấp mình xuống nài xin Chúa tha thứ cho dân (44–45). Tuy vậy, tai hoạ đã phát khởi giữa hội chúng rồi.

Môi-se bảo A-rôn phải vội vàng lấy lư hương bằng vàng của thầy tế lễ thượng phẩm, vì đó là chức vụ của A-rôn, bỏ lửa từ bàn thờ vào lư hương, rắc hương liệu để khói hương bay lên, tức là tiêu biểu cho lời cầu thay để làm lễ chuộc tội cho dân chúng (46).

Môi-se thường ngày tương giao với Đức Chúa Trời nên ông biết và nhìn thấy tai hoạ sắp đổ xuống trên hội chúng ngoan cố, cứng cổ và vội vàng bội bạc.

Vai trò của A-rôn ở thời điểm nầy là tượng trưng cho Đức Chúa Jesus về sau: Ông chạy tới chạy lui giữa hàng chục ngàn người đang ngã chết. Có nghĩa là ông đi giữa sự chết để cầu thay cho chúng dân. Đức Chúa Jesus thì nhận lãnh sự chết để nhân loại được tha tội.

Khi A-rôn “đứng giữa kẻ chết và người sống thì tai hoạ liền dừng lại” (47–48). Một hình ảnh thật đẹp của người cầu thay giữa cảnh chết chóc thê lương. Mười bốn ngàn bảy trăm người ngã chết chỉ trong chốc lát vì phạm tội phản loạn (49–50). Hãy cùng nhau suy gẫm bài học quý báu nầy.

Dansoky11.docx
Rev. Dr. CTB