Những Điều Cần Biết, bài 20

1Côrinhtô 9:7–14

Chúng ta gọi các thể chất rờ, thấy, nắm được là trần giới hay cõi vật chất, và những thực thể vô hình trong cõi linh là linh giới. Nhưng hầu hết người ta đều chỉ biết các định luật của cõi trần, rất ít người biết về các luật của cõi linh.

Ví dụ, ai cũng biết luật trọng lực hoặc luật vận tốc trong cõi vật chất, nghĩa là vật có sức nặng từ trên cao sẽ rơi xuống chỗ thấp, các vật di chuyển với vận tốc lớn va chạm nhau sẽ bị móp méo hay bể nát.

Luật vật lý luôn lệ thuộc vào thời gian và không gian. Ví dụ một vật được rơi tự do sẽ rơi nhanh hay chậm tuỳ theo sức nặng của nó; không tránh vật rơi kịp thời sẽ bị nó rơi trúng.

Linh giới cũng có luật của cõi ấy, nhưng không bị lệ thuộc vào thời gian hay không gian. Ví dụ, người độc ác sẽ bị trừng phạt, nhưng sự trừng phạt không xảy ra tức khắc hoặc trong một khoảng thời gian nhất định. Có người bị phạt liền, kẻ khác lâu về sau.

Người ta có thể can thiệp vào hoạt động của một vật khác, hay kịp thời né tránh tác động của một vật thể nào đó đối với mình, nhưng không ai tránh được hệ quả từ linh giới.

Ai hiểu điều nầy thì mới biết lý do tại sao mỗi người đều phải nhận lãnh hậu quả của việc mình làm. Giống như ai vi phạm luật trong cõi thể chất thì sẽ lãnh hậu quả của luật ấy; ví dụ, con chuột sa bẫy vì vi phạm luật đàn hồi vô hình của lò xo.

Luật trong linh giới vô hình cũng vậy, ai vi phạm sẽ phải chịu hậu quả của luật ấy giáng xuống. Chưa thấy nó xảy ra thì không có nghĩa là luật đó sẽ không áp dụng cho người vi phạm. Trái lại người làm việc thiện đừng nghĩ là mình sẽ không được thưởng. Phần thưởng tới nhanh hay chậm, lớn hay nhỏ thì tuỳ thuộc vào Đấng ban thưởng quyết định. Như sứ đồ Phao lô khuyên tín hữu chớ mỏi mệt làm điều thiện, vì đến kỳ sẽ được thưởng (Galati 6:9).

Đức Chúa Jesus dạy một luật linh giới quan trọng khác mà chúng ta thường ít để ý tới, đó là luật báo trả (Mathiơ 7:1–2). Hệ quả của luật báo trả thành hình ngay sau khi người nào đó vi phạm luật, nhưng không có nghĩa là nó sẽ xảy ra lập tức như người ta tưởng.

Hễ chúng ta đoán xét một ai đó, thì hãy biết chắc rằng mình sẽ bị người khác xét đoán y như vậy. Sức phản hồi của nó cũng tương đương như lời mình đoán xét người ta. Nếu lời nói phê bình hay nhận xét là tốt lành thì hệ quả là tốt lành; ngược lại, nếu là lời phê phán xấu, thì người nói không ngờ nổi sẽ có lời nói xấu lén lút bay tới.

Cho nên, hãy ghi nhớ lấy luật nầy mỗi lần trong lòng định phê bình hay nói xấu một người nào đó; chúng ta phải chịu trách nhiệm về mỗi lời mình nói ra. Nếu mình hay nói xấu, thì sức nặng của cái búa phán xét sẽ giáng trên người thường nói những lời tiêu cực.

Ai hiểu biết và ý thức rõ về các luật thuộc linh, thì không cần phải có ơn tiên tri, hoặc có khả năng nghe tiếng Chúa, cũng biết hậu quả sẽ xảy tới cho những người mình thấy là vi phạm luật của Chúa. Tuy nhiên, hãy rất cẩn thận về việc nầy, bởi vì chúng ta không có khả năng biết trước việc sẽ xảy ra; cho nên, đừng vội vàng nói lời tiên đoán của mình cho người khác.

Ví dụ, mình có thể thấy ai đó hay dân tộc nào đó vi phạm luật của Chúa, rồi vội vàng nói trước họ sẽ bị hình phạt. Nhưng biết đâu trong nhóm người đó có người biết ăn năn, kêu cầu sự thương xót của Chúa và được Ngài nhậm lời tha thứ, hình phạt không xảy ra như dự đoán, hoá ra mình tiên đoán sai bét.

Vì thế, trước khi mở miệng nói tiên tri thì hãy tìm cầu để biết ý muốn của Đức Chúa Trời là thể nào. Nếu biết chắc Ngài sẽ trừng phạt và cho phép nói thì mới nói. Ngoài ra, khi hậu quả chưa xảy ra thì không có nghĩa là hình phạt sẽ không tới. Bởi vì nó chỉ chưa xảy ra thôi.

Tín hữu cũng bị chi phối bởi một luật thuộc linh khác, đó là gieo trong cõi vật chất để gặt lấy ơn phước trong cõi linh, hoặc ai gieo hột giống thuộc linh thì có quyền thu gặt ơn phước vật chất. Sứ đồ Phaolô nói rõ việc nầy (1Côrinhtô 9:7).

Người nào trả tiền cho thầy bói thì sẽ gặt, tức là nhận hình phạt của kẻ vi phạm luật Đức Chúa Trời cấm không được bói toán. Nhưng “Ai tiếp một nhà tiên tri vì là nhà tiên tri, thì sẽ nhận phần thưởng của nhà tiên tri; ai tiếp một người công chính vì là người công chính, thì sẽ nhận phần thưởng của người công chính” (Mathiơ 10:41).

Như vậy, người nào gieo giống vật chất cho một người hầu việc Chúa sẽ gặt ơn phước của người hầu việc Chúa. Không có nghĩa là vị tiên tri hay người hầu việc Chúa sẽ ban thưởng cho người gieo, nhưng Đức Chúa Trời sẽ đổ phước và ban thưởng phù hợp với giá trị hột giống đã gieo.

Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ là phước lành chỉ tuôn ra khi vị tiên tri hay người hầu việc Chúa bằng lòng nhận món quà. Quan niệm của nhiều tín đồ ngày nay là người hầu việc Chúa phải nghèo và phải làm không công. Họ không biết tư tưởng ấy đã làm cho họ bị mất phước.

Chúng ta cần phải hiểu biết và áp dụng đúng các luật trong linh giới, là những luật mà đa số tín hữu không biết chúng hiện hữu, vì không được ai phân tích dạy dỗ cho thấy; ví dụ như luật về việc nộp 1/10 thu nhập cho Chúa.

Nhưng ngày nay không có đền thờ như ngày xưa mà chỉ có hội thánh ở nhiều địa phương khác nhau; cho nên, một câu hỏi đặt ra là kho lương thực mà Chúa bảo dân của Ngài phải nộp 1/10 vào đó thì ở đâu? (Malachi 3:10). Câu trả lời là: Nơi nào cung cấp thức ăn thuộc linh cho mình, thì ngân quỹ nơi ấy là kho của Đức Chúa Trời vậy.

Lý do: Chúa uỷ thác chức vụ giảng rao Tin Lành cho ai, thì người ấy phải được Tin Lành nuôi sống (1Côrinhtô 9:14). Vì thiếu hiểu biết vấn đề nầy nên nhiều con cái Chúa bị hụt nhiều ơn phước mà không biết lý do.

Chúng ta cũng cần hiểu rõ là chẳng nơi nào trong Kinh-thánh bảo con dân Chúa phải nộp hết 1/10 thu nhập cho một thánh vụ đặc biệt nào đó. Quy luật về ơn phước thuộc linh cho người gieo giống vật chất là: Ai nhận ơn phước tâm linh và sự dạy dỗ ở đâu thì nộp 1/10 chỗ đó để nuôi sống thánh vụ của nơi ấy.

Nếu người chăm sóc tâm linh của mình được Đức Chúa Trời vui lòng bày tỏ mặc khải ý muốn của Ngài, chẳng lẽ chúng ta không muốn hết lòng ủng hộ hay yểm trợ người ấy sao? Chẳng lẽ anh chị em tín hữu không muốn các nhu cầu tâm linh mình được cung ứng đầy đủ sao?

Có một thời, dân Israel của Đức Chúa Trời bị đói, không phải đói về thức ăn vật chất nhưng là đói Lời của Đức Chúa Trời (A-mốt 8:11–12). Cũng đã có vài thời kỳ gần đây nhiều con dân thật của Chúa khao khát được nghe các bài giảng có sự xức dầu của Đức Thánh Linh. Nhưng điều rất đáng buồn là những tâm tình như vậy càng ngày càng hiếm hoi; người ta chỉ khao khát tiền bạc.

Ngày xưa, dù sứ đồ Phao-lô có quyền đòi hỏi tín hữu ở thành Côrinhtô cung cấp cho nhu cầu sống của ông, nhưng ông không hề sử dụng quyền ấy, cũng không đòi hỏi chút gì, vì ông thà chết chứ không để cho ai tước mất niềm tự hào rằng ông tự nuôi sống mình trong khi vẫn hết lòng rao giảng Tin Lành (1Côrinhtô 9:15). Ông vẫn hiểu rằng ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh (Công vụ 20:35).

Hễ các sinh hoạt đời sống của ai bị lệ thuộc vào tiền lương, thì người ấy không được tự do nói hay ngay thẳng rao giảng Lời của Đức Chúa Trời. Cho nên, những người hầu việc Chúa cách chân chính không muốn bị tiền lương của Hội-thánh hay của giáo phái ràng buộc mình; họ muốn được ngay thẳng giảng dạy lời Kinh-thánh.

Tuy vậy, một điều nghịch lý là, nếu người nghe giảng không đầu tư một chút gì trong lời họ nghe, thì lời ấy chẳng có giá trị gì đối với họ cả; có lẽ đó là lý do khiến cho các bài học Kinh-thánh chẳng có chút tác động nào trên nhóm người ấy.

Kẻ thù, là ma quỷ, đang nỗ lực hết sức dụ dỗ con cái Chúa về mặt vật chất, để họ bị xao lãng rồi không nhớ gì đến các ơn phước tâm linh đáng lẽ họ phải được hưởng. Ơn phước của Chúa đổ xuống trên con dân Ngài thì không có giới hạn. Nhưng chúng ta tự giới hạn các ơn phước ấy, hay chẳng nhận được gì hết vì vi phạm các luật trong linh giới.

Kẻ thù cũng thường xuyên nhử chúng ta cắn miếng mồi đoán xét người khác, để sẽ bị cay đắng khi những sự đoán xét giáng trên mình.

Hãy biết và hiểu rõ vấn đề nầy: Ai nghĩ rằng mình có quyền phân định phần mười thuộc về Chúa thì hãy nên cẩn thận về cách suy nghĩ của mình đối với các luật của linh giới; bởi vì hễ phần nào thuộc về Chúa thì hãy nộp vào kho của Ngài, vì Ngài biết sử dụng kho của Ngài theo cách có lợi nhất cho công việc nhà Ngài.

Ai là người có sự khôn ngoan và thận trọng, hãy suy gẫm lời Chúa trong Kinh-thánh để không vi phạm những lỗi rất sơ đẳng mà rất tai hại trong linh giới.

NhungDieuCanBiet20.docx
Rev. Dr. CTB