Tín Đồ Của Chúa, bài 14

Giăng 21:1-19

Bốn mươi ba năm đối với lịch sử giống như một cái chớp mắt, nhưng đối với một đời người thì đó là một khoảng thời gian khá dài. Người Việt lưu vong nhìn lại quá khứ mỗi khi ngày quốc hận lại đến, chợt thấy cuộc đời giống như một giấc chiêm bao.

Nhưng khi tỉnh lại với thực tế đời sống, công ăn việc làm, nhà cửa xe cộ, tiền bạc thuế má, thì không còn là giấc chiêm bao nữa. Hiện chúng ta đang được sống trong một xã hội tự do và an ninh hơn đồng bào còn lại ở quê nhà. Dù sao, nhiều người may mắn đã nhận nơi nầy làm quê hương, vì vô số người khác vẫn ước ao có cơ hội được vào sống ở một quê hương mới mà không được.

Nói cho cùng, sau những khổ đau bốn mươi ba năm trước, hàng triệu người Việt đã trở thành công dân của một nước hùng cường nhất thế giới. Có lẽ ít có ai trong số người đó muốn trở về sống nơi quê cũ thiếu thốn trăm bề.

Các môn đồ của Đức Chúa Jesus cũng rơi vào một tình trạng đầy bối rối. Vị Thầy đầy quyền năng của họ đã chịu bị bắt, bị đóng đinh, bị chôn, sống lại, hiện ra an ủi họ trong chốc lát rồi biến mất; họ không biết Thầy mình đang ở đâu, bây giờ họ phải làm gì? Không có sự giải đáp nào cho tình trạng lúng túng.

Họ nghe Đức Chúa Jesus nói rằng: “Như Cha đã sai Ta thể nào, Ta cũng sai các con thể ấy” (Giăng 20:21), nhưng họ vẫn chưa biết mình được sai làm điều gì và sẽ làm như thế nào. Không thể tiếp tục chờ mãi ở Jerusalem, họ trở về quê quán ở Ga-li-lê.

Có lẽ quẩn quanh vài ngày không làm gì hết đã thấy chán. Si-môn Phi-e-rơ đưa ra đề nghị: “Tôi đi đánh cá!” Mấy môn đồ kia hưởng ứng liền: “Chúng tôi đi với anh!” Họ cùng nhau đi đánh cá vì nhu cầu của đời sống và vì họ vốn là dân chài lưới quen hoạt động, nên chẳng ai muốn ngồi thụ động cả.

Có lẽ có nhiều lý do khiến họ phải đi đánh cá ban đêm. Nước êm, ít sóng, cá không thấy lưới hoặc chúng vào gần bờ hơn, nên có nhiều hi vọng bắt được nhiều cá hơn ban ngày. Đi ban đêm ít người thấy họ trở lại nghề đánh cá.

Mấy năm trước, họ bỏ lưới đi theo thầy học đạo. Thầy họ nổi tiếng, họ cũng hãnh diện lây. Dân trong vùng đã biết họ là môn đồ của Đức Chúa Jesus; khi danh tiếng Ngài thu hút hàng ngàn người vây quanh nghe Ngài giảng và được Ngài chữa lành, thì môn đồ của Ngài là những người phải sắp xếp, tổ chức đám đông cho có trật tự (Mác 6:38-40), người ta tôn kính thầy thì họ cũng được trọng vọng.

Nhưng bây giờ trở về quê cũ, họ thấy xấu hổ vì Thầy họ đã bị làm nhục, bị giết và bây giờ không biết đang ở đâu. Giống như trở về trắng tay sau cuộc phiêu lưu đầy hãnh diện, nên đi ban đêm đỡ tủi nhục hơn khi đi ban ngày.

Suốt đêm ấy họ không bắt được gì hết. “Trời vừa sáng, Đức Chúa Jesus đứng trên bờ, nhưng các môn đồ không biết đó là Đức Chúa Jesus“(4). Ngài biết họ chẳng bắt được con cá nào (5) nên bảo phải thả lưới bên hữu thuyền, họ vâng lời thả lưới và bắt được quá nhiều cá đến nỗi kéo thật khó khăn (6).

Chỉ hai chi tiết nầy cũng đủ cho ông Giăng, người sứ đồ được Thầy yêu thương đặc biệt hơn các sứ đồ khác, biết người đang đứng trên bờ chính là Đức Chúa Jesus. Phi-e-rơ vội mặc áo, nhảy xuống nước lội vào bờ (7). Các môn đồ khác đem thuyền vào, khi lên bờ “họ thấy tại đó có lửa than với cá đang nướng ở trên và có bánh nữa” (8-9).

Có lẽ các sứ đồ rất lúng túng, nhất là Phi-e-rơ. Chẳng ai dám lên tiếng hỏi gì hết. Dường như họ cảm thấy xấu hổ vì không chờ lệnh Thầy, tự động trở lại nghề cũ mà không bắt được con cá nào hết, họ ăn trong im lặng (10-14).

Từ lúc Đức Chúa Jesus xuất hiện cho tới khi họ ăn xong, chẳng ai lên tiếng chào đón hay hỏi thăm gì hết; chỉ một mình Đức Chúa Jesus nói với họ mà thôi. Bây giờ Ngài hỏi trực tiếp ông Phi -e-rơ.

Khi ông xưng Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống (Mathiơ 16:16) thì ông được Ngài đặt tên là Phi-e-rơ (Pedro tiếng Latin dịch từ chữ Cephas tiếng Aram) nghĩa là hòn đá.

Nhưng trong lần thứ ba hiện ra với một nhóm môn đồ, Đức Chúa Jesus không gọi ông là Cephas nữa, mà Ngài gọi ông bằng tên do cha mẹ ông đặt cho: “Simon, con của Jonas, con yêu Ta hơn những người nầy không?” (15). Tại sao Ngài không gọi ông bằng tên do chính Ngài đặt?

Khi Phi-e-rơ theo Đức Chúa Jesus để xin được làm môn đồ Ngài, ông được Ngài chấp nhận cho theo. Lúc ấy ông vẫn là Simon, người đánh cá, con của Jonas. Ông chỉ được trở thành môn đồ thân cận và được Ngài đặt tên mới, Cephas, khi ông nhận biết Ngài là Chúa Cứu Thế.

Nhưng trong đêm Ngài bị bắt, Phi-e-rơ đã ba lần mở miệng chối mình không phải là môn đồ của Chúa. Ông tự từ bỏ tên Cephas do Chúa đặt cho và trở lại làm Simon như trước.

Chúng ta đã được Đức Chúa Trời đem vào gia đình của Ngài. Người nào thật lòng tiếp nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, là Đức Chúa Trời hằng sống từ trời đến thế gian làm người, thì đều đã có tên mới do Chúa đặt cho.

Hầu hết chúng ta không biết hay chưa được biết tên mới của mình vì chối Chúa rất nhiều lần mà không ý thức được hành động hay lời nói của mình làm cho Chúa bị tổn thương.

Chúa vẫn gọi chúng ta để trò chuyện, nhưng Ngài chưa thể gọi bằng tên mới cho tới chừng nào chúng ta không còn làm Ngài bị tổn thương bằng các hành vi hay tâm lý sợ đứng về phía chân lý của Chúa, hoặc trung thành với Hội thánh thì bị thiệt hại hay bị nhục mạ (Khải huyền 2:17). 

Đức Chúa Jesus hỏi ba lần, Phierơ trả lời ba lần, và ba lời đáp của Ngài có chút ít thay đổi ý nghĩa trong đó (15–17). Chúa không gọi tên Cephas mà Ngài đã đặt, cũng không gọi ông là kẻ phản bội, dù ông đáng bị gọi như thế, nhưng là: “Simon, con của Jonas, con yêu Ta hơn những người nầy không?” Câu hỏi nầy có thể hiểu bằng hai cách: 1) Ngươi có yêu Ta hơn là yêu những người nầy chăng? hoặc, 2) Ngươi có yêu Ta hơn tình yêu những người nầy dành cho Ta không?

Hãy để ý rằng Chúa không hỏi ‘Ngươi có sợ Ta không?’ hoặc ‘Ngươi có kính trọng Ta, và ngưỡng mộ Ta chăng?Điều mà Chúa tìm kiếm trong những người ăn năn là cách họ nhìn xem Chúa qua sự ăn năn của họ.

Như Ngài đã phán về người đàn bà bị nhiều tai tiếng “Vì thế, Tôi nói cho ông hay, chị ấy đã được tha nhiều tội, nên yêu thương nhiều. Còn ai được tha ít, yêu thương ít” (Luca 7:47).

Đức Chúa Jesus yêu thương bầy chiên vô cùng, Ngài không tin cậy kẻ chăn nào không kính mến Ngài. Vì có yêu mến Ngài mới biết yêu thương bầy chiên Ngài giao cho.

Trước khi giao bầy chiên, Ngài phải hỏi ‘Con có yêu Ta không?’ Lòng yêu mến Chúa giúp cho người chăn bầy nhẫn nại chịu đựng khó khăn và thất vọng mà họ gặp trong thánh vụ.

Đức Chúa Jesus luôn hỏi những ai hứa nguyện phục vụ Ngài: “Con có yêu Ta hơn yêu vợ, con cái, cha mẹ, anh chị em, công việc làm ăn, tiền bạc, tài sản, các dự định và ước vọng riêng của con không?” Ai tuyên bố rằng mình yêu kính Chúa đều phải trả lời câu hỏi nầy.

Việc Chúa hỏi ông Phierơ đã qua rồi; ngày nay Chúa đang hỏi quý ông bà anh chị em bằng câu hỏi xoáy trong tim nầy. Nếu anh chị em thật lòng kính yêu Chúa, thì có chịu từ bỏ tâm tánh của cái tôi vẫn thường khiến Ngài bị mang tiếng không?

Ý nghĩa của hai lần hỏi đầu là “Con có dành lòng nhân ái cho Ta không?” (agapas me). Lần hỏi thứ ba có nghĩa là: “Có thật là con hết lòng yêu Ta không?” (17a).

Cả ba lần Phierơ đều trả lời “Vâng, thưa Chúa, Chúa biết con yêu Chúa!” Ông không giả bộ nói rằng mình yêu Chúa hơn các môn đồ khác, ông chỉ xin Chúa suy xét tình yêu của ông dành cho Ngài “Lạy Chúa, Chúa biết tất cả, Chúa biết con yêu Chúa” (17b).

Phierơ chối Chúa ba lần, tự mình từ bỏ mối liên hệ với Chúa. Sau khi ông ăn năn, Đức Chúa Jesus phải hỏi ba lần để đem ông trở vào mối liên hệ mà ông vốn có với Ngài. Sự gợi nhớ nào về tội lỗi đã phạm, dù được tha thứ, cũng gây đau khổ cho người đã ăn năn.

Phierơ cương quyết thưa: “Con thật lòng yêu Chúa” (philõ se). Còn chúng ta ngày nay thì sao? Có bao nhiêu người dám thưa “con thật lòng yêu Chúa và sẵn sàng từ bỏ cái tôi của con“?

Đức Chúa Jesus ba lần giao nhiệm vụ chăm sóc bầy chiên cho Phierơ: “Hãy nuôi các chiên con của Ta,” “hãy chăn bầy chiên non trẻ của Ta,” “hãy nuôi đàn chiên Ta.

Phận sự “chăn” mà Chúa giao ở đây là ‘nuôi ăn.’ Người chăn bầy phải cho chiên con ăn đúng loại thức ăn, phải dùng đúng loại đồ ăn thích hợp cho chiên nhỏ và lớn.

Bổn phận của mọi người hầu việc Chúa là ‘nuôi ăn’ bầy chiên của Chúa, cung cấp đúng thức ăn thiêng liêng để họ hiểu rõ giáo lý của tin mừng.

TinDoCuaChua14.docx

Rev. Dr. CTB