Dân-số-ký, bài 23
Dân-số-ký 33:1–56
Từ ngày dân Israel rời xứ Ai-cập cho tới ngày họ chuẩn bị vượt sông Jordan chính thức tiến vào đất hứa, thì họ đã được Đức Chúa Trời bảo vệ, gìn giữ và cung ứng bằng các phép lạ rõ ràng trong suốt cuộc hành trình.
Môi-se ghi lại từng chặng đường trong cuộc hành trình của dân chúng theo lệnh của Đức Chúa Trời. Môi-se phải ghi lại cuộc hành trình ấy để làm một sử liệu lưu truyền cho đời sau về quyền phép kỳ diệu của Đức Chúa Trời đã thi thố để bảo tồn nòi giống Israel, hậu duệ của Áp-ra-ham mà Chúa đã hứa sẽ ban phước. Sử liệu nầy chẳng những dùng để dạy dỗ các thế hệ tương lai của Israel, mà còn là bài học về hình bóng vô cùng chính xác của linh trình mọi con cái Chúa ở mọi thời đại.
Bốn mươi năm lang thang tới bốn mươi hai chỗ đóng trại khác nhau trải qua bốn mươi hai chặng đường trong hoang mạc. Có vài chỗ họ dừng lại đóng trại lâu ngày, còn hầu hết các chỗ khác họ chỉ tạm dừng chân một thời gian ngắn (1–2).
Ngày họ khởi hành một cách hùng dũng từ Ramse để ra khỏi Ai-cập trước mắt những người vốn là chủ của họ. Người Ai-cập đang khiếp đảm trước tai hoạ nhà nào cũng có người và thú vật bị chết, vì Đức Chúa Trời phán xét các thần của họ (3–4).
Thần của người Ai-cập là nhiều loại thú vật mà họ thờ. Tất cả con đầu lòng của những loài thú đó cũng bị giết chết chung với các con đầu lòng của người Ai-cập; cho nên, Đức Chúa Trời đã dùng biến cố nầy để bày tỏ cho người Ai-cập biết rằng các thần mà họ thờ chẳng có quyền lực hay giá trị gì hết. Chỉ có Đức Chúa Trời của dân Israel mới là thần tối cao có quyền làm mọi việc kinh thiên động địa theo ý Ngài mà thôi.
Bản ký sự ghi chép cuộc hành trình không nhằm chỉ ghi lại các địa danh họ đã đi qua, mà ghi lại mọi sự kiện đáng nhớ để lưu truyền cho hậu thế rằng: Đức Chúa Trời đã cung ứng lương thực và gìn giữ hàng triệu người Israel trong suốt bốn mươi năm, qua các hoang mạc trơ trọi nắng cháy.
Chương nầy là một bản tóm tắt ôn lại các cuộc hành trình của Israel đi qua hoang mạc mênh mông cực kỳ khắc nghiệt, một lịch sử đáng ghi nhớ.
Giai đoạn đầu tiên là các chặng đường từ Ai cập tới thời đóng trại khá lâu ngày ở hoang mạc dưới chân núi Si-nai-i (5–15). Giai đoạn ấy dù dài hơn một năm, nhưng phần lớn thời gian là ở hoang mạc Si-nai-i để nhận lãnh luật pháp ban phát từ chính Đức Chúa Trời qua Môi-se truyền đến dân Israel.
Giai đoạn thứ nhì là từ khi rời khỏi hoang mạc Si-nai-i cho tới lúc đóng trại tại đồng bằng Moab. Thời gian của giai đoạn nầy kéo dài tới ba mươi tám năm; không phải vì đường xa nhưng vì Đức Chúa Trời dẫn họ đi lòng vòng giữa các hoang mạc cho đến chừng những người cuối cùng phạm tội với Chúa, tức là những người từ hai mươi tuổi trở lên khi ra khỏi Ai-cập, bị chết hết, thì Israel mới được dẫn vào đất hứa (16–49).
Bản ghi chép ở phần nầy nhanh chóng liệt kê các địa danh nối tiếp nhau. Ba mươi chỗ đã hạ trại, nhưng có chỗ ở rất lâu ngày như ở Kadesh-barnea. Vì bản ký sự ghi tới mười tám điểm hạ trại giữa núi Horeb với Kadesh-barnea, trong khi quãng đường núi Seir từ Horeb tới Kadesh chỉ mất mười một ngày đường (Phục truyền 1:2); cho nên, có thể rằng phần ký thuật nầy nói về chuyến tới Kadesh trước đây (Phục-truyền 1:19; Dân-số 13:26).
Họ rời hoang mạc Si-nai-i vào tháng thứ nhì của năm thứ nhì (Dân-số 1:1), và tới Kadesh-barnea ở hoang mạc Zin, một phần của hoang mạc Paran, nơi giáp ranh vùng đồi núi của người Amorite, mà mười hai thám tử được sai đi dọ thám vùng đất họ phải chiếm. Hoặc có thể là chuyến tới Kadesh lần thứ nhì (Dân-số 20:14), lúc vua Edom không cho phép Israel đi ngang qua lãnh thổ của họ; sau khi lang thang ba mươi tám năm dài trong hoang mạc.
Sở dĩ trong thời gian ba mươi tám năm ấy họ phải trở lại những chỗ đã ở khi trước vì nhu cầu đồng cỏ cho bầy súc vật của họ. Lần nầy thì họ tới Hor và A-rôn qua đời (16–39).
Theo lần ký thuật trước đây thì dân Israel bị vua Aras từ Negev, xứ Canaan, tấn công khi họ đang ở tại núi Hor. Nhưng người Canaan bị Israel phản công và tiêu diệt (Dân-số 21:1–3). Từ nơi đó dân Israel lần lượt di chuyển và đóng trại tại bảy nơi trước khi hạ trại ở đồng bằng Moab (40–49).
Hai biến cố rất lớn đã xảy ra ở giai đoạn nầy là nạn rắn lửa cắn nhiều người chết (Dân-số 21:4–9), và đàn ông Israel bị đàn bà Ma-đi-an cám dỗ phạm tội quỳ lạy và ăn đồ cúng thần tượng, khiến mười bốn ngàn người ngã chết trong tai hoạ bị Chúa trừng phạt (Dân số 25:1–15). Sau đó họ đánh bại dân Mađian và đuổi hết người Amorite ra khỏi khu vực Ga-la-át.
Từ đây, Israel được dặn dò rằng họ phải đuổi tất cả dân bản địa ra khỏi xứ Canaan, phá huỷ hết tượng chạm, triệt hạ hết các nơi thờ tự mà người Canaan xây dựng trên đồi cao, và phân chia đất cho tất cả các chi tộc Israel (50–54). Rồi Chúa cảnh cáo:
“Nếu các con không đuổi hết dân bản địa đi, thì các dân mà các con còn để lại sẽ như gai trong con mắt và như chông nơi hông các con. Chúng sẽ theo quấy nhiễu các con trong đất mình đang ở. Rồi đến lúc Ta cũng sẽ đối xử với các con như Ta định đối xử với chúng vậy” (55–56).
(Phần sau đây là diễn giải lời bình và dạy dỗ của học giả Kinh-thánh Matthew Henry). Quan sát lịch sử bốn mươi năm dân Istael lang thang trong hoang mạc, so với lịch sử dài của cả dân tộc Israel, thì bốn mươi năm ấy thật ngắn ngủi, nhưng tất cả các diễn biến trong cuộc hành trình của họ từ khi ra khỏi Ai-cập, đều tượng trưng cho linh trình của tín hữu ở mọi thời đại.
Trên đường về đất hứa, dân Israel phải di chuyển luôn; họ không thể dừng lại định cư ở bất cứ chỗ nào trong hoang mạc mênh mông khủng khiếp mà họ phải đi qua để tiến về miền đất hứa. Giống như tình trạng chúng ta hiện nay đang ở trên thế gian; chúng ta không tìm được quê hương hay thành nào là bền vững mãi mãi, cũng không thể tìm được xã hội bình yên nào sẽ không hề thay đổi, mà phải chấp nhận đời sống biến đổi luôn, như từ hoang mạc nầy qua hoang mạc khác.
Israel cũng bị dẫn đi tới đi lui lòng vòng trong hoang mạc, nhưng họ đều được dẫn đường bởi trụ mây ban ngày và trụ lửa ban đêm. Chính Đức Chúa Trời đã dẫn đưa họ đi lòng vòng như vậy, vì Ngài biết đó là con đường đúng.
Cách Đức Chúa Trời dẫn đưa con cái Ngài đến với Ngài luôn luôn là con đường tốt nhất; mặc dù chúng ta thường không thấy đó là con đường tốt và thuận lợi nhất cho mình. Bởi vì ai cũng chỉ mong sớm đạt được mục đích, không cần trải qua sự rèn luyện khó nhọc. Đức Chúa Trời thì biết rõ sự rèn luyện nào là cần thiết và thời gian bao lâu là tốt nhất cho sự rèn luyện ấy.
Những việc cũ phải được nhắc lại để chúng ta nhớ rõ sự cung ứng của Đức Chúa Trời cho chính mình, gia đình và đất nước mình. Có rất nhiều trường hợp Ngài ban sự săn sóc thiên thượng, để dẫn đưa, nuôi nấng, và gìn giữ cho chúng ta được bình yên.
Mỗi lần chịu khó hồi tưởng lại cuộc đời mình, chúng ta sẽ thấy sự nhân từ của Chúa, mặc dù chúng ta có rất nhiều lúc tỏ thái độ vô ơn và không vâng lời. Đức nhân từ của Ngài khiến chúng ta không có cớ gì để bào chữa cho tội lỗi mình.
Giống như dân Israel không khi nào muốn trở lại các chặng đường gian khổ, thì chúng ta cũng chẳng muốn trở lại những giai đoạn trong đời mình đã trải qua. Nhất là không ai muốn phạm lại tội ác hay lỗi lầm mình đã phạm phải trong quá khứ, mà hi vọng rằng nếu có dịp làm lại, mình sẽ lợi dụng cơ hội làm việc lành mà mình đã bỏ lỡ.
Khi cuộc hành trình ở trần gian sẽ tới hồi chấm dứt, và cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta đã được định chắc chắn, không còn thay đổi, thì giờ khắc được ở trong sự dìu dắt của Chúa bây giờ là quý báu biết bao! Hãy dẹp bỏ mọi sự than phiền về bước đường theo Chúa hiện nay có nhiều gian nan.
Như dân Israel đang vui sướng đứng bên nầy sông Jordan nhìn qua miền đất hứa ở bờ sông bên kia, họ hiểu rằng thời kỳ khổ nhọc nhất đã qua rồi; thời gian được yên nghỉ ở một quê hương đượm sữa và mật đang chờ đón; vì Đức Chúa Trời đã dẫn dắt họ đến giai đoạn nầy.
Những ai đã được Đức Chúa Trời dạy dỗ và dẫn dắt lâu nay, sẽ hạnh phúc biết bao khi nhận được vinh quang vĩnh cửu của Ngài. Chúng ta hãy tận dụng cơ hội chạy đến ẩn náu trong sự hi vọng mà Chúa đặt trước mặt chúng ta.
Hãy lợi dụng thì giờ Chúa ban để dâng vinh quang cho Ngài và phục vụ thế hệ mình đang sống. Bởi vì Đức Chúa Trời sẽ đưa chúng ta vào Vương-quốc vĩnh cửu của Ngài, an toàn vượt qua mọi tai hoạ sẽ xảy ra trên thế giới.
Dansoky23.docx
Rev. Dr. CTB