Dân-số-ký, bài 24
Dân-số-ký 34–36
Trước khi tiến vào đất hứa, Đức Chúa Trời bảo Môi-se nói cho dân Israel biết rõ ranh giới vùng đất Chúa ban cho họ làm sản nghiệp (1–2).
Nhiều địa danh có tên trong Kinh-thánh thời đó bây giờ đã thay đổi hay không còn nữa. Vì thế, thời nay khó định địa điểm trên bản đồ một cách chính xác.
Về ranh giới phía nam thì tương đối rõ ràng (mặc dù cách hành văn của bản Việt ngữ hiệu đính khiến người đọc lầm lẫn) (3). Không phải là ranh giới ấy chạy từ cuối Biển Chết về hướng đông, mà là lấy chỗ tận cùng của Biển Chết ở hướng đông hoang mạc Zin làm chuẩn, để từ đó chạy về hướng Tây vòng theo triền phía nam của dãy núi Akrabbim, qua một số chỗ mà Israel đã từng đóng trại, rồi chấm dứt ở Địa Trung Hải là ranh giới phía Tây của đất hứa (4–6).
Chúa định ranh giới phía Nam để Israel không được chiếm đất mà Chúa ban cho người Ê-đôm, dòng dõi của Ê-sau, bà con chú bác rất gần với Israel (Phục Truyền 2:4–5).
Về ranh giới phía Bắc thì ngày nay không ai tìm được một số địa danh được nêu tên, như tên núi Hor ở chỗ nầy (7), thì không phải là núi Hor gần Kadesh-barnea ở hoang mạc Zin, nơi A-rôn qua đời (Dân-số 20:22–28). Có người nghĩ rằng có lẽ tên núi ấy là Hermon ở khá xa về hướng đông so với Địa Trung Hải.
Nếu lấy biên giới Lebanon để định thì không ai biết “lối vào Hamath” là ở đâu. Nhưng nếu kiếm địa danh Hamath nằm về phía đông bắc thành Damascus của Syria, thì khó được chấp nhận, vì lãnh thổ của Israel chưa bao giờ lấn xa về phía Bắc như vậy.
Cho nên, về vấn đề nầy thì các học giả nghĩ rằng đúng là Đức Chúa Trời có xác định biên giới phía bắc cho Israel bao gồm cả vùng núi Lebanon và một phần nước Syri sau nầy, nhưng dân Israel không chiếm nổi các miền ấy nên vùng đất đó chưa bao giờ thuộc lãnh thổ của Israel (8–9). Lập luận đó căn cứ trên Ezekiel 47:15–17, là biên giới tương lai của Israel, ít nhất có hai địa danh được nói tới.
Ranh giới phía đông thì chạy từ đầu nguồn của sông Jordan xuyên qua hồ Cinnereth, mà Tân ước gọi là hồ Galilê hay Tiberias, rồi thẳng xuống Biển Chết (10-12). Như thế, vùng đất hứa dành cho Israel là một mảnh đất nhỏ; chiều dài khoảng 150 dặm và bề ngang là 50 dặm. Nhưng là một vùng đất rất trù phú sẽ được chín chi tộc rưỡi bắt thăm chia với nhau, vì hai chi tộc rưỡi đã giành phần đất phía đông sông Jordan cho họ rồi (13–15).
Không phải mọi người lãnh đạo của mười hai chi tộc Israel sẽ cùng nhau phân chia đất, nhưng Đức Chúa Trời chỉ định hai người lãnh đạo cao cấp nhất là thầy tế lễ Eleazar và Giô-suê chịu trách nhiệm chọn một người cho mỗi chi tộc cùng với hai người lãnh đạo đứng ra phân chia sản nghiệp cho dân Israel (16–29).
Về người Lê-vi thì theo lệnh của Đức Chúa Trời từ trước là họ sẽ không được chia phần sản nghiệp như các chi tộc khác (Dân số 18:20–21), nhưng sẽ được cấp cho thuế một phần mười do dân Israel nộp để sinh sống; tuy vậy, họ vẫn cần có nhà để ở, cho nên Đức Chúa Trời truyền cho dân Israel rằng phải cấp cho người Lê-vi “những thành lấy trong phần sản nghiệp” của các chi tộc để họ ở.
Cũng phải cấp những cánh đồng cỏ quanh các thành đó, “họ sẽ cư trú trong thành, còn đất chung quanh các thành ấy sẽ dùng cho gia súc, tài vật và tất cả loài thú khác” (35:1–3). Chúa cũng quy định chiều rộng của các đồng cỏ từ vách ngoài của thành trở ra là một ngàn cubits, tuy vậy, phải cộng thêm một ngàn cubits nữa cho mỗi phía của thành. Vì thế, người ta phải đo phía đông là hai ngàn cubits, phía nam hai ngàn, phía tây hai ngàn, và phía bắc hai ngàn (35:4–5).
Mỗi cubit dài khoảng 45 tới 50 phân tây, cho nên hai ngàn cubits thì rộng khoảng một cây số ở mỗi phía thành. Các học giả đều bối rối trước chi tiết một ngàn cubits, rồi hai ngàn cubits chiều rộng của đồng cỏ chung quanh các thành của những người Lêvi được cấp cho.
Sự diễn giải ở đây là một ngàn cubits từ vách thành ra là để làm đồng cỏ cho bầy thú ăn; thêm một ngàn cubits nữa để dùng làm vườn nho của người Lêvi. Vì người Lêvi không được cấp đất để trồng trọt như mười hai chi tộc kia; tuy họ chia nhau thuế một phần mười, nhưng họ cũng cần có đồng cỏ cho bầy thú hay những con thú được chuộc hoặc nộp cho người Lêvi về khoản thuế một phần mười, ngoài số thịt mà những người Lêvi phục vụ ở Đền Tạm, được chia khi dân Israel dâng tế lễ.
Tổng cộng số thành sẽ được cấp cho người Lêvi là bốn mươi tám thành. Trong số đó bao gồm cả sáu thành trú ẩn (Giô-suê 21:41–42); vì Đức Chúa Trời dặn dân Israel phải dành ra sáu thành ẩn náu (35:6–7).
Chi tộc nào được cấp nhiều đất thì phải cấp nhiều thành cho người Lêvi hơn các chi tộc có ít đất (35:8). Còn các thành ẩn náu là để dành cho những người phạm tội ngộ sát có nơi trú ẩn, thoát khỏi tay người đòi nợ máu, cho tới khi các người đó được đem ra xét xử trước mặt hội chúng (35: 9-15).
Chúa cũng quy định rõ ràng các trường hợp cố ý giết người thì khác với những vụ vô ý làm chết người lân cận (35:16–24). Sự cố ý giết người là cầm trong tay một vật gì để đánh người khác chết, hoặc vì thù hiềm mà dùng tay đánh chết nạn nhân, thì các trường hợp đó bị kể là cố sát (35: 16–21).
Những trường hợp khác làm chết người nhưng không phải vì cố ý thì được xem là ngộ sát và sẽ được xét xử trước mặt hội chúng. Sau khi được xét chỉ là ngộ sát, kẻ ngộ sát phải trú ẩn tại thành ẩn náu cho đến khi thầy tế lễ thượng phẩm đương nhiệm qua đời (35:22–25).
Thầy tế lễ thượng phẩm, người được xức dầu thánh, đại diện cho cả dân tộc làm người trung gian trong đại lễ chuộc tội; cái chết của thầy tế lễ thượng phẩm là hình ảnh tượng trưng cho Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Vĩ Đại, là Đức Chúa Jesus sau nầy, qua Đức Thánh Linh, trình dâng chính Ngài không tì vết cho Đức Chúa Trời, và bởi sự chết Ngài chuộc hết tội lỗi cho thế gian; như thế, cái chết của thầy tế lễ thượng phẩm người Do-thái tiêu biểu cho sự chuộc tội những người phạm lỗi ngộ sát được tha thứ và trở về nguyên quán để sống trên sản nghiệp mình, không sợ bị đòi nợ máu. Luật nầy là hình bóng về Đức Chúa Jesus là nơi ẩn náu cho mọi tội nhân.
“Nếu kẻ sát nhân đi ra ngoài giới hạn của thành ẩn náu …. và nếu kẻ đòi nợ máu gặp và giết nó ở ngoài giới hạn thành ẩn náu, thì kẻ đòi nợ máu sẽ không phạm tội sát nhân. Vì kẻ sát nhân phải ở trong thành ẩn náu cho tới khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đời. Kẻ sát nhân chỉ được trở về trong sản nghiệp mình sau khi thầy tế lễ qua đời” (35:26–28).
Đấy là luật phân xử để áp dụng qua mọi thế hệ và ở bất cứ nơi đâu. Israel chỉ được kết án tội sát nhân dựa trên lời khai của các nhân chứng; nếu chỉ có lời khai của một nhân chứng thì không đủ chứng cớ để kết án tử hình.
Luật cấm nhận tiền chuộc mạng của người sát nhân, người đó phải bị xử tử. Cũng không được nhận tiền của kẻ sát nhân để kẻ ấy được ở trong thánh ẩn náu cho đến khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đời. Vì làm như vậy là làm ô uế đất.
Đất đã bị ô uế bởi máu của người bị giết chỉ được thanh tẩy bởi huyết của người làm đổ máu người khác. Cho nên, không ai được làm ô uế đất mà họ sẽ ở, vì Đức Chúa Trời sẽ đến ở giữa họ (35:29–34).
Sau khi Môi-se truyền lại các lệnh của Đức Chúa Trời về ranh giới, sự phân chia sản nghiệp, các thành cho người Lêvi, và luật về các thành ẩn náu, thì các trưởng tộc của chi tộc Manase đến gặp Môi-se để hỏi về đất của chi tộc họ chia cho các con gái của Zelophehad sẽ giải quyết ra sao nếu các cô nầy kết hôn với người ngoài chi tộc, và đất sản nghiệp của họ phải đương nhiên thuộc về bên chồng của họ. Như thế là thiệt thòi cho chi tộc Manase (36:1–4).
Môi-se chuyển lại lời của Chúa phân định về việc đó là: Các con gái của Zelophehad chỉ nên kết hôn với bất cứ người nam nào thuộc chi tộc Manase. Bởi vì “không một phần sản nghiệp nào được chuyển từ chi tộc nầy qua chi tộc kia, vì mỗi chi tộc Israel sẽ gìn giữ sản nghiệp mình” (36:5–9). Theo luật ấy thì đất sản nghiệp của các gia tộc trong nội bộ chi tộc có thể chuyển qua lại vì các cuộc hôn nhân.
Các cô con gái của Zelophehad đã vâng lời làm đúng theo luật đã truyền; họ kết hôn với các con trai của chú họ, tức là những người nam thuộc các gia tộc trong chi tộc Manase mà thôi (36:10 –12).
Tất cả các mệnh lệnh và luật lệ vừa nói ở trên đều được Môi-se vâng lệnh Chúa truyền cho dân Israel ở “đồng bằng Moab, gần sông Jordan, đối diện Jericho” (36:13).
Sách Dân-số-ký cũng kết thúc tại phần nầy.
Dansoky24.docx
Rev. Dr. CTB