Những Điều Cần Biết, bài 15

Giêrêmi 29:11–13

Đức Chúa Trời luôn luôn muốn giúp cho mỗi người có mặt trên trần gian có thể đạt tới mục đích của đời sống họ mà Ngài đã chuẩn bị cho từng người, bất luận người ta được sinh ra ở đâu, chủng tộc nào hay địa vị xã hội nào cũng vậy.

Mục đích của Chúa cho mỗi người là trưởng thành trên mọi lãnh vực của đời sống: thể chất, tâm linh, cảm xúc, và mọi mối liên hệ. Nghĩa là sự tăng trưởng cá nhân của mỗi người phải là ưu tiên hàng đầu. Trong đó mối liên hệ với Chúa là sự tăng trưởng quan trọng nhất.

Đã đành rằng người chưa tin Chúa thì chưa có cách gì hiểu được phương diện có tính cách quyết định ấy, nhưng vô số tín hữu cũng chẳng biết bao nhiêu về mục đích của đời họ.

Đi dự các buổi thờ phượng, tham gia học Kinh-thánh, tham dự vào các sinh hoạt của Hội thánh, mặc dù đều là những điều nên làm, nhưng chúng vẫn chưa phải là mục đích của đời sống.

Đối với các sứ đồ đầu tiên của Đức Chúa Jesus, thì mục đích của Ngài khi kêu gọi họ là đào tạo họ thành những tay đánh lưới người (Mác 1:17). Chúa không nói rằng Ngài sẽ đào tạo họ thành các giáo sư dạy đạo. Nhưng vì họ là những người đánh cá, nên Ngài muốn khiến họ trở thành các tay đánh lưới người.

Với hàng nhiều tỉ người trong nhân loại, kể cả những người đã chết rồi, mỗi người đều được dựng nên hoàn toàn khác; không có hai người nào hoàn toàn giống nhau, vân chỉ tay của mỗi người cũng không ai giống ai, cũng chẳng có hai người nào có cùng yếu tố di truyền DNA giống hệt nhau; đến nỗi không có hai hoa tuyết nào giống nhau hoàn toàn. Vì vậy, người ta được tạo nên là từng cá nhân riêng biệt.

Sự khác nhau còn rõ ràng hơn nữa từ cách người ta được dưỡng dục và những kinh nghiệm của từng người đã trải qua nữa.

Cho nên, những ai đã vâng tiếng kêu gọi của Chúa vào mục đích mà Ngài đã dành cho người đó, thì ý định thiện hảo của Ngài là tạo điều kiện thích hợp với tính cách, năng khiếu và năng lực của người được gọi, để người ấy có thể đạt đến thiên mệnh đặc biệt của mình.

Khi hiểu rằng mục đích của Chúa cho đời sống của mỗi chúng ta là giúp chúng ta tăng trưởng trên mọi lãnh vực của con người chúng ta, thì trách nhiệm của mỗi tín hữu là lớn lên trong mối tương giao với Chúa để có thể nghe tiếng Ngài và biết sự chỉ dẫn của Ngài mà làm theo.

Đức Chúa Trời đưa ra cách thức lớn lên trong mối tương giao với Chúa là: “…các con sẽ kêu cầu Ta, chạy đến cầu khẩn Ta, và Ta sẽ nhậm lời các con. Các con sẽ tìm Ta và gặp được khi các con tìm kiếm Ta hết lòng” (12–13).

Ý nghĩa của câu nầy là hướng tâm linh mình về Ngài trong mọi việc. Sự cầu khẩn được Ngài đẹp ý là cầu xin sự hướng dẫn của Chúa trong mọi việc mình làm và cách cư xử trong mọi mối liên hệ.

Mục đích của đời sống với thiên mệnh khác nhau thế nào? Hai chữ nầy thường lẫn lộn nhau về cách định nghĩa. Nói vắn tắt thì mục đích là điều mình mong muốn đạt tới, còn thiên mệnh là nơi mình sẽ đến. Nơi đến của mình tốt hay xấu tuỳ thuộc vào mục đích của mình là gì và những việc mình làm để mong đạt được điều mình mong muốn.

Ví dụ như vô số người mong muốn nổi tiếng, vì áp dụng hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ: “Đã mang tiếng đứng trong trời đất, phải có danh gì với núi sông!” Cho nên, vì mục đích là muốn được nhiều người biết tới, nên có người đã làm những chuyện rất dị hợm, nhất là những người thời bây giờ.

Thời xưa thì người ta luôn để ý tới hai câu: “Lưu danh thiên cổ,” và “lưu xú vạn niên;” tức là danh tiếng tốt tới cả ngàn năm, trái ngược với bị mang tiếng xấu tới hàng chục ngàn năm, nên người ta rất sợ bị mang tiếng xấu.

Ai cũng muốn có một thiên mệnh tốt nhưng mục đích của nhiều người muốn đạt tới đều luẩn quẩn chung quanh danh vọng và của cải nơi trần gian, chứ không quan tâm bao nhiêu tới việc tạo nền tảng tốt cho thiên mệnh mình ở thiên đàng.

Tất cả tín hữu cần phải biết rằng chương trình mà Chúa muốn hoạch định cho chúng ta không bao giờ là tai hoạ, để ban cho chúng ta một tương lai, tức là thiên mệnh tốt, và niềm hi vọng tràn đầy.

Ai muốn đạt tới thiên mệnh đó thì nên suy xét kỹ về mục đích của đời sống mình có phù hợp chút nào với mục đích của Chúa hay không.

Nếu theo đuổi một hay các mục đích chẳng có liên quan gì tới con đường vào nước thiên đàng, thì tới ngày phải nằm xuống chẳng còn cơ hội để hối tiếc hay ăn năn hết các lỗi lầm đã phạm. Thiên mệnh ấy thật là đau khổ vì theo đuổi mục đích sai trật. Tang lễ có long trọng cũng chẳng chuộc được gì.

Có hai nam ca sĩ Mỹ đồng nổi tiếng lừng lẫy một thời là Pat Boone và Elvis Presley. Cả hai đều thu dĩa các bài thánh ca bán rất chạy.

Pat Boone năm nay 83 tuổi, ông là ca sĩ rất nổi tiếng ở thập niên 1950-1960, nổi tiếng ở Hollywood và có show truyền hình ăn khách cho hãng ABC ba năm liên tiếp. Dù hoạt động trong ngành ca nhạc, điện ảnh giải trí, Pat Boone luôn luôn giữ lòng tin vững chắc vào Chúa và không bao giờ nhận tham gia đóng phim nào đi ngược đức tin và giáo lý thánh thiện của Tin Lành. Ông phục vụ Chúa bằng cách đi diễn thuyết khắp nơi và vẫn tiếp tục nổi tiếng.

Ca sĩ Elvis Presley đồng thời và nổi tiếng hơn Pat Boone. Nhưng nền tảng tâm linh của Elvis không vững chắc, vì mục đích đời sống của Elvis là danh vọng và thú vui. Ông được phong là vua nhạc rock, nhưng danh vọng Hollywood làm gia đình tan vỡ, nhiều lần lấy vợ rồi ly dị, và chết vì ma tuý quá liều năm 1977. Thiên mệnh của hai tài năng là hoàn toàn khác nhau.

Vậy thì thiên mệnh của một người tuỳ thuộc vào cách người ấy đáp ứng ý định thiện hảo của Đức Chúa Trời cho người đó. Pat Boone đặt mục đích của Chúa dành cho ông ở vị trí quan trọng và theo đuổi mục đích ấy cho đến cùng.

Elvis Presley theo đuổi một mục đích khác với kế hoạch Chúa đã dự định cho ông. Xuất thân từ giáo phái Ngũ Tuần, có giọng ca thiên phú, những dĩa hát thánh ca của ông bán rất chạy, nhưng ông đi sâu vào lãnh vực nhạc rock, bán hơn sáu trăm triệu dĩa, giàu có vô cùng mà lại đi sâu vào cách sống trác táng.

Vào những năm cuối cùng, ông thường bị thuốc vật, tới giờ trình diễn không dậy nổi. Thế mà ông vẫn là thần tượng của vô số đàn bà Mỹ mê nhạc rock thời ấy. Đời sống đức tin của ông chẳng còn gì hết, hoàn toàn hư hỏng.

Sự tìm kiếm mục đích của đời sống và thiên mệnh là một tiến trình. Người nào đặt tiến trình ấy lên mức ưu tiên hàng đầu thì sẽ sớm tìm ra. Vì đã tin Chúa và đã tìm biết các lẽ thật của Kinh thánh, chúng ta biết rằng đi theo Đức Chúa Jesus là con đường tốt nhất cho thiên mệnh tương lai.

Vì Đức Chúa Jesus phán: “Thật, Ta bảo các con, không ai từ bỏ nhà cửa, cha mẹ, anh em, vợ con vì Vương-quốc Đức Chúa Trời mà lại không được nhận gấp bội phần trong đời nầy, và được sự sống đời đời trong đời sau” (Luca 18:29–30).

Thiên mệnh cao cả mà Chúa gọi con dân Ngài vào là tiến trình luôn luôn cần thời gian và nỗ lực. Nó cũng là một tiến trình rèn luyện để tham dự cuộc thử thách. Ai bền lòng thì nhận được phần thưởng; người bỏ cuộc sẽ chịu hậu quả đắng cay.

Người nào chuyên tâm tìm kiếm chương trình và mục đích của Chúa cho đời sống mình mà không bỏ cuộc, thì người ấy sẽ tiến tới chỗ thấy vấn đề ngày càng rõ ràng khi mối tương giao với Chúa càng thân mật hơn. Lúc ấy những lời cầu nguyện thường được đáp lời, bởi vì làm việc phối hợp nhịp nhàng với mục đích của Đức Chúa Trời cho đời sống chúng ta.

Vậy bí quyết để thấy ra mục đích của đời mình và theo đuổi thiên mệnh thì liên quan chặt chẽ với lối sống cầu nguyện và tương giao gần gũi với Chúa. Sứ đồ Phao-lô dạy bí quyết để đạt đến cách sống ấy: “Đừng khuôn rập theo đời nầy, nhưng phải biến hoá bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời” (Rôma 12:2).

Đổi mới tâm trí là thay cách suy nghĩ cũ bằng cách suy nghĩ mới. Cũng có nghĩa là suy nghĩ về con người mới mình sẽ thành, không phải là con người mình vốn có trước kia.

Đức Chúa Trời nhìn con cái Ngài là những con người mới mà họ sẽ trở thành. Vì ý định của Chúa đối với chúng ta là bình an, không phải tai hoạ. Cho nên, đời sống tâm linh của chúng ta là cách sống dựa trên mối tương giao thân mật với Đức Chúa Trời, không phải là kiểu sống lệ thuộc vào luật pháp và điều răn.

Khi Chúa xưng Ngài là Cha của chúng ta, thì ý muốn của Ngài là mọi con cái Ngài tương giao với Ngài bằng tình yêu và lòng kính mến của những người con ngoan và biết ơn Ngài. Vì mục đích thiện hảo của Ngài đối với chúng ta là đạt tới thiên mệnh vinh quang.

NhungDieuCanBiet15.docx
Rev. Dr. CTB