Những Điều Cần Biết, bài 16

1Phierơ 1:13–21

Ơn cứu độ của Đức Chúa Trời là một món quà miễn phí luôn luôn có sẵn cho mọi người từ ngày Đức Chúa Jesus chịu chết trên thập tự giá, bị chôn, nhưng sống lại vinh quang và trở về trời.

Sự quyết định tiếp nhận ơn cứu độ là tiếp nhận một ơn lành rất quí báu. Bởi vì người ấy sẽ được tha tội, được ban cho cơ hội để trở nên một người có đời sống mới huy hoàng ở trần gian cũng như vinh quang ở cõi trời, được gọi là con của Đức Chúa Trời (Giăng 1:12), được hưởng mọi ơn phước và quyền lợi trong linh giới, được cứu rỗi và ấn chứng bằng Đức Thánh Linh (Êphêsô 1: 3, 13), được giải thoát khỏi quyền lực của bóng tối, và được đem vào Vương-quốc vinh quang của Đức Chúa Jesus (Côlôse 1:13).

Không ai nhờ bôn ba mà kiếm được qùa tặng từ Chúa của cả vũ trụ; chỉ những người nào đáp ứng lời mời gọi của Chúa, rồi thật lòng tin Ngài thì được nhận món quà ấy.

Mặc dù được nhiều quyền lợi như thế, nhưng không phải tín hữu nào cũng biết tận dụng mọi quyền lợi họ đang có; bởi vì đa số người sau khi theo đạo rồi thì yên chí không còn tìm hiểu nữa, nên không biết mình đã được Chúa ban cho những quyền lợi nào. Sứ đồ Phierơ quan tâm đến tình trạng tâm linh bạc nhược của một số tín hữu, nên ông căn dặn:

Vậy, anh em hãy chuẩn bị tâm trí, hãy tiết độ, đặt hi vọng hoàn toàn vào ân điển sẽ ban cho anh em khi Đức Chúa Jesus Christ hiện ra” (13). Cách để chuẩn bị tâm trí là biết vâng lời và “đừng chiều theo những dục vọng lúc trước, khi anh em còn mê muội. Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn nết ở của mình” (14–15).

Sở dĩ Phierơ phải dặn dò như vậy là vì Đức Chúa Trời từng truyền phán với con dân Ngài rằng: “Các con phải thánh, vì Ta là thánh” (Lê-vi-ký 19:2).

Có người nghĩ rằng còn lâu lắm Đức Chúa Jesus mới trở lại trần gian, tức là ngày tận thế, nên chưa chịu chuẩn bị tâm trí để tiếp nhận ân điển, tức là các ơn lành và phước hạnh vinh quang của cõi thiên đàng, vì bận bịu của cải vật chất.

Họ nghĩ rằng khi nào có các dấu hiệu tận thế mà Đức Chúa Jesus đã cho các môn đồ Ngài biết, thì lúc đó chuẩn bị là vừa. Nhưng, vô số người qua đời trước khi nhớ lại các lãnh vực phải chuẩn bị; còn ngày nay, mặc dù các dấu hiệu báo trước giờ tận thế đang diễn ra dồn dập trong thời đại của chúng ta, vô số tín hữu vẫn sống kiểu ăn xổi ở thì.

Vì thế, bài học hôm nay không phải chỉ dành cho người mới tiếp nhận Chúa, nhưng để nhắc nhở tất cả chúng ta phải chuẩn bị, để khi được Chúa gọi, thì đã sẵn sàng rồi. Vì đời sống thánh khiết mới là cái vé chắc chắn để về thiên đàng chứ không phải là người có theo đạo và đi nhà thờ là đủ.

Làm thế nào để sống thánh thiện trong mọi cách ăn nết ở của mình? Điều đầu tiên là đức tin vào Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá, Đấng đáng được nhân loại biết ơn, thờ kính và yêu thương trên hết mọi sự.

Kế đến là đức tin vào Đức Chúa Jesus, là tư tưởng, trí tuệ, sự khôn ngoan và Lời nói của Đức Chúa Trời, Đấng đã sẵn lòng bỏ ngôi cao sang vinh quang ở thiên đàng, xuống trần gian làm người để có thể làm lễ vật hi sinh chuộc tội cho toàn thể dòng giống người từ thời sáng thế tới ngày tận thế.

Bởi vì chúng ta được cứu độ hay không là nhờ đức tin vào ơn ban cho miễn phí của Đức Chúa Trời chứ không phải công đức gì của mình hết.

Như sứ đồ Phao-lô dạy: “Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em mà là tặng phẩm từ Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em để không ai tự hào” (Êphêsô 2:8–9).

Vấn đề thờ kính Đức Chúa Trời đã gây ra lắm sự lấn cấn trong lòng nhiều người Việt Nam từ xưa nay. Vì theo truyền thống từ nhiều đời tổ tiên có nguồn gốc văn hoá Nho-giáo Trung Hoa, thì con cháu phải cúng bái để thể hiện lòng biết ơn các đấng sinh thành của mình.

Nét đẹp lòng hiếu thảo của người Á-Đông chúng ta vượt cao hơn hẳn cách sống bất hiếu của văn hoá Âu-Tây. Vì tín đồ ở Tây-phương chịu ảnh hưởng các giáo hội lâu đời chú trọng vào nghi lễ thờ phượng ở nhà thờ mà coi nhẹ việc phụng dưỡng cha mẹ.

Hơn nữa, vì giáo lý Kinh-thánh cấm thờ cúng hình tượng, nên chẳng mấy khi các đời con cháu tụ họp tưởng nhớ các bậc sinh thành. Từ đó chữ hiếu bị phôi pha mai một; rồi các di dân từ Á-Đông, là những người theo đạo, cũng bắt chước thói tục vô lễ và bất hiếu của đa số tín đồ theo đạo kiểu hình thức ở Mỹ, khiến biết bao cha mẹ buồn lòng.

Nhưng nếu tưởng nhớ tổ tiên mà không kính thờ Đấng Tạo Hoá thì cũng vô ích, vì sẽ bị đoán phạt.

Vậy, điều nào là đúng? Sứ đồ Phierơ dạy: “Nếu anh em xưng Ngài là Cha, Đấng không thiên vị sẽ phán xét mỗi người theo công việc họ làm, thì hãy đem lòng kính sợ mà sống trong thời kỳ ở trọ nầy” (17).

Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ tổ tiên của người được Đức Chúa Trời khen thưởng là: Lòng hiếu thảo chân thật phù hợp với đạo đức thiên đàng.

Không ai giấu giếm được sự thật của lòng mình trước ánh sáng soi xét của Chúa; cho nên, sự cúng quảy, giỗ kỵ đối với cha mẹ ông bà đã qua đời không phải là yếu tố được Đức Chúa Trời kể là hiếu thảo, mà cách đối xử với cha mẹ lúc họ còn sống mới là đáng kể.

Nếu lấy điều đó làm thước đo mức độ hiếu thảo, thì đa số trong chúng ta đều bị đánh rớt. Vì chúng ta được cho biết rằng “Đức Chúa Trời sẽ phán xét mỗi người theo công việc họ làm.” Mà những hành vi bất hiếu đối với cha mẹ lúc họ còn sống thì nhiều quá.

Vì thế, Phierơ khuyên: “Hãy đem lòng kính sợ mà sống trong thời kỳ ở trọ nầy.” Người kính sợ Đức Chúa Trời mới có thể hiếu kính cha mẹ. Bởi vì không ai dám dối trá với Đấng xem xét và nhìn thấy nơi thẳm sâu của lòng người.

Hơn nữa, thời gian chúng ta sống trên thế gian nầy thật là ngắn ngủi và tạm bợ như ở trọ vậy. Những ai có ý thức về quy luật sinh ký tử quy, sống gửi thác về, thì những người ấy cũng nên biết rằng linh giới ở cõi bên kia mới là chốn vĩnh cửu mà người ta phải giải trình những việc mình đã làm lúc còn sống.

Có được thưởng hay không thì chưa biết, còn bị phạt là điều chắc chắn; vì mọi người trên đời đều phạm vô số lỗi lầm lúc còn sống.

Nhưng Tin Mừng cho người tiếp nhận ơn cứu độ của Chúa là họ không bị đối diện với hình phạt như nhiều người khác, vì đã được chuộc khỏi lối sống phù phiếm từ tổ tiên truyền lại. Phierơ nói rằng chẳng nhờ bạc hay vàng mà ta được chuộc, nhưng nhờ huyết báu của Đấng Christ (18–19).

Điều đó có nghĩa gì? Hơn bốn ngàn năm trước, Đức Chúa Trời đã kêu gọi một người ra khỏi quê hương ông, để Ngài sẽ làm cho dòng dõi của ông trở thành một dân tộc được Ngài tuyển chọn. Đó là dân tộc Do-thái, dòng dõi của Áp-ra-ham.

Sau đó Ngài truyền cho họ bộ luật pháp thánh của Ngài; trong đó người ta phải nhờ máu của con vật tế lễ để chuộc lại những tội lỗi họ đã phạm trong một năm. Luật pháp đó gọi là Cựu-ước, tức là giao ước cũ. Người ta phải thấm nhuần cách chuộc tội ấy cho đến khi họ hiểu rằng huyết của các con sinh tế như bò, cừu hoặc dê đều không có khả năng xoá bỏ tội lỗi; dù các con sinh tế đó phải là con thú không khuyết tật, không tì vết và được xem là tinh sạch; mà mỗi năm, thầy tế lễ thượng phẩm đều phải lặp lại lễ nghi chuộc tội ấy.

Hơn hai ngàn năm trước đây, Đức Chúa Trời đã xuống thế gian, nhập thể làm một người vô tội, lấy tên là Đức Chúa Jesus, để đổ máu ra, làm sinh tế chịu chết đền tội cho cả nhân loại, bỏ giao ước cũ.

Vì vậy, Phierơ nói rằng: “Không phải nhờ vào những vật dễ hư hoại như bạc hoặc vàng mà anh em được chuộc khỏi lối sống phù phiếm từ tổ tiên mình truyền lại, nhưng bởi huyết báu của Đấng Christ, như huyết của chiên con không khuyết tật, không tì vết, đã được định sẵn trước khi tạo dựng vũ trụ, nhưng vì anh em mà được bày tỏ vào thời kỳ cuối cùng nầy. Nhờ Ngài mà anh em tin vào Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến Ngài sống lại từ cõi chết và ban cho Ngài vinh quang, để đức tin và hi vọng của anh em được đặt nơi Đức Chúa Trời” (18–21).

Sở dĩ người nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời không còn sợ bị trừng phạt vào ngày tận thế, hay lúc qua đời nầy, vì người đó đã được huyết báu của Đức Chúa Jesus chuộc ra khỏi án chết; ơn cứu độ của Đức Chúa Trời thật là tuyệt vời, vì đó là một ơn miễn phí cho bất cứ ai dùng đức tin mà tiếp nhận.

Hạnh phúc biết bao cho những ai chân thành tiếp nhận ơn cứu độ miễn phí từ thiên đàng ban xuống. Vì những người ấy đã đáp ứng sự kêu gọi thánh khiết từ Đức Chúa Trời và lập quyết định sẽ ở trong Đức Chúa Jesus Christ để theo đuổi đời sống thánh thiện trong mọi cách ăn nết ở của mình.

Vì hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những ai ở trong Đấng Christ (Rôma 8:1).

NhungDieuCanBiet16.docx
Rev. Dr. CTB