Phục-truyền Luật-lệ, bài 05
Phục-truyền 6:1–25
Điều răn là bổn phận buộc Israel phải vâng giữ giao ước mười điều–tức là các sự ứng dụng giao ước ấy trong đời sống hàng ngày của họ (1). Sự ứng dụng nầy gồm các luật lệ, điều luật tôn giáo và các mệnh lệnh, tức là những quy tắc về hành xử.
Hai chữ luật lệ và mệnh lệnh thỉnh thoảng nói về hai phương diện của cùng một việc. Ví dụ, Lễ Vượt Qua là một sắc lệnh. Các luật lệ giữ lễ ấy là các mệnh lệnh hay những điều phải làm. Lễ Vượt Qua là vĩnh viễn; nhưng các luật lệ giữ lễ ấy có thể thay đổi.
Luật nguyên thuỷ của Lễ Vượt Qua là đứng ăn hối hả (Xuất Ai-cập 12:11). Nhưng sau khi Israel yên ổn trong sản nghiệp của họ, thì họ có thể cử hành lễ bằng cách ăn trong thế nằm dựa thoải mái. Vì thế, toàn thể luật đạo đức là vĩnh viễn, nhưng sự áp dụng luật ấy đối với người Israel có thể rất khác so với sự áp dụng đối với chúng ta.
Nếu các bậc cha mẹ làm gương trong sự kính sợ Đức Chúa Trời và vâng giữ các luật lệ, điều răn của Ngài, thì con cháu họ cũng sẽ trọn đời kính sợ Chúa (2).
Như uy thế và sự gia tăng dân số đông đảo của Israel hoàn toàn tuỳ thuộc vào việc họ có hoàn thành được mục đích mà Chúa đem họ vào nơi ấy hay không–tức là tuân giữ Luật pháp của Đức Chúa Trời trong vai trò đặc biệt của họ (3) – thì con cái Chúa ngày nay đang ở trong ân điển cứu rỗi của Ngài cũng vậy; chúng ta được phát triển và người đời có kính nể hay không là do chúng ta có giữ được luật pháp thánh khiết và thân mật tương giao với Chúa hay không. Bởi vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng ta là Chúa có một không hai (4); chẳng ai so được với Chúa chúng ta.
Cho nên, hãy cẩn thận lưu ý, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực mà kính mến Ngài (5). Hết lòng và hết linh hồn liên quan đến ý nghĩ và tình cảm chân thành trong sự hiểu biết khôn ngoan; hết sức lực là sự cộng tác của toàn thân thể.
Có như vậy mới ghi lòng tạc dạ được những lời đã truyền dạy cho mình (6). Bổn phận người cha là phải thường xuyên dạy dỗ nhắc nhở con cái trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mọi cơ hội, lúc ở nhà cũng như ngoài đường, lúc thức dậy và thậm chí lúc đi ngủ (7); làm mọi việc và dùng tất cả các phương tiện để nhắc nhở chính mình và mọi người trong nhà (8–9).
Bởi vì số phận được sống hùng mạnh hay sẽ bị tiêu diệt của dân Israel ngày ấy tuỳ thuộc vào việc họ có tuân theo luật pháp hay không; con cái Chúa thời nay, là dân Israel thuộc linh, được trưởng thành mạnh mẽ hay không cũng áp dụng cùng một nguyên tắc ấy.
Chẳng ai có thể thu gọn toàn thể luật pháp thành một sách nhỏ để buộc vào tay làm dấu hay đeo lên trán làm hiệu; cho nên, họ phải chọn những điều luật nào quan trọng nhất cần phải thuộc nằm lòng, rồi khắc các điều ấy vào thẻ bằng gỗ hay bằng vàng để có thể buộc vào tay làm dấu và đeo lên trán làm hiệu. Còn chúng ta thì cần thuộc lòng câu gốc.
Sự cám dỗ nguy hiểm nhất đối với những người đã trải qua gian lao là đời hoà bình, sung túc và an nhàn. Khi Israel vào đất hứa, họ được ở trong những thành lớn, tốt đẹp chẳng do họ xây cất nên, những căn nhà đầy vật tốt họ khỏi sắm sửa, giếng nước có sẵn, các vườn cây cũng xum xuê trái chín chẳng phải do họ trồng; những thứ làm cho thể xác thoải mái lại là nguy cơ khiến ru ngủ lòng người (10–12).
Đối với tín hữu ngày nay thì nguy cơ đó thật hơn bao giờ hết. Khi chúng ta đã được Chúa giải thoát khỏi chốn nghèo túng, cực nhọc, và đưa tới nơi có thể làm ra tiền dễ hơn, thì lòng kính mến Chúa để nương nhờ Ngài bị thay thế bởi nỗi lo toan về đời sống sung túc hơn điều mình đang có; vì thế, Israel được dặn: “Anh em phải kính sợ Giêhôva Đức Chúa Trời, phụng sự Ngài và nhân danh Ngài mà thề nguyện” (13).
Người ta dễ bắt chước những cái họ thấy trước mắt; nhất là vì bị ảnh hưởng thói tục của láng giềng, hàng xóm. Vì thế, Môise dặn, “Không được theo các thần nào khác, bất cứ thần nào trong các thần của những dân tộc ở chung quanh anh em” (14).
Ngày nay, có một số tín hữu muốn giàu thêm và giàu nhanh; nên họ bắt chước thói cúng bái để mong có thêm tiền, thậm chí trưng bày cả hình tượng trong nhà. Người khác thì rất tham lam tiền bạc, là hình thức thờ thần tượng rất thông thường (Côlôse 3:5).
Đức Chúa Trời không dung tha kẻ thờ cúng thần tượng, vì những kẻ ấy xúc phạm đến đức thánh khiết kỵ tà của Ngài (15). Những người vì tham tiền mà sa vào sự thờ hình tượng, là những người không thật lòng tin Đức Chúa Trời và chưa từng biết kính sợ Ngài, dù đã nghe rằng Ngài là thánh và rất gớm ghiếc những hạng người như thế.
Tại Massah, Israel thách thức Đức Chúa Trời “Đức Giêhôva có ở giữa chúng ta không?” (16 Xuất Ai-cập 17:7); mặc dù khi còn ở xứ Ai-cập, họ đã thấy Đức Chúa Trời thi thố các phép lạ vì họ, cũng dẫn họ vượt Biển Đỏ cách thần kỳ. Nhưng vừa gặp khó khăn thì đã trở lòng muốn quay về đời sống nô lệ cũ.
Tín đồ ngày nay cũng vậy thôi, mỗi khi gặp gian truân, thì lòng của nhiều tín hữu lại nghi ngờ sự hiện hữu của Chúa, mặc dù được hưởng sự chăm sóc hàng ngày của Ngài. Còn lúc sung túc thì quên hẳn Đấng đã cứu giúp và biến đổi nếp sống tâm linh của mình.
Để tránh tất cả những sự vi phạm nói trên thì Isarael “phải cẩn thận tuân giữ những điều răn chứng cớ và luật lệ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã truyền” rồi “làm điều ngay thẳng và tốt đẹp dưới mắt” Chúa để họ được phước và vào nhận sản nghiệp, cón phần của Chúa thì Ngài “sẽ đánh đuổi mọi kẻ thù khỏi” dân Israel của Ngài (17–19).
Sự ghi nhớ để không bao giờ quên ơn cứu giúp của Chúa sẽ được củng cố bởi thói quen tuân giữ những điều răn, chứng cớ và luật lệ mà Đức Giê-hô-va đã truyền.
Thói quen của lòng kính sợ Chúa sẽ tạo thắc mắc cho các thế hệ mai sau, là những người chưa từng trải qua các kinh nghiệm gian nan. “Con cái anh em sẽ hỏi: ‘Các quy tắc, luật lệ và mệnh lệnh nầy là gì mà Giêhôva Đức Chúa Trời lại truyền dạy cho cha?’” (20); thì sự ghi nhớ ấy mới giúp cho người ta biết trả lời một cách đúng đắn và chính xác.
Không phải chỉ là kể lại những quyền năng lớn lao đáng kinh khiếp của Đức Chúa Trời, mà còn phải nêu rõ mục đích giữ các quy tắc, luật lệ và mệnh lệnh của Chúa là: “… Để luôn được phước và được Ngài bảo tồn sự sống” (21–24).
Mục tiêu và mục đích đời sống đạo kỉnh kiền của chúng ta đối với Chúa ngày nay cũng vậy; không phải để chỉ sống một đời sung túc, không bệnh tật ốm đau, mà để duy trì sự sống tâm linh đã được tái sinh bởi quyền phép của Đức Thánh Linh.
Ai ý thức được điều nầy thì mới thấy rằng mục đích chính của nỗ lực giữ gìn một đời sống tin kính không phải để đạt tới một cuộc sống an nhàn thịnh vượng, mà để sự sống tâm linh được sung mãn, kết quả cho Đức Chúa Trời. Vì người như vậy sẽ được Chúa bảo tồn và sử dụng để mở mang Vương-quốc của Ngài. Người được Chúa bảo tồn cũng được Ngài ban phước dồi dào (24).
Vì thế, lợi ích của sự tuân giữ các luật lệ và kính sợ Đức Chúa Trời vượt xa những điều ao ước tầm thường về của cải vật chất của người nặng tâm tính xác thịt. Và những ai có tâm tánh ấy sẽ chẳng nhận được ơn phước gì hết.
Một ích lợi nữa có tính cách vĩnh cửu cho những ai cẩn thận tuân giữ tất cả các điều răn của Đức Chúa Trời, tức có một đời sống kính sợ Ngài, là được Chúa xưng công chính (25).
Tuy nhiên, như sứ đồ Phao-lô đã trình bày qua thư gửi cho tín hữu tại thành Rôma, là vì không một ai có thể giữ trọn được luật pháp để được kể là công chính, nên Đức Chúa Jesus đã phải chịu hình phạt án chết, làm lễ vật chuộc tội, để người nào tin và tiếp nhận ơn cứu chuộc của Ngài thì sẽ được kể là công chính.
Điều đó không có nghĩa là chỉ cần đức tin mà không cần tâm linh thánh khiết và nếp sống thanh sạch trước mặt Đức Chúa Trời. Vì thế ích lợi của đời sống thánh khiết và thanh sạch là vô cùng lớn và quan trọng đối với mọi người là tín đồ của Đức Chúa Jesus Christ.
PhucTruyen05.docx
Rev. Dr. CTB