Dân-số-ký, bài 15
Dân-số-ký 21:1–35
Thời điểm của chiến trận đánh bại vua Arad, người Canaan, đã diễn ra vào gian đoạn nào thì không xác định được. Negev nằm ở đầu phía nam của xứ Canaan và giáp với hoang mạc Zin, nơi Israel đóng trại lâu ngày. Con đường tên là Atharim (1) có tên khác là con đường do thám. Cũng không ai xác định được quân đội của Arad tấn công Israel vào lúc nào.
Xem xét kỹ các chi tiết và so sánh với vài phần khác, các học giả Kinh-thánh đều đi tới kết luận là chiến trận chỗ nầy không diễn ra trước một loạt chiến thắng khác của dân Israel trước khi tiến vào đất hứa. Hormah là địa danh nơi dân Israel bị người Amalek và Canaan truy đuổi và đánh tan tác trước đây (Dân số 14:45), vì thế, các học giả Kinh-thánh đặt nhiều nghi vấn về phân đoạn ngắn nầy (2–3); họ nghĩ rằng có lẽ nó phải nằm ở phần khác, vì áp dụng nó vào khoảng hành trình lúc bấy giờ thì không hợp lý.
Từ núi Hor, tức chỗ A-rôn qua đời, dân Israel không được phép băng ngang qua đất Ê-đôm để tới đồng bằng Mô-áp, họ phải đi vòng quanh biên giới xứ Ê-đôm, về phía đông nam hướng về Biển Đỏ. Nhưng trước khi tới Ezion-geber trên bờ Biển Đỏ, thì họ đã có thể theo một thung lũng quẹo sang hướng Bắc, không cần phải vượt rặng núi Seir hiểm trở dọc bên trái cuộc hành trình.
Bây giờ, họ phải đi qua vùng cát lún chân, lởm chởm đá nhằm mùa đông, mọi thứ đều hiếm hoi khiến dân chúng ngã lòng quay lại chống đối Đức Chúa Trời và Môi-se, công khai khinh thị bánh mana đã nuôi sống họ bao nhiêu năm qua, gọi đó là thứ đồ ăn đạm bạc (4-5).
Tính phản loạn vẫn tiềm ẩn trong một số người; nhưng khi người ta bộc lộ nó ra trong hoàn cảnh nguy nan thì sẽ gặp sự trừng phạt không lường trước được. Rắn lửa được Chúa sai đến cắn chết nhiều người (6).
“Dân chúng chạy đến Môi-se và nói: ‘Chúng tôi phạm tội vì đã xúc phạm đến Đức Giêhôva và ông. Xin ông kêu cầu Đức Giêhôva khiến rắn lìa xa chúng tôi.’ Vậy, Môi-se cầu nguyện cho dân chúng” (7).
Đức Chúa Trời bảo Môi-se hãy làm một con rắn lửa rồi treo nó lên cây sào. Ai bị rắn cắn mà nhìn nó thì sẽ được sống. Môi se vâng lời làm một con rắn bằng đồng rồi treo lên một cây sào, để người bị rắn cắn nhìn nó thì được sống (8–9).
Chuyện tích nầy được Đức Chúa Jesus nhắc lại, khi nói chuyện với Nicôđem, báo trước việc Ngài sẽ bị treo lên (Giăng 3:14–15), để ai tin Ngài thì được sự sống đời đời; giống như người Do-thái nhìn con rắn lửa bằng đồng bị treo trên cây sào vậy.
Con rắn có nọc độc tượng trưng cho tội lỗi dẫn người ta tới chỗ chết; đồng là tượng trưng cho sự đoán phạt. Con rắn đồng bị treo nghĩa là tội lỗi đã bị phạt, ai tin thì được sống.
Bài học nầy dạy mỗi con cái Chúa hãy hết sức cẩn thận về thái độ và lời nói bất mãn chống nghịch Chúa, hoặc là những tội lỗi mà mình không ngờ tới.
Thời ấy, dân Israel ăn năn lỗi lầm và được Môi-se cầu thay để Đức Chúa Trời ban cho biện pháp giải quyết. Tự con rắn bằng đồng ấy không có quyền lực gì cứu người ta khỏi nọc độc của rắn lửa, mà sự nhìn lên con rắn đồng đang bị treo trên cây sào là nhìn nhận tội lỗi mình đáng bị đoán phạt, nên người bị rắn cắn được sống; tuy vậy, người ấy vẫn phải bị nọc rắn hành hạ một thời gian.
Phép lạ con rắn đồng vẫn được dân Israel tôn trọng mãi. Gần 900 năm sau, vua Ê-xê-chia của Giu-đa mới đem nó ra đập vỡ nát, bởi “vì cho tới lúc đó, dân Israel vẫn xông hương cho nó, người ta gọi nó là Nêhutan” tức là tượng rắn (2Vua 18:4). Bài học dạy chúng ta chỉ có Chúa đáng được tôn thờ, đừng bám lấy phương pháp.
Kế đó, dân Israel ra đi và đóng trại từ chặng nầy tới chặng khác. Hành trình họ đi rất là gian nan. Các nhà nghiên cứu Kinh-thánh về lịch sử tuyển dân Israel đều nhận ra có những điểm nghi vấn, hoặc trùng lặp, hoặc không đồng nhất trong nhiều sự kiện lịch sử của ngũ kinh.
Cho tới nay thì hầu hết đều tin rằng ngũ kinh mà Kinh-thánh Do-thái còn lưu truyền tới khoảng thế kỷ 2 BC thì đã dựa trên bốn nguồn tài liệu chính được đặt tên là J, E, D, và P.
Tài liệu J được lưu truyền tới thời các vua dòng David ở nước Giu-đa phía nam, thì gọi Đức Chúa Trời là YHWH, người ta tin phát âm là YAWEH, mà các học giả người Đức đặt tên là tài liệu J, vì J của Đức ngữ tương đương với Y của Hebrew.
Tài liệu E gọi Đức Chúa Trời là Elohim, được vương quốc phía bắc lưu truyền cũng tới khoảng thế kỷ 7 BC.
Tài liệu D là tài liệu giáo huấn, giảng dạy có quan điểm tương tự như sách Phục-truyền-luật-lệ (Deuteronomic).
Tài liệu P (Priestly) liên quan tới chức tế lễ tại đền thờ chú trọng về việc thi hành các luật lệ, lễ nghi tôn giáo.
Sở dĩ có những nghi vấn đặt ra là vì những biến cố lịch sử trong hai đoạn 20 và 21 khó ghép thành một chuỗi suôn sẻ. Tuy vậy, các chặng đường từ 21:10 trở đi thì có thể xem như đã xảy ra khoảng các năm cuối của cuộc hành trình về đất hứa (10–13).
Quyển sách “Chiến Trận của Đức Giê-hô-va” (14), đã bị thất lạc từ đời nào không ai biết. Có người nghĩ rằng “sách Gia-sa” [Book of Jasher] (Giô-suê 10:13b), và sách “Chiến Trận của Đức Giê-hô-va” là một.
Những chặng đường Israel đi và dừng lại đóng trại là đường vòng phía đông biên giới xứ Ê-đôm mà Đức Chúa Trời cấm không cho Israel giao chiến hay xâm chiếm. Vì vậy, dọc đường di chuyển của họ ven biên giới có các thành nhỏ của dân Ê-đôm, thì Israel mua thực phẩm và nước uống của dân ấy (15).
Bê-e (Beer) là nơi dân Israel phải đào giếng để lấy nước uống, vì thế họ hát: “Hỡi giếng hãy tuôn nước lên! Hãy hát mừng giếng nước! Giếng mà các vua chúa đã khai, các quý tộc của dân Chúa đã đào bằng vương trượng và cây gậy mình!” (16–18).
Từ đó họ tới Mattanah, qua Nahaliel rồi đi đến Bamoth, tới thung lũng trong vùng Mô-áp, lên trên đỉnh núi Pisgah nhìn xuống hoang mạc Jeshimon của Mô-áp (19–20).
Tới đây, muốn tiến về phía Tây để vào đất hứa thì dân Israel phải đi qua các vương quốc nhỏ của người A-mô-rít. Môi-se vẫn chủ trương ‘tiên dụng lễ, hậu dụng binh,’ tức là xin phép đi qua đàng hoàng. Nếu dân A-mô-rít tỏ ra thù địch và tấn công, thì Israel sẽ tiêu diệt họ.
Vua Si-hôn không cho Israel đi ngang qua xứ mình mà tập họp toàn quân tiến đánh Israel từ phía hoang mạc. Quân đội của ông ta bị đánh bại và bị tiêu diệt. Israel chiếm lãnh thổ đầu tiên từ khi ra khỏi Ai-cập (21–26). Họ không đánh Am-môn vì Đức Chúa Trời cấm họ giao chiến với Am-môn (Phục-truyền 2:19).
Trước đây Sihon là một vị vua cường thịnh, vua nầy đã đánh bại một vua Moab tại Heshbon rồi chiếm toàn xứ. Nhưng sau khi vua Sihon bị đánh bại thì một thi nhân đã sáng tác bài thơ ca ngợi sự giúp sức của Đức Chúa Trời. Bài thơ nói rằng dù Sihon hùng mạnh và đã đánh bại vua Moab và dân Chemos, nhưng Israel đã bắn tên, đã tiêu diệt từ Heshbon tới Dibon, tàn phá Nophah lan tới Medeba (27–30).
Dù chiếm xong xứ nầy, Israel vẫn sống tạm ở đó vì mục tiêu đất hứa vẫn còn ở phía Tây sông Jordan (31). Trong khi ở nơi ấy, Môi-se sai người do thám Jaazer, chiếm các làng mạc của họ và đánh duổi dân A-mô-rít ra khỏi vùng nầy (32).
Nói rằng Israel quay trở lại và đi lên hướng Bashan, tức là lên hướng bắc, thì không có nghĩa là toàn thể dân chúng đều đi. Vì khi quân Israel tiến chiếm Jaazer thì có lẽ họ đã chạm trán quân của vua Og. Og và toàn quân ra dàn trận tại Edrei.
Sở dĩ Đức Chúa Trời phải giục lòng Israel dạn dĩ giao chiến (33–34), vì Og là hậu duệ của giống người khổng lồ. Quân của Og cũng có nhiều gã khổng lồ đã đánh bại các dân tộc trước ở đó và chiếm xứ họ. Bây giờ Đức Chúa Trời bảo Môi-se “Đừng sợ, vì Ta đã phó nó, quân đội và đất của nó vào tay con” (34). Môi-se đã kinh nghiệm lời hứa thành tín của Đức Chúa Trời và quyền năng của Ngài. Ông truyền cho quân Israel tấn công.
“Vậy, dân Israel đánh bại Og, các con trai và toàn quân của hắn, không để một người nào sống sót. Và dân Israel chiếm đất đai của vua Og” (35).
Từ chỗ nầy, Israel không còn than phiền chống đối Đức Chúa Trời và Môi-se về nước uống hay đồ ăn nữa. Mặc dù mỗi ngày họ đều sống nhờ bánh mana mà Chúa vẫn cung cấp cho họ.
Khi đã thắng trận, bình an và no đủ, người ta lại dễ thất bại về những sự cám dỗ khác. Chúng ta sẽ dần dần nghiên cứu các bài học đó.
Dansoky15.docx
Rev. Dr. CTB